Coca vs Pepsi

Đi viếng uzbekistan và Georgia, 2 nước thuộc cựu Liên xô cũ, mình giật mình vì sự xâm nhập nước ngọt của coca và Pepsi khắp nơi. Vào tiệm ăn, thấy người dân sở tại kêu chai 1 lít hay 2 lít để uống. Nhìn thân thể của họ thì thấy to béo. Cứ tiếp tục thì vài năm nữa dân của xứ này sẽ bị bệnh béo phì, uống thuốc tiểu đường mệt thở. Hệ quả của dinh dưỡng theo kiểu tư bản Hoa Kỳ. Hình ảnh quảng cáo trên đài truyền hình coca và pizza, ăn tinh bột và uống nước ngọt thì đưa đến bệnh béo phì và những hệ quả của sự việc giấc mơ Hoa Kỳ.
Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần nhà có khách, ông cụ hay kêu mình đi mua ở quán bà Thủ trên đường Thi Sách, chai nước cam vàng hay xá xị của hảng B.G.I., để khách và ông cụ uống khi ăn cơm. Sau đó, mấy anh em dành nhau tu những giọt còn lại trong chai, rồi thổi tù tù nơi miệng chai trước khi đem đi trả. Thấy sướng cuộc đời chi lạ.
Tết Mậu Thân, nhà mình ăn Tết rất lớn, đốt mấy bánh pháo của hãng Điện Quang, dài 2, 3 thước. Mình thích nhất Tết năm ấy vì nhà mình có mua hai két lon RC Cola và Fanta cho khách uống. Cứ lâu lâu có tiền là mua chai nước coca uống, thấy đời dễ thương chi lạ. Cứ khui nắp keng ra, cất, để chơi bắn nắp keng, đổ sáp của đèn cầy cho nặng để bắn hoặc đập dẹp nắp keng rồi đục 2 cái lỗ nhỏ ở giữa cái nắp keng, sỏ sợi dây qua 2 cái lỗ để chơi, cứa đứt dây của thiên hạ.
Thời bé hay kiếm mấy cái nắp ken, đập dẹp rồi đục 2 cái lỗ bằng Đinh , sau đó sâu chỉ dây qua , hai tay dùng để quay nắp ken sau đó thả ra, giựt lên giựt xuống để nắp ken quay. Ngày nay con mình chơi game điện tử quá đỉnh luôn.
Nhớ năm mình sang Mỹ du lịch lần đầu tiên, tên bạn, người tây, kể cho mình là dân chúng mỹ than phiền khi công ty Coca Cola ra một loại nước giải khát mới gọi là “New Coke”. Nhiều người sợ hết loại coca cũ nên đi mua về trữ ở nhà đầy ga ra. Dạo ấy còn quen thoái bên Tây nên không để ý nhưng từ khi sang mỹ sinh sống thì mới phát hiện ra cuộc chiến giữa Coca Cola và Pepsi Cola mà trước đó mình cứ tưởng là tương tự.
Khi xem phim “Cuốn theo chiều gió” thấy thành phố nổi tiếng Atlanta là địa điểm chính của quân đội miền Nam nhưng cũng là nơi phát sinh ra nước ngọt nổi tiếng trên thế giới Coca Cola sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ.
Trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, có ông Pemberton, một dược sĩ bị thương ở ngực do một vết đao nên bị nghiện Morphine. Sau đó ông ta tìm cách trị bệnh đau nhức của mình để tránh dùng morphine. Ông ta dùng loại Kola Nut và Cocaine để hoà chế một loại rượu mà ông ta gọi Pemberton French Wine Cola, do đó mới có cái tên Coca Cola đến hơn 100 năm nay.
Sau nội chiến thì có nhiều người bị khủng hoảng tinh thần nên ông ta quảng cáo bán loại rượu này nhưng rồi vùng Atlanta ra lệnh cấm bán rượu nên ông ta phải chế loại nước này lại và vô tình đổ nước có hơi thì khách uống thấy ngon. Ông này sau đó bán cái bằng sáng chế loại nước giải khát này lại cho ông Asa Candler vì cần tiền để dùng morphine, sau đó ông ta qua đời vì bệnh ung thư.
Pepsi được sáng chế sau Coca Cola đâu 8 năm ở tiểu bang North Carolina, bởi ông Caleth Bradham, cũng dùng Kola Nut nhưng công ty này bị phá sản đến 3 lần và mỗi lần đều yêu cầu công ty Coca Cola mua để xoá nợ nhưng bị từ chối.
Đúng ra thì các loại nước ngọt này nếu không có luật cấm rượu thường được gọi là “Prohibition” thì chắc cũng không khá như ngày nay, cũng có thể đã biến mất trong quá khứ. Nhờ luật cấm rượu nên vào các quán rượu, người ta kêu coca cola để uống. Mình có kể về Prohibition rồi, ai tò mò thì tìm trên bờ lốc. Luật này theo tu chính án 18, do các giáo phái Tin Lành cho rằng uống rượu, tạo ra bạo lực gia đình, tham nhũng, đàn ông đi làm ra, ghé quán rượu như kiểu ở Việt Nam ngày nay, đi uống rượu, vợ con đợi cơm, về nhà say nên khệnh vợ con tiền lương bay hết. Đạo luật này kéo dài 13 năm và chấm dứt qua tu chính án 21.
Công ty coca cola rất khôn về mặt quảng cáo. Trong cuộc thế chiến thứ 2, tuyên bố bất cứ nơi nào có quân đội mỹ hiện diện sẽ có coca cola, và không bị hạn chế về tiếp tế số lượng đường trong thời gian chiến tranh. Binh sĩ Hoa Kỳ ở khắp nơi trên thế giới đều được uống coca cola nên khi về lại Hoa Kỳ thì bắt đầu nghiện uống loại nước này tương tự như quân đội âu châu, sau thế chiến thứ nhất, khí giới hoá học được sử dụng nên binh sĩ không dám uống nước để tránh bị bệnh, họ uống rượu thay nước lã nên khi về quê đâm nghiện rượu và kỹ nghệ làm rượu của âu châu mới bắt đầu phát triển mạnh vì trước đó chỉ có mấy nhà dòng trồng nho để làm rượu thánh để làm lễ nhà thờ.
Hoa Kỳ có hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hoà thì nước ngọt cũng có hai trường phái Coca và Pepsi, cũng màu đỏ và màu xanh. Hình như năm 1903, Hoa Kỳ có luật cấm bỏ các chất làm người tiêu dùng nghiện nên hãng Coca Cola loại bỏ chất cocaine, bù vào là chất cà phê. Hàng ngày, mở truyền hình, người ta thấy cuộc chiến thị trường tiêu thụ giữa Pepsi và Coke.
Thật ra nước Coca ở Hoa Kỳ khác với coca sản xuất tại các nước khác. Ở Hoa Kỳ có nhiều đường hơn vì dân mỹ quen uống bỏ đá còn các xứ khác như ở âu châu thì họ chỉ bỏ tủ lạnh. Thêm nữa là mỗi nước dùng đường khác nhau, dân Mễ ở Hoa Kỳ thích uống Coca sản xuất ở Mễ vì dùng đường làm bằng mía trong khi ở Hoa Kỳ thì họ dùng đường làm bằng củ cải,... từ 25 năm nay mình ít uống nước ngọt chứ dạo mới sang, ăn pizza với lon coca thấy đời lên hương như đã đạt được giấc mơ Hoa Kỳ. Có con nên không dám uống sợ con bắt chước. Nhà mình chả bao giờ mua nước ngọt ngoại trừ khi có sinh nhật mấy đứa con, mời bạn chúng đến nhà. Sau này lớn lên con mình cũng không uống coca như đa số người Mỹ.
Công ty pepsi vận động ông Nixon để ông Krushev uống nước pepsi trước ống kính, khiến dân Mỹ đổ Xô đi mua. Cách quảng cáo hay nhất. 
Đầu năm 1953 thì phải, lười xem lại lịch sử, ông Nixon, lúc ấy là phó tổng thống, đi công du sang Liên Sô để gặp Kruschev thì có ông bạn là giám đốc cho công ty Pepsi, nhờ làm sao giúp truyền hình thấy ông Khrushev uống Pepsi. Dân chúng Hoa Kỳ thấy trên truyền hình lãnh tụ Khruschev, cầm ly giấy Pepsi uống khiến thiên hạ đổ xô đi mua để uống vì dạo ấy Pepsi được xem là thức uống cho người nghèo ở Hoa Kỳ. Dân mỹ mua chai coca cola về rồi bỏ nước Pepsi ở trong để mời khách uống, hy vọng họ không để ý vì giá của Pepsi rẻ hơn phân nữa. Một chai Coca 6 Oz giá 5 xu thì Pepsi 12 Oz giá cũng 5 xu. Sau này, Nixon chắc lấy tiền của Pepsi nên giúp công ty được độc quyền ở Liên Sô. Ở Georgia, mình thấy hình ảnh Pepsi nhiều hơn Coca.
Mấy tủ lạnh để ngoài trời với hình ảnh đỏ của Coca
Sau này lên tổng thống, ông Nixon lại bán Coca cho người Tàu và được độc quyền tại Trung Quốc, luôn tiện bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà. Chắc nay thì khác. Cuộc chiến từ trên 100 năm qua giữa hai công ty nước ngọt đã giúp hai công ty này tìm mọi cách để chiếm lấy khách tiêu dùng khắp thế giới.
Thấy coca và Pepsi tại Uzbekistan rất được ưa chuộng. Dân tình không thấy hai vợ chồng mình từ Hoa Kỳ đến mà không uống nước ngọt Hoa Kỳ tròn khi họ kêu từng bình lớn để uống cho đã.
Cuộc chiến dành khách hàng tiêu dùng của hai công ty này nói lên hình ảnh của chủ nghĩa tự do mậu dịch. Năm này trận chung kết giải vô địch banh bầu dục Hoa Kỳ được tổ chức tại Atlanta, thủ phủ của Coca Cola nên cuộc chiến rất căng thẳng. Pepsi cola cho quảng cáo tưng bừng khắp nơi trên thánh địa của Coca Cola. Ai ở Hoa Kỳ, ngày mai xem trận chung kết, để ý đến sự quảng cáo của Pepsi ở thánh địa của Coca. 
Sau thế chiến thứ 2, Coca là số 1 vì lính mỹ trở về, quen uống Coca thêm Cách quảng cáo về một thế hệ an bình, hướng về tương lai khi kinh tế Hoa Kỳ lên như diều. Công ty Pepsi được nhiều khách tiêu dùng trong những năm 60 vì Coca kêu là an bình nhưng Martin Luther King Jr., hai anh em Kennedy bị ám sát, chiến tranh Việt Nam, phong trào Hippie phản chiến đủ trò nên dạo ấy “Blue” là số 1,…
1985, khi mình sang Hoa Kỳ chơi lần đầu tiên thì Coca ra loại mới “New Coke” thì người Mỹ kêu trời, lo sợ hết nước ngọt nên đổ xô nhau đi mua để dự trữ khiến hãng này phải dẹp sau 3 tháng và cho trình làng loại “Coke Classic” khiến thiên hạ tưởng đây là chiêu quảng cáo của công ty này.
Thật ra là Coca sau khi chiếm thị trường phân phối thì bắt đầu bán những loại thức ăn khác. Khai thác thêm những thị trường khác trong khi Pepsi chỉ chú trọng vào phân phối, tìm thêm khách tiêu dùng của loại nước ngọt, dần dần chiếm thị trường của Coca. Sau công ty này bầu một ông người gốc Cuba, quên tên, làm tổng giám đốc thì ông này bán mấy cái công ty nhỏ để chú tâm vào nước ngọt, những hình ảnh mấy con voi chuyên chở mấy két coca cola để giao hàng tận rừng sâu ở Thái Lan, chứng minh cho cuộc chiến khốc liệt dành thị trường trên thế giới.
Nhìn tấm ảnh này thèm uống nước ngọt kinh
Ở Hoa Kỳ, các công ty này cũng xâm nhập vào các trường học, xây các trung tâm thể thao miễn phí cho các trường trung học, bù lại các trường này để cho họ độc quyền bán nước ngọt. Vấn đề là ngày nay 58% dân mỹ bị bệnh béo phì do uống nước ngọt thả cửa. Do đó bà vợ của ông Obama mới hô hào ra lệnh cấm bán nước ngọt ở các trường học. Ở Nữu Ước, ông thị trưởng Bloomberg, cấm bán quá 16 OZ nước ngọt.
Để chống trả lại, hai công ty Coca và Pepsi hùn nhau chống lại những luật này và đã chiến thắng. Có anh bạn kêu mình nên mua cổ phiếu của Domino Pizza thì mình khám phá ra là các công ty thực phẩm này làm tiền nhiều nhất nên mò mò đọc thêm tin tức. Nếu mình không lầm thì Pizza Hut là của Pepsi, Frito Lays cũng vậy.
Sáng nay, đọc trên BBC thì được biết Hoa Kỳ là quốc gia thứ 10 trên thế giới về bệnh béo phì, 9 nước kia đứng đầu về béo phì là các quốc gia thuộc khối đông âu khi xưa. Khi được giải thoát khỏi ách cộng sản, họ đâm ra tiêu thụ bơ thừa sữa cặn đế quốc còn hơn đế quốc.
May thay thế hệ trẻ ngày nay bắt đầu tự giác về ăn uống, chúng uống nước nhiều hơn là nước ngọt. Có thể trong tương lai ít ai uống nước ngọt nhưng nước thì không bị nghiện. Cali mới cho phép năm 2018, được mua bán thuốc cần sa nên mình phải mua cổ phiếu của mấy công ty dính dáng về cần sa để chữa bệnh.
Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn