“Die with Zero” (Chết với số 0)
Đó là tựa cuốn sách khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay, là một triết lý tài chính được phổ biến bởi Bill Perkins trong cuốn sách Die with Zero: Getting All You Can from Your Money and Your Life xuất bản năm 2020. Triết lý này thách thức cách tiếp cận truyền thống về quản lý tài chính, thay vì tập trung vào việc tích lũy của cải, nó khuyến khích bạn sử dụng tài sản để tối đa hóa các trải nghiệm cuộc sống và tận hưởng mọi thứ trước khi qua đời.
Này phải hỏi nhóm trẻ ngày nay mà người Mỹ hay gọi là Henry (high earner not rich yet), những người có lợi tức cao nhưng vẫn còn bơi vì nợ đại học nợ nhà nợ xe nợ đủ thứ chưa thấy ngày mai
Bạn bè ai cũng kêu than con họ không muốn lập gia đình hay có con có cái. Mình đi Sơn Đoòng gặp 5 người trẻ ở Việt Nam, thành đạt nhưng chỉ thích đi trải nghiệm, khám phá thay vì giữ vai trò truyền thống của người Việt tại Việt Nam, lập gia đình, có con. Mình tò mò đọc thì có nhiều điểm khá đúng. Người Việt mình cứ kêu hà tiện, dành dụm cho con nên cả đời chả tiêu xài, đi đâu cả để lại gia tài cho con rồi cãi nhau, chia chác không đều, không nhìn mặt nhau nữa. Xin tóm tắc lại.
Các khái niệm chính của “Die with Zero”:
1. Tập trung vào trải nghiệm hơn là tích lũy của cải: ông Perkins nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng tiền để tạo ra những trải nghiệm thay vì chỉ tích lũy tài sản. Trải nghiệm và kỷ niệm sẽ mang lại sự hài lòng và giá trị lớn hơn nhiều so với việc tích trữ tài sản. Cái này thì mình đồng ý. Những kỷ niệm đi chơi với vợ con từ ngày lấy nhau vẫn đẹp hơn là áo quần, xe cộ mua sắm này nọ.
2. Tối ưu hóa chi tiêu trong suốt cuộc đời: Không khuyến khích tiêu xài phung phí, Perkins gợi ý rằng chúng ta nên lên kế hoạch chi tiêu sao cho có thể tận hưởng cuộc sống ở những giai đoạn thích hợp nhất. Giá trị của trải nghiệm thường giảm dần khi bạn lớn tuổi, vì vậy có những hoạt động cần được tận hưởng sớm. Không đợi khi về hưu. Mình muốn leo đỉnh Whitney năm 60 tuổi mà đến 68 tuổi mới thực hiện được may là còn sức khỏe để leo lên. Có ông bạn Mỹ kể ráng làm thêm hai năm nữa rồi về hưu, mua chiếc xe RV chở vợ đi khắp nước Mỹ. 6 tháng trước khi về hưu ông ta lăn đùng ra chết.
3. Tránh tiết kiệm quá nhiều cho tuổi già: Perkins chỉ trích quan niệm hoãn sự tận hưởng cuộc sống đến sau khi nghỉ hưu. Nhiều người tiết kiệm quá mức cho tuổi già, nhưng khi đến lúc đó, họ có thể không còn sức khỏe hoặc khả năng để thực sự tận hưởng các hoạt động mà họ đã lên kế hoạch. Vụ này thì mình thấy nhiều người quen dính vụ này. Về hưu than bệnh hoạn, không đi đâu được nữa dù có tiền nhưng cái tính tiết kiệm ăn sâu trong máu, họ cũng không muốn đi chơi dù có sức khoẻ. Như trường hợp ông Larry, ông ta ly dị vợ rồi sống một mình. Thích nhảy đầm nên già đi nhảy đầm hàng đêm, không thích trải nghiệm vì hà tiện quen thói. Cuối cùng chết trên sàn nhảy, bị nhồi tim chở vào bệnh viện rồi vài tuần sau qua đời, để lại gia tài kết sù cho cô cháu dâu. Không con cái gì cả.
4. Tối đa hóa thời gian, không chỉ tiền bạc: Thời gian có giá trị không kém gì tiền bạc. Triết lý này khuyến khích việc cân bằng giữa làm việc và tận hưởng cuộc sống, đảm bảo không đánh đổi quá nhiều thời gian chỉ để kiếm tiền. Việc này thì khó ở Hoa Kỳ. Bên Âu châu thì mình thấy thiên hạ đi chơi nhiều, ngày lễ còn Hoa Kỳ thì bị áp lực công việc nên ít ai đi nghỉ hè. Có lần mình làm việc hai năm liền không nghỉ, tuần 6 ngày từ 9-9 tối. Đi chơi với cô bạn 1 tuần, sếp kêu hoản chuyến đi vì trong team có người khác đi. Mình vẫn đi nên sau khi đi chơi về bị đuổi việc rồi cô bạn cũng bỏ. Từ đó sợ không dám đi nghỉ hè đến khi làm việc cho mình thì muốn nghỉ lúc nào thì nghỉ không sợ thằng Tây nào cả.
5. Cho tiền sớm hơn: Thay vì để lại tài sản cho người thừa kế khi bạn qua đời, Perkins khuyến khích bạn tặng quà tài chính cho gia đình và người thân khi họ còn trẻ và có thể hưởng lợi từ sự hỗ trợ đó. Điều này không chỉ giúp họ mà còn cho chúng ta cơ hội chứng kiến tác động tích cực của sự giúp đỡ đó. Cái này còn tuỳ việc. Ông Fred, nha sĩ quen. Cho cô con gái $600,000 mua căn nhà 2 năm sau thằng chồng ly dị, vớt phân nữa đi theo cô Bồ khác. Ông Chán Mớ Đời rồi chết theo với dòng đời.
Ứng dụng trong thực tế:
1. Lên kế hoạch trải nghiệm theo từng giai đoạn: có thể quyết định dành nhiều thời gian du lịch vào những năm 30-40 tuổi khi bạn còn đủ sức khỏe và năng lượng, và tập trung vào những trải nghiệm nhẹ nhàng hơn như nghệ thuật hay học tập khi lớn tuổi. Cái này thì đa số giới trẻ ngày nay thực hiện. Con gái mình cứ thấy nó bay chỗ này chỗ kia vào cuối tuẩn. Mình khi xưa vì bắt buộc, đi Giang hồ, vẽ tranh để bán kiếm tiền, chớ chả phải muốn làm lãng tử gì cả.
2. Tặng tiền sớm: Thay vì chờ đợi đến khi qua đời mới để lại tài sản, có thể tặng con cái tiền khi họ cần nhất, chẳng hạn như khi họ mua nhà hoặc học đại học.
3. Lập kế hoạch nghỉ hưu và thừa kế: Thay vì hướng đến một khoản tiết kiệm khổng lồ cho tuổi già, hãy hướng tới việc có đủ tiền để nghỉ hưu thoải mái, và sử dụng phần lớn tài sản của chúng ta để tận hưởng cuộc sống trong những năm tháng sôi nổi. Cái này thì có thể đúng nhưng nên nhớ quỹ ăn sinh xã hội họ gần hết.
Triết lý này dành cho những ai coi trọng trải nghiệm và sự thỏa mãn cá nhân hơn là sự an toàn tài chính thuần túy, khuyến khích chúng ta cần suy nghĩ khác biệt về tiền bạc và cuộc sống.
Việc này cũng khó vì mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, cũng như thu nhập khác nhau. Anh làm kỹ sư, chức lớn lương cao thì có thể trải nghiệm nhưng lại bù đầu với công việc, trách nhiệm này nọ còn người trẻ có thì giờ nhưng lại không có tiền. Bù trớt.
Điều mình hơi tiếc là khi xưa không đi chơi với con như cắm trại hay leo núi. Chỉ đi du lịch tại Hoa Kỳ, Mễ Tây cơ Việt Nam âu châu nhưng thiếu về với thiên nhiên. Ngày nay leo núi thì mình thấy trải nghiệm những giây phút khó khăn leo núi giúp mình nhiều về ý chí và nghị lực.
Lần này trở lại Venezia thì khám phá ra hai cột trụ đã được chùi rửa được xây cất khi xưa với loại đá màu thay vì màu trắng nơi lãnh chúa đứng nói chuyện với thần dân.Vấn đề là nếu chúng ta cứ xài xả láng để rồi lại sống lâu, không chết thì tiền đâu. Mình thấy nên lựa cơm gắp mắm cho đời khỏi mỏi mệt.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét