"Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Trời xanh không thấy đỉnh Ba Vì"…
Có lẻ bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của ông Quang Dũng đã làm mình mơ về một thôn, một xứ Đoài xa vắng ở miền Bắc, nơi ông cụ mình ra đời và mang tên Đoài. Tên xứ này còn được gọi là Trấn Đoài hay Trấn Tây, một trong những trấn quan trọng của Thăng Long. Hồi bé mình hay nghe ông cụ ngồi ngâm bài thơ này, có lẻ ông cụ đặt tên con trai đầu để nhắc nhở quê mình là Sơn Tây.
Đây là hình ảnh đầu tiên khi về thăm quê nội, khi dừng chân bên hồ Chùa Thầy, sài Sơn phía sauMình sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, quê cha đất tổ chỉ biết qua bài thơ của Quang Dũng. Ông cụ cứ nhắc đến thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai mà trong bài thơ, ông Quang Dũng tả sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc, phủ Quốc đây là Quốc Oai, quê ông cụ. Mình ấp ủ một ngày được viếng thăm quê cha đất tổ như lời ông cụ kể.
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Ông cụ có người em trai kế, nghe nói học giỏi nhất huyện. Mấy ông chú họ kể khi xưa bác dạy mấy chú này nọ. Một hôm đi học về, qua cánh đồng thì bị tây bắn chết. Một ông chú khác, đi bộ đội vào nam bị bom mỹ dập chết trên đường mòn Hồ CHí Minh, được tổ quốc ghi công. Ông cụ mình thì ở trại cải tạo 15 năm, chú mình bị tây bắn và một ông chú lại bị bom mỹ dập chết trên đường mòn vào nam. Sáng nay mình đang đứng nói chuyện với một ông chú họ thì chú chỉ một bà lão đi ngang, nói là vợ của chú mày đấy, bà ta bỏ đi lấy chồng khác rồi. Mình có gặp người thím này khi về quê lần đầu năm 1995, sau đó thím đi bước nữa nên không còn dính dáng gì đến gia đình mình, tính đi kiếm bà thím nhưng rồi không thấy tông tích đâu nữa. Rồi xe đến chở đi Ba Vì.
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?
Mình nhớ lần đầu về Hà Nội, cố tranh thủ về quê thăm một chuyến để thoả bao nhiêu ước mơ, tò mò từ bé nghe ông cụ kể về quê nội. Có em cô cậu của đồng chí gái xung phong chở mình đi xe gắn máy từ Hà Nội về làng. Cậu ruột của đồng chí gái đi theo cách mạng, làm tuỳ viên cho Võ đại tướng nên ở Hà Nội. Sau 75, cậu vào nam kêu cháu đi vượt biên hết đi. Mình nghe ông cụ khi xưa, nói cứ kêu xe từ Hà Nội về Đường Láng rồi chạy về Hoà Lạc, sau đó rẽ đê Yên Phụ là về tới làng. Đê Yên Phụ mà ông cụ kể khi xưa mỗi lần lụt bị vỡ đê là dân trong làng chạy đầu thôn cuối thôn kêu nhau chạy ra đắp đê. Mình thấy cái đê mà ông cụ kể cao ngây nghất. Trời mưa, đường thì xình lầy, lái xe về chắc người em cô cậu của đồng chí gái phải rửa xe. Mình mời đi ăn chả cá Lã Vọng khi về lại Hà Nội.
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Xe chạy ngang chùa Thầy, người em họ dừng xe vì trời mưa, đứng núp dưới góc cây, mình nhìn chùa Thầy trong mưa lất phất tạo nên một cảm xúc khó tả, chỉ biết khẽ gọi quê nội tôi đây quê nội tôi đây. Có gì thiêng liêng lắm như níu kéo mình về quê cha đất tổ. Cảm xúc này đều dâng tràn mỗi lần mình thắp hương bàn thờ ông bà ở nhà quê. Ông cụ mình bị du kích dí đầu, bao vây quanh nhà đêm tối, kêu ra đầu hàng sống chống chết. Ông cụ nhảy qua hàng rào phía sau nhà rồi trốn vào nam đến 40 năm sau mới về lại quê lần đầu. Ông cụ như chim bay lạc đàn về miền nam tha phương rồi đến mình bay trôi qua cả trời tây. Nay bay về quê nội, lòng bồi hồi nhìn nơi tổ tiên sinh sống bao nhiêu đời.
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan
Khi mưa tạnh thì chạy tiếp vào làng thấy có cái quán nhỏ tẹo, có đứa bé gái thì mình hỏi nhà chú Thìn, em họ ông cụ mình thì con bé reo lên mẹ ơi anh Sơn về khiến mình như bò đội nón. Đâu có báo ông bà cụ trong nam biết mình về vì dạo ấy đâu đã có điện thoại di động. Hoá ra, đám cưới mình thì có quay video gửi về cho nhà xem. Ông bà cụ ra bắc nên đem về chiếu cho cả họ xem nên ai cũng biết mặt mình.
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
Về đến nhà nơi ông cụ được sinh ra thì mình thất kinh vì cửa sổ không có, cửa ra vào cũng không. Hỏi thì nhà giải thích có mấy cái phên, tối gắn lại nhưng rất sơ sài bằng rơm. Ông cụ từ ngày trốn vào nam đến 40 năm sau mới gặp lại bà nội. Sống với bà nội được vài năm thì bà qua đời.
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Vào nhà thì khi hay tin mình về thì thiên hạ ới nhau trong làng chạy đến rồi tự giới thiệu, tên con ai nhánh nào khiến mình chới với. Lý do là ông cụ chỉ nói về quê chớ không bao giờ nói về họ hàng. Lúc ấy mới biết ông cụ có một người chị và một cô em ruột. Hai người em thì đã vắng số. Sau này, mình nhờ người dịch gia phả từ tiếng Hán qua việt ngữ mới từ từ mò ra ai là ai. Mới biết ông tổ, gốc Nghệ An, có nhiệm vụ trông cái đình, rồi ai đó đánh cắp cái bộ lư đồng trong đình của làng nên sợ bị tội nên chạy trốn ra Sơn Tây. Ông dịch gia phả cho biết là trong gia phả có kể có người đổ tiến sĩ nhưng ông ta xét lại danh sách tiến sĩ vào thời đó không có ai đậu tiến sĩ mang tên như đã ghi trong gia phả.
Cây tắc ngày Tết tại quêNgày nay, họ hàng đều kêu ông chú bị tây bắn chết là người học giỏi nhất huyện. Mình đoán dạo ấy chắc chả có bao nhiêu người trong làng được đi học. Nên gọi là giỏi nhất huyện thì so với ngày nay thì chả thấm thía gì cả.
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Em có bao giờ em nhớ ta?
Nói cho đúng thì khi mình về quê nội cũng như làng nơi mẹ mình sinh ra tại Thừa Thiên thì có một cảm giác khó diễn đạt như lôi kéo mình về một nơi, quyện trong một dung dịch đầy cảm xúc. Khác với khi về Đà Lạt, cảm xúc như khi mình trở lại một thành phố đã từng sinh sống như Paris, Luân Đôn, Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ,… trong khi về quê nội hay quê ngoại cảm xúc dâng trào. Có lẻ khi xưa, mình không có dịp thăm viếng khi còn bé, chỉ nghe bố mẹ kể, tạo dựng trong đầu mình một nơi nào đó thiêng liêng, khiến cảm xúc dâng trào vì chỉ nghe qua văn chương hay người lớn kể lại. Cảm xúc đó cứ theo mình mãi nên lúc nào cũng mong trở về quê nội và quê ngoại. Kỳ này về mình sẽ ghé quê ông ngoại vì khi xưa chỉ ghé quê mệ ngoại. Dự định sẽ ghé thăm nhà thờ họ của bên vợ luôn, An Cựu và Ao Hồ.
Vẫn sáng vầng trăng ru tiếng sáo
Diều khuya trầm bổng giọng quê hương
Đất đá ong trong lòng giếng mát
Ôi Sơn Tây, Sài Sơn yêu thương!
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn