Ga Đàlạt

Nhớ hồi nhỏ, đi đâu với ông cụ hình như xuống Trại Mát hay Cầu Đất thăm ai đó thì mình có thấy chiếc xe lửa, nhả khói như trong phim cao bồi, nghe tút tút phê không thể tả nhưng cả đời chưa bao giờ đi xe lửa tại Việt Nam.
Sau Mậu Thân, hình như không còn những chuyến xe lửa nữa vì an ninh hay Việt Cộng phá hoại đường rầy nên người ta dùng ga xe lửa Đàlạt làm trụ sở của hàng không Việt Nam. Mình đi tây cũng từ nhà ga này. Đến nhà ga, ghi danh, xét vé, cân hành lý rồi xe ca chở xuống phi trường Liên Khương hay Liên Khàng rồi bay về Sàigòn. Đó là lần đầu tiên trong đời mình đi máy bay.
Hồi học trung học, có tiền thì mình hay chạy lại ga xe lửa để ăn phở Phi Thuyền. Có xe bán phở mang tên Phi Thuyền, ngay đầu đường Nguyễn Trãi, chỗ xe đò Chi Lăng đậu lại, lấy khách hay thả khách xuống.
Qua Thuỵ Sĩ làm việc thì mùa đông hay đi trượt tuyết với đám bạn. Dân Thuỵ Sĩ cứ vác đồ trượt tuyết đến ga xe lửa, chở đến chân núi rồi leo lên ghế chở lên đỉnh. Chiều thì lấy xe lửa về thì mình mới thắc mắc làm sao xe lửa leo núi được vì dốc khá cao thêm tuyết đóng băng. Hỏi vòng vòng mấy tên kỹ sư trong hãng thì chúng cho biết là xe lửa chạy có răng cưa ( à la crémaillère).

Đường rầy xe lửa có hai rầy chính xe lửa hai bên để bánh xe lửa lăn trên còn ở giữa thì có một đường rầy phụ, có răng cưa để khi nào chạy lên dốc thì sử dụng. Móc vào để kéo lên núi tránh bị tuột xuống.
Xứ Thuỵ Sĩ được xem là quốc gia có nhiều đường xe lửa răng cưa nhất, kỹ thuật của họ rất cao nên đa số các nước khác muốn làm đường rầy răng cưa, đều mua của các công ty Thuỵ Sĩ. Thuỵ Sĩ có thực hiện đến 40 tuyến đường xe lửa răng cưa và nay chỉ còn 28 tuyến đường còn sử dụng.
Có nhiều loại đường rầy răng cưa:
1/ hệ thống Marsh: có tên của ông Sylvester Marsh, người thực hiện tuyến đường xe lửa lên núi Washingon ở tiểu bang New Hampshire,
2/ hệ thống Riggenbach: do kỹ sư Niklaus Riggenbach thiết kế.
3/ hệ thống Strub: do kỹ sư thuỵ sĩ Emil Strub thiết kế
4/ hệ thống Locher: do một nhà thầu tên Locher-Freuler sử dụng
5/ hệ thống Abt do kỹ sư Cảrl Roman Abt thiết kế. Qua hình ảnh thì mình đoán hệ thống xe lửa Đàlạt dùng hệ thống này vì rất giản tiện.
6/ hệ thống Von-Roll: do công ty cùng tên này sản xuất, sử dụng nhiều hệ thống kể trên. Từ đầu thế kỷ 20 tất cả các tuyến đường răng cưa để sử dụng hệ thống Von-Roll.
Tuyến đường xe lửa từ Tháp Chàm -Phan Rang - Đàlạt, dài 84 cây số, được người Pháp xây dựng và hoạt động năm 1930 bởi công ty Pháp quốc có tên “La Compagnie Des Chemins de Fer de l’Indochine “ (CFI). Năm 1898, theo toàn quyền Paul Doumer đồng ý cho xây đường rầy từ Phan Rang lên Đàlạt, nơi nghỉ mát của người Pháp thực dân, do ông bác sĩ Yersin đề nghị. Tuyến đường này có 3 đoạn phải sử dụng đường rày răng cưa từ đồng bằng lên đến cao độ 1,400 mét. Mình đoán là Phan Rang, Tháp Chàm là nơi nghỉ mát ở miền biển, còn Đàlạt trên núi nên mới có sự thành lập tuyến đường rày này.
Ngày nay hệ thống răng cưa này chỉ còn có một hệ thống tương tự ở Thuỵ Sĩ. Không chừng là đoạn đường mà người Thuỵ Sĩ qua Việt Nam mua rẻ như đồ lạc xoong sau 1975. Tuyến đường này được tháo gở sau 75, đem về miền bắc để xây lại các tuyến đường Thống Nhất bị phá hư trong thời gian chiến tranh. Các nhà ga đều bị bỏ hoang ngoại trừ nhà ga tại Đàlạt, đã được tân trang lại.
Nhà ga tại Đàlạt khá đẹp, thuộc loại kiến trúc Art Déco, được xem là công trình đẹp nhất Á Châu, do kiến trúc sư pháp Reveron và Moncet thiết kế. Nhà ga có hình dáng kiến trúc Normandie, có dáng nhà ga Trouville-Deauville. Mình không biết có phải hai ông này thiết kế Thuỷ Tạ Đàlạt hay không vì cũng có dáng dấp La Grenouillère, một câu lạc bộ thể thao nổi tiếng của Pháp khi xưa. Mình nghe ông nào, giỏi chữ Hán kêu là Thuỷ Tạo nhưng người Việt đọc thành Thuỷ Tạ. Người Pháp xây dựng nhiều công trình để pháp kiều tìm về ký ức của quê cha đất tổ của họ như ngày nay người Việt hải ngoại, có những tiệm phở của Sàigòn khi xưa hay những nóc chùa, nhà thờ có hình dáng làng quê Việt Nam.
Theo tài liệu pháp thì ông kiến trúc sư Louis Gẻorges Pineau, tốt nghiệp trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật Pháp, đến Việt Nam năm 30 tuổi. Ông ta nghiên cứu và phát hoạ các chương trình kiến thiết đô thị tại Đông Dương như Hà Nội, Sàigòn, Đàlạt, Nam Vang… ở Đàlạt ông ta có hợp tác với kiến trúc sư Hébrard, người thiết kế cái đập Cầu Ông Đạo. Ông này về pháp có để lại 55 tập hồ sơ về phát triển các tỉnh ở Đông Dương nhưng mình không về lại Việt Nam nên không nghiên cứu thêm. Nay chỉ viết theo ký ức, bác nào thích hay tò mò thì mò lục tài liệu về mấy ông này. Dạo sinh viên mình có đọc một bản nghiên cứu sự thành hình của Thăng Long Việt Nam khi xưa, do một tên Tây về Việt Nam đâu năm 1980, thực hiện, khá công phu.
Có thể chính ông Hébrard đã thiết kế nhà hàng Thuỷ Tạ dứoi cái tên La Grenouillère, Đầm ếch. Lúc đầu mình tưởng là người Pháp thích ăn ếch nên chắc nuôi ếch để ăn. Đến khi sang Pháp thì mới biết đến câu lạc bộ thể thao rất nổi tiếng có tên La Grenouillère nơi người ta đến chèo canot, nhảy đầm, ăn uống, một thời nổi tiếng mà các hoạ sĩ trường phái ấn tượng đến đó để vẽ, ngay hoàng đế Napoleon III cũng đem gia đình đến đó chơi. Nhìn đường chim bay thì hình dạng như con ếch.
Năm 1906, người Pháp bắt đầu tuyến đường 38 cây số từ Phan rang đến Tháp Chàm. Tuyến đường lên Đàlạt có nhiều độ dốc rất cao đến 60 o/oo, 115 o/oo thậm chí 120 o/oo. Công ty hoả xa CFI mua vật liệu từ Thuỵ Sĩ để xây dựng tuyến đường còn lại và xe hoả chạy lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 7 năm 1914, sau 8 năm khởi công với toàn là dân địa phương không có máy móc gì cả.
Đến năm 1923, người Pháp mới bắt đầu tuyến đường thứ 3 dài 10 cây số, băng rừng vượt núi. Có nhiều công nhân chết trong đám 1,500 nhân công, người Pháp gọi là cu li (coolie) làm bằng tay. Ngày nay chỉ có tuyến đường Ga Đàlạt và Trại Mát cho du khách.
Điểm vui là năm 2002, tỉnh Lâm đồng có đưa ra dự án thành lập lại tuyến đường Đàlạt Phan Rang, nghe nói đâu lên đến 320 triệu đôla.
Sau 75, họ đem bán cân ký sắt vụn cho người Thuỵ Sĩ. Có tài liệu cho hay Cục Đường Sắt Việt Nam, bán 7 đầu máy xe hoả cho công ty DBF của Thuỵ Sĩ với giá $650,000 nay nghe nói Thuỵ Sĩ dùng đường rầy răng cưa làm giàu ở xứ họ cho du khách, vé mỗi người giá $60 mà phải mua vé trước mấy ngày còn Việt Nam lại tính làm lại con đường ấy với giá mấy trăm triệu đô la.
Chán Mớ Đời