Có anh bạn đọc những bài mình viết về Đàlạt nên lây bệnh nhớ Đàlạt, viết bài kể về lữ quán thanh niên, nơi anh ta cư ngụ trong thời gian học đại học Đàlạt, sau này anh làm giáo sư trường Bùi Thị Xuân. Mình có gặp anh ta và anh Nguyễn văn Đồng, cựu giáo sư trường Việt Anh, nay nổi tiếng với các tranh anh ta hoạ với hiền thê, hoạ sỹ Nguyễn Thị Hợp. Xin tải lên đây cho mọi người đọc nhất là các cựu học sinh của hai vị giáo sư này. Xin phép anh Điểm cho đăng vài tấm ảnh minh hoạ về những nơi anh kể của Đàlạt xưa. Thường mình chỉ đăng những bài mình viết trên bờ lốc của mình, Bác nào có kỷ niệm về Đàlạt mà muốn kể thì cứ tự nhiên gửi cho em, sẽ tải lên.
Mới tìm được tấm ảnh này trên trang nhà của Người Đàlạt,Quán cơm học sinh, mình có ăn ở đây một vài lần. Rất dỡ. Chán Mớ Đời Hình ảnh lữ quán thanh niên Đàlạt xưa, trên đồi khúc đường Võ Tánh (hình của Đặng Văn Thông)
Lữ quán Thanh niên Đà Lạt.
Cơ ngơi Lữ quán không đồ sộ tráng lệ như Palace Hotel , Hotel du Parc ở đường Yersin, nhưng có kiểu dáng trẻ trung với toà nhà cao vọi, một lầu màu sơn trắng và xanh, cửa kiếng bóng loáng nổi bật trên đỉnh ngọn đồi kề cận với ngọn đồi thấp hơn có Nhà thờ Tin Lành . Không rõ Lữ quán được xây năm nào nhưng với lớp sinh viên Đại học Đà Lạt từ những năm đầu thập kỷ 1960 trở đi, Lữ quán là một địa chỉ rất quen thuộc. Một phần vì cổng sau Lữ quán nhìn ra đường Võ Tánh nơi có nhiều nhà trọ sinh viên ( mà chúng tôi gọi là khu Quartier latin như của Paris), và là lối dẫn lên trường Bồ Đề, Bùi Thị Xuân, Trường chiến tranh chính trị và Viện đại học.Phần khác là Lữ quán có một căn tin đề bảng Quán cơm Học sinh, cung cấp bữa ăn sáng, chiều với giá bình dân, khoảng 7 đồng một phần ( thời điểm 1964-65), thường gồm một tô canh súp thịt ( nhưng hơi mặn để có thể chấm rau), dĩa rau xà lách hoặc dĩa rau củ xào,một trái chuối tráng miệng; còn cơm trắng thì không giới hạn ,muốn ăn bao nhiêu thì tự xúc lấy. Tuy gọi là Quán cơm học sinh, nhưng thấy đa phần là sinh viên ngoại trú và dân lao động .Thỉnh thoảng, quán cũng đông khách, khi có hội đoàn thanh thiếu niên từ các tỉnh tới du lịch.
Hình ảnh Lãnh Địa Đức Bà nhìn từ đường Hàm Nghi, dưới chân của lữ quán thanh niên
Có hai lối dẫn lên Lữ quán. Một lối cho xe và một lối đi bộ. Lối chính theo đường Cộng Hoà, từ ngả ba Phan Bội Châu-Võ Tánh- Cộng Hoà ( gần Nhà máy nước bên hồ Xuân Hương), đường tráng nhựa tinh tươm chạy quanh co dưới tán rừng thông dày đặc, tĩnh mịch dẫn lên đỉnh đồi, vào cổng chính ( nhưng là mặt hậu của Lữ quán, mặt trước có khoảng sân rộng quay về hướng bắc). Lối phụ là khung cổng sơn đỏ khá cao kiểu Nhật,trông thanh thoát dẫn lên ba bốn lối đi bộ tráng xi măng nối nhau qua các bậc tam cấp dẫn lên đến khu nhà một lầu, cửa kiếng, có ban công, nằm kề khu nhà chính của Lữ quán. Cánh cổng sơn đỏ này nằm sát và trông thẳng ra đường Võ Tánh , ngay phía phải của cổng là con dốc xuống, một bên nối vào đường Hàm Nghi ,một bên dẫn xuống xa hơn, qua khỏi cổng chùa Linh Sơn rồi nối vào đường Phan Đình Phùng.
Con đường Hàm Nghi nhìn từ đồi phía sau Lữ Quán thanh NiênCó thể nói từ trên Lữ quán Thanh niên này ta có một cái panorama view, một cái nhìn toàn cảnh rất đẹp về Đà Lạt. Đầu tiên, ta hãy nhìn dài xuống phía dưới chân mình : cả một nửa quả đồi xanh mượt cỏ óng ả trong nắng sớm trượt dài xuống mép đường Hàm Nghi . Chếch qua trái chút xíu lại là một ngọn đồi thấp hơn cũng rờn cỏ xanh, ngay lưng đồi là con đường nhựa nhỏ và ngôi nhà thờ Tin lành mái ngói nhọn ,màu đỏ sậm nằm hiền lành khiêm tốn. Con đường nhựa nhỏ này là một nhánh cụt của đường Hàm Nghi dẫn qua khu phố có tiệm tắm nước nóng Vinh Quang, tiệm phở Bằng… trước khi tới khu bến xe và khu Hoà Bình.
Trở lại vị trí ban đầu, ta sẽ thấy ngay phía dưới đường Hàm Nghi đổ xuống là các mái nhà cao thấp, cái ngói cái tôn đủ màu đủ cỡ lô nhô san sát xuống tới đường Phan Dình Phùng, từ đây nhà phố lại chen chúc với những mảnh vườn rau xanh tươi từ thấp lên cao dần, đụng những hàng cây thông cao và các nhà có vườn nhỏ hai bên đường Hai Bà Trưng. Và hướng lên trên chút nữa là khu bệnh viện ẩn dưới các vòm cây xanh, khu tu viện và nhà thờ Domaine de Marie tường vôi hồng nhạt mái ngói đỏ tươi uy nghi nhưng trầm mặc dưới bầu trời cao lộng. Nhìn chếch qua hướng tây bên trái , hướng Thác Cam Ly sẽ thấy dãy núi sậm màu mà có những đêm ánh lửa đốt rừng trên sườn núi gợi lên hình ảnh một thời cổ xưa huyền bí. Phía trên cái rừng nhà cửa của hai con đường Hai Bà Trưng- Phan Đình Phùng, hơi chếch vế phía phải, ta như thấy cả một thành phố rất xa lô xô nhà cửa nhỏ nhít màu sơn trắng cách khoảng đều đặn.Đó chính là khu nghĩa địa Mã Thánh thuộc Cây số 4 nổi tiếng nhiều dân du đãng, giang hồ, bụi đời.
Dõi mắt ra xa hơn, hướng Dankia là rải rác vườn tược, gần phía chân trời nổi lên mờ mờ một khu đồi cao, xanh kín cây rừng ẩn hiện một toà nhà dài màu đá xám trông như một lâu đài cổ kính thời Trung cổ châu Âu : đấy chính là Học viện Dòng chúa Cứu Thế, trong đó có một thư viện lớn, nhiều sách quí hiếm. Cũng từ Lữ quán, nhìn thật gần phiá tay phải, chếch về hướng đông là chùa Linh Sơn uy nghiêm, cạnh dó là trường tư thục Bồ Đề ( cổng trường quay ra đường Võ Tánh). Dõi mắt ra xa hơn ta gặp tháp chuông nhà nguyện trên đồi của Viện đại học , rồi dáng dấp êm đềm hai đỉnh núi Bà, tức đỉnh Lang Biang . Có thể nói đứng ở Lữ quán ta có thể nhìn thấy được gần phân nửa phố xá của Đà Lạt. Chưa kể là những lúc mưa đổ mù trời,sương giăng mờ mịt, những khi nắng mai rạng rỡ , cả một phần thành phố chìm lắng hay bừng tươi óng ả mang lại cho ta bao cảm xúc thi vị ,sâu lắng khó quên.
Đường chụp từ nhà thờ Tin lành, phía sau Lữ Quán thanh Niên
Tuy ở một vị trí thoáng đẹp như vậy, nhưng không hiểu sao Lữ quán lại ít khách ? Vì ở xa khu chợ chăng ? Vì đường sá không tiện đi lại. Hay vì thiếu quảng cáo, khuyến mãi vv ? Phải chăng vì ít khách nên Lữ quán đã cho thuê dài hạn một số phòng? Và nhờ vậy mà bọn sinh viên chúng tôi mới thuê được một phòng và ở suốt 3 năm từ lúc mới vào trường cho tới khi tốt nghiệp ( 1962-1965). Đó là phòng số 3 thuộc khu nhà 4 phòng 2 trệt 2 lầu. Phòng của bọn tôi trên lầu , diện tích chừng 4x4 mét, có phòng tắm và vệ sinh ngay cửa ra vào. Phần còn lại kê hai giường tầng bằng sắt , một cái bàn học trò , vài ba cái ghế. Hai mặt phòng gắn kính trên nửa vách tường, một mặt có cửa ra vào balcon khá rộng quay ra phía cái cổng kiểu Nhật.Căn phòng phia dưới là của một gia đình ba mẹ con thuê. Cho đến niên khoá 1964-65, khai giảng trường Chính trị kinh doanh với số sinh viên tăng vọt, có thêm vài ba phòng nữa cũng cho sinh viên thuê.
Hình chụp từ đường Hàm Nghi xuống xóm Giếng Nước. Bên cạnh là trường tiểu học Minh Trí
Bọn tôi 6 đứa, đều là sinh viên Đại học sư phạm ban Pháp văn và Triết : Nguyễn NgọcThạch ( khoá 4 ,Pháp) còn lai 5 đứa thuộc khóa 5 : Nguyễn Hữu Cầu, Đinh Ngọc Mô ( Pháp văn) ,Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Văn Lai, và tôi ( ban Triết). Vì phòng chỉ có 4 giường chiếc nên có lúc hai đứa phải ngủ dưới sàn. Vào những ngày đầu tháng rủng rỉnh tiền học bổng ( 1.500 đồng ), thường kéo nhau đi ăn nhà hàng Mekong, Chic Shanghai, Nam Sơn…gần cuối tháng “ yếu địa” ( ít tiền ) thì cơm Lữ quán, bí-tết Bảy Kỷ ( 7 đồng /miếng mỏng cỡ 3 ngón tay) cà phê bình dân Domino… Cuộc sống sinh viên ngọai trú thường tự do phóng túng kiểu hoang đàng chi địa, rong chơi ăn ngủ thất thường nên những bạn ở đại học xá goi đùa bọn chúng tôi là “tụi trâu bò”, vì vậy mà chúng tôi cũng hào hứng gọi căn phòng trọ này là “chuồng số 3 của 6 trâu bò”.( Nói thêm : 6 con trâu bò này là bạn chí thân từ ngày rời chuồng dến tận hôm nay - gần 60 năm. Hai trong số này không còn trên đời nữa : Nguyễn Ngọc Thạch, Đinh Ngọc Mô)
Nhà hàng Chic Shanghai, được xem là nhà hàng khá nhất Đàlạt, cũng là chủ rạp Hoà Bình.It năm sau tháng 4 -1975 có dịp đi Đà Lạt, tìm lại chỗ trọ ngày cũ thì thấy khá nhiều nhà cửa lộn xộn trên cái sườn đồi cỏ xanh trước kia . Đến khoảng 1993 thì thấy nhà cửa chất chồng phủ kín cả ngọn đồi; bên phía đồi Tin lành cũng thế. Không còn thấy cái cổng kiểu Nhật và khu nhà Lữ quán đâu nữa , chẳng biết còn hay hoàn toàn biến mất .
Dù biết lẽ đời vật đổi sao dời liên tuc, nhưng đứng trước nơi xưa kia từng ghi dấu một đoạn đời trai trẻ của mình và bạn hữu, lòng không khỏi ngậm ngùi tiếc nhớ.
Võ Văn Điểm
Cám ơn Sơn. TRong bài Lữ quán của minh, đọc lại thấy có chỗ sai, nếu Sơn sửa lại giùm thì rất tốt. Đó là : đường Phan Bội Châu thay vì Phan Châu Trinh,
Ô. Hoàng Trọng Hàn là hiệu trưởng trường Trần Hưng Đạo lúc mình sống ở ĐL 1969-1972, sau đó thì không rõ) San Diego, 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét