Trường Grand Lycée Yersin và năm Mậu Thân

 Tình cờ mình vào trang nhà của 1 nhóm cựu học sinh Yersin Đàlạt, đoán là do các người học trên mình thực hiện vì thấy hình ảnh của chị tên bạn, Võ Thị Đông Phong. Vui nhất là thấy ông tây dạy Địa Lý, dạy mình khi xưa, kể chuyện thay vì đi quân dịch tại Pháp quốc, tình nguyện sang Việt Nam dạy học 2 năm theo chương trình Cooperant. Đi dạy bằng xe đạp vì không có tiền. Tây mới ra trường thì nghèo. Mình suýt đi theo chương trình này sang Phi châu, sau đi khám sức khoẻ, mình kêu sinh tại Việt Nam, lớn lên trong chiến tranh nên chán quân đội nên tên tây phỏng vấn mình, cho miễn dịch.

Nói là thầy tây cho oai nhưng trên thực tế thì thầy cũng dốt lắm. Ông vua Hassan II của Ma-rốc viết thư cho tổng thống pháp Georges Pompidou, để than phiền là các thầy giáo của pháp cử sang Ma-rốc dạy, viết tiếng pháp sai tùm lum. Toàn là dân mới tốt nghiệp ra trường, không có kinh nghiệm, đi quân dịch, được cử dạy những môn mà không rành lắm như ông Tây dạy mình Địa lý, cũng có kể. Sau này Yersin không có thầy tây, họ kêu thầy việt biết tiếng Tây, càng te tua nữa vì từ giám thị lên dạy. Chán Mớ Đời 

Năm Mậu Thân là năm đầu tiên mình học Grand Lycée, mới có mấy tháng được nghỉ Tết Tây rồi Tết ta, sướng quá cỡ thì mấy ông Việt Cộng vào thành phố, làm đảo lộn cuộc sống, xem như họ cho sống thử đời sống cách mạng vài ngày trước 75.


Ông tây kể chuyện ở chung với ông Tây Ấn Độ, đứng bên trái, hàng thứ 2, tên gì quên tuốt, ông này có mướn Chị Ba, nấu ăn, dọn nhà. Lâu lâu buồn tình ông ta đè Chị Ba xuống làm một trận, giải quyết sinh lý. Đạo đức nhà mô phạm của tây. Hình này chụp ở Petit Lycee, khi Grand Lycee được đổi thành trường  Hùng Vương, bàn giao lại trường Petit Lycee cho đám trường tây. Chụp trước cầu thang văn phòng Hiệu Trưởng. Mình có nhận ra vài người.

Lần đầu tiên trong đời mình thấy chiến tranh, sự chết chóc là gì khác với những phim xi nê. Máy bay trực thăng bay trên đầu xóm mình, bắn hoả tiễn, đại liên khiến các vỏ đạn rơi xuống xóm mình, có một tên đang đứng bên cạnh mình xem máy bay, bị vỏ đạn rớt trúng đầu, máu phun như suối, đưa lên nhà thương.

Nghỉ học ở nhà chơi đánh bài với mấy tên hàng xóm thì có hôm nhận được thư hay nghe tin ai, nói phải lên trường, lấy bài tập về làm. Cũng có thể là qua đài phát thanh. Chạy lên trường thì không vào trường mà ở ngoài, họ phát bài tập về nhà làm để nộp. Mình nhớ có bài tập việt văn của cô Liên về thằng Bờm và cái quạt mo, đã giúp mình không bao giờ tin người lớn. Họ chỉ dụ mình, cách ăn chắc mặt bền của người Việt là cứ ăn xổi nắm xôi, còn 3 bò 9 trâu thì quên đi, đừng có mong.

Tư tưởng, chủ nghĩa thằng Bờm cũng khiến người Việt không mơ làm giàu, nổ lực để tìm cách làm giàu như người tây phương nhất là người Mỹ. Trở lại vụ ông tây kể những gì xảy ra ở trường vào Tết Mậu thân.

Khi Việt Cộng tấn công vào Đàlạt, các gia đình người Pháp nghĩ trường Grand Lycée là nơi an toàn để trú lánh vì ngôi trường không nằm trong trong những cứ điểm chiến lược quân sự của Đàlạt nhất là người Pháp, không dính dáng gì đến người Mỹ. Nghe tin mấy gia đình người Pháp tại Đàlạt, lánh nạn tại trường thì mấy ông kẹ rũ nhau đến và bắt họ làm con tin để thương thuyết sau này. Nếu mình không lầm thì các trường học tại Đàlạt dạo đó, cũng được mở cửa để các đồng bào chạy giặc từ Số 4, đến lánh nạn như Đoàn Thị Điểm, Văn Học, Việt Anh. Nhà mình thì có gia đình dì Ba Ca từ Số 4 chạy về, và hai cặp vợ chồng làm vườn từ Suối Tía chạy ra, nuôi mệt thở. 

Tương tự năm 1969, Việt Cộng đánh chiếm Giáo Hoàng Học Viện, đại đội 302 Đàlạt đã vào bên trong nhưng toà thánh Vatican, yêu cầu Việt Nam Cộng Hoà không được nổ súng nên phải rút ra. Lý do là có nhiều ông cha người ngoại quốc đang sinh sống trong đó. Đào tạo một ông cha rất tốn tiền nên Vatican gọi điện thoại cho phủ tổng thống.

Hình chụp năm Mậu Thân phía dưới cái nóc chuông, kính bể nơi cầu thang lên nóc chuông, phía dưới đi vào là Preau để học sinh chơi khi trời mưa. Sau này, Việt Cộng xây thêm lớp ở chỗ này.

Cuộc giải cứu các gia đình người Pháp núp trong trường khá châm đến khi mình đi học lại thì đã được thu dọn lại nhiều, chỉ còn lác đác vào nơi chưa được tu sửa. Xin tải về đây mấy tấm ảnh của ông thầy địa lý tây khi xưa.

Hành lang lầu 3 và 2, cạnh nóc chuông
Ngay cột trụ cũng bị bắn bể, chỉ còn sắt ở trong, chắc là máy bay trực thăng bắn

Những hình ảnh chụp sau cuộc giải toả trường thì thấy các cuộc tấn công bắn nhau của quân đội Việt Nam Cộng Hoà và Việt Cộng đều xẩy ra trong các lớp học và hành lang.

Thấy trên hành lang có những học tủ để sách vỡ như bên mỹ. Mình không có, chắc là để mấy người học lớp trên. Mình chỉ nhớ học bên dẫy nhà chỗ  Ai nhớ thì cho em hay
Một lớp học mà có lẻ mình đã ngồi đây khi xưa. Mình chỉ nhớ bị cấm túc rất nhiều (consigne) Chán Mớ Đời 

Mình chỉ nhớ là mái nhà của trường làm bằng “ardoise “, người Mỹ gọi là “Slate”, một loại đá đen mỏng, bị máy bay bắn hay sao đó. Việt Nam không có loại đá này, chắc khi xưa, họ chở mấy loại lợp mái này từ Pháp quốc sang. Người Việt cho thay mấy miếng ngói bể bằng ngoại đất sét. Chán Mớ Đời 

Trần nhà của hành lang

Cái tháp chuông đã được sửa chửa lại. Họ lấy một phần ardoise của nóc nhà ở giữa để lợp cái tháp chuông. Rồi lấy mái ngói Đàlạt để lợp mái nhà của trường. Nay chắc họ đã thay hết bằng ngói Đàlạt.


Có lần về Đàlạt, có tên học chung khi xưa, được đối tượng mình cho hay là nằm vùng trước 75, hắn kể bố hắn là thầu khoán Đàlạt dạo ấy, và là người thầu tu sửa lại trường Grand Lycee. Nay hắn kế nghiệp ông bố làm thầu khoán. Chán Mớ Đời 

Hình như có ông Việt Cộng nào leo lên đến nóc chuông để bắn máy bay nên bị hạ sát. Họ lấy một số “ardoise” của một mái nhà để thay vào nóc chuông. Do đó khi nhìn không ảnh của trường, sẽ thấy một khúc lợp bằng ngói sản xuất tại Đàlạt, Việt Nam. Chán Mớ Đời 

Mình có thấy cảnh Việt Cộng núp trên nóc chuông nhà thờ Domaine De Marie bắn chóc chóc máy bay, hình như sau này, lính Việt Nam Cộng Hoà bắn sẻ chết mất tiêu. Có tên bắn B40 xuống chiếc thiết giáp đang chạy trên đường Ngô Quyền. Tên này bắn hụt nên bay xuống bụi chuối của nhà vườn, nghe cái ầm rồi chuối chiết gì bay tùm lum. Sợ quá hết dám qua chiến tranh trực tuyến. Vào nhà.

Ông tây kể trong thời gian tạm trú tại trường thì mấy gia đình tây không đoàn kết, giúp đỡ nhau như người Việt mình. Họ cãi nhau vì chia thực phẩm, nồi xoong, mùng mềm không đồng đều. May thay không có thằng tây nào chết cả. Lạ vì tường có khu nội trú, nhà bếp, ở phía sau. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn