Giáo hoàng Học viện Đàlạt


Hôm trước, tình cờ bắt được liên lạc với anh của một người bạn thân khi xưa. Anh này gửi mình tấm hình của giáo hoàng học viện Đàlạt khiến mình nhớ khi xưa, mỗi tuần đến đây ngày thứ tư, từ 2 giờ đến 4 giờ chiều để đàm thoại sinh ngữ với linh mục Leahy, người Gia Nã Đại.
Mình quen cha Leahy khi đi bơi ở hồ Đa Thiện mà thị dân Đàlạt hay gọi Thung Lũng Tình Yêu. Dạo ấy, vào đấy mỗi ngày tập bơi, đến khi thấy con ông thầy tàu ở đường Phan Đinh Phùng, cạnh tiệm giày Hồ Út, chết đuối nên chỉ dám bơi loanh quanh cái đập Đa Thiện. Lâu lâu gặp tên Mai Thế Lương, cứ làm như tây, cởi truồng nhảy xuống.
Một hôm, mình thấy một ông tây, đến một mình rồi bơi ra giữa hồ, nằm đưa tay ra như ông Giê Su, không nhúc nhíc mà không chìm. Tò mò khi ông ta bơi vô, mình hỏi bằng anh ngữ thì ông ta giải thích nhưng mình làm thử, uống nước toé cơm ra luôn.
Ông ta đề nghị với mình là mỗi thứ tư, ghé lại giáo hoàng học viện để đàm thoại. Giờ đầu tiên thì nói anh ngữ còn giờ cuối thì việt ngữ vì ông ta muốn thực tập tiếng Việt. Cuối cùng thì để khỏi mất thì giờ, mình nói tiếng anh trong khi ông ta trả lời bằng tiếng Việt. Cái lệ này đi theo mình cả đời.
Sau này, sang Thuỵ sĩ, mình có tên bạn người Hoà Lan, muốn thực tập tiếng Pháp nên hắn nói với mình bằng tiếng pháp còn mình trả lời bằng tiếng Đức nên dân bàng quang bên cạnh không hiểu gì cả. Ngày nay gặp lại cũng như vậy hay email cũng tương tự.
Lâu lâu, mình rũ bạn đi cho vui, giúp họ tập đàm thoại. Tên Đinh Anh Quốc, một hôm đến thì khi ra về, cứ xin lỗi chúng mày, cho tao chửi thề một cái, địt mẹ tên này giỏi quá. Ông cha Leahy học tiếng Việt rất khoa học nên hay hỏi mình là tỉnh từ, động từ của người Việt sử dụng loạn cào cào. Ông này ra đường gặp Chúa nên hỏi thằng ânamite không rành tiếng việt, lại sai chính tả loạn cào.
Ông này, gốc Gia Nã Đại, vùng Québec, đi tu. Ông ta có cho mình xem hình ảnh và báo chí Đài Loan viết về ông ta và một linh mục khác, đạp xe đạp vòng quanh xứ này. Ông ta dạy mình cách đọc cho nhanh “Speed reading”. Ông ta nói thông thạo tiếng Tây ban Nha, tiếng Đức, tiếng Tàu và tiếng Việt. Sau này, trước khi đi du học, mình có đem bạn bè đến bàn giao lại. Có hôm mình dẫn thằng Nguyên đến. Tên này, đang xin đi Gia Nã Đại, lại nói chờ chiếu khán của toà đại sứ hay lãnh sự ở Tân Gia Ba. Ông ta xin hồ sơ của hắn, rồi nói sẽ viết thư cho toà lãnh sự ở Tân gia Ba.
Sang Tây, được 3, 4 tuần thì mình được tin thằng Nguyên đi Gia Nã Đại. Năm ấy, trường Văn Học có mình đi Tây đầu tiên, ngày hôm sau là Hùng Con Cua, sau đó là thằng Nguyên đi Gia Nã Đại rồi đến 4 chị em họ Chử đi Mỹ. 7 sinh viên du học cho một tư thục nhỏ bé ở Đàlạt. 1 tây, 2 Gia Nã Đại và 4 Hoa Kỳ. Mình gặp lại hết, chỉ có 2 tên đã bỏ cuộc chơi. Mấy chục năm sau, mình vẫn thua ông cha này, thông thạo ít ngoại ngữ hơn ông ta nhưng nhờ ông ta chỉ dạy cách học ngoại ngữ rất nhanh.
Mình và thằng Nguyên, có mộng du học nên tìm cách đàm thoại anh ngữ vì học Hội Việt Mỹ không đủ, chỉ có thầy nói. Một hôm, mình khám phá ra có hội Tin Lành, ở đâu đường Ya Gút nên bò lại để học anh ngữ. Đi một mình, sợ nên rũ thêm thằng Nguyên theo. Nghe bà mỹ, to như con bò giảng là chúa chết rồi 3 ngày sau, chúa sống lại khiến mình mặt như bò đội nón. Nhìn bên cạnh thì thấy thằng Nguyên, mặt xanh như đít nhái, như người vừa chết đi sống lại, nháy mắt, kêu về, thà dốt anh ngữ hơn là chết đi sống lại. Chỉ thấy mấy người thượng còn ngồi học giáo lý.
Mình đọc đâu đó, có cặp vợ chồng đi chơi ở Jerusalem, bà vợ bổng nhiên lăn đùng ra chết. Nhà quàn kêu lệ phí nếu thiêu bà ta rồi đem tro về mỹ thì tốn $5,000 còn chôn tại thành Jerusalem thì có $200. Sau khi điều nghiên kỹ càng, ông chồng trả $5,000 để đem tro về mỹ. Mọi người trên chuyến bay hỏi sao dại vây. Ông ta trả lời, sợ 3 ngày sau, bà vợ bắt chước chúa Giê Su sống lại. Tốn tiền cho chắc ăn.
Sau này mình chán anh ngữ, tiếng tây thì không cần nữa nên nhờ ông cha Leahy dạy Đức Ngữ. Vào lớp cứ xổ tiếng đức giọng nước mắm Phan Thiết mệt thở. Nhờ ông cha này mà sau này mình đi làm tứ xứ, học tiếng nước sở tại rất nhanh. Có anh bạn kêu là có email cho ông cha nhưng chắc là ông ta đã già hay đã về đất Chúa.
Tấm hình của anh bạn gửi cho mình làm mình nhớ đến khung viên của trường đại học tôn giáo này, to lớn, được xây ngay cạnh sân cù Đàlạt, nhìn xuống hồ Xuân Hương. Ông cha Leahy có cái phòng nhỏ, nhưng to rộng hơn cái phòng ba anh em mình ngủ, ở lầu 3 thì phải. Có cửa sổ nhìn ra sân cù, xa xa là hồ Xuân hương, ngồi đây nhìn ra ngoài quá đẹp như ở vùng đất chúa. Mình thấy đa số là người ngoại quốc, ít người Việt Nam lắm. Ông cha bên cạnh là người đức cũng dạy tại trường này. Ở Lasan thì mình biết mấy người thuộc chũng viện thừa sai, học trung học. Còn lên trình độ cao học thì học ở đâu mình không biết, chắc đại học bình thường của VNCH. Nghe nói có đại học công giáo.
Giáo hoàng học viện Đàlạt là đại học nhằm đào tạo tu sĩ cấp đại học. Mình đoán chắc các dòng cũng thanh lọc, chọn lựa ai giỏi mới cho đến đây học. Mình có người bạn dòng Don Bosco, cũng phải ra tiến sĩ thần học mới được thụ phong linh mục. Nghe nói đại học này được thành hình bởi các giám mục miền nam, xin toà thánh Vatican, cho thiết lập một cơ sở chính thức, nhằm đào tạo các tu sĩ công giáo và được chấp thuận, do Dòng Tên đảm nhận điều hành. Khởi đầu năm 1958 sau này dời về khung viên của Giao Hoàng Học Viện, số 13 Đinh Tiên Hoàng, Đàlạt.
Giáo hoàng học viện được thiết kế bới kiến trúc sư Tô Công Văn trên 8 mẫu tây. Rất hiện đại cho thời ấy, chứng tỏ kiến trúc sư miền nam giỏi vào thời đó. Kiến trúc của đại học này được xếp trong những kiến trúc tiêu biểu của Đàlạt sau khi Việt Nam dành độc lập từ 1954 đến 75. Mình xem Hà Nội thì trong thời gian 54-75 thì chả thấy họ xây dựng gì cả.
Nếu mình không lầm thì ông cha Leahy có dẫn mình viếng thư viện của giáo hoàng học viện to đùng nhưng mình không mượn sách vì đọc phải tra tự điển mệt thở. Được biết thư viện này rất quan trọng nhất Việt nam, sách quý rất nhiều. Nghe nói ngân quỹ lên đến 90,000 đô/ năm để mua sách. Không biết mấy ông Việt Cộng sau 75, đuổi mấy ông cha ra trong vòng 24 tiếng, làm gì với mấy tủ sách.
Nay nghe nói nay là nhà thiếu nhi chi đó, mình không vào xem lại vì không muốn mất đi hình ảnh đẹp khi xưa.
Chán Mớ Đời