Đàlạt qua tấm không ảnh xưa

 Nhìn tấm không ảnh này khiến mình thất kinh, những hình ảnh thời mới lớn lên tại Đàlạt, nhận ra những nơi đã từng đi qua, đi bộ cũng như chạy xe gắn máy của một thời tưởng chừng đã qua.

 Đường đầu tiên là Đinh Tiên Hoàng, chạy từ bờ hồ (bên trái) lên trường đại học Đàlạt, giáp với đường Võ Tánh, rồi có một đường không nhớ, hình như Phù Đổng Thiên Vương, chạy vào Thung Lũng Tình Yêu mà mình hay vào đó mỗi chiều để tắm ở đập Đa-Thiện. Tại đây, mình chứng kiến một tên chết đuối, con ông bà tàu ở cạnh nhà ông thầy mằng, bên cạnh rạp Ngọc Hiệp vì bảng ngã quá lớn, muốn chứng tỏ là bơi giỏi khi thấy mình và mấy tên bạn đang tắm. Hắn bơi qua bờ bên kia hồ nhưng giữa đường mệt quá nên bơi ngửa vòng vòng rồi chìm. Chán Mớ Đời 

 

Trước mặt là Giáo-hoàng học-viện, nơi mà mỗi chiều thứ tư, lúc 2 giờ, mình đến đây tập đàm thoại anh-ngữ và việt-ngữ với ông cha Leahy mà anh một tên bạn học, nay ở Gia-nã-đại, cho biết là bạn học của cố thủ tướng Trudeau, bố của ông hiện nay. Chương trình là 30 phút nói chuyện bằng anh-ngữ, 30 phút bằng việt-ngữ. Sau đó, thì nói chuyện đâu đâu về những nơi mà ông cha từng đi qua. Giáo Hoàng Học Viện do kiến trúc sư Tô công Văn thiết kế.

 

Ông cha Leahy này có dạy mình Đức-ngữ vỡ lòng đến khi mình sang làm việc ở Thuỵ-sỹ vùng Đức ngữ thì mới học thêm ngôn ngữ này tại trường Berlitz. Dạo ấy, mình phục ông cha này lắm vì ông ta biết tiếng Hán, tiếng Việt, Đức ngữ, anh ngữ, pháp ngữ, tiếng La-tinh, tiếng Tây-đào-nha. Cứ ước gì biết được nhiều ngoại ngữ như ông ta. Không ngờ sau này, lại được du học rồi theo dòng đời, đi làm tại nhiều quốc gia nên phải học ngôn ngữ địa phương.

 

Mình nhớ ơn ông ta là dạy mình học cách đọc nhanh nên khi sang Tây, đọc sách khá nhiều. Ông ta kể gia đình ông ta, cứ mùa đông là bay xuống miền nam Florida sống, khiến mình đã ngu là càng ngu bền. Sau này ra hải ngoại mới hiểu vì quá lạnh nên người già ở vùng bắc lạnh, chạy về Florida ở. 


Nghe nói ông ta đã qua đời, vì nếu còn sống thì chắc trên 100 tuổi. Ông ta là người khai trí mình khi xưa nhưng không bao giờ kêu mình phải trở về đạo. Ông ta cho xem báo Đài Loan chụp hình, kể ông ta và ông cố đạo khác, đạp xe đạp vòng quanh xứ Đài vào năm 1970.

 

Giáo hoàng học viện mới được xây xong nên chưa thấy vườn tược gì cả, phía sau chắc là đất trống để mấy chủng thừa sai, chơi thể thao. Mình thấy có 3 hàng cây nhỏ ngăn đôi giữa trường trung học Bùi Thị Xuân, nằm bên tay phải mà mình đã kể rồi.


Mình nghe kể mấy ông cha ngoại quốc ở Giáo Hoàng học viện, nói tiếng Việt khi làm lễ nhiều khiến giáo dân cười. Có một ông cha Matthias Chen, người Tàu Đài Loan, làm lễ bằng tiếng Việt như: “Chúa ẻ cùng anh chị em!” Rồi giáo dân lại kêu “Chúa ẻ cùng Cha! Đó là lời Chúa!”. Chán Mớ Đời  


https://www.muctimsonden.com/2019/08/giao-hoang-hoc-vien-alat.html 


Trên chút nữa, sau hàng rào của trường Bùi Thị Xuân, là xóm Tăng Văn Danh, nằm trong con hẻm nhỏ đi vào từ đường Võ Tánh, nghe nói là tên ông trưởng khu phố Trại Hầm hay Thái phiên, bị Việt Cộng giết vào năm Mậu Thân. Mình có tên bạn học ở đầu hẻm nên hay sang đây chơi nhưng không bao giờ vào bên trong xóm vì nghe nói có một đám du côn ở phía trong. Trong hình thì thấy hình nhà thằng bạn và một tên học chung ở Yersin khi xưa.

 

Rồi dãy nhà dọc đường Võ-Tánh, có quán nhạc Lục Huyền Cầm của hai vợ chồng Lê Uyên Phương, đâu đó trước lữ quán thanh-niên. Thấy lữ-quán thanh-niên, quán ăn của sinh viên mà mình có ăn một lần, gạo mua bằng sổ gia đình quá dỡ.

 

Sau quán này là đường Hàm-Nghi, uốn cong đến chỗ nhà thờ Tin-Lành, nơi bố của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, làm việc. Gia đình nhạc sĩ này ở gần xóm mình, trên đường Calmette, bạn bè hay kêu em của nhạc sĩ này Vinh Kennedy vì hắn giống Tây lai. Nếu mình không lầm hắn thuận tay trái khi đánh bóng bàn với mình, học sinh Trần Hưng Đạo.

 

Trên đồi thông, thấy dinh tỉnh trưởng mà ngày nay họ tính đập bỏ để xây khách sạn mấy chục tầng. Phía bên trái, thấy khúc đường Phan Bội Châu gặp đường Võ Tánh, chạy lên khu Hoà Bình, với cái tháp chuông cao vời vợi.

 

Thấy dãy phố của ông Võ đình Dung xây cất ngay khu Hoà Bình. Thấy chợ mới Đàlạt và khách sạn Mộng Đẹp cửa thầu khoán Nguyễn Linh Chiểu, người trúng thầu xây cất chợ Đàlạt. Phía tay trái thì thấy dãy nhà công chức ở đường Thành Thái, cuối đường là khách sạn và rạp xi-nê Ngọc Lan rồi lác đác vài căn nhà của ấp Ánh Sáng.

 

 Ấp Ánh Sáng lúc chưa được thành lập, chỉ có vỏn vẹn vài cái chòi

Sau đó là khoảng đất trống, vườn của dân Ấp Ánh Sáng, do ông Cao Minh Hiệu thành lập năm 1952, lấy tên Ánh Sáng, tên phong trào do Tự Lực Văn Đoàn chủ trương. Theo người lớn kể thì từ năm 1930, có mấy cái chòi do người làng Kế Môn và Phước Yên (Thừa Thiên) di cư vào đây lập nghiệp, sau đó họ về quê, lấy vợ rồi đem bà con thân thích vào Đàlạt sinh sống. Bà cụ mình mướn một căn hộ ở đây khi lập gia đình và mình lớn lên, đi học ở trường Ấu-việt, từ đường Bà Triệu đi vào, cạnh cầu bá hộ Chúc. 


Cầu Ông Đạo với con suối chảy về Cam Ly rồi rừng thông sau đường Phạm Ngũ Lão, thấy nhà thờ Con Gà, rồi đến khu Du Sinh, nơi mà ngày nay là nghĩa địa của dân Đàlạt, với đường Huyền Trân Công Chúa, khuôn viên trường Couvent des Oiseaux,.. Sau đó là núi Cam Ly….

 

Phía tay phải thì sau đường Võ Tánh có một vạt đất trống, chắc là sân chơi của học sinh trường Bồ Đề, thấy cái chuông tháp của chùa Linh Sơn. Sau đó thấy phía sau nhà cửa của đường Phan Đinh Phùng. Mình chưa bao giờ đến các khu vườn phía sau này, chỗ đường Hàm Nghi nhìn xuống.

 

Sau đường Phan Đình Phùng thì mình thấy vườn ông Ba Đà, mướn đất của ông bà Võ đình Dung để trồng rau. Đại để các khu đất trống, nằng giữa đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng, chạy từ Mã Thánh xuống trường Việt-Anh là của ông bà Võ Đình Dung cho thiên hạ mướn để làm vườn. Nghe kể trường Việt-Anh, lúc đầu là do con trai của ông bà thành lập rồi sau cho thầy Lê Phỉ mướn lại.


Từ Ngã 3 Chùa, có con hẻm băng qua vườn ông Ba Đà đến đường Hai Bà Trưng, nơi cư xá Công Chánh, nơi gia đình mình trú ngụ từ 1962 đến nay. Mờ mờ thấy căn nhà của gia đình mình với cái dốc đi lên từ đường Hai Bà Trưng, băng qua Thi Sách rồi đến đường Calmette, đến nhà thương Nhi Đồng.

 

Phía tay phải, có dãy vườn nằm giữa đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng, thấy cư xá Bưu Điện rồi lãnh địa Đức bà (domaine de Marie) rồi vườn thông, khu đường Trần Bình Trọng , Yagut,… xa xa là Cam Ly.

 

Thôi ngưng đây, cả phải kể hết đủ trò ngày xưa. Còn về Đàlạt thì chả còn cái gì của ngày xưa. Chán Mớ Đời

 

Nhs