Nhát gái được vợ


Hôm trước có vợ chồng anh bạn ghé nhà chơi. Ngồi nói chuyện bổng nhiên anh chàng kêu khi xưa tôi nhát gái lắm nên ế tới trên 4 bó mới lấy vợ được. Mình u châu, nhai thêm cọng rau, kêu kể tiếp.

Anh ta kể nhát gái từ bé, bị con gái hàng xóm hay lấy chổi chà khệnh nên rất sợ khi đối diện phụ nữ. Hỏi tại sao bị gái đánh, anh ta kể chơi banh đũa rồi thua nên bẻ đũa của mấy đứa trong xóm nên bị chúng rượt đánh. Một hôm, có bà trong sở thấy anh ta hiền lành nên giới thiệu cô con gái. Kêu anh ta dẫn cô nàng đi chơi, đả thông tư tưởng, điều nghiên lý lịch trích dọc, trích ngang. Cô nàng thích uống trà sữa nên anh ta dẫn vào tiệm trà sữa uống. Gần hết ly trà sữa anh lại gọi thêm ly khác cho cô nàng. Đại khái mỗi lần đi như vậy anh ta tốn độ 4, 5 ly trà sữa nhưng miệng vẫn câm như hến, tay chân như bị còng số 8 khoá lại.


Mình hỏi sao nữa, anh ta kêu nhát gái quá nên cũng không dám làm gì cả. Cứ như vậy mỗi tuần bà làm chung kêu đến nhà ăn cơm, dẫn con gái đi chơi. Cho thấy thiên thời địa lợi mà nhát gái như Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen thì cũng không cưa được gái.

Mình hỏi tiếp theo, anh ta kể đến khi có lần trong hãng có tên mới vô làm, bà kia giới thiệu con gái thì mấy tháng sau làm đám cưới. Bà vợ xía vô, kêu sau này cô kia có con gặp lại, kêu khi xưa anh hiền quá, em thích anh mà không chủ động nên tên chồng em đến nên em lấy. Em cần một bờ vai để nương tựa mà anh quá nhút nhát. Tốn mấy chục ly trà sữa vẫn mất gái, tên kia chả tốn gì hết chỉ cần biết động từ mò mò rờ rờ, dân chơi không sợ con rơi là lên xe hoa.


Mình hỏi sau đó thì gặp bà này. Anh nói chưa, còn một mối khác. Tương tự, họ hàng quen giới thiệu một cô gái, rồi yêu nhau thắm thiết, chuẩn bị làm đám cưới thì cô gái đi thăm bà con. Lâu ngày không gặp, nhớ nhung nên anh ta gọi thì có tên đàn ông nào bốc điện thoại, hỏi ai đó thì đầu dây bên kia bảo là người yêu của cô bé khiến anh ta nổi máu ghen, tuyên bố bỏ nhau khiến cô gái khóc như mưa. Với một lòng cương trực, sắt đá trung thành với cách mạng, không muốn nghe gì cả. Sau này mới khám phá ra tên anh họ của cô bạn gái chọc phá. Hết lấy vợ. Đúng là lãng xẹt. 


Anh ta cho biết là trong xóm khi xưa có một cô gái ăn cơm trước kẻng, thiên hạ hỏi làm chuyện gì, cô ta bảo đâu có làm gì, chỉ đi xi nê rồi có nắm tay trong rạp thì có bầu khiến anh ta lo ngại từ đó, không dám sờ mó phụ nữ. Mình nói sao giống tui rứa.


Mình hỏi làm sao lại tán được bà vợ. Cô vợ nhảy vào kêu em tán anh ta chớ không chắc đợi đến tết congo mới lấy nhau. Mình hỏi tán trai, trâu tìm cột ra sao. Cô nàng kêu hỏi anh dẫn gái vào rạp xi nê mà không dám nắm tay nắm cẳng mò gì cả, em phải chủ động. Sau đó thì ông thần mới giác ngộ cách mạng trở thành quỷ sứ luôn. Ghét ghê.


Mình hỏi chủ động ra sao, dạy tôi với. Thì tui giả bộ mò mò ghế rồi té vào ghế anh ta đang ngồi thì phê quá nên anh ta ôm lấy rồi từ từ cái mả động lên thì tự nhiên biết đột suất tư duy chớ gì đâu.


Đang nói chuyện vui vẻ thì có tiếng gõ cửa. Ra mở thì thấy ông mỹ kêu cây trong vườn sau nhà mình gãy rớt phía sau đường, làm rẹt xe ông ta khiến mình thất kinh. Bận áo ra ngoài đi vòng thì thấy cây bên nhà hàng xóm bị gãy khiến ông mỹ kia tưởng của nhà mình nên gõ cửa. Mình gọi điện thoại cho tên hàng xóm mỹ, hắn kêu đang ăn cơm ở nhà bạn sẽ về xem. Chạy về nhà, mình lấy cái cưa Nhật Bản đi bộ vòng ra phía đường để cưa cây. Vừa ra khỏi nhà thì thấy chiếc xe van của ông mỹ vừa mắng vốn. Ông ta ngừng lại rồi kêu lên xe, ông chở đi luôn. Đến nơi, mình nhảy xuống, vác cái cưa đến cưa mấy nhánh cây lòi ra đường để tránh xe ai chạy trong đêm, cán phải có thể gây tai nạn. Trong khi đó vợ chồng ông mỹ đậu xe, nháy đèn báo động, bật đèn cho mình thấy đường mà cưa.

Mình tranh thủ cưa mấy nhánh lòi ra đường, bỏ lên lề đường. Rồi vác cưa về, gọi điện thoại cho tên mỹ hàng xóm. Kêu tiếp tục ăn uống rồi mai tính tiếp. Nếu cần thì hú mình ra phụ giúp. Xong thì cảm thấy như mình mới làm một điều thiện. Mừng nhất là không phải đền xe thiên hạ bị trầy. 


Đang đi mụ vợ gọi. Hoá ra tên mỹ gõ cửa lại tưởng cây của nhà mình nên chạy lại kêu đền cái xe bị trầy. Mình nói mụ vợ là cây thằng hàng xóm, mình chỉ đem cưa đi cưa để tránh tai nạn. Ngày mai, sáng trời thì hàng xóm sẽ lo. Ông mỹ già hỏi số điện thoại tên hàng xóm.


Cali sáng nay mưa, nên không lên vườn, tên mỹ hàng xóm gọi, kêu cảm ơn rất nhiều, đã giúp ông ta đêm qua. Ông ta giải thích là có nhờ tên làm vườn cưa cây mấy tháng trước nhưng có nhánh cây này tựa trên cành mới bị cưa bỏ nên hôm nay mưa khiến cành lá nặng, bị gãy. Đầu năm bị thiên hạ mắng vốn. Chán Mớ Đời 

Nói cho ngay, nhát gái nhiều khi cũng là cái may. Chớ dạn quá nhiều khi lại rờ mò không đúng người rồi bỏ nhau sớm cho bớt đau khổ. Cứ tàng tàng đến khi thời cơ chín muồi thì bớt nhát gái một tí là có vợ một đời cho khoẻ.

Chúc các bác năm 2024 được nhiều sức khoẻ. Trời mùa đông mưa gió nhiều, xem xét mấy cây trồng, tỉa bớt khỏi lộn xộn, bị hàng xóm mắng vốn.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







Đà Lạt thời thực dân

 Có người gửi mình 1 bài viết trên Chuyện Xưa chấm Nét, về Đà Lạt. Có mấy tấm ảnh mình được thấy lần đầu tiên nên tải về đây cho bà con chưa bao giờ xem. Những hình ảnh mình thấy khi còn nhỏ, thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà   

Đây là thác Prenn mà khi xưa mình đã từng thấy thời còn bé, khi xuống đây với bạn của ông cụ. Chú Lữ, đi lính với ông cụ, sau này làm nghề sửa đồng hồ chỗ tiệm ông Võ Quang Hàm ở đường Duy Tân. Cuối tuần chú LỮ có thêm nghề tay trái là chụp hình cho du khách. Mình có xuống đây hai lần với ông cụ. Sau này mình về thì thấy họ không tu sửa lại mà làm mới lại đủ trò mất vẻ thiên nhiên khi xưa với các cây gỗ làm cầu, bằng cây nhất là nhà dù, lợp bằng mái tranh như ở Petit Lycee khi xưa, có hai nhà dù, lợp mái bằng tranh.
Thác Prenn, năm ngoái đi Oregon, có viếng thăm vài cái thác tương tự làm mình nhớ đến thác Prenn, tuy nhỏ hơn các thác bên Hoa Kỳ.
Tấm này thì mình đã có kể trong bài trường học đầu tiên thành lập tại Đà Lạt, do nhà thờ Tin Lành Mỹ thành lập dạy con người ngoại quốc nay vẫn còn tên trường Dalat Quốc Tế vì an ninh nên họ dời sang xứ Nam Dương. Ai buồn đời thì tìm trên bờ lốc mình. Chỗ này khi xưa, du khách vào hay rời Đà Lạt tại con đường này mà nay hình như gọi là Khe Sanh. Sau này khi họ làm con đường từ đèo Prenn, mới ít ai đi. Thời mình ở thì người ta xuống đèo Prenn bằng con đường Nguyễn Trí Phương.

Chỗ bùng binh, có ga ra Citroen, quên tên, sau này họ gọi là Ty Dụng Cụ, sửa các công xa cho các ty hành chánh tại Đà Lạt. Bên cạnh là trường học Đà Lạt đầu tiên, nay họ sử dụng làm trường dạy cán bộ gì đó. Đường Khe Sanh này hình như khi xưa đi đến Xóm Bà Thái. Mình không nhớ là có chạy xe đến đây vì hơi ớn. Lính 302 khá đông ở khu vực này.
Đường lên đèo, có cả đường rày xe lửa răng cưa khi xưa. Mình nhớ có lần thấy chiếc xe lửa chạy đâu đây. Lần trước mình về Đà Lạt thì đèo Prenn bị đóng vì họ đang nới rộng con đường này 
Cái mốc này khiến mình không nhớ để định vị chỗ nào. Chỗ đèo Prenn có một cái, cách mười mấy cây Đà Lạt. Bác nào biết. Có lẻ sau này họ trồng cây thông nên không nhận ra.
Chỗ này thì đoán trên đường đến Di-Linh. Tây đậu xe đi tè bên đường, dạy dân địa phương đái đường
Cùng chỗ nhưng chụp từ đằng xa, chắc trời mới mưa.
Lên đèo thì nhớ có mấy trụ xi-măng này
Chắc chụp trước 75. Mình có xuống đèo này mấy lần để đi Tùng Nghĩa.
Thấy chiếc xe đò Minh Trung chạy Sàigòn-Đà Lạt.
 Tây gọi Bois d’amour không định vị được chỗ nào. Thấy cái hồ phía sau. Có phải hồ than thở.
Tấm này mình được xem lần đầu tiên, chụp gần hơn mấy tấm ảnh mình có. Chụp trước năm 1932. Để xem mò ra được không để đăng lên cho mọi người rõ hơn. Chỗ này nằm phía hạ lưu của Hồ Lớn (Grand Lac) đến năm 1932 (tháng 5) thì có vụ bảo lớn, đã phá cái đập của Hồ Lớn, cuốn trôi luôn mấy căn nhà ở khu vực này khiến 15 người chết. Người Pháp phải dời khu vực indigenes lên khu Hoà BÌnh ngày nay.

Xem tấm ảnh phía dưới bên cạnh chiếc cầu và suối Cam Ly
Tấm ảnh mình có, chụp ngay sở bưu điện, trước nhà thờ Con Gà chụp xuống thấy khu phố cũ của người Việt và người Tàu, bị lũ cuốn trôi đi vào tháng 5 năm 1932, khiến 15 người bị thiệt mạng. Sau đó người Pháp cho nới rộng hồ Lớn ra để có lưu lượng nhiều hơn, ăn thông qua hồ Đội Có (Petit lac)
Không biết mấy người này có sống sót vụ lũ lụt hay không

Hình lũ cuốn trôi nhiều nhà cửa ở hạ lưu suối Cam Ly, đập hồ Lớn. Hồ Lớn sau này dưới thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà được đặt tên là hồ Xuân Hương, hương thơm của mùa xuân chớ không phải lấy tên thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bà này chả dính dán gì đến Đà Lạt.
Lũ tháng 5 năm 1932, khu vực người Pháp cao hơn khu người Việt và người Tàu sinh sống.

Nhà ông tây bà đầm ở. Không biết tên hai vợ chồng này nhưng đoán là họ sống tại Đà Lạt khá lâu. Sẽ giải thích phần dưới. Có ai biết chỗ này là nơi đâu vì thấy có cột cờ nên đoán là chỗ làm việc phía trước, phía sau để ở. Thấy có dãy cư xá bên cạnh. Có lẻ chụp khi gia đình này mới dọn đến nên thấy cây cỏ mọc lộn xộn.
Hình này chụp sau khi vườn tược phía trước được trồng lại và chăm sóc. Mái ngói được quét lá thông nên sáng hơn
Đoán là có nơi trên đường đèo Prenn để du khách tạm ngừng. Hồi nhỏ có nhớ thấy vài chỗ như vậy nhưng không nhớ nổi là ở đâu.
Ông tây bà đầm với hai cô con gái. Mình đoán là ông Tây này được chính quyền thực dân phái đến để quản trị thành phố vì xe rất sang trọng. Tay lái bên trái như ăng lê. Lúc đầu mình đoán là ông Champoudry, đọc hồi ký của một ông tây thì được biết ông này có đến 6 cô con gái nên chưa biết là ai. Bác nào có nhận ra thì cho biết để bổ túc. Một ông khác tên Cunhac. Ông này được xem là người khởi công đào hồ nhân tạo Xuân Hương, tiếp theo ý định của ông tỉnh trưởng Long. Cho nên không thể là ông này vì nếu ông ta đào hồ thì chưa có Thuỷ Tạ để vợ chồng ông ta chụp hình tạo dáng. Chỉ tiếc trên bài của chuyện xưa chấm nét không đề tên ông này để có thể đoán hình chụp năm nào cũng như các nhân vật. Lười đi tìm danh sách các cựu thị trưởng vào Năm 1930. Thường mấy tấm ảnh này do gia đình còn giữ nên chắc có tên như trang nhà của cháu ông Cunhac mà mình mò ra khi thấy tấm ảnh của cháu cố viếng thăm Đà Lạt.
Ngồi ở véranda của nhà chụp phía trên
Không định vị được . Có thể là gần trường Petit lycee vì thấy một dãy dài nhà cửa phía sau.
Ông tây bà đầm, 2 cô con gái. Đoán ông đứng sau hai đứa bé, gốc Bắc Phi
Cũng tại căn nhỏ, có chị vú gốc việt
Đèo lên rộng nghê.
Sau vụ lũ đã cuốn trôi đi rất nhiều nhà của người Việt và người Tàu ở vùng hạ lưu của hồ Lớn, khiến có đến 15 người thiệt mạng. Người Pháp, cho đời khu chợ lên khu Hoà Bình ngày nay. Hình trên cho thấy lúc đầu, chợ được bày bán như chợ xổm đến khi người Pháp cho xây ngôi chợ mà ngày nay là khu Hoà Bình. Dãy phố bên tay phải sau này là dãy Việt Hoa, Mekong được xây lại bằng gạch.
Hình chụp bà đầm và hai cô con gái đi chợ, có tên người Việt nào đứng tò mò nhìn đầm con. Dãy lầu 2 tầng bằng gỗ, sau này được phá bỏ và xây một dãy 1 tầng có arcades đến khi họ xây chợ Mới thì được tháo bỏ.
Tấm này chỉ đoán ông tây thuộc quân đội hay cảnh sát của Pháp, đứng chụp ở đâu không biết .
Không biết căn biệt thự nào nhưng đặc biệt minh nhớ cái bóng đèn thường thấy tại Đà Lạt khi xưa
Chỗ này chụp trước căn nhà ở trên có bà đầm và mấy đứa con đứng. Chắc cũng quan to. Ai biết căn nhà này ở đâu xin chỉ dùm
Chỗ này khi xưa là chỗ quan lớn tây đến nghỉ. Sau 54 thì toà tỉnh Tuyên Đức. Ông cụ mình có làm việc tại đây trước 75. Cho thấy bà đầm với hai cô con gái, thuộc dân làm to.
Chụp khác ngày với tấm ảnh trên vì áo đầm không giống 
Khi người Pháp thành lập Đà Lạt như khu nghỉ dưỡng cho người pháp. Ngoài các khách sạn như Palace, Du Parc ra, họ có xây các khu nhà cho thuê mà họ gọi là cité de Decoux, cạnh hồ Vạn Kiếp, để người Pháp mướn lên Đà Lạt ở nghỉ hè, rẻ hơn. Do đó họ cần các hoạt động giải trí như sòng bài và thể thao cho du khách. Do đó người Pháp mới thành lập câu lạc bộ thể thao mà người Việt mình hay gọi Xẹc (Cercle sportif) ngay góc Nguyễn Trường Tộ và đường Thống Nhất. Có mấy sân quần vợt, tập tạ và một quán ăn được đặt tên là “La Chaumière”, sau này ông cựu trưởng ty cảnh sát mướn của thị xã Đà Lạt để mở nhà hàng Đào Nguyên. 

Họ cũng xây một trung tâm thể thao nước, được gọi là “La grenouillère” theo một địa danh nổi tiếng ở ngoại ô Paris. Sau này người Việt gọi là THuỷ Tạ. Có sân quần vợt, sân cù và chỗ chơi thuỷ thao. Mình có kể rồi, ai buồn đời thì tìm trên bờ lốc này.

Hình chụp trên balcon của Thuỷ Tạ, thấy mấy ông tây lộn nhào xuống nước. Phía bên kia bờ hồ thấy trên đỉnh dinh tỉnh trưởng, và cái đập sắp được đập phá.
Hình này chụp trước khi Thuỷ Tạ được xây cất. Địa điểm Thuỷ Tạ ngày nay chỉ có một cái chòi để hạ ca-nô. Hình như lúc đầu người Pháp tính xây 3 cái chòi tương tự. Mình có thấy một tấm ảnh như vậy, lười đi tìm lại nhưng rồi họ cho xây cái nhà hàng nổi trên hồ, để có thể cất mấy chiếc ghe xuồng ở dưới. Vòng tròn được gọi là Camembert 
Ông tây plonge xuống từ một cái plongeoir. Nhớ có tên bạn hay ra hồ Xuân Hương tắm, hắn hay leo lên trên plongeoir để nhảy xuống như ông tây. Có lần hắn nhảy sai nên bị dập dế. Đau quá, nhăn nhó. Bên kia bờ là dân người Việt ngồi xem tây chơi.

Có một ông tây, đăng mấy khúc phim về Đà Lạt, tự xưng là L’enfant de Dalat, phim do bố ông ta quay khi đến làm việc tại Đà Lạt. Mình có thấy một khúc, máy bay thả dù xuống hồ Lớn rồi ca nô bơi lại vớt những người nhảy dù. Họ cho nhảy xuống hồ cho dễ, không sợ gãy chân như sau này mình thấy tướng Lâm Quang Thơ nhảy xuống đồi cù.

Tây thực dân xem, người Việt chắc ở xa xa để xem
Thời này thanh bình chớ sau này không thấy một con vịt ở hồ. Thấy biệt thự Trang Hai phía xa trên đường Trần Quốc Toản, đã bị đập phá. Mình đoán là hình chụp sau 1932, trận bảo lụt vì chiếc cầu được xây cất kiên cố hơn. Xem các hình dưới.
Bà đầm dẫn hai cô con gái đến cầu nhỏ đi vào khu Thuỷ Tạ. Cầu được xây bằng mấy khúc cây thông. Họ có làm cánh cửa ra vào để phòng con nít chạy bậy bạ lọt xuống hồ. Chiếc cầu này rất thô sơ so với chiếc cầu được chụp hình trên với mấy cột trụ to đùng và lan can màu trắng. Cái đập đã được phá bỏ và xây cầu ông Đạo
Đâu biết khi xưa, Đà Lạt có cò hay vạc, ngỗng,..
Lúc này họ đã xây Thuỷ Tạ
Ông tây đi chơi với vợ con, đội cái nón cối thực dân.
Thủy Tạ được xây xong. Đến thời đệ nhất cộng hoà thì có chương trình trồng cây nên đồi cù mới có thêm cây thông. Hình này chụp từ chỗ Xẹc hay trên đường NGuyễn Trường Tộ 
Thủy tạ dạo ấy, trống trơn, không phải chỗ uống cà phê ăn uống. Chơi xộn thì họ vào chỗ tiệm ăn sau này gọi là Đào Nguyên, chớ chỗ này không có bán thức ăn. Có thể có bán nước ngọt vớ vẩn. Cầu thang dễ leo lên. Nay họ gắn kính khắp nơi để thiên hạ ngồi ăn uống nhìn hồ.
Sân cù dạo ấy còn hoang sơ, chưa được trồng cây thông sau 1954
Đường rầy răng cưa
Trở lại gia đình ông tây, chụp ở đèo nào. Ông tây lái xe bên phải, chắc xe của Anh quốc cũng có thể thời đó họ để vô lăng bên tay trái. 
Xích đu ở xẹc, mình có chơi chỗ này vài lần và đánh lộn với Vĩnh Vinh, con ông Bửu Duy.
Sân cù dạo ấy có nai. Mình nhớ có lần một con Nai từ trên Domaine de Marie chạy xuống xóm mình, bị mấy người con của bà Quán bắt được, làm thịt, cho gia đình mình một miếng. Ước gì Đà Lạt còn như vậy. Du khách lên chơi, đứng xa xa chụp hình. Nay thì cái núi Bà cũng bị che.

Chắc cô con gái lớn chụp ông bà. Thấy thuỷ đài, thì đoán là đường Lê Quý Đôn chỗ nhà đèn. Bác nào định vị được không thì cho em xin. Em đoán là chụp từ đường Trương Vĩnh Ký hay Thủ Khoa Huân sau này. 
Hình chụp trên khu khách sạn Palace.

Còn nhiều tấm mới nhận, để hôm nào kể tiếp. Có mấy người hỏi có nhà của họ ngày xưa không thì cho họ xem. Vấn đề là mình không biết họ là ai, hình ảnh khi xưa rất đắt nên thiên hạ chỉ chụp chỗ nào quan trọng. Hôm trước có chị bạn kêu tiệm chè 47 thì mình ngớ vì lần đầu nghe quán chè này. Hôm trước tìm được một tấm được chụp sau 75 thì mình mới hiểu. Mình chỉ nhớ những gì trước 74, còn sau đó thì chịu nên nhiều khi lộn.

Đây là hình chụp sau 75. Tiệm bánh mì Vĩnh Chấn đã bị cạo tên. Khi mình về lần đầu năm 1992 thì hình ảnh mà nhận thấy.
Hình chụp trên đường Minh Mạng, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ, sau 75 vì thấy chè 47 mà chị bạn nói đến mà mình không biết. Chỉ nhớ có tiệm chè ngay hẻm xuống Dốc Nhà Làng có hai căn là của tiệm may Tân Tân cho mướn. Không nhớ tên gì, chỉ nhớ có đến ăn hai ba lần gì đó. Thấy bên tay trái tiệm giặt ủi của cậu Châu, con Mệ Cai Thỏ. Nói chung thì vẫn còn giữ chút Đà Lạt trước 75. Nay về thì Chán Mớ Đời  
 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn