Faifoo

Tuần rồi có đi ăn tiệm Faifoo mới mở do gia đình bạn của đồng chí gái từ Hội An làm chủ. Nếu ai gốc gác ở Hội An, gia đình của tiệm sách Bình Minh. Nhớ có đến nhà này ăn vài lần. Nghe kể khi cả gia đình mới sang định cư, có người đặt đồ ăn cuối tuần, làm mệt nghỉ. Sau bà cụ lớn tuổi nên ngưng còn con cháu thì chạy làm nail.
Nói đến Hội An thì phải nói đến mì cao lầu. Cô em của bạn đồng chí gái, dâu của Đà Lạt, chồng gốc ấp Hà Đông, tự làm mì cao lầu với tro. Món cao lầu mình có ăn khi viếng Hội An, nơi đồng chí gái sống 13 năm từ nhỏ nhưng không thấy ngon lắm. Từ ngày mình ăn món này do vợ chồng, bạn từ Hội An của đồng chí gái, ở San Jose thì mê nhưng chỉ ăn tại nhà hai người này.
Theo lời chồng của cô bạn thì Hội An là một cái cảng nên các thực khách, đa số ăn trên lầu để dễ dàng xem hàng vì sợ mất cắp, coi phu vác hàng, từ trên cao do đó người ta gọi cao lầu, món ăn trên lầu cao.
Khi xưa có người Nhật và người Hoa sinh sống tại đây, thường được gọi là người Minh Hương, người theo nhà Minh, bỏ chạy sau khi nhà Mãn Thanh chiếm đóng Trung Hoa, sang sinh sống. Có người cho là món Cao lầu do người Nhật đem sang vì tương tự Udon còn người Hoa thì nói của họ vì giống mì xá xíu.
Anh chồng của cô bạn, mỗi lần về Việt Nam là chỉ mua mì cao lầu khô đem qua mỹ. Anh ta giải thích là mì cao lầu được làm bằng gạo thơm ngâm với nước tro của cây củi lấy từ Cù Lao Chàm. Sau đó xay thành bột với nước giếng Bá Lễ rồi lấy vải bòng bột vài lần cho bột dẽo rồi cắt ra từng miếng nhỏ để phơi khô.

Anh chồng kể là ăn cao lầu phải có rau của làng Trà Quế, nơi anh ta sinh ra. Mình nhớ khi ăn món cao lầu ở nhà này thì họ cho một cái thố rau trộn đủ thứ, ăn quá đả. Lần sau về Hội An sẽ đi viếng cái làng này. Từ ngày ăn món cao lầu ở San Jose thì mình không dám ăn ở tiệm tương tự bún bò Mụ Diễm đã cấm mình ăn bún bò của người khác nấu.
Đọc tài liệu lịch sử thì được biết là thời chúa Nguyễn, hải cảng này rất đông thương thuyền từ Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc,..., giao thương. Mình có xem vài bức tranh của người nhật vẽ vào thời đại này. Có lẻ vì vậy vẫn còn cái chùa cầu Nhật gần dòng sông Thu Bồn. Sau này nghe mấy ông cố đạo tây phương kể thì quân Tây Sơn kéo đánh, đốt cháy thành phố này thường được gọi Hải Phố, Phố Biển còn người tây phương gọi Faifoo. Từ dạo đó người Nhật hết dám trở lại Việt Nam làm ăn.
Khi xưa vùng Hội An thuộc xứ Chiêm Thành, nghe nói các tàu thương Ấn Độ, Ba Tư,..., đến Cửa Đại để lấy nước ngọt từ mấy cái giếng vùng này. Chiêm Thành theo Hồi Giáo nên có lẻ vì vậy giao thương với các nước có đạo hồi giáo. Sau này Chúa Nguyễn lấn chiếm thì giao thương rất mạnh khiến Đàng Trong khá giả hơn Đàng Ngoài do Chúa Trịnh nắm quyền cai trị do đó tìm cách đánh phá và Đào Duy Từ đã hiến kế xây Luỹ Thầy.
Sau này người Minh Hương sang sinh sống nên hải cảng này sầm uốt lại, nhà cửa mang văn hoá người Tầu rất rõ rệt. Mình nhớ lần đầu viếng Hội An thì trúng lúc đêm có trăng và theo tục lệ thì người dân không mở điện ngoài đường, trước nhà ai cũng treo đèn lồng, rất đẹp như trong phim "The quiet american". Vợ mình kể khi xưa, bên dòng sông Thu Bồn là khu vc nên lâu lâu họ bơi qua sông đánh phá vùng quốc gia.
Ai ở vùng Bolsa, muốn ăn mì Cao Lầu thì ra tiệm Faifoo và mấy món vùng Quảng Nam. Góc đường Garden Grove và Magnolia, trong khu chợ H-Mart, họ đang khuyến mải cho nước uống và chè miễn phí. CTVL làm một chuyến sang Ca Ni để ăn món này.
Nhs