Ty Công Quản Nước Đàlạt

 Hôm trước, thấy tấm không ảnh của hồ Đội Có, khiến mình nhớ đến ông cụ. Bố mình làm việc ở ty Công Quản Nước, nhà máy lọc nước và bơm nước cho thị dân Đàlạt dùng. Ông cụ mình là công chức của ty Công Chánh Đàlạt, nhưng sau Mậu Thân, ông cụ được đổi qua ty Công Quản Nước, mình đoán cũng trực thuộc Khu Công Chánh Cao Nguyên Trung Phần. Trưởng ty là ông Nguyễn Văn Tùng, người Bắc, bố của tên Huân, học trên mình một lớp ở Yersin, nghe nói đã qua đời mấy năm rồi.

Tấm không ảnh cho thấy bên trái là đường Đinh Tiên Hoàng, từ đường Bà Huyện Thành Quan, chạy lên Giáo Hoàng Học Viện. Bên tay phải có đường Võ Tánh, từ Phan Bội Châu chạy xuống đến bùng binh ngay bờ hồ. Chỗ này là nơi bố mẹ và Thịnh, học chung với mình ở trường tiểu học Thanh Ngọc, tập lái xe, xuống dưới này rồi mẹ nó hoảng, đạp thắng không đạp, đạp ga bay xuống hồ, chết đuối cả 3. Sáng đó, mẹ mình sai người chở 5 tấn gạo vào cho bà ta ở đường Hàm Nghi, chưa kịp lấy tiền nên mất 5 tấn gạo. Chán Mớ Đời 

Thật ra khi lái xe mà có vợ ngồi bên cạnh hay gây tai nạn lưu thông vì đàn bà không muốn lái xe nhưng thích lái tài xế. Khiến tài xế nổi điên đâm vào lề.

Từ đường Bà Huyện Thanh Quan, có con đường nhỏ chạy vào bên cạnh hồ Đội Có, đến nhà máy lọc nước của Đàlạt. Mình có vào đây vài lần. Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy ống nước lớn từ hồ Xuân Hương, để bơm vào nhà máy nước. Nếu mình không lầm thì có ống thông nước từ hồ Xuân Hương vào hồ Đội Có, để thoát bớt nước cho hồ Xuân Hương vào mùa mưa. Ông Đội Có giàu, có dãy nhà ở khu Hoà Bình đối diện nhà sách Hoà Bình, phía sau là bến xe Tùng Nghĩa.

Tìm ra rồi, hình chụp thấy hồ Xuân Hương, và hai hồ nhỏ bên kia đường: hồ Đội Có và hồ Tống Lệ

Mình vào đây thường là buổi tối, ông cụ đi thanh tra các nhân viên gác trực nhân dân tự vệ ban đêm. Mình đi ké vào xem. Ông cụ là đoàn trưởng nhân dân tự vệ của nhà máy nước nên chỉ xem xét, phát súng trong kho, ghi tên ai có mặt và ai vắng mặt rồi về nhà ngủ. Cũng vì cái chức này mà sau 75, ông cụ đi tù 15 năm.

Số là trước khi di tản khỏi Đàlạt vào tháng 3 năm 1975, ông cụ được lệnh chôn súng của các nhân viên của đoàn nhân dân tự vệ. Sau khi Việt Cộng vào Đàlạt, ông cụ trở về Đàlạt, rủ các người bạn quen, in truyền đơn chống Việt Cộng, bị bắt với súng ống của nhân dân tự vệ đã chôn khi xưa.

Dãy phố của ông Đội Có, phía sau lưng là bến xe đò. Mình bỏ trên đây để khi mình giải thích dễ nhận ra chỗ nào.

Hồ Đội Có và Hồ Tổng Lệ nằm đối diện bên đường hồ Xuân HƯơng, để hứng nước mưa từ trên đồi cù xuống, tránh kéo theo chất dơ, rác thải từ thành phố xuống hồ Xuân Hương. Mình đoán là do người Pháp thiết kế. Ở  âu châu hay Hoa Kỳ, mỗi thành phố đều có một hay nhiều hồ chứa nước mưa, sau đó họ lọc để tưới cây cỏ lại, gọi nước tái sinh. Thứ nhất là để tránh lụt lội vào mùa mưa vì nước ở trên cao đổ xuống các thung lũng.

Đàlạt xưa khi trời mưa thì các ống cống, mưa từ trên đồi chỗ Hàm Nghi, Mình Mạng chảy xuống Phan Đình PHùng, rồi xuống suối từ Số 6 chảy về. Nước thoát không kịp nên làm ngập hết các khu vườn rau ở  xung quanh. Xe mình bị ngập nước một lần ở cầu Cẩm Đô, phải sửa tốn khá nhiều tiền bà cụ. Bao nhiêu rác rưỡi thị dân ở Phan Đình Phùng, mang ra đổ nơi con suối, làm nghẽn con suối. Vào mùa khô, rác chất cao thành núi, đi ngang mấy cái cầu là hôi thối, ruồi nhặng đầy. Mùa mưa thì nước suối chảy siết bị nghẹt, khiến ngập nước. Mình thắc mắc khi về Đàlạt là rác thải ở đâu. Ống cống, rác đủ trò. Chỉ nghe là xứ Đan Mạch có viện trợ làm chỗ phế thải rác cống ở Cam Ly.

Khi xưa, khi trời mưa, cống rãnh từ Khu Hoà Bình đỗ xuống thung lũng trồng rau, sau này người ta xây Chợ Mới. Ống cống đều chảy ra suối Cam Ly, chỗ ấp Ánh Sáng. Nước cống rãnh ở đường Mình Mạng và Dốc Nhà Làng đều chảy xuống Phan Đình Phùng, thải xuống suối nước chảy về Cam Ly.

 Mình nhớ như in, khi đi lên Dốc Nhà làng là ống cống thối không thể tả, đen xì, ruồi nhặng. Vào mùa mưa thì đỡ hơn. Rác thiên hạ đổ ngay suối sau lưng đường Phan Đình Phùng nên mùa khô, chất thành núi rác, mùa mưa thì làm nghẹt suối nên nước dâng lên làm ngập ruộng vườn của mấy người làm vườn, xung quanh đó.

Nhìn tấm ảnh này mới để ý là con đường dẫn vào Thuỷ Tạ, nằm ngay trục của con đường đi thẳng lên Hôtel du Lac. Hình như không phải đường Võ Tánh ở khúc này, chỗ Phan Bội Châu chạy xuống là đường tên khác thì phải, quẹo phải là đường Nguyễn Thái Học. Có nhiều biệt thự rất đẹp. Hình như có nhà ông luật sư nào bị giết chết. Chắc Việt Cộng.

Vấn đề của cư dân Đàlạt khi xưa là nước. Khi tây thành lập thành phố sương mù này thì họ chỉ giới hạn ít dân số nên hệ thống nước đều đưa về những nơi người Pháp sinh sống như đường Trần Hưng Đạo, Yersin, Hùng Vương,…khu người Việt sinh sống thì xài giếng nước, chỉ có khu Hoà BÌnh là có. 

Sau Mậu Thân thì người dân đổ xô vào Đàlạt sinh sống khiến hệ thống nước của pháp xây dựng không đủ cung cấp cho khắp nơi Đàlạt. Thêm hạ tầng cơ sở bị sét rỉ, nghẹt ống. Nhà mình dạo ấy, ở trên đồi nên nước chảy như thằn lằn. Một đêm chưa đầy một thùng thiết nước. Phải đi gánh nước giếng. Dạo ấy mình đi xách nước mệt thở cho em út xài. Nước mưa thì để nấu ăn còn nước giếng thì để giặt quần áo,…

Hình như phía Chi Lăng cũng có một nhà máy nước nhỏ hơn để bơm nước từ hồ Than Thở cho thị dân vùng đó và trường Võ Bị. Mình thu thập được một số hình ảnh của tường võ bị, để hôm nào mình bỏ lên cho bà con xem lại.

Ông cụ mình có kể là dinh tỉnh trưởng ở trên cao nên nước không lên được. Ông Nguyễn Hợp Đoàn, kêu ông cụ lên xử lý. Ông cụ cho làm một cái château d’eau rồi hẹn giờ, chặn ban đêm, khi khu Hoà BÌnh đi ngủ, không xài nước, áp suất mạnh dành để bơm lên cho cả gia đình ông ta xài. Ông Đoàn khoái chí lắm, kêu ông cụ ra ứng cử hội đồng thị xã , bảo đảm đắc cử 100%. Ông cụ kể đi giám sát bầu cử, khi xe nhà binh đến chở thùng phiếu tại các trường học, thấy các thùng phiếu khác đầy nhóc phiếu, họ đổi thùng phiếu cho vẻ dân chủ nên các ứng cử viên của Đảng Dân Chủ thắng to. May ông cụ mình không nghe lời ông Đoàn nếu không đi tù lâu hơn thay vì 15 năm. Chán Mớ Đời 

Nghe nói ông Đoàn sang Mỹ, mở tiệm bán đồ trang trí nội thất, khá lắm, ở vùng Đông Bắc. Ở Quận Cam cũng có một ông tướng kinh doanh ngành này, giàu có, mới qua đời thì phải. Thằng con ông ta, học chung với mình, làm luật sư, nay đã về hưu.

Sau này Tây Đức viện trợ cho hệ thống ống nước mới để giúp giải quyết vấn đề nước trong thành phố. Đường Hai Bà Trưng, Duy Tân, được gắn hệ thống nước mới nên khá hơn, thêm máy lọc nước được nâng cao năng xuất. (Còn tiếp) 

Có người hỏi mình còn tiếp đâu. Mình có kể trong bài “ngày xưa Fan thị “ hôm nào rảnh, sẽ kể thêm. Chán Mớ Đời 

Chỗ hai ống nước lớn hút vào nhà máy nước gọi là cầu đen , ngày xưa đi học xong hay ra Thuỷ tạ bơi qua cầu đen , đứa nào bơi giỏi bơi qua thì quay đầu bơi về lại luôn không cần nghỉ .


Nguyễn Hoàng Sơn