Chuyện tình cô bán nước đá

Hôm hội ngộ Văn Học, có vài thân hữu đến tham dự như chị em tiệm kính Anh Lân, hai vợ chồng con của tiệm tắm nước nóng Minh Tâm, trước rạp Ngọc Hiệp mà mình nhớ hắn chửi mình vì 3 anh em đi tắm, tắm cả tiếng đồng hồ, hết nước nóng của tiệm hắn. Nhờ gặp lại những người Đàlạt khi xưa mình mới biết thêm về Đàlạt một thời nên khi cựu học sinh Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân rũ đồng chí gái, đi du thuyền tháng 4 này do nhóm cựu học sinh 2 trường này tổ chức thì mình nhất trí. Gần tới ngày đi thì Em là Con Gái Trời bắt Chảnh bị đau nên mọi người trong nhóm huỷ chuyến đi, may có mua bảo hiểm nếu không thì bù trớt, đồng chí gái kêu đi Seattle và Vancouver thăm bạn.
Trong đêm hội ngộ Văn Học, 1 cựu học sinh Trần Hưng Đạo, hỏi mình có nhớ thằng Tâm và thằng Thần, nhà ở sau cây xăng Ngọc Hiệp, chỗ quán mỳ quảng nổi tiếng của ông Bắc cầy đi vào. Mình nhớ mại mại vì khi xưa có chơi đá banh ở khu đất Hai Bà Trưng, cạnh cái suối gần xóm này mà sau này thương phế binh chiếm, làm nhà rồi gia đình chúng cũng hùa theo làm nhà ở như gia đình tên LNS, khi xưa học chung với mình ở Yersin, sau này có thấy hắn học Văn Học. Dáng người cao cao, tóc trét Brillantine, lúc nào cũng diện đồ chiến đấu lắm, đi giày của tiệm Đại Việt, tạo dáng Hot Boy vì ông bố làm thợ may. Nghe nói LNS, ngày nay ở Bảo Lộc, có tiệm mì Hoành Thánh rất nổi tiếng.

Thằng Tâm và thằng Thần hay đá banh chung cùng đội với mình. Mỗi lần đá banh thì đám con trai của xóm cư xá Địa Dư rất đông, chúng lựa toàn loại đá hay cho đội chúng, còn dư đứa nào thì lập thêm một đội khác gồm những tên thuộc xóm khác như mình và các xóm khác như xóm sau rạp Ngọc Hiệp,.. Trong đó có hai thằng Tâm và Thần nên quen nhau, nói thân thì không, chỉ biết nhau ở sân đá banh, lớn lên ra đường gặp nhau thì nhìn nhau đưa mắt chào thôi chớ cũng không đứng lại chào hỏi gì cả. Hình như trong xóm này có Hùng Cà Ri và Lê Hùng Sơn học Văn Học. Lần đầu tiên về Đàlạt, mình có gặp LHS. Có lẻ xóm này không có cô nào đẹp nên mình không lui tới, đi qua xóm để mong gặp dáng đối tượng vì khi qua Văn Học thì mình đã nhắm toạ độ vào CBMT rồi.
Ngồi nói chuyện đời xưa thì quay qua chuyện hai tên này thân nhau từ bé, coi như thủ túc, đi đâu cũng có mặt nhưng sau này giận nhau mấy chục năm vì cô hàng nước đá. Hai tên này hay đi đá banh với mình năm 11 ở ngoài sân vận động, đá xong thì chúng ghé lại bến xe Lam, xe đò Chi Lăng ở dưới chợ Đàlạt, trước vũ trường La Tulipe để uống đá nhận vì cả hai đều mê cô bán nước đá này. Nếu mình không lầm, tên Thu, học Bùi Thị Xuân.
Mình nhớ chỗ vũ trường này, ngoài cửa có bà người Bắc bán bánh mì thịt ngon kinh hồn nhưng đắt hơn 2 cái xe bán bánh mì, trước tiệm vàng Kim Thịnh. Loại bánh mì thịt mà sau này ở Bolsa bán hà rầm, có pa tê, dưa leo, cà rốt, hành ngò,…, có tờ giấy đề bánh mì thịt La Tulipe chi đó, không nhớ, gói lại, sang hơn mấy tờ giấy báo của 2 xe bán bánh mì thịt trên Hoà Bình. 2 xe bánh mì này thì bán bánh mì của lò bánh mì ở đường Phan Đình Phùng, họ làm thịt xá xíu, tẩm màu đỏ, toàn là mỡ hay bánh mì chả lụa. Cắt dưa leo, cà rốt dưa chua rồi đổ nước sốt cà chua đỏ đỏ và ớt lên nhưng mình không thích bằng bánh mì La Tulipe. Sau này mình mê ăn bánh croissant ở cuối đường Duy Tân, cạnh phòng mạch bác sĩ Thọ trước bồn binh.
Hồi nhỏ ra chợ, có tiền mình hay lại hàng mẹ cô Thu này ăn đậu đỏ bánh lọt. Có lần đọc truyện Duyên Anh, kể về đá nhận mà đám thằng Chương Còm,..hay uống nên tò mò ra kêu ly đá nhận thì khám phá ra bà ta bào đá rồi bỏ vào ly, đổ xi rô màu lên, không có chi là đặc biệt. Mình ăn một lần ê răng nên từ luôn đến giờ.
Mấy người này bào đá cục bằng cái dao bào gỗ của thợ mộc. Họ đóng hai cái chân gỗ để kẹp cái bào lại rồi bỏ cái ly hay cái tô lớn ở dưới cái bào rồi bào tới bào lui, đá bào rơi xuống cái ly hay cái tô. Trong khi ông tàu bán chè, sinh tố ở bên cạnh rạp Ngọc Hiệp thì hiện đại hơn, có cái máy bào đá màu xanh tròn tròn. Ông ta lấy cục đá bự để ở giữa rồi lấy cái manivelle, quay xuống để mấy cái răng cưa, kẹp cục đá lại rồi quay quay cái manivelle thì cái máy xoay tròn, bào đá rớt lên cái mâm. Mấy người này mua đá cục lớn tại tiệm kem Thuỷ Tinh, đối diện rạp Ngọc Hiệp.
Hai tên này đều mê cô con gái của bà bán nước đá nên ăn đá nhận hoài đến sau 75. Đổi đời. Bỏ học đi làm. Thằng Tâm thì đi làm rẫy trong Đa Thiện còn thằng Thần đi lái xe hàng. Nghe nói thời bao cấp thì mấy tên lái xe, ngay cả lơ xe rất là đắt giá, kiểu Hot Boy ngày nay. Chính sách ngăn sông cấm chợ, địa phương nào tự túc tự cường, chỉ có những tên lái xe mới được chuyên chở hàng hoá từ tỉnh này qua tỉnh nọ, phát sinh ra cái nghề buôn lậu nên các gia đình có con gái đều muốn gã cho mấy tên lái xe, còn ai có con trai chỉ mong lấy mấy cô làm ở cửa hàng Mậu Dịch quốc doanh vì bán bớt thịt cá, đồ gia vị để bỏ túi. Dạo ấy dân lái qxe có nhiều bồ hay vợ, cứ mỗi bến là có một bà.
Thằng Tâm đi làm rẫy nên cực lại sợ đào trúng mìn của mấy ông kẹ khi xưa gài để giết lính địa phương quân hay Nghĩa quân, 302, còn con Thu thì ở nhà đan len cho hợp tác xã, tổ đan len ở trường Lasan Kỹ Thuật, chỉ có thằng Thần thì khá giả, to béo hơn vì không cần bồi dưỡng ở cửa hàng mậu dịch. Mỗi lần nó về Đàlạt, là chạy ngang nhà con Thu, thả xuống cho bao gạo, chai nước mắm,… tự túc tự cường nghĩa là dân Đàlạt muốn ăn nước mắm thì phải kiếm cá cơm và muối để làm.
Đàlạt trên núi thì kiếm đâu ra hai sản phẩm này để làm nước mắm. Chỉ có nước đi buôn lậu như bài của thầy Tuyến kể cô học sinh khi xưa, giả bụng man dạ chữa, buôn lậu bị bắt trong khi thầy mong thoát ra khỏi cái đồn công an kinh tế cho mau. Có ông kia, bị bà nào dụ đem dùm mấy ký gạo qua đồn công an kinh tế, bị chộp đi tù mấy năm, ở chung trại với ông cụ mình kể là bệnh nặng, may có ông cụ mình là y tá cứu thoát chết.
Trong chuyến đi ở vùng Bà Rịa, thằng Thần móc nối được một cánh đi vượt biên bán chính thức nên khi về Đàlạt, hắn ghé lại nhà con Thu tặng chai nước mắm và gạo, nói nhỏ là tối nay hắn sẽ qua nhà, rũ đi chơi để bàn chuyện quan trọng. Tối đó, hắn ghé lại nhà con Thu thì thấy con Thu, đứng trước nhà, đang dúi chai nước mắm và tôm khô cho thằng Tâm nên thằng Thần tức giận bỏ về và tối đó đi Bà Rịa, rồi vượt biên, định cư tại Úc Đại Lợi.
Qua Úc, nó đi làm ở lò bánh mì rồi sau đó ông chủ già gốc Hy Lạp, về hưu để lại cho nó căn tiệm. Ngoài souvlaski, nó làm thêm bánh mì thịt, bán đồ lặt vặt thêm cho người Việt nên trở thành đại gia ở Úc nhưng không chịu về Việt Nam từ ngày hận đời bị cô gái bán nước đá chê mà cũng không lấy vợ ở xứ người. Cứ cắm cuối làm bánh mì ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm, để làm giàu.
Một hôm thằng Thân được tin là Thu mới qua đời. Nó muốn bay Đàlạt để dự đám tang vì dù sao nghĩa tử nghĩa tận nhưng hắn vẫn còn cay. Cuối cùng hắn bay về đúng hôm đưa Thu ra nghĩa trang ở Du Sinh. Sau đó ghé lại nhà thằng Tâm, thì tên bạn đưa cho hắn lá thư mà Thu viết đã lâu, đề tên người nhận là hắn.
Đàlạt ngày 3 tháng 2 năm 1979
Anh Thần mến
Hôm nay trong buổi thông tầm, em khắc phục không ăn cơm để viết cho anh bản báo cáo tình hình trái tim của em. Đọc thư này chắc anh sẽ buồn nhưng em đã điều nghiên rất nghiêm túc và có thưa với các lãnh đạo địa phương. Em đi đến kết quả là chọn Tâm làm đối tượng tương lai của em. Tâm và em đang phấn đấu để vào đoàn.
Trong lĩnh cương của đảng viết: “ dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc”. Trách nhiệm xây dựng này là của tất cả, của toàn xã hội, xong nói riêng về em và Tâm. Chúng em được sinh ra và lớn lên, được hưởng thụ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình học tập và lao động, em và Tâm đã lấy nhân sinh quan cách mạng làm cơ sở để tìm ra tình thương và lẻ sống của con người.
Chúng em thương nhau vì chân lý, quý nhau trên lập trường, biểu thị một tình thương giai cấp.
Chúng em nguyện xây dựng tương lai với nhau và sẽ khắc phục trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn không quên nhiệm vụ khi vui duyên mới. Em xin chúc anh vui vẻ trong cuộc sống.
Thu
Chán mớ đời