Tình yêu hay sự ích kỷ

 Đi chơi mấy xứ hồi giáo mình thấy đồng chí gái than cho phụ nữ địa phương là phải che mặt chỉ còn đôi mắt để thấy đường, thậm chí nhiều nơi cũng làm lưới che luôn cặp mắt vì có nhiều nơi, phụ nữ có cặp mắt rất đẹp như tấm ảnh nổi tiếng được đăng trên tạp chí National Geographic, đến 20 năm sau, ông phó nhòm đi tìm để chụp lại hình ảnh cô gái năm xưa.

Khi mình đọc tự truyện của ông Gandhi, có đoạn nói về người vợ như sau: “Tham vọng của tôi là làm cho nàng sống một cuộc đời trong sạch, học những gì tôi học được, và đồng hóa đời nàng, tư tưởng nàng với đời sống và tư tưởng của tôi.”“ý nghĩ ấy khiến tôi hay ghen tuông, bổn phận của nàng dễ dàng biến thành quyền của tôi ép buộc sự trung thành nơi nàng và nếu sự trung thành đã bị ép buộc, thì tôi luôn luôn tự cho mình đúng” ; “Nếu tôi có quyền cấm này, thí há nàng không có quyền tương tự đối với tôi sao? Tất cả điều này ngày nay với tôi rất rõ rệt. Nhưng thời ấy tôi phải củng cố uy quyền của một đức lang quân” , giúp mình giác ngộ cách mạng về cách hành xử với đồng chí gái và từ đó thay đổi cách nhìn về người vợ. Vấn đề là đồng chí gái không suy nghĩ như vợ ông Gandhi.

Đọc cuốn sách này mình mới hiểu lý do ông Gandhi, khi xưa hay có một bà người anh đi theo làm phụ tá thay vì người vợ. Ông ta không muốn ích kỷ, bắt bà vợ phải theo ông ta học tập về cuộc tranh đấu độc lập cho dân tộc ông ta. Sau này, mình thấy bà Penelope Faulkner (Ỷ Lan) hay đi theo ông Võ Văn Ái để tranh đấu cho quyền làm người Việt Nam như bà thư ký người Anh quốc của ông Gandhi. Hình như ông Võ Văn Ái đã qua đời tại Pháp năm nay. Thấy trên trang Quê Mẹ, nay là con trai của ông ta tiếp tục con đường của ông ta.

Có lẻ mình quen với văn hoá Việt Nam từ bé dù học trường Tây, khi học việt văn, cứ nghe “trai tài 5 thể 7 thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”,… những câu ca dao, vè này đã cấy trong đầu mình những hạt mầm gia trưởng phong kiến. Khi sang Pháp, mình bị khựng vì thấy đầm hút thuốc như cái ống khói thêm uống rượu mà ở Việt Nam, mình chưa bao giờ hiển thị, khác với hình ảnh mình được dạy dỗ về mẫu người phụ nữ đảm đang, công dung ngôn. Mình cần một thời gian dài mới hoà nhập, loại bỏ tư tưởng phản động ấy đi, giao tiếp với đầm rất được Tây hoá.

Đến khi sang Hoa Kỳ, quen mấy cô gốc Việt thì mình không biết phải xử sự ra sao? Theo Mỹ hay theo mít đến khi lấy vợ thì mới bắt đầu hiện ra những mâu thuẫn. Vợ mình có một cái nhìn thằng “Dôn” phải như thế này thế kia còn mình thì nghĩ theo kiểu Việt Nam vì lấy vợ việt nên vợ chồng hay giận lẫy đến khi mình đọc cuốn tự truyện của ông Ghandi kể về cuộc đời ông ta, nhất là trang 22. Từ đó, đời sống vợ chồng bớt căng thẳng, vui vẻ mà mấy tên bạn mình kêu là thằng sợ vợ.


Khi được nhận vào đại học USC về môn thương mại thế giới, con gái mình nhắn tin; cảm ơn bố mẹ đã không bắt nó học y khoa như bạn gốc Á châu của nó khiến mình thấy lạ. Hỏi ra thì đa số bạn bè của con mình đều được bố mẹ thúc dục học y khoa hay nha khoa, tệ lắm thì dược khoa. Nói chung đa số người Việt đều thích con mình thành một “ sĩ” thời đại.


Mình thì ngược lại, con muốn làm gì thì cứ làm vì chúng có mục đích của chúng, không nên ép buộc chúng vì khi không thích thì sẽ không làm gì hay. Học y khoa mà không thích thì sẽ nhàm chán, làm ra tiền nhưng chỉ biết nuôi bệnh nhân kiếm tiền thay vì lao đầu vào nghiên cứu khoa học để cứu trị bệnh nhân. Chúng ta sẽ vô tình làm mất đi một thiên tài vì người Mỹ dạy con cái mình ở học đường; hãy đeo đuổi giấc mơ của bạn. Cũng có thể vì chúng ta có những mộng ước nhưng không có khả năng thực hiện được nên mượn con cái thực hiện dùm mình.

Mấy năm về trước, có một sinh viên giết mẹ anh ta vì bà ta cứ ép buộc anh ta theo học y khoa. Mình nghe kể có một anh kia đậu y khoa xong thì đưa cái bằng y sĩ cho bố mẹ rồi đi làm về ngành công nghệ mà anh ta yêu thích. Tốn tiền bạc học hành trong vòng 3, 5 năm. Có một gia đình quen, cấm cản cô con gái học về Mỹ thuật, bắt học y khoa nhưng cô con gái thuộc loại phản động nên nhất quyết học ngành mình yêu thích, không cần đến sự trợ giúp của cha mẹ, nay bà mẹ kêu không ngờ lương về Mỹ thuật cũng hơn ngành y khoa. Hôm ở Boston, có anh bạn kể cô con gái học Harvard mới 24 tuổi được Google trả $300,000/ năm.

Mình quen nhiều triệu Phú Mỹ mà người ta gọi “millionaire next door”, ra đường họ ăn bận bình thường, đi xe bình thường nhưng họ lại mua mấy trăm mẫu đất trên núi rồi tặng cho hội Lions quốc tế để cho con nít nhà nghèo lên đó chơi, nghỉ hè hay trượt tuyết. Họ không cần bận đồ xịn, đi xe láng cóng để tạo ra hình dáng thành đạt.


Vấn đề là cha mẹ thường lầm lẫn về tình thương. Họ cho rằng ép buộc con mình học theo ngành y khoa, nha khoa,…làm theo những gì mình nghĩ là tốt thì đó mới là yêu thương. Trong buổi lễ trao giải thưởng cho nữ sinh được bầu làm hoàng hậu của niên học, con gái mình được bầu làm ”Công Chúa” cùng 4 nữ sinh khác, nhờ học tập, sinh hoạt ở trường, không phải kiểu thi hoa hậu, vì mấy cô rất to béo. Có hai vợ chồng gốc việt, có con gái học chung lớp với con mình và rất giỏi, đoạt huy chương, bằng khen về Science Fair. Mình chỉ mong con mình học được 1/2 con gái ông ta là mừng, đây ông ta lên tiếng chửi con gái ngu vì muốn theo học khoa học thay vì y khoa. Ông ta viện lý do là làm kỹ sư như ông ta thì về già sẽ bị sa thải. Mình không biết ông ta ngu sinh ra con gái ngu, đứng đầu trường khi tốt nghiệp trung học. Cô con gái thấp thấp người, béo béo vì ăn quá, không chơi thể thao trong khi con gái mình thì mỗi ngày đều bơi 2 tiếng đồng hồ. Khi xưa, nếu biết mình sẽ trở lại làm nghề nông dân thì khỏi đi học, mất công tốn thời gian.


Hồi nhỏ, nghe người lớn kêu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, mỗi lần có khách đến nhà vì tính hay hóng chuyện người lớn của mình, lâu lâu mình nghe cái gì không ổn thì hỏi là bị chửi, mi ăn cơm hớt hay răng, thậm chí bị ăn tát khi đặt những câu hỏi mà người lớn không trả lời được.


Ông cụ mình gốc Sơn Tây nên có dạo ông Nguyễn Cao kỳ lên làm thủ tướng hay chi đó, ông cụ nổi hứng kêu là NCK khi xưa học chung với cụ. Mình cảm thấy hãnh diện vì có bố là bạn học của ông chủ tịch ủy  ban hành pháp trung ương, thấy ngoài khu Hoà Bình, có treo biểu ngữ, chính phủ Nguyễn Cao Kỳ là chính phủ của người dân,…


Ra chợ, mình ghé hàng bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, đường Duy Tân, khoe là bố cháu là bạn học ông Kỳ. Bà Phúng nói, mi về kêu ba mi nói Nguyễn Cao Kỳ cho bạn học cũ một tạ gạo. Thấy có lý, mình về nhà nói ông cụ, bị ông cụ tán cho mấy bạt tai nhớ đời. Từ đó hết dám khoe Nguyễn Cao kỳ là bạn học bố tao. Lớn lên mình nhất quyết sẽ không bao giờ thấy người sang bắt quàng làm họ.

Văn hoá việt với tư duy cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, phát khởi từ văn hoá tre làng, bị ảnh hưởng của nho giáo. Lý do là khi xưa, khái niệm là một người làm quan cả họ được nhờ, tương tự một người làm phản, cả họ bị tru di Tam tộc. Do đó người trưởng gia đình, trưởng tộc cần phải chăm sóc và bắt buộc con cháu nghe lời mình vì lạng quạng cả họ bị tru di Tam tộc như trường hợp Nguyễn Trãi hay Cao Bá Quát. Mình có quen một bác, là người con trai duy nhất của dòng họ sống sót nhờ có người che chở, đổi tên họ nuôi ở xa mới thoát cảnh bị tru di Tam tộc.


Với những quyền huynh thế phụ đủ trò, đưa đến sự áp đặt quan niệm hạnh phúc, là lý do chính đáng cho sự cường quyền trong gia đình. Mình về quê, gặp mấy ông chú họ, kêu bố mày mất, bọn tao thay thế bố mày để dạy mày,… nghe đến đây là chim dế mình bổng biến mất, mặt xanh như đít nhái. Bỏ chạy khỏi làng như ông cụ mình khi xưa bị du kích bao vây nhà để giết vì không theo họ.


Cha mẹ người Việt kêu là yêu thương con cái nên bắt chúng nghe lời, học y khoa, nha khoa,.., giúp họ tự trấn an mình, mình làm vậy vì yêu thương thật lòng như câu tục ngữ khi xưa học “thương cho roi cho vọt ghét cho ngọt cho Bùi”. Ngày xưa, mình bị ông cụ khệnh lên khệnh xuống rồi được nghe câu này, khiến mình chỉ mong ông cụ ghét mình thôi.


Cha mẹ ép buộc con cái theo ý nguyện của mình không được thì phang ngay là “Đồ con bất Hiếu”, thiếu đạo Đức cách mạng, theo bạn xấu. Như ông Gandhi tự thuật, tự hỏi lòng yêu thương vợ hay lòng ích kỷ. Có lẻ những cha mẹ khi xưa vì thời cuộc hay khả năng không học được y khoa,..nên ngày nay bao nhiêu mộng ước của họ đều trút lên đầu con cái của mình, để con họ thực hiện dùm cho mình.

Dạo trước, mỗi lần đi đâu vợ chồng hay cãi nhau. Lý do là mình cứ thấy bộ đồ nào gần nhất trong tủ áo là lấy bận trong khi vợ mình thì có hình ảnh hai vợ chồng bận áo quần cho hợp màu mè. Cuối cùng là mụ vợ ủi quần áo sẵn cho mình, mình về là cứ bận vào cho hợp ý mụ vợ. Tư duy mình là tư duy nông dân nên rất bình dị, chả cần bận áo quần gì cho sang. Có bộ đồ vía, mua từ khi sang Hoa Kỳ đến giờ, 38 năm vẫn bận đi ăn tiệc, có chết thằng Tây nào đâu. Nông dân thì bận đồ smoking, tuxedo vẫn không dấu được cái cốt bần cố nông. 


Từ từ mình bớt ích kỷ nữa, cứ bận áo quần mà vợ thích cho khoẻ, khỏi tranh cãi nhức đầu. Trong vũ trụ, đời sống thường nhật, chúng ta tương tác với nhiều người, đi với bụt bận áo cà sa, đi với ma bận áo giấy nên cứ bận áo quần mà mụ vợ thích là khoẻ.


Vợ mình thuộc loại hoa khôi của Trưng Vương một thời, xúi quẩy lấy một tên da đen, xấu trai, bần cố nông nên khi ra đường như hai thái cực lưỡng nghi. Do đó nhiều khi mình cần lên đồ do vợ muốn để vợ mình bớt xấu hổ với bạn bè, lấy thằng xấu giai lại đen. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tại sao nhiều y sĩ tự tử tại Hoa Kỳ

Tình cờ mình đọc một tờ báo bên Anh quốc, nói về tình trạng các bác sĩ mỹ tự tử hàng năm quá cao, từ 300-400 y sĩ dù nghề nghiệp đưa họ đến sự giàu sang, phú quý mà xã hội xứ này cổ xúy đó chưa kể các sinh viên y khoa tự tử vì áp lực. Bố mẹ nào cũng muốn con mình đi học y khoa, nha khoa nhưng ít ai biết đến bí mật sau vẻ hào nhoáng của những lương y như từ mẫu. Đọc xong bài này thì tò mò mình lên trang của cơ quan y tế quốc gia để kiểm chứng thì thất kinh. Thường tin tức về Hoa Kỳ thì mình kiếm báo ngoại quốc đọc vì báo mỹ ít đưa những loại tin này. Họ dấu những thực tại về giấc mơ Hoa Kỳ. Muốn rõ thì lên các trang nhà của cơ quan y tế Hoa Kỳ như CDC hay NIH để đọc thêm tin tức về những thống kê này.

Bà bác sĩ Cunningham

Có thống kê khiến mình hoảng tiều nên dẫn về đây.

Facts About Physician Depression and Suicide

  • Each year in the U.S., roughly 300 - 400 physicians die by suicide;
  • In the U.S., suicide deaths are 250 - 400% higher among female physicians when compared to females in other professions;
  • In the general population, males complete suicide four times more often than females. However, female physicians have a rate equal to male physicians;
  • Medical students have rates of depression 15 to 30% higher than the general population. Depression is a major risk factor in physician suicide. Other factors include bipolar disorder and alcohol and substance abuse;
  • Women physicians have a higher rate of major depression than age-matched women with doctorate degrees;
  • Contributing to the higher suicide rate among physicians is their higher completion to attempt ratio, which may result from greater knowledge of lethality of drugs and easy access to means.

(Source: The American Foundation for Suicide Prevention)  

Trong một buổi họp thường niên của Association of Academic Surgery, nổi tiếng của các chuyên gia hàn lâm về phẫu thuật tại Hoa Kỳ và Gia-nã-đại. Bà bác sĩ Carrie Cunningham, đứng trước cử toạ độ 2,000 đồng nghiệp tham dự từ Hoa Kỳ và Gia-nã-đại, bắt đầu kể về cuộc đời của bà ta.

Bác sĩ Cunningham, một trong những nạn nhân của bệnh nghề nghiệp

Từ bé, bà từng là một tay quần vợt nhà nghề thiếu nữ, rồi phụ tá giảng viên đại học phẫu thuật của Harvard, được xem là thành công, được người đời trọng vọng nhưng tôi cũng là một con người. Rồi kể về bệnh trầm cảm, áp lực, lo âu và nay nghiện thuốc. Sau khi chấm dứt phần nói chuyện, cả hội trường rơi vào im lặng. Theo thống kê số y sĩ tự kết kiểu đời mình tương đương số y sĩ tốt nghiệp ra trường của một đại học y khoa hàng năm. Sau đó bà ta được nhiều bác sĩ liên lạc và cảm ơn đã can đảm nói đến vấn nạn mà các y sĩ tại Hoa Kỳ gặp phải nhưng không dám nói vì sợ tai tiếng.


Mình nghe đến nha sĩ tự tử nhiều nhưng rất ngạc nhiên khi nghe nói đến y sĩ. Mình tưởng làm nghề thầy thuốc, bệnh nhân đến ký cái toa lượm tiền về cho vợ mua sắm. Mình có hai anh bạn bác sĩ trẻ hơn mình nhưng về hưu sớm, để hôm nào gặp họ, sẽ hỏi rõ hơn. Nhà cửa to đùng, giá mấy triệu đô la, có tàu chạy trên hồ, ai nấy đến nhà cũng thèm thuồng, nghĩ nếu làm lại từ đầu chắc mình đi học y khoa nhưng nay đọc tài liệu về mặt trái của các y sĩ, phải chịu nhiều áp lực khiến mình thất kinh. Làm nông dân tuy cực nhưng khoẻ cái đầu.

Andy Nguyen bổ túc. Xem cái này mình hoảng luôn vì tỷ lệ điều dưỡng viên, y tế quá cao


Thống kê cho biết các y sĩ giải phẫu chiếm đa số trong số y sĩ tự tử. Trong số 697 y sĩ tự tử chết từ 2003 đến 2017 được CDC công bố thì có đến 71 y sĩ phẫu thuật, học thêm nhiều năm về chuyên khoa và mượn tiền. Hôm trước có người thân kể khi xưa cho cô con gái độc nhất sang Hoa Kỳ học tốn trên 1 triệu, từ cử nhân rồi qua điều dưỡng rồi đến nha sĩ. Tại học xong thì không chịu về Việt Nam nên học tiếp như Lenin đã nói, học học học mãi đến khi có giấy tờ hợp thức hoá định cư tại Hoa Kỳ.  


Có rất nhiều y sĩ tự tử không được công bố hay thống kê. Các y sĩ này được huấn luyện phẫu thuật, nhiều khi bệnh nhân chết khiến tinh thần họ dao động. Ngoài ra phải cẩn thận vì tiền bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp khá cao, sợ bị bệnh nhân kiện tụng nếu sai phạm. Mình có bà mướn nhà, đi mỗ thì bác sĩ hay y tá quên lấy bông Gòn ra khiến bà ta đau, phải mỗ lại. Luật sư kiện phải trả đâu trên nữa triệu đô cách đây 25 năm. Ngoài ra học xong y khoa mượn nợ có thể lên nữa triệu đô, trả nợ mệt thở. Mình có thằng cháu học chuyên khoa nhổ răng cấm, nợ gần 400,000.


Bà bác sĩ Cunningham, có một người bạn đồng nghiệp đã kết liễu cuộc đời nên bà ta muốn cứu sống các bạn đồng nghiệp khác và cá nhân mình nên nhất quyết nói lên vấn nạn này dù lo sợ có thể bị nhà thương trù dập, sa thải vì hé lộ sự thật của ngành y khoa tại Hoa Kỳ.


Bà Cunningham cho biết từ bé đã tranh tài tại các giải quốc tế quần vợt. Huấn luyện viên chỉ dẫn cho bà ta kiểm soát tinh thần tâm lý của mình để tranh tài và tập luyện. Năm 17 tuổi đã trở thành chuyên nghiệp, được xếp hạng thứ 32 trên thế giới và đã từng đấu với Steffi Graf chỉ thua trong gang tấc.


Năm lên 18 bà ta thua ở giải mở rộng Pháp và bị trầm cảm từ đó. Cuối cùng bà ngưng tranh tài quần vợt và trở lại ghế nhà trường, theo học đại học, cuối cùng theo ngành y khoa tại đại học y khoa Cornell sau đó thì học chuyên khoa tại đại học Harvard và lấy chồng cùng ngành và trường.


Bên ngoài thì người ta nhìn bà ta và chồng là một cặp vợ chồng thành công nhưng bên trong nội tâm lại che dấu một vấn đề khác. Tài liệu cho biết các nữ y sĩ hay bị hư thai hay vô sinh. Mình nhớ khi xưa ở New York, có quen một cô mới tốt nghiệp y sĩ và đang làm nội trú ở New York. Có hôm đang ăn cơm, bổng nhiên cô ta mở cái pager, rồi đi ra quầy mượn điện thoại để gọi nhà thương. 5 phút sau, cô ta trở lại kêu nhà thương kêu vì hôm đó cô ta trực nên phải chạy. Xin lỗi để lần khác. Thấy vậy mình cũng Chán Mớ Đời nên không thích quen mấy cô bác sĩ.


Người ta kể chương trình học tập y khoa tại Hoa Kỳ dựa theo chương trình của ông William Halsted, người tiên phong trong ngành phẫu thuật tại nhà thương Johns Hopkins đầu thế kỷ 20. Ông Halsted bị nghiện ngập cocaine dù đã khám phá các kỹ thuật giải phẫu, cuối cùng chết sớm. Mỗi ngày cứ phải lo bệnh nhân chết hoài cũng ớn lạnh. Cứu chữa bệnh nhân không được nên chắc bị lộn xộn đầu óc. Dạo mình qua Hoa Kỳ đi du lịch thì có một chị bạn học cũ làm điều dưỡng viên. Chiều tối chi ta đi làm về buồn, nói có một bệnh nhân nhỏ tuổi mới qua đời, chị ta buồn chẳng muốn làm gì.


Mình nhớ có lần nghe báo chí nói về một ông y sĩ gốc Việt, đã giải phẫu thằng con mình khi còn bé, ông ta vô khách sạn chơi ma tuý bị bắt và bị tước bằng hành nghề. Hình như ông ta là chồng của một cô luật sư nổi tiếng ở Bolsa. Có một cô quen kể hai vợ chồng người em bị ở tù vì kê toa thuốc giảm đau quá đô cho bệnh nhân.


Bà Cunningham cho biết đêm đầu tiên trực ở nhà thương, bà thấy 3 bệnh nhân qua đời trước mặt mình, bà ta không biết phải ghi ra sao trong hồ sơ y tế. Bà tự nghĩ chắc sẽ quen. Bà ta có một cô bạn đồng nghiệp cùng học chung trường y khoa, năm cuối cùng của chương trình nội trú, cô bạn bị khủng hoảng tinh thần và 6 tháng sau tìm cách kết liễu đời mình.


Nghề nghiệp của bà Cunningham lên như diều vì, trở thành phụ tá giáo sư giải phẫu tại trường y khoa Harvard và nhận được một ngân khoản của NIH để nghiên cứu về ung thư. Bà ta sinh được 2 người con, hư thai 1 lần rồi bệnh trầm cảm tái phát và ly dị. Bà ta bắt đầu uống rượu để trốn chạy khỏi sự lo âu và trầm cảm.


Một hôm, ngồi với mấy đồng nghiệp, uống rượu ra sao đó rồi bà ta nói muốn tự tử khiến họ lo ngại và báo cho giám đốc nhà thương. Nhà thương nói bà ta có thể nghỉ làm việc một thời gian. Sau đó bà ta muốn chữa bệnh, qua các test thì khám phá ra bà ta không còn khả năng chữa bệnh, bà ta phải theo khoá phục hồi tinh thần trước khi được hành nghề lại. Kinh


50 năm trước có một bản báo cáo gọi người  The Sick Physician, xem link do hiệp hội y sĩ Hoa Kỳ (American Medical Association) nói về tình trạng các y sĩ bị tổn thương tâm lý, nghiện rượu và ma tuý. Tỷ lệ y sĩ bị nghiện ma tuý từ 30-100 lần cao hơn người dân bình thường, có khoảng 100 bác sĩ tự tử hàng năm (cách đây 50 năm).

 https://www.acgme.org/globalassets/PDFs/ten-facts-about-physician-suicide.pdf


Theo báo cáo năm 2023, thì các y sĩ vẫn tiếp tục chịu đựng về tinh thần nhất là trong đại dịch Covid, nhiều y sĩ tự tử vì thấy chết chóc quá nhiều. Họ cho biết 9% y sĩ nam và 11% y sĩ nữ có tư tưởng tự tử. Họ có nghi vấn là con số này có thể cao hơn vì các y sĩ không muốn báo cáo về tình trạng của họ vì lý do cá nhân.

 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5863651/ Theo NIH thì tỷ lệ y sĩ tự tử nhiều gấp 4 lần người thường. Kinh


Viết tới đây mới nhớ khi xưa có một cô bạn kể ông cậu du học y khoa tại Hoa Kỳ rồi tự tử khiến cô nàng muốn học y khoa để hiểu nguyên do ông cậu thông minh, học giỏi rồi tìm chết. Con gái mình khi được nhận vào đại học môn nó thích, nó chỉ nhắn tin cho hai vợ chồng, cảm ơn đã không bắt nó học y khoa như bạn học gốc việt.


Đọc tài liệu này khiến mình thất kinh, trước đây mình nghĩ nghề y sĩ hốt nhiều tiền, nhưng ngu lâu dốt bền như mình thì khó theo học, ai ngờ thấy vậy mà không phải vậy. Trồng bơ bán tuy ít tiền mà làm bạn với coyote và sóc cũng qua ngày. 


Có lẻ bị áp lực rất nhiều nên chịu không nổi. Nói chung sống tại Hoa Kỳ, một xã hội được cổ xúy tiêu thụ, phải có nhà có cửa có xe mà loại xịn, đủ trò. Mấy bà gặp nhau là kể mua cái này cái nọ nên phải Nai lưng đi làm thêm để mua sắm, mượn thêm nợ. Khi mình ở âu châu thì thiên hạ vừa đi nghỉ hè một tháng về, họ bắt đầu tính đến chuyến đi chơi tới. Ít ai nói đến mua nhà mua cửa, mua xe. Họ mướn nhà ở thỏi mái lại thêm luật pháp bảo vệ người mướn nhà. Còn ở Hoa Kỳ cứ lo bị sa thải, mất nhà mất cửa đủ trò nên bị áp lực quá nên vợ chồng gây gỗ, bỏ nhau nhiều.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Có người cho biết người quen nên dẫn về đây


Mình có người bạn đồng nghiệp là một bác sĩ VN trẻ . Quá dễ thương và tò mò . 

Tính tò mò là tính tốt trong ngành y khoa để tìm tòi học hỏi và chữa bệnh . 

Ông này hay vào lab của mình gíúp ý kiến này nọ và hay đi kiện cằn nhằn nhà thương dùm mình . Rất tận tâm . 

Lab mình gọi ông là doctor inspector gadget vì hay lủng lẳng đủ thứ computers giây nhợ trên người . Ngày trước là kỹ sư xong học y chắc tại bố là y sĩ ở VN . 

Lúc trẻ ông về VN làm thiện nguyện rất nhiều .

Vợ đẹp. luật sư, con gái dễ thương . Bố mẹ đề huề và phòng mạch đông khách . Tự tử chết mất tiêu . 

Đến bây giờ mình vẫn còn shock . Cứ nghĩ đến là tiếc nuối và thương cảm . 

Ông tự tử rất khôn để không đau đớn bằng cách thở hít helium trong phòng mạch của ổng . Cuối tuần, vào phòng mạch đóng cửa và hit helium chết luôn . Thương quá chừng .



Du học sinh tại hải ngoại ngày 30/4/75


Hôm qua, có vợ chồng anh bạn ghé nhà chơi. Anh này đã sống 19 năm tại Pháp, trước khi gặp lại đôi mắt người xưa, nối chấp lại mối tình hữu nghị và di dân sang Hoa Kỳ. Ngồi nói chuyện bổng nhiên anh ta nhắc lại những ngày sau 30/4/1975 tại Paris. Người Việt rời Việt Nam trước ngày Sàigòn đổi chủ, bổng nhiên bị hụt hẫng, với một tương lai đen tối mờ mịt, trở thành người lưu vong, một kẻ vô tổ quốc. Lý do là lưu vong đều khởi đầu bởi một bi kịch chính trị để rồi biến thành một bi kịch văn hoá nơi xứ lạ quê người


Chúng ta hay nghe kể, đọc hồi ký người Việt tại Việt Nam sau ngày Sàigòn đầu hàng, những người di tản buồn trên những con tàu ra khơi trong giờ phút hấp hối của Sàigòn, hay những người vượt biển trên những thuyền nhỏ bé tìm tự do như vợ và em mình nhưng ít ai nhắc đến số phận những người Việt đã có mặt tại hải ngoại trước ngày 30/04/1975. Đa số những người này là du học sinh, chất xám của Việt Nam với những ước mơ của tuổi trẻ, những người sẽ giúp xây dựng lại đất nước thời hậu chiến. 


Những hy vọng sau khi 4 bên ký kết hiệp định Paris, để rồi bổng nhiên tan biến, mất liên lạc gia đình, trở thành người vô tổ quốc như tình trạng ông Mehran Karimi Nasseri, phải sống trong phi trường ở Paris từ 1988 đến 2006 mà sau này họ có làm phim về cuộc đời ông ta khi đất nước bị xâm chiếm và bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Ông ta đến phi trường CDG thì đất nước ông ta bị biến Mất như Việt Nam Cộng Hoà sau ngày 30/4/75 nên không được nhập cảnh hay đi đâu cả vì sổ thông hành không được công nhận bởi thế giới, trở thành một kẻ vô tổ quốc, không ai cho nhập nước họ thậm chí rời khỏi nước pháp, nơi ông ta quá cảnh.


Nhìn lại thì quả mình có cái số đi tây năm 1974. Mình nhớ đậu tú tài xong, gửi giấy tờ sang tây để nhờ mấy người cậu bà con du học ở Pháp, làm thủ tục, nộp đơn đại học. Hai ông cậu bà con vừa gửi giấy tờ về cho mình bổ túc hồ sơ du học thì nhân viên bưu điện bên tây đình công đâu 6 tháng trời. Năm đó nhiều người muốn đi Tây kẹt vụ đình công nên không nhận được giấy tờ bổ túc hồ sơ đúng thời hạn của nha du học nên chỉ biết than trời sinh ta sao còn sinh bưu điện tây. Nếu trễ vài ngày thì xem như mộng đi tây của mình đã chấm dứt và sẽ khăn gói đi vùng kinh tế mới như bao bạn bè cùng thế hệ hay vượt biển sau này. Xem như chỉ tay mình không có ligne de mer, chỉ có ligne de l’air..

Rạp hát Mutualité ngày nay, dạo mình ở Paris thì đã cũ hơn 45 năm. Mình nhớ đi vào cửa chính thì có hai dãy hàng dài bán đồ chợ tết với mấy cô bận áo dài đến khi nhảy đầm thì họ thay váy hết. Hát hò xong thì giải lao trong khi thiên hạ dẹp ghế để nhảy đầm tới sáng. Dạo ấy thấy có một ông lớn tuổi bận áo vét, thắt nơ bướm nhảy đầm nhuyễn lắm, chắc có bằng nhảy đầm. Ông ta nhảy đẹp với nụ cười luôn luôn trên môi.

Ngày 24/12/1974, khi bước ra khỏi toà lãnh sự Pháp, tay cầm sổ thông hành Việt Nam Cộng Hoà, với chiếu khán của toà đại sứ Pháp khiến mình run trong cảm xúc khó tả. Tối hôm đó đêm giáng sinh, mọi người trên thế giới chào đón Chúa Giê-su ra đời, một chân trời mới đang chào đón mình với giấc mơ từ bé khi vào nhà ông bà Phúng, xem mấy tấm ảnh của người cậu bà con đi tây trước khi mình ra đời. Tương tự khi đến nhà bác Cháu ở ấp Ánh sáng, thấy anh Phú đi du học bên Nhật Bản. 


Dạo ấy Việt Nam Cộng Hoà đã mất Phước Long, thấy các biểu ngữ toàn dân không quên Phước Long, ông cụ mình mua vé máy bay đi Tây ngay vì sợ tổng động viên, không cho xuất ngoại. Mình rời Đà Lạt về Sàigòn không kịp chào bạn bè, khởi đầu cuộc hành trình tạo dựng tương lai cho một kiếp người tha hương như ông cụ mình phải rời bỏ quê để vào nam sau khi du kích tìm cách giết ở làng vì không theo họ. Mình may mắn là chỉ đợi 20 năm mới được trở lại quê nhà, còn ông cụ thì phải đợi 40 năm để trở lại quê nội.


Mấy ngày sau, mình xuống phi trường Charles de Gaulle với những lo lắng, không biết tương lai sẽ đi về đâu. May có gia đình ông cậu đón tiếp lúc đầu, sau đó thì mình dọn ra một căn hộ tạm thời của bố vợ ông cậu, sắp bị đập bỏ để xây một chung cư mấy tầng.

Hình ảnh tương tự mình khi mới sang Pháp năm 1974, đi làm về khuya mệt đừ. Ngủ trên Métro dạo ấy tối om, ghế bằng gỗ. Bản quảng cáo rất hợp với trường hợp đầu 30/4/75

Mình sang Pháp trễ niên khoá nên đành đợi qua hè 75 mới đi học. Trong khi chờ đợi, mình đi làm chui vì dạo ấy nước pháp bắt đầu cấm sinh viên ngoại quốc làm việc nếu không có giấy phép (permis de travail). Đi làm nhà in ở Porte de Versaille từ 8 giờ sáng, về đến nhà 12 giờ đêm, 7 ngày 1 tuần nên chả biết trời trăng, tình hình tại Việt Nam ra sao. Chỉ biết ngủ rồi dậy đi làm. Ngồi Métro cũng ngủ quên trạm xuống.


Honneur à nos Soldats morts pour la Liberté 

Sinh viên Việt Nam tại Paris tuần hành để tang cho Việt Nam Cộng Hoà ngày 27/4/1975. Hình như tấm ảnh này của ông Trần Đình Thục. Xem ảnh thì thấy đa số là nữ sinh viên đi đầu, không biết vì phụ nữ được đi đầu hay là phụ nữ là những người chống cộng hăng say nhất vì có sinh viên theo Hà Nội với nhóm Liên Hiệp. Cũng có thể dạo ấy nữ sinh viên được đi du học nhiều hơn nam sinh viên.


Một hôm, bà chủ kêu đi taxi giao hàng cho khách hàng thì ông tài xế hỏi mình người xứ nào, mình kêu Việt Nam. Ông ta kể là sáng nay Sàigòn thất thủ, ông ta thấy một đám đông chạy vào toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà đập phá. Dạo ấy ở Paris, Hà Nội chỉ có một văn phòng đại diện vì Pháp chưa có thiết lập ngoại giao chính thức với Hà Nội. Hà Nội chiếm hết tài sản của người Pháp tại miền bắc, không đền bù gì cả trong khi miền nam thì khi các pháp kiều về pháp họ được bán các cơ sở nhà cửa của họ tại miền nam.  Chỉ có Việt Nam Cộng Hoà mới được pHáp công nhận, thiết lập bang giao, có toà đại sứ. Mình có đến đại sứ quán một lần để trình diện, ghi danh với toà đại sứ rồi chưa bao giờ trở lại.


Tin của ông tài xế khiến mình thất kinh, tối đó đi làm về, mua tờ Le Monde để đọc tin Việt Nam. Dân tây ăn mừng đoàn chiến xa Việt Cộng đã cán xập cổng dinh Độc Lập trong khi và nhiều công dân Việt Nam Cộng Hoà khóc một dòng sông. Vạn người vui, ngàn người sầu tại âu châu. Tối đó mình nằm khóc một mình, nghĩ về Đà Lạt, gia đình, Việt Nam. Chỉ nhớ nhận được lá thư đầu tiên và cuối cùng của gia đình, ông cụ cho biết gia đình chuẩn bị di tản về Phan Rang. Lúc đó mình không biết tương lai sẽ ra sao. Rồi nước vẫn trôi dưới cầu Mirabeau của Paris.


Nay nhìn lại mình không hiểu động lực nào đã giúp mình, giữ vững niềm tin, tốt nghiệp đại học vì có nhiều sinh viên bỏ học đi làm. Chế độ bên tây, học 2 năm đầu chỉ được phép ở lại một năm, nếu rớt thêm một năm thì không được tiếp tục học. Lối học như kiểu Việt Nam khi xưa, cuối năm mới thi thay vì theo tín chỉ như ở Hoa Kỳ. Lý do là trường đại học công, anh học dốt thì ngưng vì tốn tiền nhân dân đóng thuế. Có nhiều người du học từ miền nam nhưng nghe lời dụ dỗ của Việt Cộng nên xuống đường tranh đấu, thi rớt nên tây không cho học nữa, đành đi làm vớ vẩn. Khi Sàigòn đầu hàng thì họ hy vọng sẽ được trọng dụng nhờ quá khứ làm cách mạng, chống Việt Nam Cộng Hoà, ai ngờ chả được gì. Mình biết vài người như vậy sau này, quay lại viết bài chửi Hà Nội.


Mình may mắn được chính phủ pháp và hội cựu chiến binh Pháp cấp học bổng nên học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, gặp được người Pháp rất tốt, giúp đỡ khác với những gì mình học ở trường kêu thực dân tàn ác. Họ luôn khuyến khích mình, giúp đỡ như cho mướn phòng ô-sin không lấy tiền. Lâu lâu kêu lại nhà ăn bữa cơm cho no vì dạo ấy mình chỉ ăn cơm đại học xá, cuối tuần thì ăn baguette với bơ như khi xưa ở Đà Lạt, mua bánh mì Vĩnh Chấn, đem về Nhà, trét bơ ăn cực đỉnh. Có anh bạn học, du học tại Ottawa, sau này có gặp lại, anh chàng chỉ nhớ đến ăn bánh mì Vĩnh Chấn trét bơ ở nhà mình. Đó là ở Đà Lạt, còn bên tây, ăn bánh mì với bơ hoài cũng oải lắm. Lâu lâu mình mua mấy lon cá mòi sumaco của maroc mà khi xưa nhà hay ăn với bánh mì, rắc chút tiêu vào.


Ăn cơm đại học xá thì toàn là coucous hay khoai tây bột của người Bắc Phi nấu. Tụi tây học chung ít khi ăn lắm, chúng chê không ngon hay rủ nhau đi ăn tiệm, còn mình không có tiền ăn tiệm thì ăn trưa chưa đủ tranh thủ ăn đêm. Họ có món entree, thường là cà rốt bào, rồi món chính, mình hay xin thêm khoai tây chiên khi có, còn coucous thì ớn lắm. Hình như chỉ có tiệm cơm ở ký túc xá Cité d’universitaires là thức ăn ngon, còn các tiệm kia thì Chán Mớ Đời. Vấn đề là phải đi xa, mình ở Neuilly sur Seine, xuống dưới đó cũng mất cả tiếng đồng hồ đi métro. Mỗi bữa ăn, mua thêm bình sữa tươi 1/2 quan pháp. Lúc đầu uống sữa tươi không quen chạy đi vệ sinh ná thở nhưng vài tuần sau quen. Sau này mới hiểu là người á châu thường có vấn đề khi uống sữa bò. Lâu lâu được tây đầm mời đến nhà ăn cơm là mình ăn mệt thở. Nhớ có lần giáng sinh, một gia đình người Pháp, ông chồng từng tham chiến tại Việt Nam, mời đến nhà ăn cơm trưa để mừng chúa giáng sinh. Bà vợ thấy mình vét sạch cái đĩa, hỏi ăn nữa không, mình kêu vâng lần này mình thấy hết đói nhưng vì quen thói Việt Nam nên mình ăn hết, vét sạch như khi ở nhà, không bỏ cơm mứa, ai ngờ bà vợ tưởng mình còn đói nên bới thêm khiến mình phải quất 3 đĩa ứ nự. Sau này, quen nên mình mới giải thích. Văn hoá ăn chực của mình.


Cuối tuần thì mình đi làm bồi cho một nhà hàng nhỏ Việt Nam. Lúc đầu mình đến ăn vì tiệm này rẻ nhất quartier la tinh, do một bác người nam, khi xưa làm vú cho gia đình ông Dương Văn Minh. Mình chả hiểu lý do nào bác ấy sang Pháp. Chỉ nhớ là có người con trai, chải đầu láng cóng như công tử Bạc Liêu, đứng phục vụ. Một hôm mình đến ăn thì không thấy ông quý tử mà khách thì đông. Bác vừa nấu vừa chạy bàn. Ngồi đợi lâu quá nên mình đứng dậy, dọn bàn dùm bác thì bác kêu cuối tuần, ra phụ bác vì thằng con đi đánh bài hay nhảy đầm. Mẹ ở Việt Nam cũng khổ vì con, ở tây cũng khổ vì con.


Thế là từ đó mình làm bồi mấy năm đến khi ra trường. Được đâu 100 quan pháp mỗi tối, thêm tiền boa của khách tây nhưng quán rẻ tiền nên chỉ có sinh viên bò lại nên tiền boa cũng khiêm tốn như thực đơn của tiệm. Một hôm khách đông quá, bác kêu mình ở lại giúp vì thường 11 giờ đêm là mình về. Từ 6 giờ tối đến 11 giờ. Làm xong thì đi ra quá 12 giờ đêm nên hết métro, kêu taxi nó chặt 120 quan pháp. Nên lần sau trễ métro thì mình cuốc bộ về nhà. Từ tiệm ăn, qua cầu Saint Michel rồi dọc theo đường Rivoli, lên Champs Elysees đến Khải hoàn môn, rồi đi về Palais de la découverte ở Porte de Maillot, rồi lết đường Avenue du Rouge đến Les Sablons. Đến nhà phải leo lên 7 tầng lầu mới lên giường được. Chỉ làm thứ 6, 7 còn chủ nhật thì ông con làm việc. Trong tuần ăn đại học xá đến cuối tuần thì ăn bún thịt nướng mệt thở luôn. Cứ dện 2 tô là thấy đời lên hương. Lần chót về Paris mình có ghé qua khu này nhưng đã thay đổi quá nhiều, chắc bác ấy đã qua đời.


Khi Sàigòn đổi chủ thì đa số sinh viên du học chới với vì hết được nhận tiền của gia đình. Sinh viên theo Hà Nội thì bị cúp từ lâu chuyển ngân chính thức qua chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, còn chuyển ngân lậu thì mình không biết cách thức khi xưa. Bác nào biết thì cho em hay. Chỉ biết có đọc báo Hà Nội, có mấy người miền nam kể họ làm kinh tài cho Việt Cộng, bay đi Hương Cảng, Paris để đổi tiền và chuyển ngân cho Hà Nội. Mình nghĩ họ đều bị ảnh hưởng tâm lý vì bao nhiêu mộng mơ khi ra đi tưởng như tuyệt vời, một ngày về huy hoàng, giúp cha mẹ nở mặt nở mày bổng chốc bay theo mây khói. Sau này mình mới khám phá ngày 27/4/1975, các sinh viên du học, không thân cộng đã có tổ chức một cuộc tuần hành để tang cho Việt Nam Cộng Hoà. Dạo đó mình mới qua, không quen người Việt nên không biết gì hết.


Mình nghĩ trong sự tuyệt vọng tận đáy vực thì một đóm lửa được đốt lên trong đêm hội chợ tết năm 1976 do tổng hội sinh viên tại Paris tổ chức tại Maison de la Mutualité, gần métro MAUBERT-Mutualite nên dân mít ở tây hay gọi MAUBERT, ở đường Saint Victor, quận 5. Khu vực này dạo ấy người Việt ở đông lắm. Có tiệm bán đồ Việt Nam gọi là Thanh Bình, mấy câu lạc bộ của người Việt Liên Hiệp, hay người Việt chống cộng. Nói chung là khu nghèo nhất dạo ấy, nay thì người Việt dọn xuống quận 13. Điểm lạ là rạp hát này do tổng thống Paul Doumer, cựu toàn quyền đông dương khánh thành năm 1931. 


Nhà hát này này được người Việt ở Paris mướn để tổ chức hội chợ tết hàng năm. Họ phải đặt cọc cả năm trước khi biết ngày nào là tết của năm tới. Hai bên đến phá nhau khi có hội chợ tết, đánh lộn đủ trò. Nghe nói mấy sinh viên phải học võ để đánh nhau. Mình thì không tham gia hội đoàn người Việt gì hết từ khi rời Việt Nam đến nay.


Lần đầu tiên mình tham dự hội chợ tết của tổng hội sinh viên tại Paris. Đêm đó, nhìn lá cờ Việt Nam Cộng Hoà lần đầu tiên tại Paris, cả rạp đâu gần 2,000 người đồng hát quốc ca Việt Nam khiến mình rợn tóc gáy.

Các bài hát đêm ấy rất lạ tai, chưa bao giờ nghe với chương trình mang tựa đề “ta vẫn còn Sống”. Bài ca nuôi chí vững bền, đã giúp mình hết âu lo, vùng dậy tiếp tục con đường mình đã định khi xin du học. Học cho xong rồi tính sau.

Chị vẫn còn sống 
Anh vẫn còn sống 
Tôi vẫn còn sống
Mà chúng mình không lẽ lại ngồi yên
Ngàn lầm than sao không cùng lên tiếng
Vai chung vai ta nổi dậy ba miền (2)

ĐK. Còn đôi chân xin mời anh đứng dậy 
Với thân mình này chị hãy vùng lên
Lòng hăng say ngọn đuốc hồng sáng cháy
Vì quê này mà nuôi chí vững bền


Nhất là bài Dựng lại một ngày với điệp khúc; những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn ngày về, như cái phao cứu vớt các linh hồn người việt vô tổ quốc, vừa mất quê hương. Những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn một ngày.

chân trời trước mặt của quê hương ta sẽ nở hoa, 

sông dài đất rộng đã bao năm nối tình thiết tha, 

hãy cùng đứng dậy cùng anh em nối lại sơn hà 

ta cùng đi dựng tinh thương bao la như biển xa 

Nắng Sơn mới đã khơi ai nụ cười

Ta đi theo tiếng gọi linh thiêng mời

Ta đi xây dựng lại cho một ngày mới

Sức sống đã khơi dậy trên môi hồng

Trong tim ta mong một ngày tin hoà bình tới

Ta đem hồn dâng sông núi

Cho một ngày vinh quang tới

Cho cờ Việt Nam phất phới muôn dặm xa

Muôn lòng góp lại ôi quê ta đẹp sao tiếng ca

Cho tình yêu người chợt thiêng thang nối đời đã qua

Những bàn chân trần đã nhịp vang trên bờ đê dài 

 Những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn một ngày 

Tối đó mình khóc sung sướng vì đã gặp những người Việt đồng cảnh ngộ. Đã cho mình lại một niềm tin ngày mai tươi sáng. Mình mất tin tức gia đình từ tháng 3 năm 1975 đến 3 năm sau mới có người về Đà Lạt, qua cho biết gia đình còn sống, chỉ có ông cụ bị chế độ mới tuyên án 18 năm cải tạo. Mất Sàigòn nhưng đi học vẫn phải nói chuyện với đám tây đầm, cố gắng giải thích cho họ về chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hoà trong khi 25% dân tây bầu cho Đảng cộng sản. Dân tây không ưa người Mỹ nên họ rất vui khi Sàigòn đầu hàng, chửi mình là tay sai cho đế quốc Mỹ còn đám Việt kiều yêu nước thì gọi mình là ngụy. Đúng là vạn người vui triệu người sầu.


Nghe kể sau 75, có một ông thầy nằm vùng được cử dạy môn chính trị tại trường Quốc Học, ông ta cho biết trường này có truyền thống cách mạng vì ông hồ đã từng học ở đây. Ông ta nói khi xưa thời ngụy, thanh niên miền nam toàn là du đảng, đi lính đánh thuê cho mỹ, còn bộ đội bác hồ theo cách mạng, giải phóng quê hương. Có một anh học sinh kêu thưa thầy không phải nơi. Mệ ngoại em nói là lính miền nam khi xưa đi đánh Việt Cộng, để bảo vệ tự do, không cho cướp đất cướp nhà, còn bộ đội là những người ngoài bắc, đi bộ vô, thấy cái chi hắn đội về.


Một tia hy vọng về Việt Nam, về gia đình trong tương lai bổng dập tắt khi các con tàu ra khơi tìm tự do trên biển Đông NAm Á khiến thế giới bàng hoàng. Những tin tức diệt chủng tại Cao Miên bởi nhóm khờ me đỏ. Sau khi xem cuốn phim Killing Fields, các khán giả tây không dám vỗ tay như thường lệ, ai nấy đều cuối mặt, không ngờ họ đã ủng hộ trước 75 những chế độ hà khắc, gian ác như vậy. Các nhà trí thức pháp khi xưa, ủng hộ Hà Nội nay quay lại chống Hà Nội như nhà văn Olivier Todd. Khi ông phạm Văn đồng qua tây xin tiền thì tuyên bố trên Paris Match có trên 2 triệu người miền nam trong các trại cải tạo.


Mình nghĩ hình ảnh của bà cụ tảo tần nuôi con đã giúp mình chịu khó học hành đến khi tốt nghiệp. Sống trong một căn phòng ô sin, mùa đông lạnh không có máy sưởi, mùa hè thì nóng chảy mỡ, dạo ấy gầy lắm. Đi làm dành dụm tiền để gửi về cho bà cụ nuôi mấy người em và cho vượt biển.

Sinh nhật mẹ mình tại Đà Lạt với mấy cô em


Vầng trăng chẳng chút phai mờ
Theo con đi suốt giấc mơ làm người
Mấy câu thơ "Mẹ Trùng Khơi" trên đã ấp ủ mình từ ngày xa Mẹ, rời Đà Lạt đi Tây. Mình cố gắng để một ngày gặp lại Mẹ như ông cụ mình đã gặp lại bà nội sau 40 năm.

Mùa Xuân, trước mặt mùa Xuân
Là đôi mắt Mẹ trong lần tiễn đưa

Con đi đâu con về đâu

Cuộc đời của mẹ là câu trả lời


Về Việt Nam, gặp bạn bè, ai nấy đều kêu mình sướng được đi tây trước khi Việt Cộng vô nhưng không ai hiểu rõ những gì người Việt tại hải ngoại phải chịu đựng về những mất mát tinh thần khi mất Sàigòn. Tại Việt Nam, cả nước, cả miền nam đều chung một số phận, còn ở hải ngoại người Việt rất cô đơn vì người ngoại quốc, bạn bè sở tại không hiểu những gì họ đang trải qua. Mất liên lạc gia đình, không tiền không bạc. Những ai đã đi làm thì không sao còn sinh viên là ngọng vì chủ nhà vẫn đòi trả tiền nhà. Mình chỉ quen hai sinh viên Việt Nam tại Paris, nhưng họ có bố mẹ di dân đến Pháp từ thời ông Diệm.


 Khi mình sang Ý Đại Lợi, có quen 4 anh sinh viên du học trước mình 2 năm thì họ rất te tua hơn sinh viên bên Pháp, ra trường trễ hơn vì phải tự túc tự cường, chính phủ Ý Đại Lợi không có chương trình giúp sinh viên quốc tế như ngày nay. Có anh bạn kể, thằng cháu sang học, năm đầu thì trả tiền , năm sau khía là không được trợ cấp từ nhà nên được chính phủ Ý nuôi ăn học. Họ vẫn nuôi chí vững bền, học từ từ vừa học vừa đi làm để tốt nghiệp kỹ sư. Cách đây mấy năm, mình ghé thăm Milano, một anh bạn từ Torino, đáp xe lửa đến gặp mình, đi uống cà phê trong mưa để hổi tưởng lại những giây phút ngày xưa, chia nhau bát cơm, giúp đỡ nhau tiếp tục làm người dân Nam. Những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn một ngày. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn