30 /4 là cái ngày định mệnh cho cuộc đời hắn.

Hắn sinh ngày 30/4 năm Bính Thân, rồi ngày mất nước lại đúng vào ngày sinh nhật của hắn, hắn ngơ ngác như đa số thị dân Đà Lạt, nhìn đoàn quân tuổi còn trẻ hơn em hắn tiến vào thị xã trong tiếng hoan hô khá miễn cưởng của đám CM30. Rồi cũng cái ngày định mệnh ấy, 30/4 hắn tình cờ được rời Việt Nam, vượt biển đi tìm tự do.
Hắn đang học đại học Sàigòn, thì mất nước , phải trở về Đà Lạt để phụ giúp mẹ hắn nuôi đàn em vì bố hắn thuộc diện lính nguỵ nên được nhà nước mời đi học tập đường lối, chính sách của Cách Mạng tận ngoài bắc. Thế là hàng ngày, hắn phải vác cuốc và gánh đôi thùng nước vào Suối Tía trồng trọt nhằm để tránh tai mắt của tổ dân phố, muốn đưa gia đình hắn đi kinh tế mới.
Mỗi sáng, mẹ hắn luột mấy củ khoai rồi chia cho mấy đứa con. Hắn được chia hai củ, được gói cẩn thận trong cái khăn, nhiều khi sang hơn thì có nắm cơm và chút mắm ruốc kho, bới trong cái lon sữa Guigoz của Thuỵ Sĩ. Cái lon này khi xưa hắn hay dùng để nuôi dế, nay lại được việc, tiện cho mọi thứ, quý hơn vàng. Mỗi ngày, hắn vác cuốc, gánh đôi thùng tưới nước vào vườn. Trước 75 thì vườn nhà hắn có máy bơm nước từ con suối để tưới rau nhưng sau 75, mấy người từ miền Tây Nam Bộ, đến mua, nghe nói đâu để đóng tàu vượt biên gì đó. Mẹ hắn nói bán để kiếm tiền nuôi mấy đứa em hắn lóc nhóc, lăn lóc đầy nhà.
Không bán máy thì đêm đêm họ cũng đến rinh đi, thôi thì bán như bao người thời đó, cứ đem bán dần, bán lần những gì có trong gia đình, của cha ông để lại. Mỗi ngày hắn phải đi sớm để gánh nước tưới rau, để tránh cái nắng rồi mới cuốc đất làm rẫy. Cuộc đời của hắn như tên Johan Moritz trong cuốn "giờ thứ 25" của Constantin Virgil Gheorghiu, bị đưa đẩy khỏi vòng tay kiểm soát của hắn, mặc kệ số mệnh đưa về đâu. Hắn chỉ hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng.
Một hôm, thay vì đi thẳng về nhà thì hắn bổng muốn ra khu Hoà Bình xem tình hình ra sao vì từ ngày 30/4ấy thì hắn không muốn ra phố vì sợ gặp đám bạn CM30. Mới ngày nào ngồi chung bàn, chia nhau từng cục kẹo bổng nhiên xa lạ, ra đường không thằng nào dám nhìn thằng nào. Đi xin giấy tờ, làm hộ khẩu, gặp nhiều tên học chung khi xưa, đeo xà cọt, băng đỏ, đập bàn kêu hắn là con nguỵ quân nguỵ quyền, có nợ máu với nhân dân.
Cuộc đời lạ thật! Một người làm quan cả họ được nhờ, đây chúng mới làm tà lọt cho chế độ mới là đã vênh váo như tên hàng thịt ở làng Đơn Hùng Tín. Có lần hắn đến phường để xin cái giấy đi đường thì gặp thằng S, học chung khi xưa nên chào hắn trong lòng vui mừng vì có lẻ nó sẽ kí cho cái giấy. Ai ngờ nó đập bàn, kêu anh kia phải xưng hô tử tế với cán bộ của cách mạng, hắn đành thưa ông cán bộ.
Trong xóm thì cũng bị đám cm30, thập thò, rình nhà hắn để báo cáo với tổ dân phố để lập công với cách mạng. Hắn nhớ có lần, mẹ hắn đi chợ về, con mắt rất gian, ra hiệu mấy anh em hắn đóng cửa sổ lại và không được nói. Mấy anh em ngồi xung quanh người mẹ. Mẹ hắn lấy trong cái giỏ một gói báo ra, từ từ tháo tờ giấy báo ra, để lộ ra một cái đùi gà luộc. Mẹ hắn từ từ xé cái đùi gà như khi xưa, trước ngày bị giải phóng, hắn thường được ăn vào những ngày giỗ.
Từ từ mẹ hắn đưa chia cho mỗi đứa một miếng thịt gà nhỏ bé. Ôi chao sao mà nó ngon chi lạ. Hắn bỏ miếng thịt vào mồm, trên cái lưởi để thấy cảm giác rưng rưng, như dòng điện chạy từ cái lưởi của hắn lên đến bộ não như để hồi tưởng lại người tình năm xưa, rồi như chợt nhớ, hắn vội vàng chạy lại mấy cửa sổ, hé màn để xem phía ngoài có con bà Thủ, bà Thới, canh me để tố giác phố phường. Sau khi ăn xong phần thịt trong sự im lặng, như trân trọng giây phút tuyệt vời, mấy anh em hắn chuyền tay nhau để gặm cái xương gà. Khi không còn chút mỡ màng hay chút tuỷ nào, bà cụ hắn lấy tờ báo gói mấy miếng xương vụn nát, đem đi chôn sau vườn rồi lấy miếng đá chằn lên trên để tránh chó mèo hàng xóm cào bới.
Hắn đang rão bước trên đường Thành Thái xưa, nay ông vua này được họ đổi tên là Nguyễn Chí Thanh, nghe nói ông tướng liệt sĩ nào đó mà có lần trước 75, hắn có nghe tin ở đài phát thanh Sàigòn, thông báo khi Cục R bị không quân Mỹ thả bom chết. Đi qua rạp Ngọc Lan, hắn rùng mình khi nhớ cảnh xem quân đội chiếm đóng, tuyên dương một cô học chung khi xưa, anh hùng giải phóng. Lúc đó mới biết cô ta nằm vùng, đã đặt chất nổ rạp Ngọc Lan khi xưa. Sau ngày 30/4 thì những người hắn quen, bổng nhiên được tuyên dương, có công trạng với cách mạng, mới biết là nằm vùng cho bên kia, cho nên hắn lẫn trốn, tránh ra phố để khỏi sợ những đòn trả thù của phường a dua CM30.
Phố phường Đà Lạt dạo này vắng teo, không khí ảm đạm. Bổng nhiên hắn nhớ đến bài thơ "trên đường HTT" của Nguyễn Tất Nhiên:
Hồng Thập Tự ơi
Ta lang thang trên con đường này
Đường tình ngày xưa ta vui chân đón em học về
Hồng Thập Tự ơi
Ta đang đau nỗi đau Sài Gòn
Ta nhớ nhung lắm khung trời xanh
Hắn chỉ cần đổi cái tên Hồng Thập Tự thành Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng,.. là cũng nói lên tâm trạng của hắn. Hắn chợt nhớ đến cô bé Răng Khểnh, khi xưa học chung Hội Việt Mỹ với hắn, có đôi mắt đẹp khôn tả, nữ sinh Bùi Thị Xuân nhưng không biết nhà ở đâu. Hắn hay đến trường sớm để trông ngóng, nhìn dáng cô bé răng khểnh, thủng thẳng đi vào cổng trường Đoàn Thị Điểm, làm sáng ngập khung viên trường. Hắn tự hỏi không biết cô bé nay ra sao. Chắc đã lấy chồng vì sau 75, mấy cô thi đua lấy chồng vì sợ đi nghĩa vụ, thanh niên xung phong, thêm có tin đồn là nhà nước bắt gái miền nam lấy thương phế binh bộ đội để trả nợ máu nhân dân miền bắc.
Bổng hắn nghe ai gọi tên hắn rồi một chiếc xe Honda dừng lại trước mặt. Thằng H, khi xưa học chung với hắn, kêu to leo lên xe tao chở đi. Mấy năm nay toàn đi bộ nay có người chở Honda nên hắn mừng quá, vội leo lên. Cái ghế ngồi bị băng keo dán chằng chèo để lò xo khỏi bật ra nhưng sao hắn vẫn sung sướng như gặp lại người tình cũ, một chút hương xưa. Sau ngày mất nước thì hắn không gặp lại thằng H, đậu Tú tài IBM xong thì nó về học đại học Cần Thơ, quê của ba hắn. Thằng H đưa hắn lại một cái nhà ở gần trường Tân sanh. Nó gõ cửa 3 tiếng, rồi cánh cửa vội mở, nó lẹ làng dẫn xe vào rồi ngoắc hắn vào.
Vào trong thì hắn được giới thiệu với chủ nhà, khá nổi tiếng khi xưa, một tay tài phiệt, chuyên đầu cơ tích trử của thị xã. Thằng H nói là ông A Sáng muốn giúp mày đi vượt biển thì hắn trả lời nhà không có tiền. Ông A Sáng chậm rãi nói là ông ta sẽ giúp hắn đi miễn phí với điều kiện là hắn giúp ông ta đưa cô vợ bé hắn đi vượt biển. Thằng H nói là bà vợ lớn ghen nên phải kiếm người đóng vai chồng cho vợ bé của ông ta để theo ghe vượt biển. Đến nơi thì đường ai nấy đi, ông ta sẽ cho đi theo ghe của ông ta, đóng cho cả đại gia đình, mày không phải trả 2 cây. Hắn mừng quá nhưng xin đợi tối trả lời vì phải hỏi ý kiến mẹ hắn.
Thằng H chở hắn về đến nhà, chạy vào nhà hỏi bà mẹ hắn. Hai mẹ con nhìn nhau trong yên lặng. Cái tin bất ngờ đến mà mẹ con hắn, dù có ước mơ cũng không thể mơ nghĩ đến như vậy. Đi vượt biển không mất tiền. Thấy hàng xóm tuần tự cho con đi vượt biển, có gia đình không biết con cái, có đến bờ tự do chưa mà mấy năm rồi vẫn biệt tăm.
Theo lời dặn của thằng H, sáng hôm sau lúc 4:00 sáng, hắn đã có mặt ở bến xe đò, đem theo một bộ đồ và một chiếc nhẫn cưới của mẹ hắn, để lo toan sau này khi đến bờ tự do. Từ xa, đã thấy thằng H chạy lại, đưa cho hắn cái chứng minh thư nhân dân với tên Phùng A Kiêu, ngày sanh vẫn 30/4, thêm cái giấy đi đường. Hắn dặn là đi bán chính thức nên phải có giấy tờ với tên tầu. Hắn bảo đợi một tí, vợ ông A Sáng đến thì lên xe một lúc, hắn đưa cho hắn vé xe đò.
Hắn ngạc nhiên, không hiểu đâu thằng H có vé xe vì thường thiên hạ phải thức dậy sớm, có khi từ đêm trước, ra bến xe đứng đợi cả mấy tiếng đồng hồ mới đến phiên mình được mua vé mà nhiều khi đến phiên mình thì hết vé như trong chuyện cổ tích, vậy mà tên này lại có vé đâu ra đó. Phải phục tên này. Ngày xưa trong lớp hắn là một trong những tên lanh lợi nhất, học thì không hơn ai nhưng mánh mung thì không ai bì.
Hắn đang lo, không biết chuyến đi này ra sao thì hắn có cảm tưởng có ánh mắt của ai đang nhìn, hắn quay mặt lại thì thấy hình bóng của mẹ hắn, đứng sau cái xe bán phở quốc doanh, vừa vội vã quay mặt đi như người ăn vụng. Hắn muốn chạy tới mẹ hắn nhưng sợ công an, mọi người phát hiện nên chỉ quay mặt đi. Thằng H kêu hắn lên xe đò, vợ ông A Sáng đã lên rồi.
Thằng H cứ dặn hắn đi dặn lại, là khi đến bến xe ở Sàigòn thì kiếm thằng M. Nó sẽ đến bến xe kiếm mày và vợ ông A Sáng, dẫn xuống Rạch Giá để tối mai, bọn công an biên phòng ăn mừng ngày chiến thắng miền nam, sẽ không canh gát thì tàu ông A Sáng nhổ neo. Như để trấn an hắn, thằng H nói nhỏ "mua bãi rồi, 300 cây". Trường hợp không gặp thằng M, thì mày đưa bà A Sáng đến nhà thờ đức Bà, đợi trong nhà thờ, ngồi phía sau bên tay phải cửa ra vào, 5:00 chiều sau lễ thì sẽ có người đến dẫn đi Rạch Giá.
Nếu có bị xét hỏi dọc đường thì bảo là vợ chồng mới cưới, nay đem vợ về ra mắt xóm giềng. Vợ ông A Sáng tên A Muối còn mày là Phùng A Kiêu. Thế là hắn lên xe đến chỗ ngồi của mình thì thấy cô bé Răng Khểnh ngồi đó. Có lẻ cô ta cũng ngạc nhiên như hắn, mở đôi mắt tròn xoe như thiên thần nhìn hắn, rồi xít vào cho hắn ngồi xuống. Hắn cứ như bị say nắng, tim hắn đau nhói, không ngờ cô nàng lại làm vợ bé ông A Sáng, một ông già đáng tuổi bố cô nàng.
Hắn mừng vì cô nàng còn sống nhưng oan nghiệt thay lại là vợ của vị ân nhân của hắn. Cả hai ngồi yên lặng bên nhau, không dám nhút nhít, động đậy trong tư thế ấy đến khi anh lơ xe đếm đủ người rồi ra lệnh cho bác tài xế khởi hành. Xe lúc đầu chỉ có 12 người như đã quy định, nhưng vừa ra khỏi bến đã dừng lại trên đường Nguyễn Tri Phương, đón thêm 10 người nữa. Hắn bị hai bà đi buôn, ép sát vào người cô bé răng khểnh. Mùi da thịt của cô bé toả lên làm khửu giác của hắn như tê dại.
Sau lưng cứ nghe anh lơ, chọt chọt than củi phía sau, lâu lâu leo lên mui, kéo xuống bao than. Thời đó xăng dầu hiếm nên người ta độ xe lại, dùng than củi. Phía sau xe Renault, loại xe đò Đà Lạt - Chi Lăng, họ gắn cái thùng phui rồi bỏ củi than để đốt ở trong, tạo nên khí thổi vào động cơ để chạy. Người ta còn gọi là xe hoả tiển vì cái bình than độ, cải tiến phía sau, trông như cái tên lửa. Lúc khởi hành thì họ dùng xăng dầu để đề ma rê cái máy rồi khi chạy sẽ chuyễn qua hệ thống than. Hắn và Răng Khểnh, ngồi phía sau xe, cạnh cái lò than nên mồ hôi mồ kê chảy như suối, nhất là khi đến Định Quán nhưng hắn vẫn không thấy mệt và cứ muốn giây phút này dài vô tận như một phương trình không ẩn số.
Sau một ngày ngồi trên xe, xe dừng lại bến xe đò Sàigòn thì hắn nghe tiếng thằng M, cũng học chung khi xưa nhưng không nhận ra. Tên này khi xưa, trắng trẻo như thư sinh, nay lang thang ở chợ trời nên đen đủi như vịt xiêm. Sau 75, thì hắn bỏ học, theo thằng H, lang thang ngoài chợ trời, kiếm ăn qua ngày. Rồi tình cờ đi buôn thì hai thằng cần giấy tờ cấp giấy phép của công an khu vực, mới được mua vé xe về miền Tây, mua đồ lậu, đem về thành phố bán. Theo chủ thuyết kinh tế ưu việt mới của nhà nước, Ngăn Sông Cách Chợ, tự túc tự cường. Người trên rừng muốn ăn cá biển thì đào hồ ao, pha với muối để nuôi cá thu,...
Thế là hai thằng bắt đầu làm giấy tờ giả để di chuyển, sau có người trả tiền làm dùm rồi đám tổ chức vượt biển ngóng được tin nên trả hai thằng thù lao hậu hĩnh nên móc nối được với dân Đà Lạt muốn đi chui. Hắn và Cô bé răng Khểnh được thằng M, bố trí trên xe đò miền Tây, bảo tới nơi sẽ có người đón vào nhà dân, đợi ngày đi. Như hiểu lo lắng của hắn, thằng M nói xe toàn chở dân đi chui không à, đến nơi sẽ có người dẫn đi, coi chừng lạc bà chủ thì hết lên ghe nghe con.
Xe đến nơi thì có người ra đón nhưng tên chỉ đường, nhìn cô bé răng khểnh rồi la lên. Trời ơi! Bà đi kiểu này thì lộ hết. Dân làm ruộng mà má trắng, má hồng con gái Đà Lạt như bà thì tụi biên phòng, cm30 biết ngay. Hắn lấy cái khăn rằn ri, vừa lau mồ hôi rồi quấn lên đầu răng khểnh, lấy bùn thoa lên mặt cô bé, biến thành cô bé lọ lem. Hắn nhìn cô bé Á Muối rất ngộ nghĩnh.
Đoàn người lần mò, hắn nắm tay răng khểnh đi trong đêm vì sợ lạc cô nàng là phải ở lại. Tên dẫn đường chỉ hắn vào ngôi nhà, đúng hơn là cái chòi, dặn ở đây, tối hắn đến kêu xuống bãi. Hắn đưa cho 2 ổ bánh mì với ruốc và bình nước để uống rồi bỏ đi. Còn lại hắn và răng khểnh thì không gian và thời gian bổng như dừng lại, hơi thở hắn nghe rất nặng nề.
Cuối cùng hắn đưa ổ bánh mì cho răng khểnh rồi cả hai ngồi xuống đất ăn. Răng khểnh kể sau 75 thì bố cô nàng là giảng viên đại học Võ Bị nên được mời ra bắc học tập ở trại Đầm Đùn. Mẹ cô nàng đi thăm nuôi mấy lần, bị dân ngoài bắc móc túi, cướp sạch nên phải mượn tiền ông A Sáng rồi ông ta muốn cưới cô nàng để xoá nợ. Thế là cô nàng lấy ông ta để nuôi đàn em. Hắn cũng kể lại mấy năm qua sau ngày sinh nhật của hắn thứ 19, bỏ học đi làm vườn trồng khoai. cô nàng hi vọng ra hải ngoại, sẽ đi học lại, để gửi tiền về cho mẹ.
Thế hệ của hắn bổng nhiên, bị bắt buộc lớn mau như chú bé Phù Đổng khi xưa, không có thời gian làm tuổi trẻ, tập tành yêu đường, mộng mơ sau ngày 30/4 ấy. Đậu tú tài xong thì cậu tú IBM, nhìn tương lai với những mộng mơ đầy nguyện ước như Thuý Kiều và Kim Trọng của Nguyễn Du, bổng chốc phải làm người lớn, chịu đựng những oan khiên, nghiệt ngã của cuộc đời, hằn lên trí óc non nớt của kẻ dậy thì.
Hắn thiếp đi trong đêm tối trong tiếng vo ve của muỗi. Lúc đầu hắn cố đập nhưng chả chết con nào rồi như mệt mõi hắn ngủ luôn. Bổng hắn nghe tiếng tên Hai trọc, người dẫn đường huýt gió, kêu hắn dậy rồi cả hai theo tên trọc lần mò trong đêm lạnh. Tên trọc ngừng lại, huýt gió thì đàng xa, có nghe huýt gió lại, hắn cầm tay răng khểnh xuống thuyền. Chiếc thuyền nhỏ nhấp nhô khiến cô nàng suýt té, ôm vịnh chặt vào người hắn khiến hắn như mơ dại. Cô bé nắm chặt tay hắn như để tự trấn an trong khi chiếc xuồng lướt nhẹ trong đêm thâu. Tài thật! Trong bóng đêm mà người chèo thuyền như có đèn pha.
Cuối cùng xuồng taxi của hắn đến Cá lớn. Hắn thấy trên tàu, đôi mắt của ông A Sáng gật đầu, đếm danh sách của người đi cánh ông ta. Hình như chỉ đợi răng khểnh lên tàu là ông ta ra lệnh cho tài công nhổ neo. Trong tàu, ai nấy im lặng, nghe nói người ta cho con nít uống thuốc ngủ để chúng khỏi khóc la. Tiếng máy tàu chạy bằng dầu Diesel vẫn bình bịch trong đêm đen. Hắn nghe ai đó đang lâm râm cầu nguyện Bề trên ban phước Hồng Ân làm hắn nhớ đến bài hát nghe trên đài VOA, nối kết hắn và thế giới bên ngoài.
Lời kinh đêm ôi lời kinh đêm.
Lời kinh buồn như tiếng mẹ thở dài.
Ai có nghe thấu lời kinh khổ,
Sao cúi mặt gục đầu ngủ quên.
Trời mong manh ôi đời lênh đênh.
Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ..
Lời kinh cầu từng ngày quen thuộc
Lời mẹ buồn giữa tiếng Nam-mô.
Thuyền trôi xa về đâu ai biết
Thuyền có về ghé bến tự do.
Trời cao xanh hay trời oan nghiệt.
Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ.
Trời chơ vơ ôi người bơ vơ.
Người vẫn ôm mảnh ván rũ mục.
Lời kinh cầu từng hồi nấc nghẹn.
Lời mẹ buồn giữa tiếng Amen.
Người buông xuôi về nơi đáy nước
Người có mộng một nấm mộ xanh.
Biển ngây ngô hay biển man rợ
Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ.
"có phải tàu vượt biển không?" hắn bổng giựt mình tỉnh dậy, mọi người trong tàu đều run sợ nhìn một cái đèn pha từ xa rọi vào con thuyền của hắn rồi tiếng loa phát thanh kêu vang trong đêm trường. Đó là tiếng vang của bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, cựu sinh viên ở Paris, đi theo tàu Ile de Lumière do bác sĩ Bernard Kouchner đứng ra chủ xướng, đi vớt người tỵ nạn ở biển Đông. Mọi người reo mừng, tuỳ đức tin của mình cảm tạ Thượng đế, Trời Phật, thề sẽ ăn chay, làm điều lành, điều tốt suốt đời, rồi khi lên bờ lại mau quên.
Lên đảo thì hắn và Răng Khểnh được bố trí cho một chiếc giường tre trong khu tập thể của những ai có gia đình. Phùng A Kiêu và vợ A Muối cùng một hộ còn gia đình ông A Sáng thì ở dãy phía trong, rộng rãi cho gia đình đông người. Hằng ngày, sinh hoạt tắm rửa, ăn uống thì có LHQ lo, lâu lâu thì A Muối tranh thủ nấu cơm với cá cho hắn ăn chung. Tối lại thì hắn và A Muối, để cái giỏ ở giữa giường như Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài khi xưa. Lúc đầu thì hắn cũng trằn trọc khó ngủ nhưng rồi cũng quen.
Có hôm, sau ăn tối thì hắn thấy ông A Sáng đến chòi của hắn rồi nhờ hắn canh chừng mụ vợ rồi vào trong phòng với A Muối. Hắn ngồi ở ngoài canh chừng như con chó trung thành với chủ, xem sao trên trời như Thuý Kiều khi xưa dạo nhạc cho Hoạn Thư và Thúc Sinh, ăn tiệc rồi mây mưa với nhau. Và cứ như vậy, vài ngày thì ông A Sáng ghé lại giường A Muối còn hắn làm con chó si tình, gác cửa cho chủ.
Một hôm, ngày 30/4 sau cơm tối thì thằng Ba Thẹo, kêu hắn đi dự lễ tưỡng niệm ngày mất nước rồi ghé thăm tên Trung vì ngày mai sẽ đi đoàn tụ ở Úc. Lúc trở về thì hắn nghe tiếng la hét trước lều hắn. Bà A Sáng và mấy đứa con đang đứng trước lều của hắn, đang chửi rủa A Muối. Có lẻ vì uống bia ở lều tên Trung nên hắn hét vang lên rồi tát bà A Sáng, cấm bà không được đụng tới vợ hắn.
Tối đó A Muối đề nghị hắn đi định cư chung với cô nàng ở Mỹ. Hắn hỏi thế ông A Sáng thì sao. Cô nàng bảo ở Hoa Kỳ cấm hai vợ nên cô phải khai riêng và cô chán cảnh này. Cô muốn đi đến một vùng nào xa xa để làm lại cuộc đời. Hắn đang đợi phái đoàn Úc phỏng vấn để đi đoàn tụ với bà cô ở Melbourne nên không biết tính sao.
Nếu làm hồ sơ lại thì phải ở thêm trên đảo thêm một cuốn lịch. Thật ra hắn lo ngại một điều là đi định cư với A Muối thì vong ơn bội nghĩa với ông A Sáng, vị ân nhân của hắn, đã cho hắn đi vượt biển mà bỏ A Muối thì cô nàng không có ai nương tựa ở xứ người. Thêm nữa, hắn cũng mến cô nàng. Nhiều khi hắn cứ mong được sống bên Răng Khểnh như vậy trên đảo cả đời. Như ai nói tình Bidong có giấy là dông.
Tối đó, say nên hắn ngủ thiếp đến khi thức giấc thì thấy tay hắn nằm trên ngực của Răng Khểnh. Cái khó là tay cô nàng lại cầm chặc tay hắn. Hắn cảm thấy rạo rực, nóng ran trong lòng.
Hắn nhớ đến thầy dạy môn đạo Đức năm 12, nói về nhân vật Raskolnikov trong "Tội ác và hình phạt " của Fedor Dostoieski. Hắn không muốn phản bội lòng tin của ông A Sáng, ân nhân của hắn. Nếu không có ông ta thì hắn chẳng bao giờ có cơ hội trốn khỏi Việt Nam. Nhiều khi hắn tự biện cho rằng ông A Sáng đã già, có gia đình, sẽ không chăm sóc A Muối như hắn một khi đã đi định cư. Hắn và A Muối có thể chạy trốn như Dustin Hoffman và Catherine Ross trong phim The Graduate, cuốn phim cuối cùng hắn xem ở rạp Ngọc Lan trước ngày mất nước, để xây dựng một cuộc đời mới.
Hắn không biết làm sao trong khi A Muối kéo bàn tay của hắn, thám hiểm trên cơ thể của Răng Khểnh.
(Còn tiếp)
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn