Chiều trên dòng Seine
Hôm nay mình có duyên gặp hai người đồng hương Đà Lạt. Một cựu học sinh của trung tâm giáo dục Hùng Vương và một cựu thụ nhân đại học Đà Lạt. Hai người này đọc bờ lốc rồi liên lạc nên quen nhau, mình đến Paris thì có liên lạc trò chuyện.
Ở nhà cô em ở ngoại ô Paris nên phải vào Paris nên hơi mất công nhưng cũng là dịp để hai anh em đi bộ trò chuyện như thời còn bé ở nhà.
Một chị hóa ra ở gần xóm trên đường Thi Sách, có mẹ bán ngoài chợ, quen bà cụ mình. Có lần chị ta về Đà Lạt gặp mẹ mình rồi chụp hình gửi sang cho mình xem. Còn anh kia thì sinh viên chính trị kinh doanh. Một hôm anh ta gọi điện thoại qua mạng nói chuyện chơi, kể về cách sinh sống ở Paris ngày nay.
Kỳ này về Paris thấy thay đổi hẳn theo chiều hướng tích cực. Có lẻ nhờ tổ chức thế vận hội nên họ cho sửa chửa lại nhiều, làm phố đi bộ và đường cho thiết mã nên ít xe cộ như xưa. Các tòa nhà to đùng được căn các biểu ngữ to đùng gần bằng cả chiều cao và ngang của cao ốc như nhà hát opera do kiến trúc sư Fournier thiết kế. Nhưng không màu mè như các thành phố như new York hay Đông Kinh. Với đèn đuốc màn hình với tốc độ chóng mặt. Đặc biệt không thấy kít chó như xưa hình như cũng chưa thấy ai dẫn chó đi chơi ngoại trừ một ông ngồi ăn xin ôm con chó.
Pháp quốc đang được tái tạo về chủ nghĩa tư bản nên quảng cáo trước những di tích lịch sử như nhà hát operaMình hẹn chị hàng xóm ăn trưa vì chị ta phải đi làm sau đó. Cho tiện đường xe điện ngầm nên hẹn ở gần La Fayette. Ăn tiệm Tây cho đỡ nhớ. Chị ta kêu cá còn mình kêu steak tartare, loại thịt băm ăn sống với hành và trứng. Mấy chục năm mới ăn lại sau đó làm cái bánh trái sung ngon cực.
Phía sau operaTiệm Printemps khá thay đổi
Thấy lạ kiểu quảng cáo của Tây
Sau đó hai anh em vào galleries Lafayette mua cái mũ cho đồng chí gái rồi lết qua cầu Pont Neuf đến Fontaine Saint Michel để gặp anh thụ nhân. Gặp nhau tay bắt mặt mừng như đã gặp đâu rồi. Anh ta rủ lên vườn Lục Xâm Bảo mà 50 năm về trước khi mình sang Tây là vào đây ngày đầu tiên vì bài thơ của ông Cung Trầm Tưởng. Ngày nay thì các ghế bằng sắt màu vàng khi xưa đã được thay đổi thành màu xanh. Có nhiều người hơn xưa ngồi ghế, không còn bóng người Pháp đọc sách một mình vì các ghế gần sát nhau không rãi rác như xưa.
Đi đâu cũng thấy màu xanh ở Paris như phong trào xanh, bảo vệ môi trường. Từ áo người hốt rác đến người bán vé, các biểu ngữ thậm chí các đường vẽ Sơn cho xe đạp hay bộ hành. Xe đạp mướn đi trong Paris cũng xanh, khác với khi xưa màu xanh da trời của cờ tam tài.
Phố tiệm nhỏ đóng cửa vì thương mại thay đổi người ta mua trên mạng hay siêu thị lớn. Có lẻ trong mùa thế vận hội mở cửa nay thì rụng như lá mùa thu.Có điều tương tự như ở Ý Đại Lợi là các tiệm nhỏ đóng cửa rất nhiều. Đi bộ trên Boulevard Saint Michel thì thấy hai bên cửa tiệm đóng gần phân nữa, vài tiệm bán sách cũ và quần áo cũ. Ngoài ra các tiệm ăn thức ăn nhanh của Mỹ như Subway, kem Hagen & Daez với giá cho sinh viên. Có vài tiệm cà phê có du khách ngồi ngắm trời nắng. Hôm nay là ngày đầu tiên thấy ánh mặt trời sau bao ngày mưa gió.
Đi một vòng vườn Lục Xâm Bảo rồi quay lại cầu để băng qua xem Notre Dame bị cháy mấy năm trước chưa sửa chửa xong. Họ làm một sân khấu dã chiến để du khách lên ngồi ngắm nhà thờ Đức bà Paris.
Tại đây mình chia tay anh nhạc sĩ nghiệp dư để về vì cô em còn lo cơm nước cho hai đứa cháu đi làm về. Anh này kể về hưu thì anh ta chơi nhạc trong các nhà hàng tàu để thực khách lên xây mộng ca sĩ diva trong khi mấy ông chồng lăn xăn quay video. Về già thì đâu có ai còn sức để hát nên chỉ biết thều thào qua micro được mixer tăng đời dùm. Lâu lâu bị mấy bà chửi là đánh sai nhịp giọng Oanh vàng của họ nên lâu lâu phải câu like kêu chị hát tới nhưng phải nói nhẹ nhẹ vì sợ mấy bà khác ganh tị.
Hai anh em lại bò về Beaubourg rồi đến trạm Les Halles, lấy xe điện về. Đi được 6.5 dặm Sơn Khê Paris. Mai thì có chương trình gặp con bà mẹ nuôi rồi tối thì gặp mấy ông thần bà thánh Yersin khi xưa cùng một thời ngồi lớp chung. Nghe nói ai nấy đều lên chức ông bà hết. Chúc mừng các bạn.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn