Ông bán đậu rang Hoà BÌnh Đàlạt xưa


Đây là cái mộc mà anh Paul LeMinh chụp từ con cháu của ông bán đậu răng “đậu hòa bình 59”. Không biết lý do số 59

 Hồi nhỏ mình hay thấy ông bán đậu phụng rang ở ngay bùng binh chợ, với chiếc xe đạp và cái thùng thiếc nước mắm, độ chế lại để phía sau porte bagage . Cũng có thể ông ta nhờ ông Thạc, thợ hàn cạnh hàng mẹ mình đóng cho cái thùng này như ông bán cà-rem  của tiệm kem Thuỷ Tinh, có để phía trong tấm trắng số của Mỹ để giữ nhiệt độ. 

Ông này có tướng cực đỉnh là bận áo vét trắng, đạp xe đạp đi bán đậu phụng rang, thiên hạ gọi là lịch lãm. Nói thật, không biết mình có ăn đậu phụng rang của ông hay không. Lâu lâu thấy trên mạng hình của ông ta. Hình đầu tiên nhận được là do tên bạn học chung xưa Nguyễn Hùng gửi.

Ông ta bận bộ đồ vét màu trắng, để cái râu dài bạc như ông hồ nhưng có lẻ rậm hơn, đạp chiếc xe đạp đèo thêm cái thùng thiếc nước mắm Phan Thiết phía sau, đề “đậu phộng rang Hoà Bình, thơm ngon, nóng dòn”. Có người kể là khi xem đá banh ở sân vận động thì cũng thấy ông ta, trời lạnh mà ăn được gói đậu phụng rang nóng hổi của ông ta là nhất.

Nếu mình không lầm thì nhà ông ta ở đường Phan Đình Phùng, ngay ngã ba chùa, trong cái hẻm phía sau nhà Nguyễn Đắc Hớn, bán phân bón. Thằng Đa kể là quen con ông ta nên hay đến nhà, xem họ rang đậu phụng trong lò bằng cát. Sau đó lại sàn ra, lọc cát, bỏ đậu rang vào thùng thiết có vãi để giữ hơi ấm và độ dòn của đậu. Có người cho biết vợ ông ta bán bánh mì ở cạnh rạp Ngọc Hiệp, phía trước tiệm ăn Như Ý. Mình có mua bánh mì thịt ở đây vài lần.

Có người gửi cho mình video con trai của ông ta, thấy giống bố lắm, cũng theo nghề của ông nhưng không thành công lắm. Đàlạt thay đổi mà cứ tiếp tục đạp xe đạp, chở đậu phụng rang thì khó mà cạnh tranh với những nơi khác. Có người gửi cho mình như sau.

"ĐAO RA NÓNG GI..Ò..O..N" Nhớ nhứt là những lúc ngồi xem bóng đá trên sân Đà Lạt trong những chiều mưa lạnh giá mà có bịch "đao ra (tiếng rao trại đi của đậu rang) nóng giòn" thì thật tuyệt vời-đậu của ông rang cực ngon, nhứt là lớp vỏ bùi bùi măn mặn bên ngoài. Ổng vác thùng thiết đi khắp sân để phục vụ khán giả, rất ấn tượng. Bán đậu rang nhưng có phong thái lịch lãm. (*copy)

Sau này về Đàlạt, có cô em làm đậu phộng húng liều rang tương tự như của ông này, ăn cực đỉnh. Ai muốn ăn món này thì ghé tiệm cà phê Chez Nous của cô em mình ở Đường Phan đình Phùng. Đường này ngày nay tên gì hè. Ngay chỗ ngã ba chùa khi xưa, đi qua vườn ông Ba Đà. Chán Mớ Đời 

Nghe nói ông ta còn sống, ai có tin tức thì cho em xin

Bổng nhiên lại nhớ đến ông thần này thay vì mấy đối tượng ngày xưa. Cho thấy về già, người ta chỉ nghĩ đến ăn thay vì người đẹp. Hình này chụp trước chợ Mới Đàlạt, vào mùa chợ Tết vì thấy đóng rào ngay bồn binh. Mình có tấm ảnh này nhưng lớn hơn, còn tấm này, ai đó đã cắt nhỏ cho tiện. Khi có chợ Tết, thì người ta rào lại hết, không cho xe đi vào, lề đường được cho thuê để người dân, buôn bán, kiếm tiền cho 3 ngày Tết. Hồi nhỏ, mẹ mình hay mướn một chỗ, bên hông chợ, cạnh tiệm của ông bà Nguyễn Văn Ngạch,  mình và cô em hay bà dì ra đây ngồi bán trong mấy ngày chợ Tết.

Sau này, có mấy gia đình từ Ban Mê Thuột đổi về Đàlạt, mẹ mình kêu họ điền tên, ra mướn chỗ, rồi vào lấy hàng của mẹ mình ra bán, kiếm tiền tiêu cho 3 ngày Tết. Mình không biết họ bán giá bao nhiêu nhưng chắc chắn trên giá của mẹ mình 30%. Mẹ lời 30%, khỏi mất công bán nhưng khoẻ đời. Cách làm Franchise khi xưa.

Ngoài ra, Tết gần đến thì thiên hạ đua nhau làm đám cưới, cứ xem như mùa cưới. Mẹ mình lại cho họ thuê chén đĩa để tổ chức đám cưới. Lời 20%, sau đó, cô dâu chú rể bận vật lộn nhau trên giường nên mẹ mình kiếm người rửa dùm. Thế là mình và cô em được kêu ra chợ, ngồi rửa chén đĩa bên cạnh cái bồn nước. Có chút tiền ăn xắp xắp, đậu đỏ bánh lọt. Sau này thiên hạ bắt chước bà cụ cho thuê chén đĩa nên mình ít rữa chén bát, bớt tiền tiêu tết.

Hình này chụp sau 75 vì thấy có số điện thoại trên các bảng hiệu, chắc trên đường Phan Đình Phùng. Vẫn phong thái lịch lãm, mang giày trắng, áo quần trắng cứ như Tây thế.

Cận cảnh chiếc xe đạp màu đen với cái thùng đựng đậu phụng rang và cái dù chống mưa Đàlạt. Hình chụp sau 75, có thể gần đây vì thấy xe đi siêu thị. Mình đoán là xe của người con trai.

Lạ, mấy chục năm sau ký ức lại lòi ra những người không quen biết nhưng vớt tiền của mình khi xưa như ông bán xắp xắp  ở bờ hồ, hay đứng ở chỗ hội quán hướng đạo Lâm Viên hay ông bán kẹo kéo ở cạnh khách sạn Mimosa. Hay ông tàu người Phúc Kiến, nhà ơi Hai BÀ Trưng, mỗi sáng đẫy cái xe bán xắp xắp  ra khu rạp Ngọc Hiệp. Ông này ít cho khô bò nhưng món gan cháy của ông ta vẫn ngon cực. Mình có kể vụ này rồi, ai tò mò thì mò trên bờ lốc của mình.

Có tiền thì làm thêm vài cục bò viên của ông tàu tay bị bụt mấy ngón tay, với sate cay cháy họng, phải qua bên cạnh ăn đậu đỏ bánh lọt của ông tàu khác. Kinh. Nghe kể ông tàu thịt bò viên sau 75, bị xử tử vì đi ăn cướp giết người chi đó. Ông này chuyên dụ con nít đổ xí ngầu để ăn thêm, rốt cuộc cháy túi mà lại không được ăn miếng nào.

Sau này, về Đàlạt mình thấy thiên hạ đi bán bằng xe Honda, gắn cái loa rao hàng. Mình chưa kịp hiểu thì xe đã chạy qua nhà. Có bà đi mua ve chai, cứ lấy cái còi, bóp kêu ét ét là thiên hạ nghe, chạy ra kêu vô bán mấy chai, báo cũ như xưa.

Tình cờ mình tìm thấy một quảng cáo cho tiệm Hiệp Thạnh, nơi mẹ mình làm việc tại đây, sau khi rời Huế năm 15 tuổi, vào Đàlạt lập nghiệp. Tiệm này do ông bà Phúng, em của bà Võ Quang Tiềm làm chủ. Mẹ mình được đào tạo buôn bán từ tiệm này. Bán len, vải. Lụa, máy may, đĩa hát,.. sau này bán không được mấy cái đĩa cải lương 78 vòng, nặng và làm hư kim đĩa nhạc nên Dì Thương cho mình đem về nhà nghe Út Trà Ôn, từ đó mình trở thành  nẫu luôn đến giờ. Nhiều kỷ niệm với tiệm này.
Mẫu quảng cáo của tiệm Vĩnh Chấn bán đồ tạp hoá trước khi mở lò bánh mì điện đầu tiên tại Đàlạt, sau Mậu Thân.

Hoá đơn của tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, cho thấy khi xưa, phải đóng con tem, xem như đóng thuế. Khỏi rắc rối, làm sổ sách. Ai còn hoá đơn gì của Đàlạt xưa thì cho lên đây.

Nguyễn Hoàng Sơn