Đường Lê Quý Đôn của Đàlạt xưa

 Hôm nay, Mai Vuông Tròn gửi cho mình không ảnh Đàlạt xưa, có con đường Lê Quý Đôn mà mình có vài tấm ảnh xưa. Con đường này, mình đi lại nhiều lần khi học ở Petit Lycée Yersin. 

 


Con đường này rất ngắn, từ ngã ba HÙng Vương đến đường Cường Để, chỗ cầu Abattoirs .

 

Điểm mình nhận ra đầu tiên là Château d’eau, bể dự trữ nước, cạnh nhà đèn. Chỗ này, khi xưa đi học về, hay gặp một ông tây già, tay cầm ba-toong, xỉn đi ngơ ngơ, mặt đỏ như ông tây say rượu, chửi thề, rượt đám con nít mệt thở. 





Con đường này mình đi lại lắm lần khi học Petit Lycée Yersin 5 năm trời, 2 năm buổi sáng và 3 năm buổi chiều. Hình ảnh 2 đứa bé xách cặp đi học, mình đoán chúng học trường Đoàn Thị Điểm vì trường tây không có vụ mang dép nhựa. Hình này khá cũ vì thấy xe kéo. Khúc chiếc xe hơi màu trắng là nơi mình hay gặp ông tây say rượu, phải chạy qua đường để tránh khi gặp ông ta.


Khúc này gần cầu Lê Quý Đôn, hay còn được gọi là cầu Abattoirs, không biết người bán hàng rong, bán cái gì nhưng thấy cái giỏ đựng bình trà, ngoài bằng nhựa trong đệm rơm, được phủ vải mà bà cụ mình bán.


Khu chung cư đang được xây cất. Nay chắc được giải toả. Phía bên khách sạn Duy Tân.



Mình nhớ có khách sạn Duy Tân mà sau này có tổ chức kỷ niệm 40 năm đám cưới của ông bà cụ tại đây. Đầu đường có 2 căn biệt thự của tây, ngoài ra lè tè vài căn nhà và đất hoang.

Cùng chỗ nhưng có lẻ chụp trước tấm ở trên vì thấy lầu 2 được xây thêm và có gắn bảng hiệu khách sạn Duy Tân

 

Có bùng binh của mấy con đường như Cường Để, Duy Tân, Hải Thượng và Lê Quý Đôn, gần trường Việt Anh. Khi xưa chỗ này chỉ đông người khi tan trường vì có trường Việt-Anh, Văn Học thêm các học sinh trường khác đi ngang đây. Mình biết 1 tên, chiều nào cũng đứng ngay mấy cái quán ở bùng binh này để đợi một nữ sinh Bùi Thị Xuân, nhà ở đường Phạm Ngũ Lão, đi qua. Hắn cứ hát bài “ngày xưa Hoàng Thị” mệt nghỉ.


Ngoài ra ít ai chạy ngang lắm vì sợ Tuần Cảnh, xét giấy tờ. Tiện đây, muốn hỏi các bác xem sự khác biệt giữa Tuần Cảnh và Cảnh Sát. Cảnh sát chỉ lo về giao thông còn Tuần Cảnh thì lo bắt lính, an ninh,…?

 

Ngay góc Lê Quý Đôn và Cường Để, thấy cái quán sửa xe của anh chàng hay sửa xe BS của mình. And ta hay hát: “người ta thường nói có tiền mua tiên cũng được, còn anh thợ sửa Honda, sức mấy có tiền mua em,…”

 

Nhìn đường Cường Để thì mình đoán, hình ảnh chụp trước năm 1972, vì chưa có nhà của thương phế binh cắm dùi dọc bên phía bờ suối. Cuối đường này là ấp Ánh Sáng. Ngay góc Cường Để và Thành Thái, thấy tổ đình Tổ Tiên Chính Giáo mà Việt Cộng tịch thâu sau 1975 đến nay vẫn chưa trả lại. Thấy khách sạn NGọc Lan mà thời quân đội Mỹ ở Đàlạt, bị đặt chất nổ. Nghe nói một cô học chung niên khoá mình ở Yersin, nằm vùng chính hiệu con nai vàng, là một trong những thủ phạm. Kinh. Mình không nhớ mặt cô này, nghe bạn học nói tên nhưng chịu. Chắc lớn tuổi hơn mình.

Mới thất tấm ảnh lần đầu tiên. Nhìn thấy thuỷ đài phía xa nên mình đoán là đường Lê Quý Đôn, chỗ khu nhà đèn Đà Lạt xưa. Mình đoán chỗ chụp ngay trên khu đồi của đường Trương Vĩnh Ký, góc Cường Để, khu Tổ Tiên Chính Giáo.

 

Bên trái cầu Lê Quý Đôn, có con đường dẫn vào lò sát sinh mà dân Đàlạt xưa hay gọi Abattoirs. Có 2 tiệm sửa xe hơi ở khúc này hình như STT. Phía trên đường Duy Tân, ngay góc Hải Thượng có ga ra Trung Tín. Ngày xưa, Đàlạt ít xe hơi mà ga ra sửa xe hơi khá nhiều, nay chắc mọc như nấm.


Hôm cuối năm, có Lệ Thu, con gái của ga ra STT từ Pháp sang, có ghé nhà ăn uống, kể chuyện Đà Lạt xưa.

Lệ Thu và đồng chí gái 

 

Thấy khúc trường Việt-Anh mà mình đã có kể.


https://www.muctimsonden.com/2020/08/buc-anh-alat-ay-ky-niem.html

 

Nói đến Việt-Anh thì phải nói đến trường Văn Học nằm bên tay trái, khúc đầu đường Hoàng Diệu. Thấy một phần sân trường và lớp mình học khi xưa.

 

Thấy khúc đường Hải Thượng và phần đất trên đường Hai Bà Trưng mà họ đang đào đất để xây nhà sau này, khúc viện Kiểm-sát sau này.

 

Đặc biệt thấy phía xa, sau chùa Linh Sơn và trường Bồ Đề thấy nhà thờ của Dòng Chúa Cứu Thế ở số 6. Ngày nay về thấy nhà thờ sát đường. Để bỏ tấm ảnh nhà thờ này lên đây.


Sau khu Hoà Bình, có cái đồi của dinh tỉnh trưởng với rừng thông thì thấy giáo hoàng học viện ở đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện đồi cù mà mình đã có kể.


https://www.muctimsonden.com/2019/08/giao-hoang-hoc-vien-alat.html


Đang viết chưa xong.


Nhs

1 năm tham gia hội Toastmasters

 Mình gia nhập lại hội Toastmasters quốc tế gần 1 năm với nhiều sự kiện đáng ghi nhớ. Mình có gia nhập hội này khi xưa để tập nói trước công chúng khi đi làm vì phải trình bày đồ án trước khách hàng. Sau này có gia đình, bận đưa con đi học, làm ăn nên ngưng. Nay gia nhập lại để tạo cơ hội nói chuyện anh-ngữ trước đám đông.

 

Thông thường mình nói tiếng Việt ở nhà, đi làm thì tiếng Mễ nhiều hơn vì đa số thợ là người gốc Mễ thậm chí người mướn nhà cũng 100% là gốc Mễ la tinh. Do đó anh-ngữ bị liệt vào loại sinh ngữ ít sử dụng trong ngày dù sinh sống tại Hoa Kỳ. Do đó ai sinh sống tại khu Bôn-sa thì xem như đang ở Việt Nam vì giao dịch toàn bằng việt-ngữ. Mỗi tuần có đi ăn cơm với đám mỹ đầu tư địa ốc hay hội Lions quốc tế thì mót mép anh ngữ.

 


Tham gia hội Toastmasters được 3 tháng thì đại dịch xuất hiện nên tạm ngưng. Các hội viên bàn với nhau và quyết định họp mặt mỗi tuần như thường lệ qua hệ thống mạng Zoom. Cũng có vài vấn đề kỹ thuật vì vài thành viên lớn tuổi, không quen sử dụng kỹ thuật qua mạng.

 

Nói chung thì các cuộc họp mặt qua Zoom nhưng rút ngắn thời gian 45 phút thay vì 90 phút như thường lệ. Đến 1 tháng nay thì đi họp lại tại phòng họp, có một nữa thì vẫn tham dự buổi họp qua Zoom. Điều vui là có nhiều người tham gia từ đâu đâu. Có người ở miền bắc Cali, người thì ở xứ Nhật Bản vì muốn tập nói anh ngữ. Họ đều xuất hiện qua hệ thống Zoom.

 

Nhắc đến đàm thoại anh-ngữ khiến mình nhớ đến thằng Nguyên, bạn học, sau này du học tại Gia-nã-đại. Mình và hắn bò đến nhà của một đám mỹ Tin Lành ở đường Yagut để học đàm thoại anh ngữ khi còn ở trung học. Đến nơi nghe họ giảng đạo, kêu Chúa chết, 3 ngày sau, sống lại nên hai thằng chim dế cò bay hết, hết dám bò lại học đàm thoại. Sau này, gặp lại hắn có kể lại vụ này. Cười mệt thở.

 

Mình khám phá ra một điều là người Mỹ học được rất nhiều về Việt Nam qua mình. Có ông viết “note” kể ông ta học hỏi mỗi lần mình nói chuyện. Nói chung đa số người Mỹ chỉ biết về Việt Nam trong thời quân đội mỹ tham chiến, còn sau 75 thì họ i tờ. Điển hình tuần rồi, đề tài nói về ngày cựu chiến binh, mình nói về các cựu chiến binh nhất là thương phế binh của Việt Nam Cộng Hoà tại Việt Nam ngày nay, khiến ai nấy đều cảm động, vì họ đã cố quên chiến tranh Việt Nam, một dấu vết đau thương của dân tộc Hoa Kỳ.

 

Hội Toastmasters quốc tế là một hội được tư nhân thành lập và tự điều khiển qua chương trình, tôn chỉ của hội. Cách điều hành của mỗi hội rất riêng tư, dựa trên quy tắc của hội. Điển hình có hội chỉ dành cho nhà thờ nào đó, hay sinh viên, hay phụ nữ, hoặc nam giới, tuỳ theo mục đích của hội được đưa ra.

 

Có tham gia các hội vô vụ lợi của Hoa Kỳ mới thấy tinh thần kẻ thừa sai của họ rất cao. Điển hình hội Lions quốc tế mà mình tham dự. Mới vào, thì họ bắt mình châm cà phê hay rót nước cho các hội viên lão thành. Châm ngôn của hội là “we serve “ nên anh là thẩm phán, nha sĩ, bác sĩ,…đều phải đi rót nước, cà phê cho anh thợ hồ, thợ mộc… nếu có ai lấy cái thìa gõ vào cái ly. Anh phải ngưng ăn, thậm chí phải đi vòng vòng xem ai cần nước, cà phê,…để chêm cho họ. Dần dần có ma mới khác vào, thay thế vài trò của anh. Đó là thời gian huấn luyện hội viên, bỏ cái bản ngã của mình thì mới phục vụ cho người đời được. Không cần biết anh là ai trong xã hội, vào hội thì anh phải từ bỏ chức vị của mình để khởi đầu con đường giúp xã hội.

 

Từ từ năm này qua năm nọ, họ bầu anh lên các chức vụ khác trong hội đồng quản trị, giới thiệu cho cộng đồng, các hội khác. Giao cho anh tổ chức các mục nhỏ rồi lớn sau đó mới lên phó chủ tịch rồi chủ tịch. Nhờ có liên lạc với bên ngoài, với các tổ chức Lions khác trong vùng thì mới được bầu chủ tịch cấp vùng, quận, tiểu bang rồi liên bang,…

 

Gặp người Việt mình thì thành lập hội là phải làm chủ tịch nếu không thì bỏ hội để thành lập hội do mình làm chủ tịch. Người Mỹ nói; không ai sinh ra để lãnh đạo mà lãnh đạo phải được huấn luyện, đào tạo. Thông thường các hội viên đều có cơ sở thương mại hay nhân viên công lực, công chức trong thành phố. Họ tham gia để tiếp thị cho cơ sở thương mại của họ nhưng phải làm đàng hoàng nếu không thì mất tiếng, thương vụ cũng đi đoong luôn. Do đó khi họ nhận làm việc gì là thực hiện đến nơi đến chốn.

 

Có một ông mỹ, mua mấy trăm mẫu đất trên núi rồi tặng cho hội Lions. Có ông về hưu đóng 200 cái giường ngủ, đủ trò,…mình chỉ tặng chiếc xe van cũ để họ chở các học sinh nghèo lên đó chơi, đi trượt tuyết. Nhiều em cả đời chả bao giờ thấy tuyết, hay đi nghỉ hè nên nhìn các em được lên đây chơi 1 tuần, cảm thấy vui vui đã đóng góp cho việc chung.

 

Hội Toastmasters cũng có những nhiệm vụ cho mỗi kỳ họp mặt nên mọi người được phân chia công việc. Trước nhất là ông chủ tịch khai mạc buổi họp rồi mời người điều khiển chương trình hôm đó, toastmaster lên bục. Bắt tay tùm lum rồi mới rời diễn đàn. 

 

Thông thường thì người làm toastmaster hôm đó phải gửi chương trình, đề tài buổi họp ra trước để các thành viên khác dựa theo mà soạn bài diễn văn của họ,…, giao công việc cho mỗi người rồi các người đọc diễn văn sẽ gửi đề tài diễn văn của họ để người toastmaster làm chương trình. Ai vắng mặt thì cho biết cả đến nơi không có mặt thì thiên hạ phải lo lắng, mất thì giờ, nhờ người khác thay thế.

 

Điển hình tuần tới, mình được phân công làm toastmaster nên chọn đề tài là ”2020, năm khó quên” . Hôm qua sau khi họp, mình gửi cho mọi người biết đề tài này để họ chuẩn bị chương trình của họ như người sẽ đọc diễn văn hôm ấy, có thể chọn một đề tài phù hợp với đề tài của hôm đó.

 

Thường thì có hai người đọc diễn văn nhưng từ ngày COVID viếng thăm thì ít người nên còn lại một. Người toastmaster khai mạc buổi họp, mời một người nói một câu nguyện thánh kinh hay một ý tưởng hay nào đó rồi tuyên thệ trung thành với lá cờ Hoa Kỳ.

 

Sau đó người toastmaster nói về đề tài một tí để tạo một tinh thần của buổi họp như lịch sử của đề tài, thí dụ: tuần này là về các nhạc phẩm trong mùa Noel. Sau đó, giới thiệu mỗi người nói về trách nhiệm của họ ngày hôm đó. Như mình có nhiệm vụ canh giờ cho mỗi người khi phát biểu. Có cái đèn 3 màu, xanh, vàng đỏ là hết giờ, ai vi phạm sẽ bị loại. Thật ra giải thích nhiệm vụ của mình trước đám đông cũng quan trọng tuy không phải soạn bài trước nhưng cũng tập cho mình biết nói trước công chúng, không bị e ngại. 

 

Sau đó giới thiệu người đếm các “filler” . Khi người ta không quen nói chuyện trước công chúng thì hay vất phải cái tật là đệm thêm những cụm từ vô thưởng vô phạt như “ah, but, you know,….” kiểu người Việt thì chay kêu “rằng thì là, ..”. Họ dạy chúng ta nói đủ từ ngữ để diễn đạt mà không cần thêm các à ớ Á,…

 

Tổng thống Obama được xem là một người nói chuyện trước quần chúng rất hay nhưng khi nói chuyện bình thường, không có màn ảnh bài diễn văn thì ông ta thêm các từ ah, um,…rất nhiều”. Người có nhiệm vụ đếm các từ vô nghĩa, có cái máy nhỏ để khi ai nói các cụm từ vô nghĩa thì bấm cái két để báo hiệu. Thường càng nghe tiếng két lại làm người ta rối thêm càng nói ah úm ớ thêm. Chán Mớ Đời 

 

Trên thực tế, khi chúng ta ngưng nói để tìm ý câu để nói thì tạo ra một không gian im lặng, lại giúp khán giả chú tâm vào cuộc nói chuyện hơn. Đi học về thương lượng, họ dạy là khi đối tác hỏi vấn đề gì đó thì cứ đếm đến số 10, trước khi trả lời. Thời gian, không gian khi mình chưa trả lời sẽ làm đối tác tiếp tục nói. Khi đối tác nói thì mình càng biết thêm về tình hình của đối tác mà thương lượng. Do đó khi mình gặp bạn bè, ít khi nói chuyện, chỉ trả lời khi ai đó hỏi thăm.

 

Giới thiệu người cho một từ với định nghĩa (word of the day) để mọi người trong ngày, phải sử dụng như hôm qua là từ “platitude”, được giải thích và cho thí dụ để mọi người không quên sử dụng. Người đó sẽ đếm xem ai đã sử dụng từ trong buổi họp. Sau đó trong ngày, mình tìm cách sử dụng từ ấy khi đi họp với hội Lions quốc tế hay nói chuyện với ai. 1 tuần học được một chữ thì một năm học được 50 chữ khác, loại khó.

 

Giới thiệu người sẽ phê bình diễn giả hôm đó, nói về đề tài của diễn giả. Đến người chấm điểm về cuộc họp mặt, có cần thêm cái gì để cải tiến như khởi đầu đúng giờ. Sau cùng là người sẽ thâu tất cả những phê bình, chấm điểm cho diễn giã, để mọi người bầu ai là diễn giã số một.

 

Toastmaster câu giờ bằng cách nói chuyện thêm đề tài buổi họp đến khi diễn giả ra hiệu là sẵn sàng thì mời lên diễn đàn. Bắt tay rồi mới giao diễn đàn lại. Người canh giờ sẽ bắt đầu làm việc.

 

Sau đó lại câu giờ kiểu ông Nguyễn Ngọc Ngạn trong khi người ta dọn sân khấu để người phê bình bài diễn văn, chuẩn bị ý tưởng để phê bình. Mình thấy phần này rất khó không dễ như người Việt hay phê bình: ‘Nói như cục cứt”. Đây mình tìm những điểm nào để giúp diễn giả thấy yếu điểm để có thể sửa sai lại cho kỳ tới. Phê bình có óc xây dựng chớ không đả phá như thiên hạ hay làm.

 

Sau đó thì cho thiên hạ có thì giờ để viết lời phê bình và chấm điểm diễn giả hay nhất. Rồi đến mục quan trọng nhất trong ngày là Table Topics. Phần này, mọi người không được soạn sẵn, và chỉ có 2 phút để diễn đạt trả lời của câu hỏi được đưa ra bất chợt của người lãnh trách nhiệm phần này.

 

Chỉ có 2 phút để trả lời một câu hỏi bất chợt khiến đầu óc quay cuồng vì phải suy nghĩ, mà trong khi suy nghĩ thì đồng hồ được đếm. Do đó người ta học cách nói ngắn và gọn thay vì cà Lê dê ngỗng mà không vào đề tài như đa số.

 

Qua gần một năm thì mình khám phá ra sự khiếm khuyết của mình về văn hoá Hoa Kỳ. Lý do mình không sống ở đây từ bé nên  các hội viên người Mỹ nói về một bài hát xưa, một chương trình hoạt hoạ thời của họ còn bé … là mình ngọng.

 

Đưa mình về thời mới sang Tây, chả rành về văn hoá của Tây cho dù mình học chương trình pháp thuộc địa. Qua Tây, đi học chung với đám Tây đầm cùng tuổi, chúng nói về điển tích, hay văn hoá đời sống Tây là mình ngọng, phải mò sách đọc thêm.

 

Cho thấy mình sống ở mỹ trên 33 năm mà chưa hiểu gì cả về Hoa Kỳ. Trong khi có nhiều người ở xứ nào, chưa bao giờ đặt chân đến mỹ lại bình luận, phê bình về Hoa Kỳ. Chán Mớ Đời 

 

Cuối tuần này thì gia đình mình đi phát quà cho các học sinh nghèo qua tổ chức Lions quốc tế. Hàng năm, gia đình mình đến Hội Lions Quốc Tế, lấy quà rồi đem đến nhà các học sinh nghèo để tặng gia đình họ, có một buổi ăn trong ngày lễ Tạ-Ơn ít thiếu thốn. Đến mùa Giáng Sinh thì đưa các em đi sắm quà Giáng Sinh. Vui là cả gia đình tham gia, giúp con mình hiểu được nghèo là gì và tình tương thân tương trợ, bác ái.

 

Năm nay, vì COVID nên không được đem phát quà tận nhà mà gửi thư nhờ họ đến công viên thành phố để nhận. Có người không có xe nên đi bộ, kéo theo cái giỏ, người đi xe cà rịch cà tang, có người chạy Lexus SUV, BMW, cho nên chả biết ai nghèo hay giàu. Họ có tên trong danh sách của trường đưa lại. Phát quà cho 225 gia đình. Tháng sau thì dẫn các học sinh nghèo đi mua sắm quà giáng sinh với sự bảo trợ của một siêu thị. Hội Lions quốc tế bỏ ra $3,000 và được siêu thị tặng $3,000, tổng cộng là $6,000 cho 200 trẻ em nghèo.

 





Trong năm thì các hội viên tổ chức các chương trình để gây quỹ như xổ số, đủ trò để có thể giúp đỡ những người ít may mắn hơn mình.

 

Xin chúc các bác cùng gia quyến một mùa Lễ Tạ-ơn vui vẻ và bình an.

 

Nhs

 

Trường học đầu tiên tại Đàlạt

  

Nhiều khi đăng bài lên mạng mà hay. Trước đây, mình chỉ gửi bạn bè nay có người làm bờ lốc để trữ mấy bài mình đã viết nên có nhiều người đọc mến, gửi cho các hình ảnh, tài liệu về Đàlạt xưa.

 

Mình thấy có nhiều tấm ảnh tại một trường học Đàlạt toàn là tây đầm học nhưng phong cảnh không giống như trường Petit hay Grand Lycée, nơi mình từng đã ngồi lớp nên không hiểu là ở đâu. 

 

Hôm nay nhận được từ ông Nguyễn Kính tài liệu về trường học đầu tiên tại Đàlạt thì giải đáp những thắc mắc của mình từ mấy năm nay. Trường này được gọi là Dalat International School. Trường này lạ là không phải do thực dân tây xây dựng mà là một nhà thờ Tin LÀnh gốc Gia-nã-đại thành lập.

 

Hai ông bà truyền giáo George Irwin và “Hat” (Harriette) Stebbins tuy có quốc tịch Gia-nã-đại nhưng đều sinh trưởng tại Việt Nam, Tourane (Đà Nẳng) của Đông Dương Pháp. Muốn giáo dục con cái tại Đông Dương thời đó là một điều trở ngại rất lớn. Đa số các nhà truyền giáo gửi con họ về cố quốc để nuôi nấng trong khi họ đi giảng tin lành của Chúa đến phương dân.

 

Lớp học đầu tiên tại trường, có 3 học sinh và cô giáo người Mỹ 

Ông bà Irwin này không muốn xa con nên yêu cầu nhà thờ thành lập một trường học cho con họ và con của giáo dân. Nhà thờ của họ là Christian & Missionary Alliance, quyên góp và được ông bà Christie của Chritie Biscuits Company và ông bà Jaffray của Toronto Globe and Mail, tặng cho $5,000 để khởi đầu trường học Dalat.

 

Năm 1928, nhà thờ mua một khu đất để xây trường học với mục đích đào tạo các nhà truyền giáo như ông bà Irwin. Một năm sau, cô giáo từ Hoa Kỳ tên Armia Heikkinen, đến dạy con ông bà Irwin tại trường học được gọi là Villa Alliance. George Irwin là học sinh đầu tiên của trường và của cô giáo người Mỹ. Cô giáo này dạy trường này suốt 28 năm và qua đời ngày 3 tháng 6 năm 2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ.

 

Cô giáo đầu tiên của trường Armia Heikkinen (chắc gốc Phần Lan)

Trường hoạt động đều đặn, chỉ tạm đóng cửa năm 1942 khi quân đội Nhật chiếm Đông Dương. Sau này chiến sự gia tăng, nhiều nhà truyền giáo bị Việt Cộng bắt và mất tích nên toà đại sứ Hoa Kỳ thông báo là không thể nào bảo toàn an ninh cho họ. Nên nhớ là các nhà truyền giáo Tin LÀnh đi vào các nơi xa xôi, các buông người thượng để truyền giáo.

 

Mình nhớ có đến một chỗ người tin lành truyền đạo bằng anh-ngữ ở đường Yagut, có rất nhiều người thượng tham dự. Có anh bạn dạy các học sinh người Chu-ru ở ngoại ô Đàlạt, kể là người Mỹ họ đến truyền đạo, họ viết sách học tiếng Chu-ru cứ như các ông giáo sĩ Thiên Chúa Giáo khi xưa mới sang Việt Nam, phiên âm, thành lập chữ quốc ngữ. Anh ta vào buông buồn đời, lấy mấy cuốn sách này học phương ngữ Chu-ru. Nói không thua gì dân Chu Ru.

 

Phi cơ Hoa Kỳ di tản trường qua Thái Lan để bảo đảm an ninh

Năm 1965, toà đại sứ Hoa Kỳ cho trường học này 48 tiếng đồng hồ để di tản. Ngày 16/4/1965, 2 chiếc máy bay chở họ qua Thái Lan rồi sau đó trường dời về nước MÃ Lai đến nay nhưng vẫn giữ tên trường là Dalat School. 

 

Vậy là thắc mắc của mình đã được giải đáp qua căn nhà của trường này hiện ở Penang, Mã-lai-á. Xong om


Hình cô giáo đầu tiên với các học trò đầu tiên của trường


https://www.dalat.org/web/da-dalathome/


Xin xem video về trường đầu tiên Đàlạt 

 

Legacy Decades Project 2 1920s

 

Nhs