Ký ức về quê hương

 Tuần này, mình có nhận tin nhắn của vài độc giả khiến mình thất kinh. Thứ nhất, một ông mỹ từng tham chiến tại Đàlạt, lấy vợ việt, hay đọc bài trên bờ lốc của mình hỏi: “ Sony, where do you live? Did you ever live in Da Lat?” Tạm dịch “Sơn đen, ông đang sống ở đâu? có bao giờ sinh sống tại Đàlạt?” Chán Mớ Đời. 

Một người khác đang sinh sống tại Đàlạt viết: “ Mình đã đọc hết bài của bạn, rât cảm kích tuy xa quê hương vẫn hướng lòng về đất mẹ. Mình thì giờ hạnh phúc trên quê hương bình ăn.Tối hôm qua coi truyền hình kỷ niệm 9/11 ở New York, Virginia. Sadly” Ông này không ở Mỹ nên nhầm thành phố New York thuộc tiểu bang Virginia. Thành phố New York thuộc tiểu bang New York, có nhiều quận như Manhattan, Queens, Bronx,… 

Có chị bạn cùng trường, không cùng lớp viết: “Thanh nói rất đúng về Sơn. Sơn là một người thông mình, có một trí nhớ phi thường và rất có chí. Đã làm cái gì là nhất tâm làm cho được và thành công.  Điển hình là về lãnh vực viết lách này. Chúc mừng Sơn . Na ” Chị bạn này, người khởi nghiệp dư cho mình kể chuyện Đàlạt xưa. Khi xưa, học chung trường, không chung lớp, chưa bao giờ nói chuyện. Khi qua Mỹ, gặp và giao lưu đến nay. Có lần cô nàng, email báo cho mình biết, đã tìm lại một người bạn học cũ. Cô kia thì mình có học chung 1 năm, có vài kỷ niệm sinh hoạt chung như đi picnic, lạc quyên, Ninh Chữ với mấy người bạn học chung, đối tượng của một tên bạn học chung.

Qua email, mình kể lại vài kỷ niệm của thời học chung với nhau, chị bạn email hỏi còn chi nữa, kể thêm rồi kể thêm, từ từ ký ức mình như cái giếng của “Manon des sources” được  nhà văn Marcel Pagnol khai thông và tiếp tục kể chuyện đời xưa đến giờ. Chị bạn cứ phải sửa lỗi chính tả, văn phạm của mình, trước khi tải lên diễn đàn của trường vì mình dốt tiếng Việt. Nhìn lại đã trên 7 năm, mình viết trên 1,350 bài bú xua la mua, phân nữa là về Đàlạt, vô hình trung trở thành người kể chuyện Đàlạt xưa. Ai tò mò, thắc mắc chuyện chi cũng hỏi mình, thậm chí có người mê cô nào khi xưa, cũng hỏi mình về tung tích, mình nghĩ họ kêu công an khu vực thì dễ kiếm hơn. Chán Mớ Đời 

Có người chửi mình tại sao không biết họ khi xưa ở Đàlạt. Họ làm như mình là ma só của thầy Chiêm Đàlạt xưa.

Lâu lâu thấy hình ảnh xưa của Đàlạt trên mạng, hiện về vài kỷ niệm nên ghi lại để khỏi nhớ. Không nhớ là một niềm hạnh phúc của kẻ xa quê, vì khi nhớ thì đau đáu trong lòng, như một người đột ngột rời xa người mình yêu, không một lời giã từ, khắc khoải niềm nhớ, ân hận, tiếc nuối không nguôi. Có lẻ mình còn mẹ và mấy người em ở Đàlạt nên cứ phải trông ngóng về quê hương bỏ lại, càng nhớ càng phải viết để bớt lùng thùng trong đầu. Không nhớ sẽ giúp chúng ta thành người không quá khứ, chỉ có tương lai trước mặt.

Không ngờ nay đã trên 7 năm trời mình kể chuyện về Đàlạt trước 75. Càng viết càng có nhiều người, bổ túc, giải thích thêm nên lại phải bổ túc như mấy tấm mosaique mình lượm lặt từ từ rồi ghép lại hình ảnh ngày xưa. May thay có 2 ông thần độc giả, tự xung phong làm bờ lốc để lưu lại.

Thật ra mình chả có trí nhớ chi cả. Được cái là hồi nhỏ hay hóng chuyện người lớn, không như con nít ngày nay, chả để ý đến chuyện người lớn cứ chăm đầu vào chơi game. Đến nhà thiên hạ, thay vì chào hỏi, cứ vênh mồm ra hỏi mật mã Wi-fi. Mình hỏi: “ why do you want my wife?” Khiến chúng trố mắt ra như bò đội nón. Chán Mớ Đời  

Có người gửi cho mình hơn 700 tấm ảnh cũ của Đàlạt mà cũng chưa có thì giờ để xem hết. Khi nào rảnh mình lấy ra xem rồi tải lên mạng cho bà con xem thêm chú thích. Mình, kiến trúc sư nên dễ định vị một tấm ảnh nào ở nơi mình đã từng đi qua. Có lẻ mình có trí nhớ về hình ảnh (photographic memory).

Cuộc đời chúng ta như cuốn sách, mỗi ngày là 1 trang giấy nhật ký, ghi lại những gì xảy ra hôm ấy, nói chuyện với ai, làm gì nên khi chúng ta thấy một tấm ảnh như mở trang giấy cũ ấy lại, có thể đọc lại, nhìn lại những hình ảnh của ngày tháng đó. Đa số người Việt chúng ta rời khỏi nước vì bắt buộc nên nhiều khi không muốn nhớ đến sự hải hùng của thời bao cấp, của địa ngục trần gian còn những người may mắn như mình, rời khỏi Đàlạt trước 75, ký ức chưa bị vấn đục bởi cách mạng, còn trong sáng của thời nên thơ, chưa được huấn luyện dạy dỗ căm thù. Do đó vẫn còn sự tiếc nuối về một Đàlạt thân thương, êm đềm của tuổi thơ vì ngày nay, trở về là một sự thất vọng, không tìm lại được những dấu chân xưa.

Nhà mình khi xưa chỉ có 2 phòng ngủ và 1 phòng khách nhỏ. Mỗi phòng ngủ có hai cái giường nên không có chỗ để bàn học. Ngồi học bài ở phòng khách, khách khứa đến nhà, mình ngồi thu gọn trong một góc, học nhưng tai thì chăm chú nghe họ nói chuyện. Dạo ấy, nhà đâu có truyền hình, hay Internet cho nên mình chỉ biết nghe chuyện người lớn, như một cửa sổ mở ra thế giới mênh mông xưa kia. Sau này, có Internet, có tìm đọc mấy bài viết của người Đàlạt xưa nên bồi dưỡng thêm chút ít về ký ức ở Đàlạt xưa. Có người nói: “ký ức không thay đổi chỉ có chúng ta mới thay đổi”. Những kỷ niệm hồi nhỏ thêm đọc chi tiết của người lớn viết về Đàlạt, khiến mình thu nạp thêm vào ký ức rồi kể lại. Đâu đó, có người nói: “mình là những gì mình nhớ”.

Mình viết cho khỏi nhớ nhưng lâu lâu lại có người hỏi vài chuyện đối với mình bình thường nhưng quan trọng đối với họ, khiến mình phải trả lời. Có ông thần nào hỏi tại sao người Đàlạt xưa, gọi ông ngoại anh ta là “Xu Huệ”. Mình biết ông Xu Huệ này ở trong xóm ngay Ngã Ba CHùa, dạy thiên hạ vô thất, bố vợ của anh Minh, dạy mình Không Thủ Đạo tại đây vào buổi sáng. Mình có bà dì lấy chồng, có tiệm hớt tóc, cạnh quán cơm trước đường Phan Đình Phùng.

Mình có đọc hồi ký của ông Lê Đức Anh, một thời làm tướng, chủ tịch nước của Hà Nội. Ông ta kể khi xưa, làm cai đồn điền cho Tây, tây gọi là “Surveillant”, người Việt thì đọc tiếng tây đa âm khó nên đọc âm đầu là “Sur” thành “Xu”. Đàlạt xưa có mấy ông “xu” như Xu Tiếng, Xu Huệ, ở đường Phan Đình Phùng…

Đó là đọc theo tây học còn gọi theo người Việt là “Cai” như Am Mệ Cai (người HUế) còn người bắc thì gọi Am bà Cai Thỏ vì ông chồng làm cai tên Thỏ. Ông cụ mình xưa cũng làm cai cho ty Công Quản Nước Đàlạt, coi một nhóm thợ bắt ống nước vào nhà dân ở Đàlạt.

Nói tiếng Tây, người lớn khi xưa hay nói chuyện quen thời tây, cứ kêu đường “Ma-ri xanh Phúc” (đường Duy Tân) khiến mình ngơ ngáo như bò đội nón nhưng không dám hỏi, sợ bị ăn tát, bảo ăn cơm hớt. Sau này sang Tây mới khám phá ra là đường “Maréchal Foch”, thống chế của Tây. Coi bản đồ của Tây ngày xưa thì đúng là đường mang tên ông thống chế Tây. Chán Mớ Đời 

Người lớn tuổi gọi đường “Cầu Quẹo” thay vì đường Phan Đình Phùng nhưng đến nay mình cũng không hiểu nguồn gốc của Cầu Quẹo vì đa số những người sống vào thời ấy đã tây phương cực lạc. Có người giải thích vì quẹo qua cái cầu Lò Rèn, chỗ đường Hải Thượng. Nếu theo giải thích này thì mình đoán là dạo ấy đường Duy Tân (ma-ri xanh-phúc) chạy lên, chỉ có một chiều và đường Mình Mạng chạy xuống quẹo đường Phan đình Phùng, có khúc đường ngắn rồi quẹo qua HẢi Thượng để vào đường Hoàng Diệu mà người xưa gọi là đường Lò Gạch vì có lò gạch trong Hoàng Diệu. Có lẻ vì quẹo trước rạp Ngọc Hiệp nên họ gọi đường Cầu Quẹo. Ai biết cho em xin.

Đường Maréchal Foch , tiền thân của đường Duy Tân trước 75, đường một chiều, chạy từ đường Cường Để, Hải Thượng lên và chạy xuống bằng đường Minh Mạng. Hết đường Mình Mạng thì phải quẹo nên họ gọi đường Cầu Quẹo, đường Phan Đình Phùng chạy về hướng Ngã BA Chùa, dạo ấy chưa có ai ở, còn hoang vắng. Mình đoán khúc này, kiosque đầu tiên là khách sạn Thuỷ Tiên sau này.

Sau này, đường Duy Tân được nới rộng ra thành đường 2 chiều, vừa lên vừa xuống. Ai tò mò thì đọc bài mình viết về con đường Duy Tân, có hình ảnh xe một chiều, chiều ngang ngắn như đường Minh Mạng. Có mấy cái kíosques, sau được giải toả để nới rộng đường 2 chiều.

Có lần mình đọc bài viết về Đàlạt của thầy Hứa Hoành, dạy mình địa lý năm 11B. Thầy có nói là cầu Ông Đạo có hai giả thuyết: một là do ông Quản Đạo làm, hai là vì cầu nằm gần nhà ông Quản Đạo. Thầy không biết giả thuyết nào đúng. Mình đọc tài liệu Tây thì cũng không nói đến chi tiết này. Mình nhớ là song song với cầu Ông Đạo, có cầu Bá Hộ CHúc, phía bên kia Ấp Ánh Sáng, nối dài con đường Cường Để và Bà Triệu. Hỏi người lớn thì được biết ông Bá Hộ Chúc, rất giàu, người miền Nam, gốc Long Xuyên thì phải, lên Đàlạt làm nhà thầu, xây cất ở Đàlạt rất giàu. Chính ông ta thầu xây chiếc cầu mà người Đàlạt xưa gọi là cầu Bá HỘ Chúc. Sau này, ông ta về lại quê nghỉ hưu, chỉ còn con cháu ở lại. Do đó mình nghĩ giả thuyết người Đàlạt gọi “cầu Ông Đạo” là vì ông quản đạo dạo ấy xây chớ không phải vì gần nhà ông Đạo. Xem như mình giải thích được câu hỏi của thầy Hứa Hoành. 

Ngày xưa, cứ thắc mắc ông Đạo là ông nào, đạo dừa, đạo dụ hay đạo mu,…sau này đọc sách báo của mấy ông viết sử về Đàlạt mới hiểu là ông Quản Đạo, do triều đình Nguyễn bổ nhiệm vì Đàlạt được xem là Hoàng Triều Cương Thổ nhưng người Việt mình chỉ đọc ông Đạo, tránh lôi thôi.

Tấm ảnh trên khiến mình thắc mắc một thời gian khá lâu dù định vị được ở trên đồi chỗ nhà Lao Đàlạt, hình ảnh ghi chú thích năm 1948 khiến mình như bò đội nón, phải mò mẫn, đọc tài liệu tây mới khám phá ra hình ảnh này chú thích sai. Lý do thứ nhất là ghi năm 1948, Thuỷ Tạ đã được xây cất trước năm 1932 mà người Pháp gọi là “la Grenouillère “. Nhìn trong tấm ảnh không thấy nhà Thuỷ Tạ, chỉ thấy tiệm ăn “La Chaumière “, sau này là quán Đào Nguyên, thêm nữa hồ Xuân Hương do hội đồng thị xã Đàlạt đặt tên sau khi Tây về nước, thời Ngô tổng thống. Thời Tây gọi là Grand Lac, hồ lớn. Do đó mình dám quyết là họ chú thích sai. Hình ảnh này chắc chắn được chụp trước năm 1932. Sau năm 1932, khu vực này bị bão lụt phá tan, hư hại nhiều nhà cửa, người Pháp dời khu vực này lên khu Hoà BÌnh. Cho thấy phải cẩn thận khi chú thích hình ảnh, em có sai thì nhờ các bác chỉ dùm để hoàn chỉnh.

Mình có viết một bài về tấm ảnh này nhưng không hiểu lý do Tây dẹp bỏ đến khi đọc được tài liệu về vụ bão lụt năm 1932, cuốn trôi và làm hư hỏng các nhà ở khu vực này cộng 15 người Đàlạt chết. Mình kể lại đây để bổ túc thêm. Ai biết gì thì cho mình biết để bổ túc.

Trong hình mình thấy con đường chạy từ ngã năm chỗ Thuỷ Tạ được xây sau này, chận suối Cam ly lại để biến thành hồ nhân tạo mà người Pháp gọi Grand Lac, chạy qua đến đường Đinh Tiên Hoàng. Thấy cái đập để thoát nước, kiểu như đập Đa Thiện trong Thung Lũng Tình Yêu. Mình sẽ bỏ lên tấm ảnh chụp ngược lại từ phía bên kia.

Hình này cho thấy rõ con đường và cái đập chận nước của suối Cam ly thành cái hồ nhân tạo lớn mà người Pháp gọi “Grand Lac”, và có cái hồ nhỏ phía bên kia con đường mà tây gọi là “Petit Lac” dùng để xả nước khi mùa mưa đến. Do đó chỉ thấy con suối Cam Ly vào mùa khô. Mình đoán hình này chụp trước khi họ vét hồ và tạo ra ốc đảo của Thuỷ Tạ sau này. Ngay ngã năm, có tiệm ăn “La Chaumière “, dành cho khách ngụ tại các Bunga lớ, trên đồi, cạnh  khách sạn Palace LnagBian, nằm ngay góc, sau này, được xây lại là quán Đ ào Nguyên.
Hình này cho thấy con đường chạy từ Thuỷ Tạ, chận nước suối Cam Ly để thanh hồ nhân tạo Grand Lac, đường Võ tánh, chạy lên dinh tỉnh trưởng sau này (nhà toàn quyền Đông Dương khi xưa). Phía bên trái là hồ nhỏ (Petit Lac). Lúc này chắc họ xả nước nên hồ lớn chỉ thấy con suối Cam Ly. Có thể dạo họ mới làm cái đập, chưa cho vét đất để nước ngập cái hồ như ngày nay.
Ảnh này chụp phía Tây của cái đập mà người Pháp gọi là Petit Lac nhưng ít nước. Họ chận hồ lớn (Grand Lac) để tây thực dân có thể chơi các môn thể thao nước như chèo thuyền cũng là một cách làm biên giới tây-ta để người Việt và người thượng không bén màn đến. Hình chụp từ chỗ mấy BUngalows mà người Pháp xây trước khi xây khách sạn LangBian
Tấm ảnh chụp từ khách sạn Lang Bian cho thấy rỏ hơn, con đường và cái đập, chạy ngăn Hồ Lớn và Hồ Nhỏ. Thấy con đường Đinh Tiên Hoàng, chạy lên đồi Cù, đường Võ Tánh và hồ Đội Có, làm hồ chứa nước cho thị xã Đàlạt, nơi ông cụ mình làm việc trước 1975. Đã thấy con đường Trần Quốc Toản.

Hình này chụp từ khách sạn Palace, thấy hồ nhỏ (Petit Lac) vào mùa mưa và dãy phố người Việt đầu tiên tại Đàlạt.
Đường và đập chạy từ Thuỷ Tạ chạy qua bên kia hồ, chia ra thành hai hồ: Grand lac và Petit Lac. Đường nơi chiếc xe bò sau này là đường Trần Quốc Toản., bên trái là địa điểm cây xăng Esso.
Hình này chụp từ bên kia hồ, cho thấy Thuỷ Tạ chưa được xây cất, vẫn còn cái đập nước. Mình đoán là trước năm 1930

Tấm bưu thiếp này đề tem đóng dấu ngày 12 tháng 8 năm 1933. Họ đã tạo ra ốc đảo Thuỷ Tạo nhưng chỉ có một nhà dù phía bên hồ.
Hình này chụp từ chỗ tiệm Đào Nguyên, thấy cái đập nước, cầu. Bên trái là trại lính của Tây, về đây dưỡng thương, sau này họ làm nhà lao nhốt tù. Mẹ mình bị bắt nhốt ở đây mấy tháng cùng với vợ chồng bác Phấn, tiệm thuốc tây Mình Tâm ở đường Duy Tân. Phía trên đồi là dinh tỉnh trưởng sau này.

Tấm ảnh cho thấy Thuỷ Tạ được xây cất trước sau vụ bão lụt năm 1932. Xa xa là cái đập mới được gọi là cầu Ông Đạo.
Đây là tiền thân cầu Ông Đạo. Ta thấy nhà ông đạo trên cao một tị, bên trái con đường và chiếc cầu gỗ là phố người Việt. Mình đoán dạo ấy đường Phạm Ngũ LÃo chưa được xây cất.
Cận cảnh khu phố người Việt nhìn từ nhà thờ Con Gà, thấy cái hồ nhỏ, Petit lac.
Khu phố người Việt trước khi bị bão lụt cuốn trôi năm 1932, nhìn chiếc cầu gỗ làm mình nhớ chỗ cư xá Địa Dư ở đường Hai Bà TRưng, có chiếc cầu gỗ do hướng đạo Lâm Viên xây cất, để thiên hạ băng qua đường Phan Đình Phùng.
Con đường chính của khu phố người Việt trước khi bị bão lụt cuốn trôi, theo chú thích vào năm 1925. Có người cho rằng tấm ảnh này, chụp tại Huế, thấy cũng có lý, vì ngói mái nhà khác với mái nhà Đàlạt thêm mấy cây không giống cây Mai Đàlạt. Áo quần thì đúng là người Huế vì ông ngoại mình bận đồ như ông đi bên trái. Xe kéo ở Đàlạt thì hơi châm vì kéo lên dốc là khổ.
Cửa tiệm khu phố của người Tàu cạnh chiếc cầu gỗ.

Tiệm ông tàu làm thợ hàn, đóng mấy cái thau, nồi bằng nhôm, kiêm luôn bán xe đạp, bánh xe, dầu, tạp hoá,… phải công nhận người Tàu hay, chỗ nào cũng chui tới đẻ sinh sống và giàu có vì tiên phong.
Khu phố người Việt đầu tiên tại Đàlạt, nằm dưới thung lũng, sau này bị bão lụt năm 1932 phá hủy khiến người Pháp dời lên khu Hoà Bình

Vào năm 1932, có trận bão đã cuốn đi dãy nhà cận cảnh, được xem là phố người Việt. Tây thuộc địa mới dời phố này lên khu Hoà Bình.

Hình này cho thấy cái đập của hồ lớn bị phá vỡ trong trận bão lụt năm 1932, cuốn trôi và phá hủy khá nhiều nhà ở phố Việt, nằm phía Tây của hồ.

Nếu nhìn rỏ thì căn nhà này có trong tấm ảnh đầu tiên ở trên, xem mấy cây thông, cột điện,.. sau này người Pháp dời phố Việt lên Khu Hoà Bình nhưng họ vẫn bắt chia lô đất là 3 mét ngang và 10 mét dài. Sau này ông Võ Đình Dung có chân trong hội đồng Thị Xã mới lên tiếng, kêu sự kỳ thị giữ các lô đất người Pháp như ở đường Trần Hưng Đạo, Yersin, to lớn nên mới được đổi nới rộng thêm như ngày nay. Khi đọc tầm liệu Tây, cho thấy Tây đô hộ chúng ta nhưng ít ra học của cho người Việt vào hội đồng thị xã để bàn bàn đường hướng xây dựng thành phố Đàlạt.

Tây thực dân thiết kế đô thị Đàlạt, họ dành những khu nào trên đồi để cho người Pháp và tây phương ở, các lô đất được chia cắt rất lớn thay vì 3 mét x 10 mét ở khu dành cho người Việt, ở thung lũng, đất bằng như khu vực Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng (Cầu Quẹo),… khu Hoà Bình được thiết kế dành cho tây thực dân vì họ chiếm cái đồi cao nhất là dinh toàn quyền, thị trưởng sau này.

Người Pháp phải bỏ ý định làm hai hồ vì sợ bị vỡ đập nữa nên họ phá cái đập cũ và cho xây cái cầu Ông Đạo vừa là cái đập cho hồ Xuân Hương ngày nay. Xem hình dưới khi họ đang xây cái đập cầu Ông Đạo.

Đây là hình chụp chỗ đường từ nhà thờ Con Gà đi xuống Phạm Ngũ Lão, Trần quốc Tuấn, lúc đang xây cái đập mới, còn được gọi là cầu Ông Đạo. Ta thấy nhà ông Quản Đạo bên tay trái. Chiếc cầu chưa được thực hiện, chỉ có hai ụ đất chận nước. Tây gọi con đường này là Rue de la Poste. Vì chạy lên bưu điện.
Hình chụp từ Bưu điện nhìn xuống. Bên tay trái, sau 3 cây thông, sau này là vườn của mấy người ở Ấp Ánh Sáng. Thấy đường mòn, sau này trở thành đường Phạm Ngũ Lão, còn con đường kia, tây gọi đường La Poste, bưu điện. Bưu điện nằm đối diện với nhà thờ con gà, được xây cất trước khi nhà thờ con gà được xây cất.

 Cầu mang tên Ông Đạo vì do ông Quản Đạo của triều đình nhà Nguyễn xây, phái đến để quản lý khu vực được xem là Hoàng Triều Cương Thổ, thật ra để tránh người Việt đến đây sinh sống. người Pháp muốn hạn chế dân sở tại đến lập nghiệp tại đây, vì muốn dành riêng cho người Pháp. Sau này họ cần nhân công, cu-li để làm việc cho họ, mới cho phép người Việt đến định cư như mẹ mình phải được người bảo trợ, đủ trò mới lên Đàlạt lập nghiệp. Sau này họ là cửa chắn cao hơn.

Cầu Ông Đạo được xây xong, biến hai hồ lớn và nhỏ thành một. Phía bên kia cầu là nhà ông Quản Đạo, đại diện triều đình nhà Nguyễn. Sau này được dỡ bỏ để xây vào đó cái bùng binh, bể nước. Phía trên đồi là rạp xi-nê Eden, tiền thân của rạp Ngọc Lan. 

Mình còn một số hình ảnh cũ ở khu vực hồ Xuân Hương, để hôm nào, mình tải lên và giải thích thêm, nếu không thì tưởng là ở xứ nào.
Tiền thân cầu Ông Đạo với mấy nhà tranh. Đó là hình ảnh của những nơi người Việt đến lập nghiệp tại Đàlạt.ở dưới vùng bằng tỏng khi người Pháp chiếm hết các ngọn đồi. Năm 1932 bị bão lụt cuốn trôi hết, mới được dời lên khu phố Hoà BÌnh ngày nay.
Hình cầu Ông Đạo trước năm 1932. Bên tay trái là khu phố việt, ở xa xa thấy nhà ông Quản Đạo, bên phải.con suối Cam Ly chảy qua cầu.
Đây là cầu Ông Đạo làm bằng bê-tông, đá, đầu cầu là nhà ông Quản Đạo. Người Đàlạt gọi cầu Ông Đạo vì do ông quản đạo xem coi công trình. Mình có đọc kỷ yếu của bộ công chánh thì đề một kỹ sư người Việt làm tính toán cái đập này.

Không ảnh chụp khi Đàlạt vét hồ Xuân Hương, không nhớ rõ năm nào. Thấy rõ bên cạnh THuỷ Tạ, dấu vết con đường vừa là cái đập chận nước, chia ra hai hồ: Grand Lac bên tay phải và Petit Lac bên tay trái. Dấu vết ngầm của con suối Cam Ly.
Đây là tấm bưu thiếp chụp hồ Đàlạt khi người Pháp mới tìm ra địa danh này. Người đứng tạo dáng, quay lưng là Sơn Đen ngày nào. Chán Mớ Đời 

Mình cảm thấy vui là đã giải mã được tấm ảnh cũ về Đàlạt, chú thích năm 1948 khiến mình chới với thêm cũng đã giải mã câu hỏi của thầy Hứa Hoành, dạy địa lý mình năm 11B, về cầu Ông Đạo. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn