Marché aux puces

Kỳ về thăm Paris vừa qua, mình tính dẫn đồng chí gái đi viếng chợ trời của Paris, ở ngoại ô thuộc thành phố Saint Ouen nhưng không có thì giờ thêm cũng ngại vì khu này nổi tiếng bị móc túi, giật đồ. Ngay ở Champs Élysees mà chúng tính giật cái ví Làm Vườn của mụ vợ.
Trước khi đi mình đã dặn mụ ấy là không nên đem cái ví ấy theo nhưng mụ cũng đem theo cộng cái ví MK. Ở Ý và Tây Ban Nha thì mình thấy mụ đeo cái MK, bổng nhiên hôm ấy lại thấy mụ vác theo cái LV. Đúng là cá không ăn muối cá ươn, vợ cãi chồng 100 đường bị móc túi.
Dạo sinh viên, mình hay đến chợ trời (marché aux puces) để xem đồ. Mình mua bộ đồ công nhân tàu màu xanh với cái mũ Mao Trạch Đông tại đây. Giặt mấy lần sau bao nhiêu năm vẫn còn mùi hôi của phẩm nhuộm. Lần đầu tiên giặt, màu xanh ra như mực và tuần tự sau này cũng vậy. Madze in China. Mỗi lần đi tới những chỗ đầy đảng viên cộng sản tây như lễ hội Nhân Loại (fête d' humanité) là bận bộ đồ này là cha con tây đầm nhìn mình như Mao sếnh sáng, không sợ bị đập.
Nghe nói chợ trời này, ngày nay là nơi được du khách viếng hạng thứ 4 ở Paris. Chợ này có đâu 14 chợ nhỏ tuỳ theo khu vực. Nghe nói chợ Vernaison là nơi khởi đầu khu chợ này từ cuối thế kỷ 19 khi giới Chiffonier, dân lượm ve chai bị chính quyền sở tại đuổi ra khỏi thủ đô và họ đóng đô tại thành phố Saint Ouen này.
Trong cuốn Les Miserables của Victor Hugo, có tả nhân vật Vargouleme, người lượm ve chai tự hào là có cái nghề đi lượm rác để bán. Thi sĩ Baudelaire có làm bài thơ "le vin de chiffoniers" trong tập thơ Les Fleurs du Mal, nói về những người lượm ve chai, đồng nghiệp với Chú Hoả.
Có lần mình nghe kể về lịch sử thành hình của chợ trời này là thời hoàng đế Napoleon 3, bổ nhiệm bá tước Haussman để kiến thiết thủ đô lại. Ông bá tước này cưỡng chế giải toả các khu dân sinh lụp xụp để xây dựng những đại lộ ngày nay để tránh tình trạng nổi dậy lật đổ chế độ vì khi vua Louis 16 cho quân đi bắt dân phiến loạn thì họ chạy trốn trong những khu lao động nên khó bắt được.
Khi bị giải toả thì dân nghèo bị tống khứ, chạy ra ngoại ô vòng đai của thủ đô rồi từ từ tạo dựng lên chợ trời, nơi họ bán đồ cũ, đồ đi lượm mót để sống qua ngày. Nếu dịch theo nghĩa đen thì chợ bọ chét, họ nói người ta bán những bàn ghế cũ có bọ chét (puces) sống chui rúc trong nệm nên gọi là Marché aux puces.
Chợ trời đồ cỗ này hiện nay được xem là lớn nhất thế giới, từ 2001 đến nay được xếp theo dạng khu vực bảo tồn kiến trúc nội thành của Pháp. Nói chợ trời nhưng thật ra có khu thì lộ thiên và có khu thì có mái che, trải dài trên 7 mẫu tây. 14 chợ bày bán đủ loại đồ cỗ, bàn ghế đủ mọi thời đại và các nước.
Dạo mình đi chơi ở khu này thì thích nhất là để ăn mấy món merguez nướng kẹp baguette thêm chút ớt harissa của mấy anh Á Rập bán trên đường. Họ để cái lò than như mấy bà bán bắp nướng ở Đà Lạt, kê trên cái bàn nhỏ rồi rồi quạt than hồng, bỏ lên cái vĩ mấy cái merguez, tương tự lạp xưởng nhưng nhỏ và dài hơn. Hình như nhân trong merguez được làm bằng thịt trừu. Khi chín thì bỏ gắp bỏ trong baguette rồi trét lên muỗng ớt đỏ harissa.
Người dân Malgreb ở Bắc Phi bắt đầu dùng ớt Harissa khi bị người Tây Ban Nha chiếm đóng Tunisia vào thế kỷ 16. Dân địa phương dùng ớt, pha thêm dầu olive, tỏi trộn thêm vài loại gia vị bản xứ để làm harissa mà ngày nay nước Tunisie là nước sản xuất và xuất cảng nhiều nhất harissa trên thế giới. Cay không thể tả để quên đi mùi thịt trừu hay cơn đói của tuổi trẻ. Món này không thể thiếu khi ăn couscous.
Nghe nói khu chợ trời này có đến 5 triệu người thăm viếng hàng năm, chỉ mở cửa vào cuối tuần và thứ hai. Có đâu 1700 gian hàng trong đó có đến 1400 gian hàng đồ cỗ. Mình thường thấy dân tây mua đồ xong vác về trong xe điện ngầm Métro. Nếu mình không lầm là trạm dừng của xe điện ngầm là Porte de Clignancourt. Paris được bao quanh bởi một hệ thống xa lộ được gọi là Boulevard périphérique rồi có những cổng ra được gọi là Porte, ở Hoa Kỳ gọi là Exit, đức là Ausgang. Khu này gần quận 18 và 19 nên không an ninh lắm. Có dịp mình kể lịch sử thành hình của các cửa cổng thủ đô Pháp.
Dạo mình mới sang Cali hay đi với đồng chí gái cuối tuần viếng mấy chợ trời vì có ông anh vợ bán chợ trời. Ông này nhờ bán chợ trời mà trở thành triệu phú. Hai vợ chồng vượt biển sang, có 6 đứa con, ăn Oe phe trợ cấp rồi cuối tuần đi bán chợ trời. Trong tuần thì lên LA mua hàng rẻ nhập cảng từ Trung Quốc. Mua một lời 2,3 rồi dần bỏ trợ cấp, mua tiệm bán đồ trang trí nội thất rồi tiệm vàng. Chả cần học hành gì cả trở thành triệu phú, thực hiện giấc mơ Hoa Kỳ.
Ở vùng này có nhiều chợ trời: chợ lớn nhất ở thành phố Costa Mesa, vào cửa phải mua vé, bán đủ loại đi đây thì phải đem theo cái xe đấy để kéo đồ về. Có chợ ở gần khu Bolsa, ngay bãi đậu xe của trường đại học cộng đồng Goldenwest. Mấy đồ sản xuất từ Trung Quốc bán không được thì họ đem ra đây tiêu thụ, giá đắc hơn là vào tiệm 99 cents nhưng nếu mua mấy đồ như xe đạp cũ thì lại đây mua một chiếc $10 nhưng phải trả giá.
Nói đến trả giá, ngày xưa mình hay la đồng chí gái vì mụ vợ hỏi giá xong là kêu rẻ ghê hỉ khiến mình muốn đứng tim. Sau này mình phải dặn mụ ta là không được nói như vậy. Có lần mình hỏi giá xong thì tên bán hàng nói là mình ôm ngực làm như muốn xỉu khiến mụ vợ lo. Mình nói tên mễ bộ mày muốn tao chết hay sao mà cho giá trên trời làm tim tao xuýt ngưng đập rồi cù cưa được giảm 50% .
Từ mấy thập niên nay vật giá tại Hoa Kỳ giảm quá nhanh vì đồ nhập cảng từ Trung Quốc nên người Mỹ mua sắm rất nhiều và vức bỏ cũng nhiều. Họ cho đồ cũ các cơ quan từ thiện để xoá bỏ mặc cảm tiêu dùng xa xỉ. Các cơ quan từ thiện này xoay qua bán lại cho những người ít tiền hơn nhưng vẫn mua được đồ xịn giúp kinh tế không bị ứ nghẹn.
Cũ người mới ta nên khi người ta chán một vật gì thì vật đó không còn quan trọng nữa nhưng nếu bán rẻ thì lại tìm được người xem món vật đó là có giá trị lớn đối với họ như mua bán xe cũ,... Nhiều khi mấy bà chán ớn chồng của mình nhưng bà hàng xóm lại mê chồng mình hay ngược lại. Đó là luật tự nhiên của nhân loại. Xong om!
Nhs