Nhà thờ Cam-ly Đàlạt

 Có người nhắn tin cho mình, hỏi đồi Thập-tự ở Đàlạt với 2 tấm ảnh khiến mình ngọng. Ở Đàlạt 18 năm nhưng chưa bao giờ nghe đến. Lò mò mình xem trang cá nhân của người này cùng thân hữu thì khám phá ra một vài tin tức khác về Đàlạt. Nhà thờ Cam-ly Đàlạt.

Theo chị Bùi Thị Ngọc đọc bài này, cho biết:
Đồi Thập Tự nằm kề ngon núi Voi và hồ Suối Tía. Do 1 linh mục người Pháp xây dựng mộ, phía bên trên có cây Thập Giá lớn, nhìn từ phía dưới hầm mộ sẽ thấy ánh sáng từ đỉnh cây Thập Tự. Nhưng vị linh mục này đã qua đời và được chôn ở Pháp


Từ đồi Thánh giá nhìn xuống đèo Pren



Hai tấm ảnh trên do Mai Vuông Tròn gửi. Cảm ơn nhiều. Cùng nhau tô lại quá khứ của Đàlạt 

 

Theo mình, thì người pháp thành lập cái thánh giá này nhưng một cái am cua người Việt. Ở Pháp, hay có những hang đá nhất là trên núi với cây thánh giá sừng sửng mà lái xe, người ta hay thấy ở trên cao, dọc quốc lộ để biểu dương cho Chúa Giê Su nhất là ngày nay, họ gắn đèn khiến về đêm được thấy rõ. Có một cái rất nổi tiếng nhưng to lớn là ở xứ Ba-Tây, ở trên núi.


Ngày nay, giới trẻ đi phượt nên hay tìm đến những chốn này, rồi họ tạo ra những huyền thoại. Lý do là lịch sử của Đàlạt đã được viết lại sau 1975.


30 năm về trước, công ty mình làm được một tập đoàn đầu tư Tân-gia-ba mướn thiết kế một trung tâm nghỉ dưỡng ở Suối VÀng Dankia. Mình có hỏi vụ ô nhiểm môi trường, xử lý thế nào thì bị dẹp qua một bên, không cho tham gia đội thiết kế nữa. Chán Mớ Đời may là không thực hiện nhưng ngày nay với những gì họ đang làm thì xem như cũng phá tan vùng này.

 

Nay đọc tài liệu mới hiểu khi người Pháp xây đập Suối Vàng thì phải dời 2 bản của người thượng. Rồi lòng vòng ra sao, lại chuyển họ về phía Cam Ly, giữa Lò GẠch Hoàng Diệu và đường vào Cam-ly. Dạo ấy, người thượng hay ra chợ để bán ngo cho cư dân Đàlạt. Nhìn lại thì xem như họ chuyên cung cấp ngo cho người Đàlạt để chụm cũi than. Sau này, thiên hạ xài lò dầu hôi nên hết thấy người thượng ra bán ngo. Không biết họ sống về kinh tế ra sao, ngoài vào rừng hái lan ra bán cho các tay bán lần Đàlạt.

 

Mình tải về đây bài viết của họ để các bác hiểu thêm về lịch sử Đàlạt khi xưa.

 

 

Trung tâm Thượng Cam-ly / Trung tâm Sơn cước 

 

… Ở Dalat Bạn có biết… !?  Và làm sao xây dựng được đập thủy điện Ankroet ?

 

Cho đến cuối thập niên 1930s việc truyền giáo của Giáo hội Công giáo cho người Thượng nơi cao nguyên Lang-Biang vẫn chưa đạt được thành công nào.

 

Họ thuộc sắc tộc người Lạch, rất dè dặt đối với người lạ, không dễ dàng để cho người lạ tiếp xúc họ. Nhưng từ khi có cha Octave Lefèvre được … sai đến để truyền giảng cho họ, thì không những từng cá nhân mà cả những tập thể – đây là nói dân cư của cả một làng thượng – hân hoan được trở thành con cái Hội Thánh.

 

Nhóm sắc tộc đầu tiên được cha Lefèvre tìm đến, đang sinh sống tại một nơi cách Đà-lạt khoảng hai mươi cây số, có tên là người “Lạch” (Lat); thành phố Đà-lạt lấy tên từ bộ tộc này: Thành phố của người Lạch. Hai làng Thượng lớn nhất được ngài chú ý là làng Dangia (Đăng-kia) và làng Bon-dong. Hai làng này nằm gần nguồn và cạnh bờ con sông Da-dong, sông này sẽ mang tên Đồng-nai khi vào địa hạt thuộc người Kinh.

 

Trong những lần thăm viếng mà ngài thực hiện khá thường xuyên đến các làng này, cha Lefèvre đã học được tiếng nói của người Lạch; trong những chuyến đi đó, ngài cũng chữa lành nhiều bệnh nhân. Nhờ vậy phát sinh một sự hiểu biết, một sự tin tưởng lẫn nhau giữa vị linh mục và người Lạch.

 

Chính quyền thời đó đã quyết định xây trong thung lũng Lạch một đập nước lớn để tăng cường khả năng cung cấp điện của nhà máy điện Ankroet. Nếu việc đó xảy ra thì hai làng của người Lạch sẽ biến mất và người dân sẽ mất hết các thửa ruộng của họ. Cha Lefèvre tự nguyện làm trung gian để giải quyết những tranh chấp giữa người Lạch và đại diện chính quyền. Đặc biệt ngài đã đòi được cho các làng thượng những khoản bồi thường và việc tái lập hai làng Dangia và Bon-dong tại một địa điểm khác. Ngôi làng nhỏ Ankroet cũng muốn nhập vào nhóm làng này. Cả ba làng được tái lập ở chân núi Langbiang, thành làng Langbiang của người Lạch. Cha Lefèvre thích gọi đó là Làng Đức Bà, “Bon Me Marie”. Việc tái lập này thực sự hoàn thành vào những tháng đầu năm 1954.

 

Vì tình hình an ninh không được tốt vào những năm đó, cha Lefèvre không thể lưu lại tại các làng Thượng trong những chuyến đi mục vụ. Do đó, với sự ủng hộ của cha Fernand Parrel, ngài quyết định lập một “Trung tâm Thượng” ở ngoại vi thành phố Đà-lạt, không xa thác Cam-ly, đối diện với ngọn đồi trên đó có trường Đức Bà Lâm-viên. Năm 1951, bắt đầu xây dựng các phòng học, một phòng y tế, một nhà vãng lai, nơi đó, mỗi lần đến Đà-lạt, người Thượng có thể ở lại bao lâu tùy thích. Cũng sẽ có một nơi thờ phượng và một nơi ở cho các cha, cho các nữ tu và nhân viên sẽ được kêu gọi đến làm việc tại đây... Sau khi được cha Parrel khánh thành vào ngày 01/11/1952, Trung tâm Thượng Cam-ly phát triển và hoạt động cho đến tháng 4 năm 1975.

 

Ngoài việc đem Tin Mừng đến cho người Thượng, cha Lefèvre còn quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo họ thành những người trợ tá cho ngài trong việc dạy giáo lý cũng như nâng cao dân trí cho đồng bào của họ. Một mặt ngài gửi các thanh thiếu niên nam đến học tại trường Adran do các sư huynh La-san điều khiển. Hai em người Lạch đầu tiên đi học tại đó là K’Bô Panting và K’Meng Krajan. Học xong, K’Bô về dạy tại Trung tâm Thượng Cam-ly cho đến năm 1975, còn K’Meng thì điều khiển một trường tiểu học được thiết lập tại làng thượng Langbiang, trong cùng thời gian đó. Do kết quả tích cực của việc thử nghiệm này, về sau nhiều thanh thiếu niên Lạch được hướng đến các trường trung học khác nhau trong thành phố Đà-lạt.

 

Đối với các thiếu nữ Lạch, vào năm 1953, ngài mua một miếng đất cạnh Trung tâm và xây dựng một trường Nữ Công Gia Chánh; ngài mời hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đến điều hành. Hai chị này, vào năm 1954, nhường chỗ cho các nữ tu Mến Thánh Giá Hà-nội, từ miền Bắc di cư vào, sau hiệp định đình chiến Genève. Tháng 5 năm 1955, trường bắt đầu hoạt động với khoảng trên mười thiếu nữ Lạch, tuổi từ 18 đến 20.

 

Từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai năm 1954, Trung tâm Thượng Cam-ly đón tiếp khoảng 600 người di cư dân tộc Thái là những người Thượng miền Bắc. Vì có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, cha Lefèvre được yêu cầu lo cho đám người mới đến này. Ngài đã đưa họ đến định cư tại vùng Liên-khương Gougah.

 

Trung thành với trách nhiệm mục tử, hằng tuần ngài đều đặn đến dâng thánh lễ tại một trong các làng thượng. Ngài thường được ông Y-Sik-Niê đi cùng; ông này phụ trách dẫn lễ và bổ túc những lời giảng dạy của cha Lefèvre.

 

Tưởng rằng cha Octave Lefèvre có thể làm việc lâu dài cho người Thượng Đà-lạt nay đã trở nên thiết nghĩa với ngài, thì một biến cố bất ngờ xảy ra, gây thương tiếc cho nhiều người, cách riêng cho con cái người Lạch của ngài. Ngày thứ Tư, 26/10/ 1955, sau khi đi thăm cha Moriceau tại Di-linh cùng với cha Desplanque và ông Y-Sik-Niê, trên đường về, chiếc xe jeep do ngài lái bị lật. Ngài bị thương nặng, được đưa lên bệnh viện quân y tại Đà-lạt. Tại đây ngài đã tắt thở vì vết thương nơi ngực quá nặng. Xác ngài được đưa về quàn tại Trung tâm Thượng Cam-ly. Lễ an táng được cử hành tại nhà thờ Đà-lạt, ngày thứ bảy, 29/10/1955. Không kể các vị chức sắc đạo đời, rất đông tín hữu – trong đó có đến hơn một ngàn người Lạch – đến tham dự thánh lễ. Điều đó nói lên sự ngưỡng mộ của mọi người, sự thương mến đặc biệt của người Thượng, dành cho vị tông đồ truyền giáo. Ngài được mai táng tại nghĩa trang dành cho người Âu, sau lưng nhà thờ Đà-lạt.

 

Các vị thừa sai tiếp tục sự nghiệp của cha Octave Lefèvre tại Trung tâm Thượng Cam-ly, Đà-lạt

 

Tuy sự ra đi của cha Lefèvre ở tuổi 48 là một mất mát to lớn cho công cuộc truyền giáo nơi các sắc tộc thiểu số vùng Đà-lạt, nhưng các đồng nghiệp trong hàng giáo sĩ thuộc Hội Thừa Sai Paris, như các cha Pierre Ripaud, Henry Desplanque và sau cùng là Cha Marius Boutary đã tiếp tục công trình tốt đẹp của cha Lefèvre đã gầy dựng trong hơn sáu năm trước với một lòng nhiệt thành hăng say không kém… cho đến 4/1975.

 

Cha Marius Boutary là người chủ trì xây dựng nhà thờ Cam ly.

 

Hãy dành thêm ít thời gian...

 

Các bạn có thể tìm hiểu về Ngôi Nhà thờ đặc sắc mang dáng dấp Cao nguyên theo link sau:

 

https://www.facebook.com/MocDalatLuquan/posts/554499125003806

 

Ngày nay, có lẽ …không mấy ai biết về Trung tâm Thượng Cam-ly mà chỉ biết về tên gọi « Nhà thờ Cam ly »

 

#mocdalatluquan

 

#dalatxua

 

Độc đáo kiến trúc Nhà thờ Cam Ly

#camly #nhathocamly #trungtamsoncuoc

#trungtamthuongcamly

1/ Lịch sử và vị trí:

Tọa lạc trên một quả đồi gần thác Cam Ly, số 1 Nguyễn Khuyến,  phường 5 thành phố Đà Lạt, nhà thờ Cam Ly hay nhà thờ Sơn Cước là ngôi nhà thờ dành riêng cho các dân tộc thiểu số ở địa phương.  

Nhà thờ do linh mục người Pháp Marius Boutary chủ đạo xây dựng, là một người yêu văn hóa của người Thượng bản địa và yêu Đà Lạt lạ lùng. Ông gắn bó nhiều năm với cộng đồng người thiểu số từ khi đến năm 1952 đến khi rời đi 1975.  Ngôi nhà thờ theo lối kiến trúc mang đậm dấu ấn bản địa do linh mục Jean Kermarrec thiết kế bản vẽ và nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ đứng ra xây dựng. Nhà thờ được khởi công năm 1960, đến năm 1968 thì hoàn thành.


 

2/ Kiến trúc:

 

Với mục đích thiết kế dành riêng cho đồng bào thiểu số nên Nhà thờ Cam ly có được một nét kiến trúc hết sức khác biệt, độc đáo so với các nhà thờ khác.

 

Kiến trúc nhà thờ được cách điệu từ mái nhà rông cổ truyền Tây Nguyên, được thể hiện theo tinh thần của trường phái kiến trúc thô mộc dựa trên kỹ thuật xây dựng tiên tiến của phương Tây.

 

Mái nhà dốc, cao hơn 17m, nhìn thẳng gợi liên tưởng đến hình mũi tên vút lên trời cao, nhìn ngang giống như lưỡi rìu, hình ảnh các vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân tộc. 

 

Mặt bằng nhà thờ hình chữ nhật đơn giản có diện tích 324m2. Ðể chịu đựng được sức nặng của toàn bộ công trình, nền móng đã được gia cố hết sức kỹ lưỡng trong vòng nửa năm. Kết cấu chịu lực chính là hệ khung cột bê tông cốt thép cao 3m, kích thước mỗi cột 20x 50 cm, được liên kết chặt chẽ với kết cấu đỡ mái là hệ giàn kèo gỗ ghép vượt khẩu độ 12m trông rất ấn tượng.

 

Nối với những bức tường lửng có độ cao khoảng 2m, dày 40cm  được xây bằng đá chẻ là hệ thống cửa kính mầu xanh-nâu-vàng trong các khung gỗ, đem lại vẻ đệp huyền ảo khi những tía sáng xuyên qua. Các khung cửa liền nhau và giáp mái này cùng với 20 vì kèo tương ứng đều được cách điệu từ hoa văn Tây Nguyên mà chủ đạo là hình vuông và hình tam giác - tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời trong môtip bản địa về quan niệm vũ trụ. Ðối xứng phải trái là 16 bức tranh đá trong đó có 14 bức diễn tả các chặng thương khó của Chúa Jesus và ngày ngài thọ nạn, phục sinh...Ở đây, cùng với nghệ thuật sắp đặt và giải pháp kiến trúc, các nhà tạo tác đã kết hợp hài hòa và thành công giữa tư duy mộc mạc, tự nhiên của đồng bào các dân tộc thiểu số với triết lý tôn giáo nhân bản và sâu sắc. Lối đi lại trong nhà thờ được lát đá chẻ.

 

Trên tường mặt chính nhà thờ, Chúa Ba Ngôi được thay bằng ba ngôi sao lớn được phối bằng những tam giác kính màu. Dưới ba ngôi sao là một bàn thờ dài 3,9m, rộng 0,9m, được làm bằng gỗ thông già lấy từ đỉnh Lang Biang, đã hong khô hơn 15 năm, trước khi vào xây dựng nhà thờ. 

Tượng Chúa trên thập giá, phía dưới có ba đầu trâu từ lớn đến nhỏ sắp xếp phía dưới chân tượng trưng những lễ vật người dân tộc dâng cho thiên Chúa Ba ngôi. (Một tập tính trước đây của họ khi tế lễ cho Yàng – Yàng là Trời).

 

Mặt tường phía trước, hai bên cổng chính nhà thờ có hình con cọp tượng trưng cho sức mạnh và con chim đại bàng tượng trưng cho sự thông thái, theo quan niệm của người dân tộc. Còn mặt phía bên trong tường này là những hình con thú như nai tượng trưng sự đơn sơ, giản dị; Chim sự phóng khoáng,…

 

Mái nhà thờ được lợp bằng 80.000 viên ngói với tổng trọng lượng tương đương 90 tấn. Để lợp một khối lượng ngói khổng lồ trên độ dốc lớn, các nhà thiết kế dùng loại ngói phẳng, gờ móc có đục lỗ để luồn dây kẽm buộc chặt vào litô.

 

Sau khi hoàn thành công trình phía nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ còn cẩn thận để lại hơn 8.000 viên ngói để sau này thay thế khi bị hư hại mà không cần phải thay ngói loại khác để luôn tạo được sự đồng đều thống nhất của ngôi nhà thờ đến từng viên ngói.

Không chỉ để lại ngói, nhà thầu còn để lại các mặt kính dự phòng để thay thế sau này. Có thể nói nhà thờ Cam Ly gần như vẫn giữ được nét cổ kính và đẹp đến hoang giã theo thời gian cho đến ngày nay. Với kết cấu vững chắc và luôn có vật liệu thay thế thích ứng nên từ khi hoàn thành đến nay nó vẫn nguyên vẹn và không phải trùng tu, sửa chữa lần nào.

 

Quanh nhà thờ Cam Ly là khu vườn cảnh xanh tốt với nhiều loài hoa khoe sắc, tôn thêm nét đẹp của công trình kiến trúc độc đáo này.

Ngôn từ là giới hạn …, các cảm nhận về Ngôi thánh đường Sơn cước có lẻ chỉ có thể có được đầy đủ khi những Lữ khách in chính những dấu chân mình nơi đây. Đó có thể cảm xúc vỡ òa hoặc trống rỗng thất vọng, đôi khi háo hức kiếm tìm…

Có một điều cảnh quan khu vực xung quanh ngôi nhà thờ không còn như trước nữa. Rừng thông bao quanh đã dần mất đi … Và…

 

3/ Vẻ đẹp “nội tại” khác của Nhà thờ Cam ly, … ngày nay:

Bên cạnh vẻ đẹp tôn nghiêm, cổ kính theo dần năm tháng của từng phiến đá, từng viên ngoái rêu phong. Một vẻ đẹp “nội tại” cao quý, ẩn giấu ít ai thấy được…. đó là vẻ đẹp rất đời thường từ sự hy sinh, từ tấm lòng của các sơ của thuộc dòng Đức Bà truyền giáo, các sơ đã dày công chăm sóc nuôi dạy bao thế hệ trẻ em dân tộc nghèo từ trước khi nhà thờ được xây dựng và cho đến tận ngày nay.  Sau 1975, đồng bào giáo dân quanh nhà thờ được về định canh định cư tại các buôn làng thuộc xã Tà Nung – Đà Lạt, K’rèn, K’Long, Đarahoa (xã Hiệp An - Đức Trọng), nhà thờ trở thành nhà nguyện của dòng tu Mến thánh giá. Các sơ vẫn tiếp tục … đi về những buôn làng dân tộc ở Đam Rông, Di Linh đưa những trẻ em nghèo về nuôi cho ăn học từ lớp 1 đến vào đại học. Có gần 50 trẻ em đủ mọi lứa từ 6 – 18 tuổi là con gia đình đồng bào nghèo, đông con được các sơ nuôi dạy với tất cả trách nhiệm. Lứa này lớn lên vào đại học, lứa khác lại đến. Không khí ấm cúng như một đại gia đình, đứa lớn giúp các sơ chăm sóc đứa nhỏ. Đã có nhiều em tốt nghiệp đại học, lập nghiệp ở Tp.Hồ Chí Minh, có em trở về buôn làng mình làm cô giáo, y bác sĩ, có em quay lại đây cùng các sơ nuôi dạy đàn em. Như nhắc đến những đứa con của mình, sơ Đào không giấu nổi niềm vui và mong muốn giản dị: Các em có khả năng thì phải học cao hơn để là người công dân có ích, còn em nào không học được cao thì khi trở về với buôn làng, các em cũng sẽ thay đổi được nếp sống sinh hoạt, vệ sinh, nếp sống trong chính gia đình mình và những người xung quanh mình, để cuộc sống của đồng bào ngày càng đổi thay…

 

4/ Lời kết:

Khi Lữ khách đến đồi Mai Anh, nhà thờ Domaine De Marie mua mứt, áo len... là chính các bạn đã chung tay với các sơ nuôi dạy những trẻ em nghèo người dân tộc ở Đà Lạt. Tất cả tiền bán quà ở nhà thờ Domaine sẽ được chuyển đến các sơ trong nhà thờ dân tộc này. Và những chiếc áo, chiếc khăn bằng len các bạn mua về làm quà cho bạn bè, người thân vào những ngày lập đông trời se se lạnh... chính là sản phẩm của các em thiếu nhi dân tộc đang miệt mài tìm cho mình một cửa nhỏ vào đời.

 

26/10/2018

Thông Đà lạt

#dalatxua

Bài viết tổng hợp nhờ sự hỗ trợ của “Mộc Đà lạt Lữ quán”.

https://www.facebook.com/MocDalatLuquan/

 

#nguoidalatthatsu   Hãy đọc để hiểu về Đà lạt hơn

 

Mình thấy mấy tấm ảnh ghi chú là nhà thờ mang ảnh hưởng kiến trúc miền nam nước pháp. Mình đoán tác giả chưa bao giờ đến miền nam nước pháp. Kiến trúc này tương tự nhà thờ của lãnh-địa  Đức Bà (domaine  de Marie ), dựa theo kiểu nhà sàn của người Lạch mà kiến trúc sư thiết kế. Mình có mấy tấm ảnh nhà sàn của người Lạch mà người Mỹ chụp trước 1975, nguyên cả làng, thiết kế theo cách cổ truyền để chống mưa gió Đàlạt.


Người pháp sang đây xây dựng lại các kiến trúc xứ họ cho một khí hậu có tuyết, không phù hợp cho khí hậu Đàlạt, mưa gió quanh năm. Kiến trúc của các căn nhà sàn của người Lạhc là tốt nhất. Kiến trúc của nhà thờ này và nhà thờ Domaine de MArie là áp dụng kiến trúc cổ truyền, khí hậu với cách xây cất mới.

 

Sau đây là những hình ảnh và bản vẽ của nhà thờ.


Khi xưa không có nhà cửa ở xung quanh nên rất đẹp, hài hoà vào thiên nhiên. Nay thì nhà cửa bú xua la mua thêm xa xa các nhà lợp plastic để trồng rau, chiếm hết các đồi. Mình đoán hình này chụp từ trường Petit Lycee cũ.





Bản vẽ kiến trúc cho thấy được phỏng theo kiến trúc nhà sàn của  tây nguyên. Làm bằng gỗ, thành công hơn nhà thờ Lãnh-địa Đức Bà (domaine de Marie) .























Cửa ra vào thành công hơn cửa vào của nhà thờ Lãnh-địa đức Bà.


Nhà thờ này thì mình chưa bao giờ thấy khi sống tại Đàlạt. Chép về lại đây để cho ai còn nhớ về Đàlạt xem trước khi bị phá bỏ để xây dựng các công trình dân cư khác. Chán Mớ Đời 



Ông cha có công xây dựng nhà thờ này.


Nhs