Không nên đả phá tôn giáo khác

 Dạo này bên tây hơi bị lộn xộn về tôn giáo; 1 ông thầy giáo dạy học sinh về tự do ngôn luận, cho xem các tác phẩm hí hoạ của tuần báo Charlie Hebdo vẽ châm biếm ông Mohammed và Allah của hồi giáo mà trước đây 5 năm, đã có một nhóm khủng bố đến toà soạn này bắn chết khá nhiều cộng tác viên tờ báo này. Tin chiều nay cho biết vụ án Charlie Hebdo bị dời lại vì hung thủ bị dính COVID.

 

Ông giáo sư này bị học sinh điềm chỉ và có một tên trẻ tuổi đến sân trường, cắt cổ ông ta khơi khơi về tội phỉ báng thượng đế của người đạo hồi giáo. Người ta chưa kịp hoàn hồn thì ở miền nam nước pháp, có tên nào lại vào nhà thờ công giáo cắt cổ vài người khác hay ở Áo quốc, họ vào nhà thờ Do Thái để giết người gốc Do Thái. Kinh

 

Tổng thống pháp lên tiếng bảo vệ quyền tự do phát biểu, ngôn luận thì các xứ hồi giáo lên tiếng tẩy chay hàng hoá madze Pháp quốc thế là ngọng.

 

Tuần báo Charlie Hebdo này mình hay đọc ké mỗi tuần vì đám bạn sinh viên hay mua đem vào lớp. Mình không thích lắm vì khá cấp tiến và thiên tả nhưng có nhiều đề tài vui, thích đọc “le canard enchaîné   hơn vì có nhiều tin tức về chính trị. 

 

Cái nguy hiểm là có vài tin tức cho biết đa số các vụ khủng bố tại âu châu là đều do cánh cực hữu thực hiện rồi đổ tội cho các nhóm hồi giáo với mưu đồ biến nổi lo sợ của người dân để kiếm phiếu. Lịch sử sẽ cho chúng ta biết vì chưa có bằng cớ rõ rệt.

 

Người ta nhân danh tự do ngôn luận để phỉ báng tôn giáo, tất cả các chính trị gia để bán báo kiếm tiền. Cho nên mình thấy hơi quá vì miếng ăn mà gây ra thù oán giữa những người không chung một tôn giáo.

 

Người pháp lâu đời cho rằng các người di cư phải theo luật lệ, truyền thống của họ. Thoạt đầu thấy có lý nhưng hiến pháp của Pháp quốc dựa trên 3 cụm từ “liberté, égalité, fraternité “. Người đến sau cũng là công dân pháp thì họ vẫn có cái quyền tín ngưỡng của họ.

 

Lịch sử cho thấy mấy ngàn năm qua, các đạo ki-tô giáo, hồi giáo, Do thái giáo và cơ đốc giáo đều sống chung hoà bình với nhau. Không ai lên tiếng là nhân danh tự do ngôn luận, tôi có thể chê thượng đế của ông , allah của bà là cà chớn cả.

 

Điển hình tại xứ Ba-tư, người do thái giáo, thiên chúa giáo và hồi giáo sống chung hoà bình từ mấy ngàn năm qua đến khi ông ayatollah Khomeiny lật đổ được ông vua Shah thì cho hồi giáo làm quốc giáo, các người theo đạo khác bị lộn xộn.

 

Tại Tây ban nha, dưới thời hồi giáo cai trị thì thiên chúa giáo, do thái giao đều sống chung hoà bình đến khi thiên chúa giáo chiếm lại bán đảo Iberia này thì họ đuổi các người theo do thái giáo và hồi giáo đi nếu không chịu trở về đạo. Một thiểu số trốn chui trốn nhủi mà ngày nay người ta gọi họ là nhóm Gitanes.

 

4 năm trước, mình về âu châu thăm bạn bè ở Ý Đại Lợi, Tây Ban Nhà, Pháp quốc và Hoà Lan thì mình nhận ra một điều là các đảng phái cực hữu ra đời sau khi mình rời âu châu. Các đảng cộng sản rất mạnh khi xưa nay đã chết, tương tự đảng xã hội của pháp hay của Ý Đại Lợi đã chìm vào quên lãng.

 

Ngày xưa, các đảng phái này rất mạnh, thời mình ở Âu châu 25% dân pháp bầu cho Đảng cộng sản nên khi ông Mitterand lên ngôi là phải có bộ trưởng cộng sản tham gia nội các nếu không họ cứ đình công. Đảng xã hội rất mạnh trong một chế độ chống Liên-sô.

 

Ngày nay về âu châu, các đảng mạnh là các đảng dùng môi trường để làm bàn đạp chính trị. Các sử gia cho rằng đảng cộng sản và xã hội đã biến thể. Họ không dùng áp bức công nhân, chiêu bài tư bản bốc lộ nhân công mà sử dụng sự tàn phá của môi trường do con người tạo nên. Phía hữu cũng vậy, họ không còn chống hoạ cộng sản mà kêu gọi sự đồng nhất của của đất nước về một xã hội thuần nhất, về tôn giáo, chủng tộc,…. 

 

Mình xem phim tài liệu của âu châu thì thất kinh khi họ phỏng vấn các chính trị gia cực hữu của Thuỵ Điển, Tây Ban Nhà, Ý Đại Lợi và Pháp quốc. Không khác gì tư tưởng của Hitler, Franco, Mussollini trước đệ Tam thế giới. Lịch sử đang lập lại dưới một cụm từ chính trị khác.

 

Họ đổ lỗi cho người di cư, pha nòi giống của họ. Thật ra thì cũng có một số người di cư đến xứ họ và ăn trợ cấp dài hạn khiến người dân nổi giận và từ từ tinh thần bài ngoại đã thay tinh thần tương thân tương trợ.


Mình nghe nói họ sợ tương lai giống dân da trắng sẽ trở thành thiểu số. Dân da trắng không chịu sinh đẻ, tỷ lệ một cặp vợ chồng phải sinh ra 2.1 con thì mới tiếp tục dân số nay chỉ có đâu 1.1 cho dù giáo hội cấm phá thai và uống thuốc ngừa thai, trong khi các giống dân di cư thì chúa cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu.

 

Dạo mình ở âu châu, người dân sở tại cũng kỳ thị nhau lắm. Người pháp chê người Bồ đào nha, tây ban nha, Ý Đại Lợi, nghèo khó nên di cư đến xứ họ. Người pháp gọi dân gốc ý là “ritals”. Ở Hoa Kỳ, trước đây các người di dân đến từ Ý Đại Lợi bị người gốc Ái nhỉ Lan công kích, kỳ thị,…

 

Mình không thấy dân âu châu đi nhà thờ nữa. Các nhà thờ không có tiền cúng của con chiên nên không thể nào sửa chửa, trùng tu các nhà thờ từ mấy trăm năm. Tại Maestrich, Hoà Lan, có tên bạn kiến trúc sư dẫn mình đi viếng một nhà thờ được cải tổ lại để làm một tiệm sách kiểu Barnes & Noble bên Mỹ. Hôm trước nói chuyện với một vị linh mục. Ông ta kể là dạo này phải đi đọc kinh đám tang nhiều vì mấy tháng nay, mùa covid nên không ai đi nhà thờ khiến nhà thờ thiếu tiền. 

 

Khi hoạ sĩ Max Ernst vẽ bức tranh: La Vierge corrigeant l’enfant Jésus ,devant trois témoins  (1926).  2 nhân chứng với ông hoạ sĩ phía sau cửa sổ nhỏ là André Breton và Paul Éluard. Tương tự các họa sĩ của trường phái siêu thực, như Magritte, Miro , Dali, ông ta tưởng tượng về một thế giới sống động hơn, nhân bản hơn, mơ về một xã hội không chấp nhận tư tưởng phải đứng yên một chỗ.

 


Bức tranh vẽ đức mẹ Maria và Giê-su được giải phóng khỏi giáo điều mà các nhà thần học Byzantine đã nhốt họ từ mấy thế kỷ nay khiến không ai nhận ra. Họa sĩ Max Ernst đã vẽ họ gần với chúng ta hơn trong một thế giới siêu nhiên. Có lẻ vì vậy mình thích trường phái siêu thực nhiều hơn. Bức hoạ này cũng gây nhiều sự chống đối của người theo thiên chúa giáo thì các biến họa của Charlie Hebdo về Allah chắc chắn sẽ gây nhiều sôi nổi.

 

Dạo mới vào đại học, mình phải học về lịch sử tranh hoạ thì đa số các tác phẩm đều do nhà thờ đặt các hoạ sĩ khi xưa vẽ nên chỉ có hình ảnh các câu truyện kể trong thánh kinh nên mình ú ớ. Cuối cùng đành phải mượn thánh kinh về đọc để hiểu về các thánh như Saint Bartolemew,…

 

Vấn đề là hình vẽ chỉ lờ mờ tối tối rồi có khoảng khắc sáng để biểu lộ về thiên chúa chi đó. Trong bức hoạ của ông Max Ersnt, người thiên chúa giáo có thể kêu ông này là do thái nên phỉ báng chúa nhưng mình thích vì có gì gần gũi với mình khi vẽ đức mẹ Maria đánh ông Giê-su vì khi bé ông ta cũng lầm lỗi như mọi đứa trẻ khác.

 

Trái ngược với hình ảnh người ta được xem hình ảnh của đức mẹ Maria, hiền từ như các bức tranh trước thế kỷ 20, hoạ sĩ cho bà này bận áo đỏ, nhiều người cho rằng nói lên đảng cộng sản, đánh chúa Giê-su như những người mẹ khác dạy con. Hình bóng một người mẹ gần gũi với chúng ta hơn, với nhiều lo toan trong cuộc sống….

 

Thời đại ông Victor Hugo, nói về sự tự do suy nghĩ, tư duy không bị sự ràng buộc của tôn giáo, triết học hay chính trị nhưng chỉ dựa theo kinh nghiệm bản thân về tư duy.

 

Thông thường chúng ta lập lại những gì đã nghe người khác nói như thầy cô ở trường, bố mẹ ở nhà, ông cố đạo hay ông sư khi đi lễ nhà thờ hay chùa. Sau này, có báo chí truyền thông thì chúng ta đọc lại hay nghe các phóng viên trên đài truyền hình. Những người này là những cố đạo mới, có ảnh hưởng về giáo dục, tâm linh, chính trị.

 

Do đó mình thích đọc ký ức của thiên hạ vì họ kể những kinh nghiệm của họ đã kinh qua, có sự sống trong đó thay vì các sách chỉ bú xua la mua.

 

Điển hình ông Rush Limbaugh, có đài phát thanh riêng, rất cực hữu nhưng được rất nhiều người Mỹ nghe mỗi ngày tương tự nhóm thiên tả cũng có những cố đạo truyền thông, mỗi ngày giảng kinh cho họ, phải tư duy ra sao, ăn nói làm sao. Bà Oprah có đài truyền hình riêng để làm tiền. Những người này đã thay thế các mục sư, cố đạo tỏng đời sống tinh thần của người Mỹ.

 

Ngày nay, theo mình các cố đạo là những người như bà Oprah, Rush Limbaugh,… họ kêu bầu cho ai, khán thính giả trung thành của họ sẽ bầu cho người đó. Bảo họ mua gì quảng cáo trên đài là họ mua, đi xa hơn là các gia đình nổi tiếng trên đài truyền hình như Kadarshian,…

 

Dần dần các vị linh mục mất dần ảnh hưởng với đám con chiên. Người ta bớt đi nhà thờ, rữa tội khiến ngân quỹ nhà thờ thiếu hụt, không tiền tu bổ các tu viện nhà thờ. Trong khi đó các nhà truyền thông làm tiền nhờ sự thu hút của khán giả nên dần dần họ bớt sự trung lập, chỉ nói những gì mà khán giả thích để bán quảng cáo đưa đến tình trạng hôm nay, hai phe dân chủ và cộng hoà, không ai nghe ai và đánh lộn chí choé.

 

Có cuốn phim nói về cuộc gặp gỡ giữa hai vị đức giáo hoàng. Mình không biết có thật hay không những gì hai người này nói với nhau nhưng nhà thờ phải cải tổ, cập nhật hoá cho hợp với thời đại. Trong thế giới mà tự do cá nhân được tôn sùng, ly dị diễn ra hằng ngày mà giáo hội cấm không được ly dị. Hay luật pháp bắt đầu chấp thuận giới đồng tính cuộc sống lứa đôi thì nhà thờ cần phải thay đổi nếu không sẽ bị đào thải theo thời gian.

 

Nếu xét về lịch sử thì giáo hội đã phải thay đổi rất nhiều cho phù hợp với thời đại nếu không sẽ tạo ra nhiều đạo khác như khi ông Luther, mà mình có kể trước đây hay ông vua Anh Quốc muốn phế vợ để lấy người khác,…

 

Nhà thờ chỉ bắt các linh mục độc thân vào thời trung cổ khi khởi đầu theo chủ nghĩa khổ hạnh, tự trồng trọt để tự nuôi sống nhưng đến thời Phục Hưng thì tài sản nhà thờ được gia tăng. Bạn bè mình ở Ý Đại Lợi kêu là họ không đi nhà thờ vì vào Vatican thấy nguy nga tráng lệ, tiền bạc thâu của các con chiên từ khắp thế giới trái ngược với chủ nghĩa khổ hạnh do nhà thờ đưa ra. Các vụ tai tiếng về ấu dâm của các cố đạo mà nhà thờ không giải quyết mà mình đã có kể.

 

Lâu lâu, ông mỹ nuôi ong ở vườn mình ghé lại, rũ đi ăn sáng. Hình như ông ta có nhiệm vụ giúp mình trở về đạo vì thấy ông ta mua kinh thánh mới xuất bản cho mình đọc. Ông ta cứ cầm tay mình và cầu nguyện thiên chúa giúp vườn mình có hoa quả nhiều, ít bị hư hại.

 

Mỗi lần đi ăn, ông ta kêu mình phải trở về đạo. Mình hỏi lý do thì ông ta kêu sẽ được lên thiên đàng. Mình nói trên thiên đàng ông Adam và bà Eva chỉ cắn có trái táo mà bị đày xuống trần gian. Đã vậy, chúa lại lấy xương sườn của tôi để nắn ra bà vợ của tôi. Ông lấy 4 bà vợ vậy là mất toi 4 cái xương sườn. Vợ đì ông chết bỏ phải ly dị. Thôi không lên thiên đàng đâu.

 

Có lần mình quen một ông mục sư mỹ, mỗi tuần gặp nhau nói chuyện vui vẻ, về đời về đạo. Một hôm ông ta hỏi mình đi nhà thờ nào. Mình kêu không phải thiên chúa giáo khiến ông ta ngạc nhiên vì nghe mình nói về chuyện thánh kinh rất rành. Sau đó ông ta cứ mời mình lại nhà thờ ông ta nên trốn luôn. Chán Mớ Đời 

 

Những người mạc khải về thiên chúa hay giác ngộ về Phật-giáo thì hồ hởi nên muốn báo tin mừng và muốn mọi người đều nhìn thấy, đúng hơn là mạc khải về thiên chúa như họ nên họ trở nên như cuồng tín khi kể về sự mạc khải của họ.

 

Mình được xem là Phật tử vì đã quy-y mà khi đọc mấy bộ kinh là hoảng vía vì máu phản động trong người của mình không thể tin được. Dạo bé, mỗi tối đọc cho mệ ngoại mình thắp hương bàn thờ Phật thì mình không hiểu nay thì chới với. Hỏi vòng vòng thì đa số cũng đặt lại câu hỏi về kinh kệ. Có lẻ mình chưa giác ngộ nên chịu. Nội chuyện ông Mục Kiền Liên phá ngục để cứu mẹ là thấy có gì không ổn.

 

Nói vậy không nên bài bác những người đã may mắn mạc khải thiên chúa hay giác ngộ Phật pháp. Phải cảm thông cho họ và tự hỏi sao mình chưa giác ngộ cách mạng. Nếu chúng ta tin và nhân duyên, luân hồi thì có thể những gì mình làm như một nông dân trồng cây sẽ hái được quả những gì mình đã trồng. Làm ác thì sẽ gặp ác, làm thiện thì sẽ gặp thiện. Có lẻ nên sống theo tự nhiên, thiên nhiên thay vì phải gò bó vào các giáo điều.

 


Mỗi tối mình đều đọc “chú đại bi” trước khi đi ngủ vì chả hiểu gì cả nhưng giúp huyết quản lưu thông làm ấm người và khỏi phải nghe đồng chí gái thuyết pháp 1 tiếng vào mùa đông. Chán Mớ Đời 

 

Nhs