Dạo này thiên hạ chửi nhau, thoá mạ nhau, gán cho nhau những cụm từ như Phát xít, bài Do Thái,…, khiến mình nghĩ đến thời đại mà người Pháp gọi "la belle époque". Có một vụ án được gọi là "affaire de Dreyfus", mà chính phủ Pháp dạo ấy tạo những chứng cớ để buộc tội đại uý Dreyfus, người pháp gốc Do Thái là phản bội nước Pháp, dấy lên phong trào bài trừ người Do Thái để rồi vài chục năm sau, người Pháp dưới chế độ Vichy, tống cổ những người Pháp có gốc là Do Thái lên những chuyến tàu xe hoả định mệnh đưa họ đến những trại tập trung diệt chũng của Đức Quốc Xã mà mình có viếng xem tội ác của loài người như Dachau, Mauthausen.
Nhà văn Emile Zola có viết một bạch thư cho chính phủ và nhân dân Pháp, đăng trên tờ báo L'aurore mang tựa đề "J' accuse" để nói lên chính quyền tham nhũng và sự chống phá, bài trừ người dân gốc Do Thái. Sau nhiều năm xử, cuối cùng đại uý Dreyfus được trắng án nhưng cũng nói lên tinh thần người Pháp dạo ấy, tương tự ngày nay tinh thần chống người di dân, Á Rập đang lên cao độ tại âu châu với những phong trào mỵ dân. Dạo ở Pháp, mình có xem cuốn phim về vụ án này trên đài truyền hình TF1.
Giai đoạn "la belle époque" được đánh dấu gần cuối thế kỷ 19 sau cuộc chiến tranh Pháp-Phổ và những thập niên đầu thế kỷ 20, được xem là thời vàng son của văn hoá nghệ thuật và kỹ thuật của Pháp. Toà tháp Eiffel do kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế cho cuộc đấu xảo quốc tế mà mình có thấy dấu tích mấy căn nhà thuộc miền Nam Việt Nam, của vùng Thủ Dầu Một, được bứng đem sang triển lãm trong thừoi gian này, sau đó được giữ lại thay vì bị đập phá tại vườn Vincennes. Toà nhà Palais De La Découverte,… là những kiến trúc trúc tân kỳ sử dụng thép của người Pháp thời đó.
Sau cuộc chiến, nước Pháp đã mất hai vùng Alsace và Lorraine nhưng bù lại được hoà bình đã giúp phát triển kinh tế của đế chế Pháp rất mạnh, giúp giới giàu có, trưởng giả sống sung túc mà người Pháp thường gọi là "joie de vivre" và văn chương của Pháp được xem là cái rốn của vũ trụ. Pháp ngữ được sử dụng như ngôn ngữ ngoại giao, hoàng cung Nga Sô đều nói Pháp ngữ. Giáo dục, khoa học và y tế của Pháp được xem là tiên phong của nhân loại tương tự Hoa Kỳ vào thế kỷ 20.
Tương tự ngày nay, sự cách biệt giàu nghèo giữa giới chủ ông và nhân công quá cách xa đã giúp nổi lên những cuộc cách mạng đẫm máu tại Nga Sô và cuộc đại chiến thế giới để xoá bỏ, sang bằng cách biệt giữa các nước tại Âu châu, tiếp theo là đại chiến thứ 2 như để tạo ra hai vùng ảnh hưởng ý thức hệ Cộng Sản và Tư Bản.
Các đường xe điện ngầm Métro được thành lập, xe buýt dẫn về ngoại ô để đưa dân nghèo ra khỏi Paris, tránh những cuộc cách mạng đẩm máu của thế kỷ trước vô hình trung chia cách giới nghèo và giới mới giàu "nouveaux riches" nhờ vào cách mạng kỹ nghệ, các công ty được thành lập tương tự các công ty ở Silicon valley hiện nay. Paris được giải toả bởi các chương trình kiến thiết đô thị của Baron Haussman, tạo dựng những đại lộ rộng lớn.
Người Pháp gọi thời đại này là La Belle Époque, tương đối yên bình chẳng bù lại sau này giới có tư tưởng xã hội, luôn luôn làm người dân nhất là giới giàu có lo lắng với những cuộc đảo chánh hay cướp chính quyền. Đế quốc Pháp được khuếch tương rộng ở Phi châu, Á châu, khai thác thiên nhiên, quặng mõ giúp Pháp phát triển kinh tế tạo dựng một giai cấp mới kỹ nghệ gia.
Casino được thành lập để vét tiền giới này, giới ít tiền hơn thì thăm viếng các Cabaret, Bistro, Music Hall. Moulin Rouge nổi tiếng ở khu Pigalle được thành lập trong giai đoạn này tương tự Les Follies Bergeres với những màn múa CanCan nổi tiếng với nhạc operette của Jacques Offenbach trên những tấm bích chương nổi tiếng của Toulouse Letrec. Mình nhớ nhất xem phim 'Ten", có cảnh tài tử Bo Derek đang làm tình trong tiếng nhạc Bolero của nhạc sĩ Maurice Ravel của thời này. Ông nhạc sĩ này không có con nối dòng, có người cháu làm nghề bán thịt, cứ nhận tiền royalty của mấy bản nhạc của ông chú nhất là tác phẩm "Bolero" nên có lần tò mò, ông ta mua đĩa nhạc để nghe thử và lắc đầu.
Thời gian này cũng đánh dấu văn hoá, văn chương, nghệ thuật của Pháp lên đến tột đỉnh. Dạo ấy phong trào thời trang của các cô bà đầm là vú nhỏ, không muốn có bộ ngực như các bà mẹ nông dân, còn ngày nay thì lại đi bơm ngực. Các thời trang được gọi là "La haute couture" được khởi dựng giúp cho thời trang Paris nổi tiếng đến ngày nay. Trong cuốn " Le septembre de Shiraz" có kể câu chuyện là sau cuộc cách mạng, lật đổ chính quyền của ông Shah tại Ba Tư, các người làm công đấu tố chủ của mình là hâm mộ, sùng bái ông thánh thiên chúa giáo Laurent nào đó ở Paris. Chủ nhân kêu là nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent thì họ bảo Cách Mạng biết hết, đừng có láo. Hoá ra cách mạng nào cũng toàn dân ngu lãnh đạo.
Thức ăn của Pháp được tân trang, hiện đại hoá điển hình qua đầu bếp Auguste Escoffier, chủ nhân của khách sạn Ritz. Rượu Champagne được quảng bá vào thời đại này trong những bữa tiệc của các thương gia và giúp kỹ nghệ rượu của Pháp được nổi tiếng, làm tiền như ngày nay mà ta thấy trong các tác phẩm thuộc trường phái Art Nouveau. Tương tự ngày nay tại Hoa Kỳ, rượu được quảng bá bán cho nhân dân với hình ảnh, uống rượu là thuộc giai cấp trưởng giả, quán triệt được nghệ thuật sống (art de vivre). Họ còn bồi thêm là giảm cholesterol, trong khi FDA liệt kê rượu là một trong những nguyên nhân đưa đến bệnh ung thư. Chán Mớ Đời
Hệ thống xe hoả được khuyếch trương, dẫn đến những bãi biển nổi tiếng như Dauville, Biarritz, Arcachon, Cannes, Nice,… sau này khi chính phủ của Mặt trận Bình Dân (Front Populaire) ra luật cho công nhân được nghỉ hè có lương thì biến những bờ biển khi xưa dành riêng cho giới trưởng giả thành những bãi biển nhân dân.
Về mặt kỹ nghệ, Pháp đã chế tạo được xe hơi Peugeot 3 như công ty Ford bên Hoa Kỳ mà người Pháp hay dùng cụm từ "cách mạng kỹ nghệ thứ 2". Anh em Michelin lúc đầu chỉ viết cuốn sách, bản đồ nói về các trung tâm nghĩ mát, tiệm ăn rồi dần dần nổi tiếng nên thành lập một công ty chế tạo bánh xe cho xe hơi và xe đạp với những rừng cao su tại Việt Nam mang hiệu Michelin hay những xe gắn máy cũng được sáng tạo vào thời gian này. Anh em nhà Lumière chế tạo ra phim xi nê…
Về văn hoá, sau cái chết của Van Gogh, phong trào hậu ấn tượng với những Fauvisme, thuyết Hiện Đại, thuyết Biểu Hiện, Lập Thể, Art Nouveau ,…, đua nhau ra đời theo kiểu 100 nhà đua tiếng. Về văn chương thì Guy De Maupassant với trường phái thiên nhiên mà khi xưa mình ghét khi học về văn chương pháp hay Emile Zola,… trường phái Hiện Đại với Marcel Proust với tác phẩm nổi tiếng "À la recherche des pas perdus"; Colette với những tác phẩm dâm thư, hay Anatole France, Andre Gide hay Baudelaire với Les Fleurs du Mal, Paul Verlaine, Arthur Rimbaud,….
Nhà văn Guy de Maupassant và 50 nhà trí thức khác đã viết thư chống đối xây cất tháp Eiffel tương tự ngày nay nhóm bảo vệ môi trường chống xây cất đủ loại. Nếu người ta nghe mấy nhà trí thức dỡ hơi này thì ngày nay Paris không có tháp Eiffel, Palais de la Découverte,…sẽ ít có du khách đến viếng thăm và ít móc túi. He he he
Nhớ dạo mới qua Tây phải tìm đọc mấy tác giả này mệt thở vì ngồi nói chuyện với đám bạn tây đầm, chúng xổ toàn mấy ông thần bà thánh này nên cảm thấy ngu lâu dốt sớm. Bao nhiêu đêm ngày, cuối tuần nằm vùi đọc, đứng đọc ngồi đọc để rồi chả làm gì với mớ kiến thức này, không giúp mình kiếm ra tiền nuôi vợ nuôi con nay đành làm ông nội trợ, nấu cơm cho vợ đi làm kiếm cơm. Chán mớ đời!
Qua Hoa Kỳ sinh sống mình đâm ra lười đọc hay theo dõi về văn chương của Pháp ngay của Hoa Kỳ nên nghĩ "la belle époque" của mình là thời sinh viên, còn sinh sống tại âu châu, nghe nhạc, xem phim, coi kịch, viếng viện bảo tàng như bay bổng trong vùng trời sáng tạo trí tuệ vô biên để rồi ngày nay chỉ thấy đống chén bát chồng chất trong bếp khiến mình thất kinh, không khỏi ngậm ngùi cho một thời vang bóng của tuổi trẻ dại khờ. Xong Om!
Nhs