Quê hương ở đâu *

Tháng vừa qua, mình nghe vợ cứ nói về dàn khoan của Tàu đem vào biển khơi của VN khiến mình ngạc nhiên vì ít khi thấy vợ theo dõi chính trị, nhất là Việt Nam. Dạo bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, có sự tranh cãi, đếm phiếu giữa hai ứng cử viên Al Gore và George Bush, vợ mình bị thu hút vào sự kiện này, theo dõi hàng ngày đến khi ông Al Gore tuân theo luật bầu cử, dù được nhiều phiếu phổ thông hơn ông Bush, phải chấp nhận và chúc mừng ông Bush đắc cử tổng thống, kêu gọi những người ủng hộ ông ta, giúp tân tổng thống hoàn thành các chương trình của ông ta. Lúc đó vợ rất hãnh diện làm công dân Mỹ vì nếu ở một xứ khác thì chắc chắn sẽ có Nội chiến.
Vợ mình không muốn về VN vì có nhiều kỷ niệm chua cay, phẩn uất trong thời gian sống với chế độ sau 75. Mình may mắn, không trải nghiệm thời bao cấp, thời tiến nhanh, tiến mạnh, lên xã hội chủ nghĩa hay phải vượt bảo tố như vợ trên con thuyền mong manh, đi tìm Tự Do. Dù biết có thể bỏ mình trên đại dương, hàng triệu người Việt, đã lặng lẻ ra đi. Theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn thì có trên 50% số người vượt biên, không bao giờ đến bến bờ Tự Do.
Trong cuốn sách "Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism" , tác giả Benedict Anderson cho rằng: quốc gia là những cộng đồng tưởng tượng qua sách báo in ấn. Ông ta dẫn chứng tại Âu Châu, sau thời Trung Cổ, khi Johannes Gutenberg phát minh ra máy in, vô hình trung tạo nên những quốc gia; những cộng đồng tưởng tượng. Trước đó, người dân sống trong làng mạc, cộng đồng của họ chỉ là những người sống trong vùng lân cận, những người gặp mặt hàng ngày khi đi chợ hay đi lễ cuối tuần. Khi sách vỡ in ấn được phát hành, con người khám phá ra những nơi xa xăm, có những người mà họ không bao giờ gặp mặt, có cùng một ngôn ngữ, tôn giáo,..với họ, cộng đồng được nới rộng thêm, dần dần biến thành một quốc gia với biên giới.
Điển hình, hồi nhỏ mình chỉ chơi với đám trong xóm, chỉ quen con nít hàng xóm. Khi đi học thì mới khám phá bạn học ở xa xóm của mình, rồi thầy cô nói về miền bắc, miền nam thì mới cấu tạo được hình ảnh Việt Nam là quê hương.
Tác giả lấy thí dụ; Nếu một người Maguindanao (người Phi Luật Tân,, theo đạo Hồi) gặp người Berber (giống dân sống trong sa mạc Sahara) mà không biết tiếng của nhau thì không thể đả thông tư tưởng nhưng họ có thể hiểu nhau, trao đổi thông tin nhờ những sách Thánh Kinh bằng tiếng Á rập cổ điển nên có thể nhận nhau có cùng tôn giáo, anh em theo kinh điển Coran. Ở Âu Châu, ngày xưa người ta dùng tiếng La Tinh khi giao tiếp, sau Pháp ngữ được sử dụng trong ngành ngoại giao, ngày nay thì Anh ngữ rất thông dụng khắp thế giới.
Trong những thập niên 60 của thế kỷ trước, khi ông Che Guevara, người gốc Á Can Đình, bỏ quê hương đến Cuba, chung sức với Fidel Castro làm cuộc cách mạng, lật đổ chế độ thân Mỹ, rồi đến Bolivia để tiếp tục con đường cách mạng và bị CIA ám sát tại đó. Ông ta thực hiện công việc mà Karl Marx, con của một mục sư, mơ đến một thế giới đại đồng, không giai cấp tương tự như Thiên Chúa Giáo, nói tất cả mọi người đều là bình đẳng trước Thượng Đế. Các ông cố đạo tây phương tin tưởng vào thiên chúa, vào sứ mệnh của mình để lên đường bất chấp hiểm nguy để đi đến các xứ khác, rao giảng lời dạy của Thiên Chúa tương tự như Che Guevara đã tin vào chủ nghĩa cộng sản, bỏ bút nghiên lên đường đi làm cách mạng. Tuần này nghe một người Mỹ bị bắn chết khi đi giảng đạo tại Ấn Độ tương tự nhiều mục sư bị bắt, tra tấn khi đi giảng đạo tại xứ Triều Tiên. Năm ngoái mình có gặp một linh mục đi truyền đạo “chui” tại Trung Cộng. Mình muốn kể về cuộc đời ông ta nhưng ngại cho an ninh của ông ta.
Năm 1979 khi quân đội của Cộng sản VN, tiến vào Nam Vang hay quân đội của vệ binh đỏ của Đặng Tiểu Bình đánh chiếm mấy tỉnh gần biên giới, gọi cho VN một bài học thì cho thấy sự thất bại của giấc mơ về một Thế Giới Đại Đồng. Khi Liên Xô sụp đổ thì có nhiều quốc gia nhỏ được thành lập. Một nước Nam Tư nhỏ bé bổng bị chia năm sẻ bảy, Nội chiến kinh hoàng, diệt chủng khiến Liên Hiệp quốc phải can thiệp.
Mình nhớ dạo mới về thăm VN lần đầu, rất ngạc nhiên khi nghe người trong nước dùng ngữ vựng hậu 75 như nhất trí, hữu nghị,.. Nghe tiếng Việt nhưng lại lựng khựng, không hiểu rõ. Ở hải ngoại, người gốc Việt, định cư tại các nước có một cách nói tiếng Việt khác nhau, pha lẫn tiếng địa phương nên nhiều khi gặp nhau, nói chuyện chưa chắc đã hiểu nhau hết. Một người Việt tị nạn ở vùng nói tiếng Đức của Thụy sĩ, khi nói chuyện có chêm thêm Đức ngữ thì người Việt ở vùng Pháp Ngữ khó theo dõi cuộc nói chuyện....nếu tính thêm những người đi Đông Âu từ miền Bắc thì càng phức tạp.
Người Pháp có hai từ Patrie là Tổ Quốc, Nation là quốc gia. Khi thị trưởng thành phố Strasbourg nhờ ông Claude Rouget De Lisle viết bản nhạc "Chant de guerre pour l'Armée du Rhin" để động viên tinh thần dân quân chiếm lại hai vùng Alsace và Lorraine. Hai vùng này nằm ngay biên giới Đức-pháp, nơi tranh chấp của nước Đức và Pháp trong nhiều thế kỷ qua. Sau này bài hát được đổi tên là La Marseillaise vì trong thời kỳ cách mạng lật đổ chế độ quân chủ thì mấy người Fédérés, gốc Marseille hay hát bản này. Sau cuộc cách mạng 1789, thì đến giai đoạn thanh trừng thì tác giả bài quốc ca của Pháp bị chém đầu. Bài Quốc ca của VNCH do Lưu Hữu Phước làm chắc bắt chước bài này vì lời ca khá tương tự.
Mình nhớ dạo viếng thăm một cô bạn gái ở thành phố Munster thuộc vùng Alsace. Ngồi nói chuyện với ông bố thì ông này kể trong thời đệ nhị thế chiến, ông ta phải đi lính cho quân đội Đức, bị quân đội mỹ bắt làm tù binh. Ông ta nói không rành tiếng Pháp, ở nhà vợ chồng con cái nói chuyện với nhau bằng tiếng thổ ngữ tương tự Đức ngữ. Khó mà nói những người vùng Alsace và Lorraine vào những năm sau đệ nhị thế chiến, cảm nhận họ là người Pháp. Tương tự người gốc Đài Loan, sinh trước 1949 đều cảm nhận họ là người Nhật hơn là người Hán. Mình nói chuyện với bố anh bạn, người Đài Loan, giáo sư đại học Mỹ. Ông ta kể khi xưa, còn bé dưới sự cai trị của Nhật Bản, nên ngày nay, dân gốc Đài Loan vẫn thích xem truyền hình Nhật Bản hơn là của đài truyền hình nói tiếng tàu của dân lục địa, chạy theo Tưởng Giới Thạch.
Hai cụm từ Tổ Quốc và Quốc Gia xuất hiện ở Việt Nam sau khi ông vua Bảo Đại thoái vị cho nên chưa được thấm nhuần trong lòng người dân. Người ta thắc mắc các nước theo chế độ Cộng sản, ngoại trừ Cuba thì ba nước Á Châu, VN, Triều Tiên và TQ vẫn còn tồn tại. Lí do là dân chúng của ba quốc gia này đều sống từ mấy ngàn năm nay trong chế độ quân chủ, ảnh hưởng sâu đậm của đạo Khổng. Thật ra chế độ quân chủ, tuy có vua nhưng quyền hành đều nằm trong tay các quan đại thần, như trường hợp Chúa Trịnh và vua nhà Lê. Họ cứ tuyển cung nữ cho vua chơi gái còn việc triều chính thì họ lo. Ngày hôm nay, chỉ thay thế ông vua bằng Đảng Cộng sản, ngoài ra hành chánh, chính trị đều vẫn giữ như cũ từ mấy ngàn năm nay. Tên có thể đổi nhưng cơ bản, thực chất vẫn như xưa, không có gì gọi là cách mạng, đổi mới tư duy. Coi những hình ảnh trên truyền hình, dân chúng Triều Tiên khóc lãnh tụ, mới hiểu ông bà mình sống ra sao trong quá khứ. Mình có xem một phim tài liệu, nói về một bác sĩ Mỹ, sang Triều Tiên mổ mắt cườm cho người dân địa phương. Lúc lành thì mọi người cùng gia đình, quỳ xuống hình lãnh tụ trong nhà và cảm ơn lãnh tụ đã giúp họ lành on mắt. Còn bác sĩ Mỹ thì chả nghe nói gì đến.
Hồi bé khi đọc Truyện Tàu, mình không hiểu tại sao Hán Vương tiêu diệt Đơn Hùng Tín, một công thần đã giúp mình lên ngôi, trong khi Trương Lương bỏ trốn nên sống. Tại sao Phạm Lãi lại trốn biệt tích, bỏ quê hương sang nước Tề, đổi tên là Đào Chu Công, sau khi giúp Việt Câu Tiễn, đánh bại Ngô Phù Sai thay vì ở lại, hưởng Vinh Quang Phú Quí. Lớn lên, mới ngẫm lại là trong thời gian gian khổ, kháng chiến chống quân Minh thì ai cũng biết mặt thật của Lê Lợi, sợ hãi nên phải bắt Lê Lai, giả mình cởi ngựa xông ra mở đường máu để Lê Lợi chạy trốn. Khi quân dân thấy như vậy thì không tin vào vai trò Thiên tử nên sau khi đánh bại quân Minh, lên ngôi vua thì phải sát hại những người đã có công giúp mình, xoá bỏ các nhân chứng của quá khứ lãnh tụ, để cũng cố địa vị Thiên tử. Thành Cát Tư Hãn hay vua Arthur, đều tạo ra những huyền thoại là mình do thượng đế chọn để thống lãnh quân sĩ với các gươm thần.
Tương tự, Nguyễn Trãi đã dùng mật ong, viết lên lá để kiến ăn, nhằm tuyên truyền dân chúng ủng hộ Lê Lợi hay trả gươm thần cho Thần Kim Quy. Cái ác của vua Lê là phao tin Nguyễn Trãi, vì giết con rắn và 3 đứa con nên đang đọc sách thấy có giọt máu thấm qua 3 trang giấy để phủi tay, bảo Thị Lộ là hiện thân của con rắn năm xưa. Khi Nguyễn Trãi về hưu đến khi gặp Thị Lộ chỉ có vài năm cho nên không thể bảo là con rắn đầu thai thành Thị Lộ. Vua đi chơi, vào nhà dân ngủ lại, thích vợ của dân thì kêu vợ của dân lên giường. Mình có nghe kể về ông Bảo Đại, đi săn, đều kêu cận thận kiếm đàn bà đẹp vào hầu hạ ông ta dù đã có chồng. Gần đây mình có đọc tài liệu thêm về Thị Lộ, cho thấy chân tướng của Nguyễn Trãi sau chiến tranh. Hôm nào rảnh sẽ kể.
Ông Nguyễn An, sinh cùng thời với ông Nguyễn Trãi, bị triều cống sang TQ. Bị nhà Minh thiến để sống trong hoàng cung, sai phát hoạ và xây dựng các cung điện trong Tử Cấm Thành, sau này được vua nhà Minh, phong tước, thưởng tiền bạc, đất đai. Nguyễn Trãi, tài giỏi nhưng bị bọn nịnh thần ganh tị, tìm cách trừ khử. Có người nói Việt Nam không phải là đất dung thân cho những người có tài. Mình có quen 3 anh em, sau 75 không được đi học vì ông bố là nguỵ quyền, vượt biên, cả ba anh em đều đổ tiến sĩ trường M.I.T. Mình có anh bạn học rất giỏi khi xưa, 20 năm sau mình trở lại Việt Nam, thì thấy anh ta lái xe ôm.
Mình đọc gia phả của gia đình bên Nội thì khám phá ra ông tổ, gốc Nghệ An. Trong họ mình có một người khá nổi tiếng là cựu bộ trưởng ngoại giao Việt Cộng, Nguyễn Mạnh Cầm. Trong gia phả không nói đến lí do nào khiến ông tổ lại lưu lạc về Sơn Tây để lập nghiệp. Mình đọc tài liệu thời Tây Sơn do các ông cố đạo Tây viết, nhất là gần đây các bài viết của ông Nguyễn Duy Chính thì có thể hiểu được phần nào. Theo các tài liệu của những ông cố đạo Tây phương thì nhà Tây Sơn bắt dân đi lính, đưa ra Bắc đánh đuổi lính nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu. Sau thắng trận Đống Đa thì vua Quang Trung rút về, giao Ngô Thì Nhiệm đảm trách việc hành chính, quân sự đối phó với nhà Thanh nên một số binh lính Tây Sơn được để lại. Sau khi bình định Bắc Hà thì Ngô Thì Nhiệm hỏi ai muốn về quê quán thì cho về còn ai muốn ở lại thì được cấp phát đất đai ở vùng Sơn Tây. Có lẻ vì vậy mà ông tổ mình ở lại, canh tác ruộng nương ở Hà Tây, vì Nghệ An là nơi chó ăn đá gà ăn sỏi. Mình có nhờ người quen ở hội An, nhờ một ông chuyên về gia phả, đọc và dịch gia phả của bên nội thì khám phá ông toor làm chức vụ gì ở làng, bị đánh cắp cái Lư đồng ở đình. Sợ bị bắt nên bỏ trốn về Sơn Tây.
Nếu xét thêm, dòng họ mình có lẻ theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam để tránh chúa Trịnh tiêu diệt. Khi nhà Lý mất ngôi vào tay nhà Trần, dòng họ Lý, sợ bị giết nên các hoàng tử đã đem gia quyến đi vượt biển trên hai chiếc thuyền. Một chiếc cập bến và ở lại Đài Loan, và chiếc kia tiếp tục đi đến xứ Triều Tiên. Ngày nay dòng họ Lý rất có tiếng tăm ở xứ Hàn vì các hậu duệ của Lý Công Uẩn, đã giúp các vua Triều Tiên bình định đất nước này. Trong giải túc cầu đang diễn ra tại Ba Tây, có nhiều cầu thủ sinh tại một nước lại đá cho đội tuyển nước khác. Có hai anh em sinh tại Đức, một người khoác áo đội tuyển Đức còn người kia lại đá cho Ghana, quê hương của cha họ. Đội tuyển Mỹ có đến 11 người song tịch, có cầu thủ không nói được tiếng Mỹ. Có người Mỹ lại đá cho quê hương của cha mẹ sinh ra như Ý, Croatia, Iran,...
Ngày nay, với truyền hình vệ tinh, Internet, skype,... Thế giới không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Mình có thể nói chuyện với bạn bè bên Âu Châu, gia đình ở VN hay xem trực tiếp một trận túc cầu đang diễn ra, cách nữa vòng trái đất. Con người được đi du lịch các nước trên thế giới, hiểu biết thêm về những nền Văn hoá xa xăm, không bao tưởng tượng đến. Thế giới trở nên gần gũi hơn, các nước khắp thế giới coi những phim, truyền hình của Hoa kỳ. Đi khắp thế giới, ta thấy các hiệu ăn McDonald, dân chúng bận quần Jean, xài iPhone, nghe nhạc rock, rap,... thế giới dần đần đi đến một Văn hoá tổng hợp, melting pot như Hoa Kỳ, có đủ loại sắc dân trên thế giới.
Mình nhớ lần chót, về thăm Âu Châu thì không nhận ra Anh quốc, Pháp, Ý ,.. của thời mình sinh sống tại đó ở thế kỷ trước. Ở London, nay có nhiều dân gốc Ấn độ, Pakistan và Trung Mỹ, còn Pháp thì dân da đen và Á Rập tràn ngập các quartier của Paris. Ngay cả Ý đại lợi, nhiều người di cư lậu bằng thuyền từ Phi Châu qua ngõ Libya. Ngày nay với Internet thì mình không biết thế giới sẽ ra sao trong tương lai. Người ta làm việc tại nhà, mua sắm qua Internet, amazon.com,... trong tương lai, người ta giao dịch không cần tiền mặt, cứ đưa cái điện thoại hay dùng dấu tay để trả tiền, mua bán,...
Dạo mình đi Tây, thì coi như lên cung trăng, không biết ngày nào trở lại VN. Sau khi nhận được lá thư cuối cùng của ông cụ, bảo là gia đình di tản về Phan Rang rồi mất liên lạc. 2 năm sau, khi có người quen về Đà Lạt, mới biết gia đình vẫn còn ở Đà Lạt. Mấy năm sau mới nhận được thư nhà, trung bình 4 lá một năm vì gửi một lá thư từ Pháp về VN, phải qua kiểm duyệt, mất 1-2 tháng mới đến tay gia đình và ngược lại. Tin tức từ VN, rất hiếm. Ngày nay, mình gọi điện thoại, skype, viber cho gia đình hàng tuần. Không còn ngăn cách bởi không gian và thời gian như xưa, phải đợi 4-6 tuần mới nhận được lá thư. Trong nhà nhiều khi, muốn kêu con, phải nhắn tin, vì chúng ở trong phòng hay trên lầu, kêu không nghe vì nhạc nổ vang trời.
Ngày nay thế giới mặt phẳng, con người không phải bắt buộc phải sống tại nơi mình sinh ra. Họ có thể di chuyễn đến nơi khác để làm ăn, kiếm sống hay tìm một cơ hội để vươn lên, thoát cảnh nghèo. Mình nhớ gặp hai du học sinh gốc Việt tại Nhật Bản. Họ lo sợ xong luận án tiến sĩ, trở về VN sẽ không có việc làm vì trong xã hội VN, tất cả đều cơ cấu. Con một Ủy viên TW, 24 tuổi đã được cơ cấu làm tổng giám đốc một đại công ty quốc doanh, dù chưa bao giờ làm việc. Các du học sinh tại Mỹ tìm cách ở lại, có người trả tiền mấy chục ngàn để làm đám cưới giả để ở lại. Đối với họ, trở về VN sẽ uổng phí công sức học tập của họ. Mình có quen nhiều người đậu tiến sĩ các trường MIT, Harvard xong về VN không được dùng vì không phải Đảng viên.
Ông cụ mình vào Nam vào những năm đầu của thập niên 50 rồi vì thời cuộc, 40 năm sau mới trở về thăm quê, đã chọn đất để lập mộ cho mai kia, khiến mình hay tự hỏi : Quê Hương mình là nơi nào?
Quê hương mình là VN? hay Đà Lạt: nơi chôn nhau cắt rún? Khi về thăm VN thì mình cảm thấy lạc lõng. Đến phi trường thì hải quan xem mình như kẻ thù, mắt lạnh lùng. Ra nhận hành lý thì hải quan hạch sách, tìm cách moi tiền. Đi thăm viếng các thắng cảnh thì cán bộ nói mình là người nước ngoài nên bắt đóng lệ phí gấp đôi.
Khi mình trở lại thăm Đà Lạt như Từ Thức trở về quê xưa, không nhận ra những hình ảnh thân xưa mà mình đã ấp ủ gần 20 năm. Thấy trời mưa và những lá cờ đỏ nơi khu Hoà Bình thêm những khẩu hiệu, khiến nhớ đến bài thơ của nhà thơ Trần Dần đã viết khi xưa khiến mình sợ hải, muốn trốn chạy, xa nơi chôn nhau cắt rún.

...... Tôi muốn bỏ thơ
------------------làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
----------------tôi làm thơ chính trị.
Tôi bước đi
-------------không thấy phố
------------------ không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
------------------ trên màu cờ đỏ.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn