Karaoke

Có dạo mụ vợ, bắt mình mua dàn máy Karaoke về khiến mình điên cái đầu vì cứ nghe mụ hát hoài ở nhà, con cái học hành cũng bị lộn xộn. Bù lại thì mấy đứa con cũng chịu khó hát nhạc Việt Nam, thằng con mê bản “tóc em đuôi gà”.
Dạo ấy mua cái máy của Đại Hàn madze in Việt Nam, có đâu mấy chục ngàn bản nhạc, đủ thứ tiếng, hát mệt xỉu luôn. Mụ vợ cứ muốn hát để được máy đánh giá số 1 nên khổ. May là khi dọn qua nhà hiện nay, mình dẹp trong ga ra, mụ vợ mê làm vườn nên quên hát.
Nay thì cuối tuần đồng chí gái với mấy bà bạn vào mấy viện dưỡng lão, uỷ lạo và hát cho mấy người cao niên nghe. Đồng chí gái kể có bà bị điếc nhưng kêu mụ vợ hát hay. Chán mớ đời. Dạo mẹ vợ mình được đưa vào đây, mấy tuần sau thì qua đời. Mình thấy ở cửa ra vào, các người lớn tuổi gốc Việt, ngồi xe lăn trước cửa ra vào, hóng con cháu vào thăm, thấy thương lắm. Ai được con cháu vào thăm, đẫy xe lăn đi vòng vòng là hạnh phúc. Nay cuối tuần vợ mình cùng vài người bạn đi hát, uỷ lạo cho mấy người già neo đơn này thì thương mụ vợ rất nhiều, may mắn lấy được người vợ có cái tâm. Mình có mấy anh bạn già, cuối tuần, vợ bắt chở đi viếng vườn hoa, chụp hình mệt nghỉ. Quên rằng hoa biết hét đã già, gần tàn thì chả còn gì đẹp cả. Chán mớ đời.
Karaoke, tiếng Nhật có nghĩa là “empty orchestra”, không biết dịch ra tiếng Việt (dàn nhạc trống vắng?), xuất hiện tại Nhật Bản cách đây 45 năm bởi một sự tình cờ. Người Nhật có thói quen từ lâu là khi có khách đến nhà dùng cơm hay ở tiệm thì họ hát để giúp vui cho khách tương tự người Việt hay ngâm thơ với nhau. Kiểu mời ăn phải chịu đựng nghe tra tấn, rống bên tai. Dã man thật.
Karaoke được hình thành bởi một sự tình cờ. Ông Daisuke Inoue, nhạc công cho một quán cà phê được một khách hàng trả tiền để ông ta đi cùng, đánh đàn khi gặp khách hàng trong cuộc họp mặt làm ăn. Lý do là ông khách hàng chỉ hát đúng khi ông Inoue này đánh keyboard.
Nhưng hôm ấy, ông Inoue bận, không theo ông khách được nên ông ta thâu nhạc, đánh những bài mà ông khách thích hát qua cassette để ông ta mang đi theo chuyến làm ăn. Ông khách trở lại và kêu thâu thêm những bài khác cho ông ta giúp ông ta tư duy đột phá, làm một cái máy vừa có micro, loa để ai cũng có thể hát theo.
Với vài người bạn biết về kỹ thuật, ông ta làm được 11 cái máy đầu tiên được gọi là “8 Juke”, và cho các quán nhậu ở vùng Kobe, có những khách xộp mướn, để xem xét tình hình thị trường. Các đại gia vào quán, ăn uống xong thì có các cô gái Geisha, đánh đàn cho hát rồi dần dần có những nhạc công đánh đàn nhạc thời đại để hát. Lúc đầu có hai tiệm mua máy của ông ta, rồi các tiệm khác đặt hàng mua nhiều máy, để trong những căn phòng riêng để cho khách hàng hát.
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước thì karaoke tràn ngập vùng Á châu, và được hiện đại hoá, về âm thanh, nhất là video được quay theo ý chính của ca khúc, thêm Laser Disc, gắn thêm lời trên màn ảnh truyền hình, được phổ thông hoá vào quần chúng, mua về nhà để hát với dàn máy âm thanh, amplifier,…
Dạo ấy tới nhà nào cũng có máy karaoke, ka vô oke, ăn xong mấy bà xúm lại hát, mấy ông ra vườn nhậu để quên giọng xé xác của vợ mình, đã nghe trường kỳ ở nhà. Nay thì họ lại mướn nhạc công như ông Inoue đến nhà vì hát trực tiếp có vẻ nức nở hơn.
Ở vùng Bolsa này, các tiệm ăn đều có nhạc công cho cuối tuần. Mình thì không thích hát hò nhưng chìu vợ lâu lâu phải đi theo, thêm có hai vợ chồng tên bạn, du học ngày xưa ở Ý, mê hát lắm. Cứ rủ mụ vợ mình đi quán Lạc Cầm vào tối chủ nhật vì ít người nên hy vọng hát được hai bài. Mình sắm cái dàn âm thanh cho mụ vợ nhưng cứ sợ trường hợp máy karaoke ngày xưa. Chán mớ đời. May quá dạo này đồng chí gái không còn mơ làm ca sĩ ka ra ô ke nữa.
Hôm trước đến nhà chị bạn của đồng chí gái, thấy họ mở truyền hình karaoke, thấy hình ảnh và bài hát chả ăn nhập gì cả. Bản nhạc Phố Đêm mà họ bỏ hình ảnh cặp trai gái bận bikini chạy ngoài biển, kiểu ráp cho có lệ, mượn đầu heo nấu cháo. Như mọi lần, ăn xong thì mình kiếm một chỗ để ngủ, trong khi mọi người hò hét qua micro. Mình có tật ngồi đâu là ngủ đó, ai làm gì mặc ai. Khi nào xong, đồng chí gái kêu dậy, chở vợ về. Bạn bè tới nhà, hát hò đến giờ là mình lặn đi ngủ.
Ông Inoue này phạm một cái lỗi lầm thương mại là không chịu ghi tên bằng sáng chế như những người có óc thương mại. Thiên hạ bắt chước, làm những cái máy tương tự nên lấy bớt lợi nhuận rồi khi Laser Disc được phát minh thì máy của ông ta hết được mua và đóng cửa tiệm sau khi đã sản xuất 25,000 cái máy.
Ông ta được vinh danh là người Á châu có nhiều ảnh hưởng của thế kỷ 20.
Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn