về thăm Ý Đại Lợi
Kỳ này đồng chí gái cho đi Âu châu một mình nên mình ghé lại Ý Đại Lợi thăm mấy người bạn thời sinh viên du học, quen năm mình qua Ý Đại Lợi thực tập và tìm đề tài luận án ra trường.
Thoạt đầu mình tính ghé Torino trước rồi ghé vùng Treviso để thăm anh bạn đã không gặp từ ngày mình qua Mỹ. Anh bạn ở Torino kêu đi sớm hơn vì thời tiết còn đẹp nên mình mua vé máy bay sang Venice trước. Khi đi chơi vùng này thì trời đẹp đến khi rời vùng Veneto thì mưa luôn tu ti mấy ngày. May hôm nay trời nắng nên đi vòng vòng tìm lại những dấu vết xưa. Torino thay đổi rất nhiều. Họ làm nhiều phố đi bộ rất dễ thương.
Villa PisaniAnh bạn đón ở phi trường, còn sớm nên chở mình đi viếng mấy villa nổi tiếng ở vùng này như villa Pisani mà hoàng đế Napoleon có thời mua cho bà vợ thứ hai ở. Mình có học lịch sử kiến trúc Ý Đại Lợi có nói về villa này. Đẹp nhất là cái vườn sau, đẹp nhưng nay ít được chăm sóc vì do chính phủ quản lý thêm ít du khách.
Thường du khách đến vùng này là họ chạy ra đảo Venezia bỏ quên các vùng lân cận rất đẹp.
Sau villa Pisani thì anh bạn chở đi viếng villa la Rotonda do kiến trúc sư danh tiếng của Ý Đại Lợi tên Palladio mà mình mê khi xưa nhưng khi còn sinh viên có tìm cách đến viếng nhưng không có xe buýt hay xe lửa tới đây. Nay về lại được chiêm ngưỡng ngôi biệt thự nổi tiếng khắp năm châu này. Chỉ tiếc là không được viếng hầm dưới và trên lầu. Muốn viếng thì phải hẹn ngày thứ bẩy họ chỉ mở cửa đúng 90 phút cho xem. Lý do sợ đông quá sẽ gây thiệt hại cho ngôi biệt thự. Chỗ này gần thành phố Vicenza. Có dịp trở lại thì sẽ đi đúng ngày thứ 7. Không có thì giờ ngồi phát họa esquisses.
VeneziaCầu Rialto có chợ trên cầu luôn như cầu cũ ponte Vecchio ở Firenze
Trieste
Trieste
Sau đó về nhà anh ta ở ngoại ô của Treviso. Nhà anh ta to đùng làm nhớ đến thời anh ta ở chung với anh bạn khác thời sinh viên trong căn phòng nhỏ lạnh lẽo thấp lè tè, đi phải cúi đầu. Tối đó thì có hai anh bạn thời sinh viên ghé ăn cơm. Một anh thì ở Torino kêu vợ xin nghỉ đi thăm bạn và một anh thì lấy vợ người ý, sống tại vùng này từ khi lấy vợ.
Vui sau 38 năm gặp lại, thấy bạn xưa thành công, nhà cửa to đùng, lại trả hết nợ , con cái thành đạt bác sĩ kỹ sư nay chỉ mong có dâu có rể có cháu để bồng nhưng thế hệ ngày nay chả màng chuyện cải tạo nòi giống. Ý Đại Lợi thuộc nước ít sinh để nhất Âu châu.
Hôm sau, cả đám chở nhau viếng thăm thành phố Montagnana. Mình chưa bao giờ nghe đến thành phố này khi ở Ý Đại Lợi. Đặc biệt là thành phố được giữ vẻ cổ kính khi xưa, xung quanh là thành trì gần như còn nguyên vẹn với những cổng vào thành phố và các tòa nhà điếm canh, các sông nước xung quanh thành để đối phương không tấn công thành.
Thành phố này có món prosciutto crudo nổi tiếng ngon hơn cả của vùng Parma. Trưa vào ăn thử thì phải công nhận ngon thật. Họ thái rất mỏng rồi vợ chị bạn mình nên thử món roast beef mà họ thái mỏng ăn rất ngon. Đến Ý Đại Lợi phải ăn gelato. Ăn dầu olive ngon quá nên khi về Torino mình mua 4 lít dầu olive mang về Mỹ.
MontagnanaTrên đường về họ chở đến viếng thăm một thành phố nhỏ nơi một nhà thơ danh tiếng Petrarch của Ý Đại Lợi sinh ra đời. Người được xem là khai phóng chủ nghĩa nhân bản và khai mầm cho thời đại phục Hưng . Viếng thăm căn nhà của thi sĩ. Vùng này họ trồng lựu và táo tàu nên bày bán các loại rượu làm bằng quả của loại trái cây này. Nói cho ngày nếu không có thổ địa nơi này thì mình chả bao giờ biết đến các di tích lịch sử ở đây.
Hôm sau cả đám rủ nhau đi Slovenia thuộc khối Liên Sô khi xưa. Cách Veneto độ 3 tiếng lái xe. Đến biên giới thì ngừng mua thẻ lái xe cho 7 ngày. Bên Ý Đại Lợi chạy xa lộ thì có các trạm thâu tiền mãi lộ nhưng ở xứ này thì không. Dân tình trả tiền thuế chạy xa lộ. Du khách thì phải mua. Có thể mua qua mạng nếu không cảnh sát bắt được sẽ bị phạt. Đến thủ đô thì đi lấy phòng Airbnb. Sau đó đi viếng phố. Vào mấy khu dân cư thấy họ thiết bị giữa đường các trụ cột bằng sắt. Dân cư trong khi vực có mật mã để làm các trụ lặn xuống sát mặt đường để chạy xe qua và tự động trụ chắn lên lại để tránh xe người lạ đi vào. Nói chung nhà cửa rất nhỏ bé như mấy cái làng ở Đức quốc.
Đường bị chận bởi cái trụ sắt chỉ có dân ở trong khu vực có mật mã làm trụ lặn xuống đất để chạy vàoThủ đô Ljubljana nhỏ, nghe nói đâu chỉ có độ trên 282 ngàn người. Đi viếng phố cổ nằm trên ốc đảo bao quanh bởi con sông chia thành hai nhánh. Đặc biệt là có ba chiếc cầu được xây cất dính chùm mình kêu là tam kiều. Cầu giữa dành cho xe ngựa khi xưa đi và hai bên là chiếc cầu nhỏ dành cho bộ hành. Sau đó bò lên lâu đài của vua chúa thời xưa được xây trên ngọn đồi. Đứng trên nhìn xuống thì thấy không có gì đặc biệt lắm.
Xứ này một thời thuộc đế chế Aso Hùng nhưng sau đó bị Đức quốc xã chiếm một số còn một số đồ ông thần Mussolini chiếm đóng.
Cả đám kéo nhau đi ăn kem rồi tìm quán ăn. Hôm trước ở nhà anh bạn lấy vợ ý, cho ăn thịt nướng và saucisse quá nhiều nên kiếm tiệm ăn rau. Tiệm ăn của xứ này toàn bán cho du khách ở phố cổ nên toàn là hamburger pizza nên bò đại vào tiệm ấn độ ăn cà ri. Khá ngon.
Nước có lợi tức trung bình khá cao nhưng lại có tỷ lệ tự tử nhiều nhất. Thật ra đến đây thấy buồn như con chuồn chuồn. Thủ đô mà chả có gì cả. Ít dân hơn Đà Lạt. Nói chung thì khỏi g nên đến đây nếu có ít thời gian đi du lịch. Bù lại thì có món thịt nướng của họ khá ngon. Tương tự như kebab trong vùng này.
Vườn thượng uyển TriesteSáng hôm sau đi viếng công viên lớn nhất thủ đô rồi uống cà phê xong thì chạy xe về Trieste khu nghỉ dưỡng của vua chúa đế chế áo quốc Hung khi xưa. Tại đây có hai điểm nhấn nếu ai đi du thuyền ở vùng này sẽ cặp bờ tại đây thì nên đi viếng lâu đài do em của ông hoàng đế Áo-Hung xây ngay bờ biển rất đẹp. Mất ít ra 3 tiếng động hồ để viếng thăm vì có vườn thượng uyển rất đẹp. Sau đó cả đám chạy vào thành phố để viếng thăm quảng trường Thống Nhất Unita. Rất đẹp chỉ tiếc là họ đang tổ chức vụ gì nên để lều đủ trò. Nên chụp hình không được hết. Trieste khi xưa thuộc đế quốc Áo hung sau Ý Đại Lợi chiếm đến bây giờ.
Đậu xe dưới hầm của Eataly, nơi họ bán thức ăn của Ý Đại Lợi với chất lượng cao cấp. Xui là tiệm ăn đóng cửa lúc tụi này đến còn mấy món pizza thì chán như con dán. Cả đám rủ nhau đi vòng vòng kiếm tiệm ăn nhưng đa số đều đóng cửa vì quá 3 giờ. Cuối cùng tìm được một tiệm mở vì chủ là người ả rập. Chỉ có dân di cư mới mở cửa còn dân ý thì tà tà ngủ trưa. Thậm chí vào tiệm tàu cũng đóng cửa. Người ả rập nhưng bán thức ăn ý. Cũng nấu spaghetti Al dente ăn rất ngon. Nghe nói là dân di cư ả rập sang đây mua tiệm ăn lại nhiều lắm. Cứ thấy tiệm nào bán pizza và kebab là biết do người ả rập. Sau đó lấy xe về Veneto.
Hôm sau anh bạn chở ra Treviso để lấy xe lửa đi Venezia. Không bao giờ vào Venice với xe hơi. Còn dư một tiếng mới đến giờ khởi hành nên anh bạn dắt đi lòng vòng trung tâm Treviso. Dễ thương
Đến Venezia thì cả bọn xuống xe lửa. Nếu ai viếng thăm Venezia thì nên mướn khách sạn tại Messtre rồi mỗi ngày lấy xe lửa vào Venezia. Rẻ hơn và rộng rãi còn trong Venice thì đắt lại chật chội. Đi vào thăm viếng rồi chiều lấy xe lửa độ 10’ về lại khách sạn. Điểm hay là ít thấy chim Bồ câu như lần trước. Thấy họ để các tấm ván xếp ở quảng trường San marco để khi thủy triều dâng lên thì họ mở để du khách đi trên đó cao độ nữa mét. Ăn gelato đi vòng vòng cũng 5 dặm rồi bò ra nhà ga lấy xe lửa về. Đây là lần thứ 5 mình đến Venice nên không còn cảm giác như lần đầu.
Ra Venezia nhớ lần trước đến đây. Hai anh bạn chụp hình vợ còn đồng chí gái thì ở Mỹ nên mình bỏ ý định đi Lucca và Sienna, để sau này đi với vợ. Mình theo anh bạn về Torino nơi mình có thời gian làm việc thời sinh viên. Ở Venezia thì trời đẹp về Torino thì như mưa trên phố Huế mấy ngày nay.
Torino có rất nhiều phố đi bộKhi xưa xe chạy. Những góc phố mình từng ngồi vẽ khi xưa
Mùa thu với lịch sử la mã
Hôm qua ghé thăm tu viện Don Bosco nơi xuất phát dòng tu nổi tiếng về giáo dục. Có ông cha người Việt từ Việt Nam sang dẫn đi coi tu viện và viện bảo tàng nói về lịch sử của sự thành lập dòng tu này.
Ông cha hẹn nếu không mưa thì hôm nay đi ăn kem. Ông cha trẻ còn mấy ông cha khác già quá. Nay ở Ý Đại Lợi ít người đi tu nên chỉ còn các cha lớn tuổi nên học sinh thích tiếp cận với ông cha người Việt.
Đi chuyến này gặp lại được ba người bạn thời đói rách. Thấy ai nấy đều thành công. Con đều thành danh thêm mua nhà trả đứt hết nợ nên mừng cho bạn. Nhớ lại thời đói rách sinh viên khiến ai cũng giật mình, tự hỏi sao có thể sống được thời gian đó. Chắc phải hát bài của Mỹ Tâm đời sinh viên có cây đàn ghi ta.
Tượng Đức mẹ La Vang trong viện bảo tàng
Mai mình sẽ lấy xe buýt Flixbus về Paris sớm hơn dự định. Ở chơi với cô em rồi về Cali lại. Xa mỏi mắt gần mỏi miệng. Đi xa mới hiểu được mình thương nhớ trường kỳ đồng chí gái. Mong về gặp vợ để đối chọi. Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét