Tử ngữ VNCH

Tiếng Việt của mình rất hạn hẹp vì từ bé đã được cho học chương trình pháp, chỉ học chương trình Việt hai năm cuối của trung học rồi đi Tây. Mấy năm đầu ở Pháp, ít giao thiệp với người Việt nên tiếng mẹ đẻ càng héo mòn, mai một theo thời gian. Đùng một cái, có hai người em vượt biển sang định cư ở Pháp, kéo mình lại về văn hoá Việt nhưng ngạc nhiên khi nghe hai người em dùng từ ngữ của Hà Nội.
Cách đánh vần cũng khác với thời mình học tiếng Việt, sau này mới khám phá ra là đánh vần kiểu Hà Nội là kiểu lúc chữ Quốc ngữ mới được dùng, dạy trong học đường hay trong chương trình Bình Dân Học Vụ cho quần chúng. Có lẻ sau khi đất nước chia đôi năm 1954, chính quyền miền Nam mới đổi cách đánh vần. Thí dụ: "khổ" ca hát ô hỏi khổ thay vì kiểu Hà Nội, khờ ô hỏi khổ.
Dạo mấy đứa con học ngữ vựng Anh ngữ ở trường thì thấy chúng học các chữ gốc la-tinh và Hy-lạp rất nhiềutương tự chữ Việt được vay mượn từ chữ Hán, chữ Pháp rồi được hoá âm cho hợp với âm ngữ của người Việt. Hai ngôn ngữ hy-lạp và la-tinh, ngày nay được xem là tử ngữ (langue morte), một ngôn ngữ chết, không ai dùng để nói hay viết ngoại trừ trong học đường, có những lớp dạy các tử ngữ này cho một thiểu số học sinh thích, cần học để lên đại học có căn bản để học về những ngành, cần những tử ngữ này để đọc các bản văn cũ xưa. Mình nhớ có thằng cháu của thằng bạn Tây, học la-tinh ở trường vì nó muốn sau này nghiên cứu về lịch sử La-Mã.
Tiếng la-tinh là ngôn ngữ chính của nhà thờ La-Mã từ 2000 năm nay. Nghe nói đầu thế kỷ 20, có nhiều luận án vẫn còn được trình bằng tiếng Latinh tại đại học Sorbonne, Pháp. Dạo mình ở Pháp, lâu lâu ghé vào một nhà thờ mà thánh lễ được giảng bằng tiếng Latinh và ca đoàn hát nhạc grégorien để tuyên dương Chúa dù mình không hiểu cũng không phải công giáo nhưng nghe thánh ca hát rất hay.

Các nhà ngôn ngữ học cho hay; ngày nay có nhiều ngôn ngữ trên thế giới gần 2000 đang chết dần hay có nguy cơ bị tiệt. Trong đệ nhị thế chiến, người ta dùng ngôn ngữ Navajo để liên lạc qua truyền tin hay quân đội pháp dùng tiếng Breton (vùng Bretagne của Pháp) trong chiến trường Việt Nam để tránh kẻ địch hiểu khi bắt được qua truyền tin.
Tại pháp, dạo mình còn sinh viên thì có nhiều thổ ngữ mà tây gọi là patois vẫn còn được người lớn sử dụng ở quê họ. Có thằng học chung, tự học tiếng Breton của vùng Bretagne hay một tên khác bập bẹ tiếng Corse dù nó sinh trưởng tại Paris còn về vùng Alsace, Loraine thì thổ ngữ như tiếng Đức khá thông dụng vì trong thời đệ nhị thế chiến, 2 vùng này thuộc nước Đức.
Nói đến thổ ngữ thì phải nhìn lịch sử của Âu châu để hiểu. Khi xưa Âu châu toàn là các tiểu vương quốc, nói ngôn ngữ của họ mà sau này được gọi là thổ ngữ. Điển hình là các nước nhỏ bé như vương quốc Bỉ vì còn theo chế độ quân chủ, có vua nhưng không có quyền lực chính trị. Vương quốc này tuy rất nhỏ nhưng vẫn có hai vùng chính nói tiếng pháp và Flamand và một vùng nhỏ cận nước Đức nên nói tiếng Đức.
Dạo mình đi làm ở Thuỵ Sĩ, nước này tuy nhỏ vẫn nói đến 4 thứ tiếng; Đức, Pháp, ý và Roman. Vùng Đức ngữ lớn nhất nhưng dân vùng này vẫn nói thổ ngữ tuy hành chánh dùng Đức ngữ là chính, kiểu Việt Nam mình khi xưa nói tiếng Việt nhưng hành chánh thì dùng chữ Hán hay chữ pháp vào thời pháp thuộc. Nói vậy nhưng các thổ ngữ của họ vẫn thay đổi từng vùng như Zurich nói hơi khác vùng Basel cạnh biên giới Đức. Mình vừa học tiếng Đức vừa học tiếng thổ ngữ nên khá oải.
Khôi nguyên Nobel về Vật Lý Quantum, ông Feymann có kể câu chuyện về một giáo sư môn Hy-lạp cổ điển, một ngôn ngữ mà ngày nay chính dân Hy-lạp không dùng hay biết như chữ Nôm đối với người Việt. Ông ta viếng thăm một nước Âu châu thì khám phá sinh viên xứ này rất chuộng học môn này. Ông ta hỏi một sinh viên, Plato đã nói gì với Aristotle về cái đẹp và nghệ thuật thì anh chàng sinh viên đực ra như bò đội nón. Ông ta hỏi lại symposium III thì anh ta đọc rào rào liên tu bất tận. Thật ra Symposium III là đúc kết những gì Plato nói với Aristotle về cái đẹp và nghệ thuật.
Mình có chứng kiến nhiều cán bộ cao cấp của Hà Nội như bộ trưởng trong phòng họp, đứng nói liên tu bất tận về cách mạng, chủ nghĩa mát xít lê nin nít siêu Việt, đánh mỹ cút ngụy nhào như anh chàng sinh viên học tử ngữ Hy Lạp cổ điển, nói thao thao bất tuyệt về Symposium 3 mà chả hiểu nội dung. Cái nguy hiểm là tạo nên một ảo tưởng là họ hiểu, thông thái về một vấn đề nhưng tư duy và suy diễn lại không có.
Ông Feymann dẫn chứng là khi người ta bắt đầu học, người ta học qua âm thanh, giọng nói dần dần mới chú ý đến ý nghĩa. Âm thanh thường tạo sự cao trọng hoá. Điển hình khi nói đến Sơn đen thì người nghe thấy tầm thường nhưng nếu gọi Peinture Noire hay Black Paint thì đối với người Việt sinh sống tại Việt Nam nghe rất kêu như khi người Âu châu nghe từ Symposium III. Tương tự khi xưa đi học thầy cô bảo đọc sách, các chữ đọc tới đọc lui từ từ thấm nhập vào tâm khảm mới bắt đầu sử dụng khi viết hay nói.
Lần đầu tiên đọc truyện viết của người xuất thân từ miền Bắc như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo,.., thì mình cảm tưởng như đọc tiếng ngoại quốc. Những từ như "lính Thuỷ đánh bộ" thay vì Thuỷ quân lục chiến như mình quen sử dụng khi còn ở Việt Nam. Có lẻ họ muốn thuần Việt hóa các từ, thay vì vay mượn từ chữ Hán. Nhưng tại sao lại dùng "lính Thuỷ đánh bộ" thay vì "lính nước đánh bộ" nếu muốn thuần Việt thì mình chịu.
Chữ "đảm bảo" thay vì "bảo đảm". Nếu mình không lầm thì khi người Việt sử dụng chữ Nôm thì đã viết ngược từ chữ Hán cho nên cũng không hiểu lí do. Ông Phan Bội Châu, khi sang Tầu thì bị chê viết chữ Hán sai. Điều này thì cũng không sao vì khi mình sang Tây thì lúc đầu cũng hay dịch từ tiếng Mít nên không thuần thục cách người Pháp suy nghĩ hay dùng.
Có người cho hay là Hà Nội cố ý quét sạch văn hoá miền nam để thuần nhất người miền nam cho nên họ áp dụng khá nhiều từ ngữ mới để cai trị người miền nam lẫn miền Bắc. Bác nào có tài liệu thì cho em xin. Mình có hỏi mấy người bạn cũ ở Việt Nam thì ngay chính họ cũng không hiểu những từ hậu 75.
Như câu chuyện kể anh tỵ nạn mới sang Mỹ nói tiếng Mỹ, dịch từ cách nói của tiếng mẹ đẻ. "My car run on the sugar, my brake no eat, i peanut sugar. One car hít me, my car die,..."
Có người kêu mình dùng nhiều từ của Hà Nội khi viết. Thật ra mình cố Ý dùng những từ này thêm chế, xào nấu cho vui vì chính mình cũng không hiểu rõ. Về Việt Nam, mình dùng cụm từ đồng chí gái hay đồng chí cái thì nghe cán bộ nói là không có cụm từ này. Những từ của Hà Nội thì đối với mình như đọc chữ Hán Việt. Đồng chí đực tìm nhà ỉa và đồng chí cái tìm nhà đái nghe cực kỳ phản động nhưng thật ra chính quyền do bần cố nông 3 đời ngang dọc, hồng chuyên cai trị thì dùng những cụm từ này là quá chí lý, rất gần gủi với nhân dân.
Đồng chí gái bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng, đào tạo mình thành một ô sin chuyên chính cho mụ. Nghe thì loạn cào cào nhưng xét lại thì không trúng văn phạm tương tự mình nghe "thạch kiều" thay vì "cầu đá".
Tương tự có nhiều người than phiền mình viết nhiều khi khá thô tục, không có văn hoá theo tiêu chuẩn của họ nhưng họ quên là mình xuất thân từ gốc bần cố nông, ra chợ Đà Lạt từ bé đến khi đi tây nên văn hoá của mình thuộc dạng bần cố nông. Mình cũng không tìm cách tạo dựng một hình ảnh là người văn hoá, dùng chữ hán, chữ Tây chữ anh. Nhiều khi đọc những bài Văn, thơ có nhiều Văn hoá cao sang hơn tầm của mình thì mình cũng nhức đầu tương tự mình thích ăn phở hơn yến sào.
Vài năm nữa khi thế hệ người Việt đầu tiên tại hải ngoại lần lượt về chầu chúa hay phật thì tiếng Việt còn sử dụng tại hải ngoại sẽ tan theo thời gian. Sau này, nếu có người đọc lại sách vở dưới thời VNCH thì họ sẽ lâm vào trường hợp người Việt hải ngoại ngày nay khi đọc văn thơ xuất bản từ Hà Nội.
Nhất trí?
Nhs