Hắn trở lại Đà Lạt sau 18 năm. Ra cổng quan thuế của phi trường Tân Sơn Nhất, thấy một cửa lưới sắt to, rét rĩ, dài chắn ngang, bên ngoài tiếng người gọi nhau in ỏi trong cái nóng oi bức của Saigon. Hắn nghe tiếng mẹ hắn gọi tên hắn nhưng không biết từ đâu vì bao nhiêu cánh tay thò qua cửa sắt kêu gọi những hành khách đi chung chuyến bay với hắn.
Cuối cùng hắn đẫy xe hành lí ra ngoài cửa thì mẹ hắn hiện ra trước mặt. Hắn đứng sững không biết làm gì. Bên Tây gặp người quen thì hôn má bisou bisou mệt thở còn ở VN thì hắn chưa biết xử sự ra sao vì quá đột ngột mặc dù hắn vẫn mơ ước được giây phút này từ 18 năm qua rồi một lực vô hình nào đó đã xô đẫy kéo hắn ôm chầm lấy người mẹ xa vắng 18 năm qua.
Ngồi trên xe trực chỉ Đà Lạt, mẹ hắn kể lại những gian khổ mà bà ta đã trải nghiệm trong 18 năm qua, từ ngày đưa hắn ra phi trường Liên Khương đi Tây. Trước nhất là cả nhà suýt chết trong cuộc pháo kích của VC trên đường di tản về Phan Rang, Bình Tuy, Saigon, 30/4 rồi hồi cư thì cửa hàng, nhà cửa bị cướp sạch, phải làm lại từ đầu. Cha hắn bị bắt rồi đi tù 15 năm lao cãi. Mẹ hắn đi thăm nuôi, trời mưa bị té gãy cái xương chậu nên đi khập khểnh từ dạo đó. Nhà nước tịch thâu một cái nhà, hàng xóm CM30 tìm cách tống cổ gia đình hắn đi kinh tế mới để đoạt căn nhà cuối cùng. Em út đi vượt biên ra sao, đứa lập gia đình, đứa nào có con, hàng xóm ai sống ai chết, ai vượt biên,... Hắn ngồi nghe như cuốn phim 18 năm được chiếu lại cho hắn xem với tốc độ chóng mặt.
Con đường Saigon Đà Lạt mà hắn đi qua vài lần, sau khi đậu tú tài năm 74 để xin du học ở Pháp nay vẫn vậy chỉ có hàng quán mọc lên hai bên đường khá nhiều. Không gian ngày xưa bổng nhiên nhỏ bé lại như nhìn qua một ống kính của máy quay phim. Xe chạy qua mấy tảng đá lớn nên hắn đoán là Định Quán, nơi mà khi xưa các xe đò hay ngừng lại để hành khách dùng bữa trước khi lên đèo. Hắn nhớ đến đĩa cơm sườn và ly trà đá độ ấy nhưng xe cứ tiếp tục vì hắn nóng lòng gặp lại cha hắn, mới ra khỏi tù sau 15 năm cải tạo học tập tốt. Hắn thường nghe họ thả những ai sắp chết về trước hạn tù để tránh những phiền phức chôn cất tù. Khi nghe cha hắn được thả, hắn xin nghỉ bay về thăm cha để sau này không hối hận.
18 năm qua hắn đều mong muốn trở về Đà Lạt dù chỉ một giây một phút. Các giấc mơ, nằm mộng trở lại quê hương của hắn đều có kết cuộc rất căng thẳng, hồi hộp vì luôn luôn kết thúc bởi hình ảnh công an bao vây nhà rồi hắn tỉnh dậy trong sự lo sợ mặc dù hắn chưa bao giờ sống một giờ, một phút với chế độ mới. Có lẻ hắn bị nhập tâm bởi cuộc lùng bắt cha hắn được các người em vượt biên sang kể lại.
5 giờ sáng công an bao vây nhà, không cho ai đi ra hay vào rồi họ vào lục soát nhà, xé tung mền chiếu, tịch thâu sách vỡ ngoại ngữ của hắn khi xưa, nay được gọi là văn hoá đồi truỵ trong khi cả nhà phải ngồi yên nơi phòng khách. Rồi họ còng cha hắn dẫn đi và chỉ gặp lại ở toà án, ngày bị tuyên án 18 năm tù về tội phản động. Ông Nội của hắn từ quê, vào Nam khi được tin cha hắn còn sống cũng không được vào thăm người con trai, xa cách hơn 25 năm, dù là gia đình liệt sĩ vì hắn có hai ông chú sinh Bắc tử Nam. Ngoài quê tưởng cha hắn đã chết nên mỗi năm đều giỗ ngày cha hắn bỏ trốn vào Nam.
Hắn đi theo mẹ hắn đến đồn công an khu vực, ngôi nhà của một người bạn học cũ để báo cáo xin ngụ lại nhà vài tuần. Mẹ hắn tặng mấy anh vài bao thuốc lá 555 mà hắn mua ở phi trường vì cha hắn khi xưa hay hút loại này và dúi chút tiền cho các Anh bồi dưỡng. Về đến nhà thì hắn thấy cha hắn vừa đi đâu về. Hai cha con nhìn nhau lặng câm sau 18 năm xa cách, cuối cùng cha hắn thốt lên "Sao trông giống Nhật Bổn thế" rồi ôm chầm lấy hắn. Hắn mơ giây phút này từ 18 năm nay, cứ tưởng tượng cảnh cha hắn sống trong lao tù. Hắn đọc đi đọc lại biết bao lần Quần đảo Ngục Tù của Aleksandr Solzhenitsyn, Trại Đầm Đùn của Trần Văn Thái, Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, hay Thép Đen của Đặng CHí Bình. Sách báo do các nhân chứng của cuộc trả thù ghê rợn ghi lại để cố gắng tìm hiểu đời sống của cha hắn trong trại cải tạo.
Cha hắn rất già hơn xưa, tóc bạc, gầy guộc, răng rụng gần hết. Hắn gặp mặt lần đầu tiên hai cô em út vì sinh sau ngày hắn đi Tây. Anh em trùng phùng nhưng có cái gì chưa bắt được nhịp cầu vì năm hắn ra đi, mấy người em còn bé hoặc chưa ra đời nay có một tên xa lạ vào nhà được mọi người nói là ông anh đầu bên Tây về như cuốn phim bị gián đoạn 18 năm nay được chắp nối lại một cách vội vã mà các diễn viên không biết vai mình phải diễn ra sao trong sự ngỡ ngàng.
Hắn ngồi nghe mấy người em kể chuyện thời Tem Phiếu, cuộc sống ăn cơm độn, bị cô lập hoá bởi hàng xóm, không ai dám liên hệ với họ vì lí lịch gia đình trong khi cha hắn bóc gói kẹo m&m, bổng cô em út nói 7.000 đó cha khiến cha hắn vội vàng rút tay lại khi đưa tay lấy thêm một gói kẹo khác, buột miệng kêu Ối trời ơi! Đắt thế à! Sau khi ra trại cải tạo, mỗi tuần phải đi trình diện công an khu vực, không giấy tờ chính thức nên không thể đi đâu xa chổ ở, không được đi làm để kiếm tiền.
15 năm qua cha hắn chỉ biết lao động là Vinh Quang, mong sớm giác ngộ cách mạng, nay ra tù sống nhờ cậy vào vợ nên rất hải khi nghe đến giá tiền của gói kẹo nhỏ 7.000 đồng trong khi một tô phở chỉ có 2000-3000 đồng. Hắn nói với cô em để cha ăn. Cha hắn tự cô lập vì không dám làm phiền người quen, sợ công an làm khó dễ họ. Mỗi lần khai báo cho công an đều ghi không có tiếp xúc với ai trong tuần ngoài vợ con như tạo một cái chuồng vô hình để tự khép mình trong cuộc sống mới.
Như các người thành công mà ông Stephen Covey đề cập trong cuốn "the 7 habits of highly effective people", cha hắn đều ghi lại những gì đã làm trong ngày để khi làm việc với công an khu vực, có thể nhớ đã làm gì trong tuần, chỉ có khác là cha hắn không thể phát hoạ tương lai của mình, những gì sẽ làm vào ngày mai. Cha hắn không nói đến những năm tháng dài lao động trong tù, có lẻ chỉ muốn giữ cho riêng mình như con thú bị thuơng tìm một chổ nào xa vắng, mong thời gian sẽ làm lành vết thương. Hắn nghe kể mỗi tháng bà cụ đi thăm nuôi, gánh mấy cây số vì xe vào trại không được nhưng ông cụ lãnh quà xong thì chia cho các tù khác không được thăm nuôi còn mẹ hắn bồi dưỡng các cán bộ nên sống sót đến ngày nay.
Hắn đem va li quà mà vợ hắn dặn tặng cho ai đem ra chia cho các em và cha mẹ hắn rồi đưa tiền cho mọi người còn lại thì giao cho mẹ hắn quản lí bồi dưỡng trong những ngày hắn ở Đàlạt. Hôm sau hắn theo mẹ hắn đi thăm những người bà con rồi có người nghe hắn về, đến nhà thăm. Ai đến thăm cũng kể về thời Tem Phiếu-Bao Cấp mà họ đã trải qua, không đá động gì về chuyện bên Tây bên Tàu, như áp suất của cái nồi nấu sôi được mở hé nên họ tuôn ra hết cho thỏa những ấm ức, buồn chán, gian khổ đã chịu đựng từ 75 đến giờ. Hắn chỉ ngồi lặng yên như ông cha cố nghe con chiên xưng tội, nghe họ hàng kể thời kỳ trước khi "Đổi Mới" như một bị can đang bị toà án lương tâm lên án hắn không ở lại VN để cùng chung hửởng nổi đau của cuộc đổi đời với họ. Mẹ hắn rút tiền lì xì cho các người bà con, thân hơn thì thêm cây son, gói kẹo.
Hắn đang nằm ngũ vì trái múi giờ thì cha hắn kêu dậy nói có Anh gì đến thăm rồi nói nhỏ bên tai công an khu vực. Hắn ngạc nhiên vì đâu có hẹn với ai, ra chào khách lạ nhưng không biết là ai, hôm qua đã gặp khá đông các anh ở đồn còn anh này đem theo đứa con gái rồi hỏi hắn chuyện bên Tây bên Đông. Hắn trả lời theo kiểu xã giao, ngại ngùng, e ngại, bên tây cũng phải lao động vinh quang chớ không sung sướng gì đâu. Cuối cùng hắn chạy vào phòng lấy mấy bao kẹo m&m ra tặng cho đứa bé gái thì Anh khách lạ cũng xin phép về, chúc hắn vui chơi trong những ngày thăm quê hương.
18 năm qua hắn mơ trở lại Đà Lạt, để đi thăm đó đây để tìm lại những kỷ niệm của thời mới lớn nhưng hai tuần qua hắn chỉ ở rút trong nhà, không bước ra đường ngoại trừ đi lên mả thánh, chùa thắp hương cho hai người em chết sớm và mấy người bà con như ông bà Nguyễn Văn Phúng, ông bà Võ Quang Tiềm. Thời gian và không gian bổng như lắng động, từ từ từng bước, từng khắc, từng giây như cô động lại như tra tấn hắn khác hẳn với không khí náo động của New York, Cali. Hắn cảm thấy như một kẻ bên lề, người ngoại cuộc của cuộc sống gia đình, bà con thân thuộc trong suốt những năm tháng đi qua. Dù họ có tả ăn bo bo, cơm độn ,... thì hắn cũng biết vậy thôi vì như ai đã nói: "nghe thì biết, thấy thì nhớ, làm thì mới hiểu". Hắn không kinh qua những hệ lụy này nên không thể hiểu được, để những đớn đau thấm nhập qua các tế bào trong tâm khảm của hắn.
Một người bạn học rất thân năm xưa khi hay tin hắn về, đã ghé nhà thăm. Người bạn này khi xưa học rất giỏi, đậu bình thứ tú tài Pháp trong khi hắn phải nhảy sang trường Việt; ngày nay anh bạn chạy xe ôm. Người bạn này rất hiền, chỉ biết học chớ không biết xoay sở mánh mung như những người cùng tuổi nên không thể nào ngất đầu lên trong xã hội mới. Hắn hỏi thăm về những người bạn học xưa thì đa số cùng chung số phận ngoại trừ một thiểu số có cha mẹ nằm vùng khi xưa thì khá khá một chút. Hắn đi với người em đi xuống Hồ Than Thở để kiếm nhà một người bạn học cũ nhưng người nhà nói anh ta đang chạy xe hàng ở Hà Nội, ghé qua đường Nguyễn Du chụp vài tấm hình nhà thầy CBA. Nhà này khi xưa mình rất mê, đẹp lộng lẫy nay là hợp tác xã, thấy heo gà chạy vòng vòng kêu in ỏi nên cũng không biết tìm ai thêm rồi quay lại nhà ngồi bó gối không muốn gặp lại ai.
Mấy người em kế của hắn đã vượt biên sang định cư ở nước ngoài, mấy người sau vì sợ gặp hải tặc nên mẹ hắn không cho đi. Vì lí lịch gia đình hắn nên mấy người em sau không được học tiếp đại học dù đậu khá cao. Đứa thì đan len chui vì lí lịch gia đình, tính ra chưa tới $10/ tháng, đứa thì học nghề thợ may xong thì ngồi bó gối ở nhà vì đâu có ai có tiền để may đồ. Con trai thì la cà quán cà phê hi vọng có tin tức làm ăn để mánh mung kiếm chút tiền chợ. Một cô em ra chợ phụ mẹ hắn buôn bán. May là nhà cầm quyền đang cho thi hành chính sánh "Đổi Mới" nên 3 người em sau được phép học đại học nhưng ra trường không biết có việc làm vì chính sách Hồng hơn Chuyên thêm lí lịch gia đình thuộc dạng 13.
Hắn lấy can đảm ghé thăm vài người hàng xóm khi xưa. Họ cũng sống lây lất có khi còn te tua hơn gia đình hắn vì không buôn bán, một số có con vượt biên đang đợi giấy tờ bảo lãnh đoàn tụ qua Mỹ, một vài người cùng trạc tuổi với hắn đã vượt biên nhưng gia đình không có tin tức gì từ ngày đi, một số khác thì chết khi đi Thuỷ lợi hay Kampuchia. Có người ngạc nhiên vì hắn còn nói được tiếng Việt vì nghe nói có một số vượt biên hay đi đoàn tụ mấy năm trước nay trở về thăm xóm, nói tiếng Việt như ông Tây bà đầm.
Nhà cửa trong xóm trông rất tiêu điều, rong rêu không được sơn phết từ 18 năm qua. Hắn nhớ khi xưa, vào tháng chạp là mỗi nhà trong xóm, cho người đến quét vôi để ăn Tết nhưng 18 năm qua không tu bổ, bảo trì thì cả Đà Lạt trông rất cũ kỉ như khuôn mặt của một người đàn bà già, đói khổ không màng gì đến son phấn.
Rồi đến ngày hắn lại ra đi như 18 năm trước. Hắn ôm từng đứa em trong nước mắt, biết đâu 18 năm nữa hắn sẽ trở lại hay không bao giờ. Ngồi trên máy bay, vang vãng bên tai hắn:
Một ngày về trên quê hương
Tôi muốn nấc lên đau thương
Tôi muốn khóc cho tủi hờn
Tôi muốn ôm em vào lòng
Từng cuộc đời trôi qua đây
Tôi muốn hát em lời hay
Lời vô nghĩa cho từng kiếp đọa đày
Tôi muốn nấc lên đau thương
Tôi muốn khóc cho tủi hờn
Tôi muốn ôm em vào lòng
Từng cuộc đời trôi qua đây
Tôi muốn hát em lời hay
Lời vô nghĩa cho từng kiếp đọa đày
(Những đứa bé/Phan văn Hưng-Nam Dao)
Sơn đen