Ngôn tình cà-ri-nị

 Lâu lâu, xem phim ngôn tình với đồng chí gái trên Netflix hay Prime, cơ hội giúp vợ chồng hướng chung về một tâm điểm: cái máy truyền hình. Khi xưa, đồng chí gái thích phim Nam Hàn, nhưng mấy năm đổ lại thì toàn phim cà ri nị. Vui và cay hơn ăn kim chi. Cốt truyện lúc nào cũng khởi đầu; hai người yêu nhau, chia tay chi đó, bổng nhiên nhảy cà tưng cà tưng, vui cũng nhảy, khóc cũng nhảy khiến phim nào phim nấy đều dài thòng trên 2 tiếng đồng hồ. Nói chung họ đều có cái hậu tốt như Hồ ly Vọng. Kỹ nghệ phim ảnh của người Ấn Độ, nhiều hơn Hồ Ly Vọng.

Mình có nghe võ thuật Ấn Độ rất độc, xem phim Ấn Độ thấy đánh nhau mới thấy, có nhiều thế võ khá độc, Chỉ tội là phim ấn độ còn xạo hơn phim võ hiệp tàu, thấy xạo kinh hoàng nhưng vui. Văn hoá của họ thờ nhiều thần thánh nên rất thích những anh hùng cái thế, đánh nhau còn hơn người Tàu.

Xem phim Ấn Độ mới hiểu xứ này có nhiều chủng tộc, nhiều giai cấp, cũng môn đăng hộ đối, có đến 6 thổ ngữ chính nên vùng miền này không hiểu tiếng miền kia. Giai cấp nào mà da trắng như tây thì giàu có, còn đen đen như mình là bần cố nông. Thậm chí mấy tài tử đóng các vai lịch sử, đều da trắng dù trên thực tế các người trong lịch sử đen như cột nhà cháy. Họ cũng tin vào tử vi, sao huyền bí để lập gia đình. Theo mình phụ nữ ấn độ rất đẹp.

Ngoài ra, có chiến tranh lạnh với Pakistan mà ít ai nhắc đến. Khi người Anh Quốc trao trả độc lập cho xứ này sau đệ nhị thế chiến, họ chia sẻ thành hai nước: Ấn Độ và Pakistan, khiến người dân của xứ này chém giết nhau rồi di cư theo vùng đã được chia cắt. Có một vùng gọi là Kashmir, giàu có, nằm ở giữa hai quốc gia tân lập và tạo nên chiến tranh, bom nổ đủ thứ. Xem phim Gandhi của đạo diễn David Lean, kể rất rõ vấn đề. Thực dân gian ác, bỏ đi rồi vẫn tìm cách chia để trị khiến hai xứ này cứ choảng nhau hoài, không giàu dù dân họ rất thông minh.

Việt Nam là một điển hình.

Coi mới hiểu sao xứ này đông dân, học giỏi mà không khá, ngoại trừ mấy năm gần đây, dưới quyền thủ tướng Modi, có chút thay đổi. Một xứ, sản xuất mỗi năm 1.5 triệu kỹ sư, lại không có việc làm, chạy xe thồ, vớ vẩn. Uổng phí tiền bạc của cha mẹ cũng như chính phủ. Họ có tham nhũng đầy hết. Trường công, giáo sư dốt, chẳng dạy hay học thêm gì cả. Không biết họ có bằng giả hay không như ở Việt Nam. Thiên hạ chạy qua trường tư, tốn tiền. Được cái là họ theo chế độ Dân Chủ nên phim ảnh, người dân có thể phản ánh xã hội nhưng đường thay đổi còn dài lắm vì quyền lợi cá nhân. Phim nào cũng thấy ghi chú là cốt truyện chỉ tưởng tượng, không đả kích ai,…để tránh bị thưa kiện vì lấy từ câu chuyện thật, chỉ đổi tên và địa phương.

Một công chức, một cảnh sát, có hai người con. Con trai phải lo cho nó ăn học lên kỹ sư, và để dành tiền của hồi môn để con gái lấy chồng thì phải tham nhũng thôi. Xem phim họ mới biết ai nấy cũng muốn con mình đi Anh Quốc hay mỹ làm việc. Các tổng giám đốc công ty mỹ như Microsoft, Pepsi là người Ấn Độ. Cộng đồng người Ấn Độ xem như về học thức là cao nhất vì có tối thiểu cử nhân trở lên. Lợi tức cũng khá hơn người Việt.

Điểm hay cho đàn ông, con gái đi lấy chồng, nhà gái phải đem lễ hỏi đến nhà trai xin đăng ký làm con dâu. Khi xưa, họ bắt nhà gái, cho con gái của hồi môn đủ trò, nay có đạo luật cấm nhưng trên thực tế cũng phải đem tiền bạc cho con gái. Sinh con gái là đẻ ra cục nợ, phải kiếm tiền, để dành tiền cho con đi lấy chồng, khác với Việt Nam khi xưa, có màn thách cưới ngược lại. Con trai mình mà kiếm được cô Ấn Độ nào là vui rồi. Bên Mỹ, nhà gái trả tiền đám cưới, nhà trai trả tiền tuần trăng mật. Đồng chí gái có cô bạn, có con gái lấy chồng Ấn Độ giàu lắm, ở chung với bố mẹ chồng trong dinh thự to đùng trên 10,000 sq.ft. Không có vụ thách cưới. Mừng cho cô bạn.

Bên ấn độ cũng thách cưới, nhưng nhà trai ra điều kiện. Ai mà sinh ra 7 người con gái như mẹ mình chắc sạt nghiệp, không ngóc đầu lên nổi. Ngoài tiền mua băng vệ sinh, phải lo của hồi môn. Chắc chỉ có một cô đi lấy chồng. Đám cưới của họ khá đặc thù, mấy ngày liên tiếp, tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Một ngày lấy chồng, một đời trả nợ.

Con cái học hành, tiêu chí thứ nhất : Bác sỹ, sau đó mới đến kỹ sư, không khác gì người Việt mình nên dễ hiểu. Gặp mấy ông chồng thủ cựu, nhất là giới bác sỹ, xem như mấy cô học cao là ngọng vì vai trò của họ chỉ giới hạn sinh con, nấu ăn cho chồng nên hay sinh ra những mâu thuẫn mà theo lễ tục xưa, không được ly dị. Ly dị là mất của hồi môn. Đi thêm bước nữa thì đào tiền đâu ra.

Họ rất ưa chuộng bề ngoài, cũng chạy xế xịn, đeo đồng hồ xịn, áo quần loại chiến đấu của mỹ tây hay Ý Đại Lợi. Hôm trước, ông anh cột chèo mình từ Boston sang chơi. Ông này nha sỹ mới về hưu với cô vợ cùng nghề. Anh ta kể có lần, một người anh họ trong gia đình, bác sỹ ở vùng Bôn Sa hỏi: ‘em đeo đồng hồ gì?”, nói Rolex, anh ta kêu anh cũng đem Rolex nhưng giả, không ai biết. Trong cộng đồng việt, cứ nghĩ bác sỹ là đeo đồ thật. Chán Mớ Đời 

Văn hoá của họ cũng đang có vấn đề với nữ quyền, mấy bà không ngớt tranh đấu để được xây dựng hoài bảo, giấc mơ của đời con gái. Phong tục của họ, chỉ cho phép lấy chồng một lần vì của hồi môn nên cần mấy bà mai bà mối, tạo dựng một kỹ nghệ mai mối cưới hỏi khá đắt tiền khi muốn tìm người bạn đời. 

Có lần mình và đồng chí gái có xem một phim về mai mối trong cộng đồng người Ấn Độ tại Hoa Kỳ và Anh Quốc. Bà mai từ ấn độ bay sang mấy nước này để gá hợp mấy cặp trẻ. Dân giàu cũng cần mai mối. Có cô luật sư ế chồng trên 35 tuổi, chưa có ai. Đàn bà Ấn Độ thường la hét chồng mà cô này thuộc dạng ăn nói kiếm cơm nên khó mà gặp đối tượng. Đối tượng mà gặp cũng chạy mất dép.

Tuần này, vợ mình đi Hạ Uy Di với mấy cô bạn học Trưng Vương, thằng con đi New York, thăm em gái, mình ở nhà chèo queo, buồn đời xem phim ngôn tình cà-ri-nị. Có phim kể về sự họp mặt, hội ngộ học sinh trung học sau 18 năm, thấy vui, nhớ về đoạn đường tình ái đã đi qua.

Có anh chàng Ấn Độ, nhiếp ảnh gia cho National Geographic, đi đây đi đó từ Phi sang Á, từ đông sang tây, chụp hình nhưng không lấy vợ. Một hôm đi họp mặt, hội ngộ học sinh trường sau 18 năm. Anh ta hồi hộp, nghe tin đối tượng một thời, học chung lớp, từ Tân Gia Ba, về tham dự.

Phim bắt đầu chiếu lại những hình ảnh học đường năm xưa, khi cô gái bước vào lớp, xuất hiện như một thiên thần khiến anh ta chịu đèn, ngất ngư từ giây phút ấy. Cô này ngồi cạnh em gái bà con của tên nhiếp ảnh gia cà ri nị. Anh ta bắt đầu tương tư, nhất là khi cô gái vắng mặt mấy ngày vì bệnh nhưng không dám nói, bộc lộ hay viết thư tình trao cho cô gái. Cái này sao giống mình và nhiều tên bạn học chung khi xưa. Ra chơi chi đứng ở góc sân tường, thấy bóng của đối tượng là hạnh phúc, không đòi hỏi gì hơn.

Xem tới đây, khiến mình nhớ đến bài hát của Alain Barrière mà đám con trai như mình mê vì diễn đạt đúng tâm sự « elle était si jolie ». Nhìn người con gái đẹp nhưng không dám yêu, trải nổi lòng, chỉ đứng xa xa nhìn, với trái tim Trương Chi ngày nào, hạnh phúc một góc trường.

Phim quay cảnh anh chàng ở tiệc hội ngộ, đứng xớ rớ ở đâu trong khi bạn học cũ, nhắc đến chuyện anh chàng mê cô bạn đồng lớp. Rồi phim chuyển sang cảnh cô gái đến từ Tân Gia Ba, máy bay bị trễ. Cô ta chào hỏi mọi người xong thì hỏi cô bạn ngồi cạnh, tên anh họ đâu. Cô ta đi tìm anh chàng đứng một xó, hồi tưởng lại hình bóng xưa. Cô này, đi ào ào như mất vật gì, như Marcel Proust tìm kiếm lại những giây phút năm tháng ở sân trường. Lại nói về những tình cảm thầm kín của cô này dành cho anh cà ri nị kia. Hoá ra cả hai đều thích nhau, chỉ không dám lên tiếng. Một mối tình câm song phương.

Trong khi đi, phim chiếu lại hình ảnh khi xưa, cô này cũng phát hiện ra mối tình hữu nghị đồng môn ngày đó, cũng mê anh chàng này nhưng tên này như bao đàn ông ngu dại khác kiểu Sơn Đen, không dám thố lộ những tình cảm giao hưởng của thời bé. Đùng một cái, năm học sau, không thấy anh ta đi học lại, khiến cô bé ngơ ngác, bạn bè đến nhà thì khám phá ra gia đình anh ta dọn nhà đi nơi khác. Lại nhảy múa đau khổ cà tưng cà tưng. Phim Ấn Độ cũng rất cải lương, cứ thấy mưa to sấm chớp là biết tai hoạ, chia ly sắp đến. Khi thấy mặt trời bình minh là biết tình yêu vừa chớm nở hay sẽ xum vầy. Dễ hiểu hơn đọc văn của nhà văn sinh trưởng tại Việt Nam, Marguerite Duras.

Nhảy xong độ 10 phút thì chiếu cảnh hai người gặp lại, anh ta vẫn ngượng nghịu, khi bắt gặp lại đôi mắt người xưa. Anh ta không lấy vợ nên vẫn nhút nhát trong khi cô kia có con nên bạo dạn hơn xưa, ra lệnh tên này làm cái này, làm cái kia, ăn cái này, ăn cái nọ trong khi cả bàn bỏ đi đâu để hai người tâm sự. Chứng tỏ không lấy cô này là một hạnh phúc vô biên, vì lấy thì chắc còn bị ra chỉ thị nhiều hơn.

Ăn xong, chia tay ra về, anh chàng chở cô nàng về khách sạn rồi loay hoay sao, lên khách sạn, hai người kể chuyện vớ vẩn, rồi nhảy cà tưng. Anh chàng kêu khuya rồi, ngủ đi, sáng mai, sẽ đến đón, đưa ra phi trường. 5 phút sau, ngủ không được, cô nàng lại gọi cho anh ta, hỏi đã đi xa chưa, anh chàng nói vẫn ngồi trong xe, thế là cô nàng chạy xuống, hai người chở nhau đi đâu, nhảy múa lung tung.

Nhiều khi không lấy nhau lại là một hạnh phúc, có những kỷ niệm đẹp để về già, còn chút gì để nhớ lại. Lấy nhau thì chỉ có nhớ những lúc choảng nhau bằng mồm. Chán Mớ Đời 
Những cảm xúc ban đầu vẫn đẹp đến khi con vợ bắt chùi nhà, rửa chén bát.

Mệt quá vì nhảy từ chiều đến giờ, lại bị mắc mưa, ướt hết áo quần nên ghé lại nhà anh ta, tắm rửa, thay đồ của anh ta. Cô ta nấu cho anh ta ăn vớ vẩn. Rồi lại nhảy múa. Cô ta mệt, anh ta kêu ngủ, còn ông thần nằm dưới đất. Rồi đến giờ ra phi trường, máy bay, trễ nên anh ta ở nán lại thêm mấy tiếng bên cạnh đối tượng một thời. 

Lúc này, anh ta kể là có một lần anh ta lái xe từ tỉnh anh ta đến trường đại học của cô nàng vì hôm ấy, anh ta cần nói là yêu cô nàng. Anh ta cho biết là có hỏi về cô nàng qua các bạn học cũ và cô em họ sau khi dọn đi chỗ khác nhưng lại không dám viết cho cô ta.

Hôm đó, không vào trường được, nhờ một sinh viên khác nhắn lại là có người muốn gặp ở ngoài cổng. Cô nàng nhìn ra cổng thì thấy tên hay đi theo mỗi ngày, hát “ngày xưa hoàng thị cà ri nị” nên không ra. Anh ta đợi hoài rồi ra về. Cô này lại khóc cho cơ hội đánh mất gặp lại nhau khi xưa.

Cô ta lên mạng, thành lập tài khoản kiếm vợ cho anh này. Lấy nhau chẳng đặn thương hoài ngàn năm. Cô ta kêu hắn phải lấy vợ, không thể độc thân mãi mãi. Nhiều khi, có những mối tình không trọn vẹn lại hay, vì có chút gì để nhớ. Cứ tưởng tượng, quen một cô từ bé rồi lấy nhau, cải nhau,... Chán chết.

Khi đả thông tư tưởng vài cô thì mới thật sự cảm nhận được người vợ của mình là số một. Có lẻ vì vậy, mấy ông nào lấy vợ sớm, đâm ra tiếc, nên hay có trò chim chuột sau này. Còn ai đã kinh qua những hệ luỵ của phụ nữ đòi hỏi, tra hỏi, thì hết dám lôi thôi. Ở nhà với vợ cho khoẻ cuộc đời.

Hình ảnh cuối, cảnh cô nàng ngồi trên máy bay khóc, anh ta cũng lái xe về nhà cũng khóc. Có lẻ không nên gặp lại để khỏi đau xót, giữ những hình ảnh đẹp bên chồng, bên vợ con. Xong om 

Nguyễn Hoàng Sơn