Paul Getty 2022

Bài này, viết đã lâu, bổng nhiên gần đây có nhiều người tìm đọc. Tò mò mình đọc lại và sửa đổi, cập nhật hoá thêm.
Nhớ dạo đọc cuốn " How to be rich" của J Paul Getty, người được xem giàu nhất một thời ở Hoa Kỳ khiến mình phải ghi và đánh máy những lời khuyên của ông này. Có một lời khuyên khiến mình phải dán lên tường. "Muốn giàu thì đừng bao giờ ly dị." Ngoại trừ là tỷ phú về già.
Ông này tỷ phú nhưng lại ly dị đến 5 bà vợ, cho thấy lấy chồng giàu sang chưa chắc đã là hạnh phúc. Cuối đời ông qua Anh quốc sống đến mãn đời. Ông ta chỉ tiếc trong đời là không thành công về phương diện gia đình, chỉ ước muốn sống với một người vợ nhưng tiền bạc danh vọng đã đưa ông ta vào con đường lộn xộn với phụ nữ. Con cháu thì lâm vào con đường nghiện ngập, sau khi ông ta chết, cả dòng họ tranh chấp nhau để moi gia tài của ông ta để lại. Tóm lại, không có thời gian để chăm sóc gia đình như làm ăn.
Ông ta khuyến cáo độc giả, khi có tiền, sẽ thu hút khá nhiều người. Tốt có, xấu có, nhất là người xấu. Họ chỉ muốn kiếm chút tiền của mình nên cẩn thận nhất là phụ nữ. Theo ông ta kể là đã nhận rất nhiều thư của phụ nữ trên thế giới, muốn kết hôn với, hay gã con gái cho ông ta. Người thì muốn mượn tiền, đủ trò. Cho thấy giàu cũng khổ.
Trong cuốn hồi ký của ông Arnold Schwarzenegger, có kể cảnh ông ta đang ăn cơm với vợ, tại một nhà hàng thì một cô đến bàn, đưa cho ông ta số điện thoại rồi cởi áo cho ông ta thấy bộ ngực vĩ đại sát mặt, rồi đi ra cửa để lại sự bàng hoàng của bà vợ Maria Schreider, cháu của tổng thống Kennnedy. Ông này lộn xộn làm bà giúp việc có bầu rồi cũng ly dị. Mãn hạn làm thống đốc Cali là bà vợ ly dị.
Ảnh ông Paul Getty
Ông Getty có đặc điểm là rất thanh đạm, không tiêu xài phí phạm. Khi cháu nội ông ta bị bắt cóc ở Ý, ông ta từ chối trả tiền chuộc vì sợ các đứa cháu khác sẽ lâm tình trạng này. Cuối cùng, đám bắt cóc cắt tai của cháu và gửi cho ông ta, ông ta chỉ trả 2.2 triệu, số tiền chính phủ mỹ cho phép khấu trừ thuế và khi người cháu nội được thả, ông ta từ chối bắt điện thoại để nghe cháu nội cám ơn. Người cháu này sau này nghiện ngập chết vì overdose. Làm con nhà giàu cũng mệt, sợ bị bắt cóc tùm lum.
Ông này giàu nhờ vào dầu lửa, đào mỏ dầu hoả ở Cali và Saudi Arabia. Có một đặc điểm mà mình thấy ở những người giàu là họ đọc sách báo rất nhiều để thu nhặt kiến thức. Ở trường học, thầy cô chỉ dạy văn hoá đại cương, không dạy về thực tế ở đời như làm sao để dành tiền, làm ra tiền,... Do đó người ta cần học hỏi thêm qua sách báo để có một tầm nhìn, viễn kiến cho tương lai.
Ông Bill Gates kể là mỗi tuần, đọc một cuốn sách vị chi 52 cuốn sách trong một năm. Người sáng lập ra công ty Priceline kể, mướn một người đọc sách rồi tóm tắc gọn cho ông ta đọc vì không có thì giờ đọc gà kê dê ngỗng hết cuốn sách. Có dạo mình đi seminar thì nghe một ông nói là trong ngày có một việc mà ông ta không bao giờ bỏ được dù đau ốm, bận công việc đó là đọc sách báo.
Sách báo về văn học, tài chánh thay vì chụp hình toả sáng, câu Like.
Mình bắt chước ông này, mỗi ngày đọc tối thiểu 1 tiếng đồng hồ. Mình lấy cái đồng hồ trong nhà bếp, bấm khi đọc và tắt khi ngưng đọc, mỗi ngày phải đọc tối thiểu đủ một tiếng mới đi ngủ. Nay thì rảnh rổi nên sáng thức dậy vào lúc 4:00 sáng, đọc 2 tiếng sau ăn trưa một tiếng rồi chiều 1 tiếng. Ngày nay có mấy cái app, tóm tắc sách như kiểu ông chủ Priceline mướn người làm cho nên ngồi lái xe thì mở nghe họ đọc tóm tắc những cuốn sách mới ra lò. Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng thông tin nên không thể nào viện lý do là không có cơ hội để cập nhật thông tin, mở mang tri thức.

Ngày nay, có những Podcast về những chuyên mục mình thích. Lên xe, mình mở nghe như France Culture của tây để nghe về văn hoá hiện đại, văn chương hay những chương trình về địa ốc, thì trường chứng khoán.
Đọc báo thì mình đọc 3 ngôn ngữ chính hàng ngày, anh việt pháp, cuối tuần thì thêm tiếng ý, tây ban nha và đức. Nhớ dạo ở tây, mỗi lần có sinh nhật hay quà noel, tụi bạn đều tặng sách chớ không như ở Hoa Kỳ, cứ áo quần ỏm cù tỏi. Mình mua quà giáng sinh, sinh nhật cho vợ con toàn là sách nên chúng chán như con dán nhưng dạo này chúng bắt đầu mua sách tặng bố.
Ông Getty nói cần kiểm chứng những dữ kiện thay vì nghe những lời nói suông của người khác. Trước khi đầu tư, ông ta đều xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc toàn diện chương trình, những dữ kiện địa lý, địa chất để giúp ông ta lấy quyết định thay vì nghe lời những ai đó nói hay mua chuộc. Đại khái đừng tin ai xúi dại vì ai cũng muốn vớt tiền của mình.
Có anh bạn kể; từ ngày anh ta vô tình đi seminar về tài chánh, đề tên và tài sản thì nhận được thư mời rất nhiều của các công ty tài chánh, kêu gọi đầu tư. Khi đi seminar thì không nên cho biết mình có tài sản, cứ viết mướn nhà là khoẻ, không ai gọi cho mình cả.
Ông ta rút kinh nghiệm về những thất bại rồi tiếp tục kiếm cách đầu tư. Rất kiên nhẩn, như người thợ săn, đợi chờ con mồi thay vì nóng nẩy nên mua cổ phiếu và địa ốc rất rẻ. Hôm trước, thấy thằng con đọc cuốn này tỏng tủ sách của mình.
Kinh nghiệm hay nhất của ông ta mà mình học được khi đọc trang 192, ông ta nói sự thất bại về tình duyên gia đạo như ai đó nói "đỏ bạc đen tình". "I deeply regret these marital failures, but I can understand why they were failures. Each one of my former wives is a wonderful woman who did her utmost to make her marriage to me a success. But a woman doesn't feel secure, content or happy - she doesn't feel as though she is really a wife, or that she really has a husband - when she finds that her husband is thinking of his business interests first and foremost and that she comes next, almost as an afterthought...a happy marriage is another of the countless things in life that no man can buy no matter how many millions he possesses."
Cái hay là ông ta nhận lỗi của mình vì thông thường, người ta hay đổ tội lên đầu người phối ngẫu, tự cho mình là kẻ hoàn hảo. Một người đàn bà giàu có nhưng đơn độc trong lâu đài. Cho thấy cuộc đời nên trung dung làm việc và gia đình.
Đọc xong cuốn này thì dạo ấy mình có cơ hội mua miếng đất để xây 40 căn nhà nhưng phải xa vợ con trong tuần vì dự án ấy nằm cách thành phố của mình ở đến 2 tiếng đồng hồ lái xe, không thể về nhà hàng đêm nên cuối cùng mình bỏ dự định làm giàu, cùng đồng chí gái có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, cùng một lứa bên trời lận đận. Nay nhìn lại thì đó là quyết định đúng đắn nhất đời mình, ngày nay tuy không giàu nhưng gia đạo vẫn vui vẻ, không như vài người mình quen, có tiền nhưng te tua rồi ly dị, rốt cuộc khi đến tuổi về hưu, không còn sức để tiếp tục đấu tranh, kiếm tiền quyết liệt như xưa.
Dạo mình mới lấy vợ, kinh tế te tua nên hai vợ chồng cũng lận đận, mình biết vài người dạo ấy lợi tức gấp 10 lần vợ chồng mình nhưng ngày nay, tan gia bại sản, nợ nần chồng chất, nhà cửa không còn, vợ chồng ly dị thấy thương. Vợ mình, nói là số phận, mình thì thấy đúng quy trình mà ông Getty cảnh báo; khi có tiền bạc thì con người đâm ra hống hách, kiêu căng tự đại, tiêu xài lãng phí, nhìn lại thấy con vợ, thằng chồng mình sao không đẹp, sang trọng bằng người ta mà gái trai bám theo như đĩa. Có người lại phân bì tại sao chồng mình làm tiền ít, không bằng người ta rồi sinh ra trách móc rồi bỏ nhau. Ly dị là coi như tan tành hết, không còn trẻ như xưa để bắt đầu lại từ đầu, thổn thức khi nghe Edith Piaf rên rỉ bên tai "quand tu me prends dans tes bras, je vois la vie en rose,..."
Có lẻ cuộc đời ông Getty, đã nói lên sự thành công và thất bại của một đời người. Đúng hơn là 2 mặt của cuộc đời. Ông ta trở thành người giàu nhất thế giới nhưng không có thì giờ lo cho gia đình nên cứ ly dị đều đều rồi sau khi qua đời thì con cái đánh nhau, kiện tụng ùm cả lên, cho thấy những suy tính của ông Andrew Carnegie, Bill Gates, Warren Buffett,..., dùng gia sản của mình để làm việc nghĩa, giúp nhân loại cộng đồng là đúng nghĩa nhất vì tiền bạc có thể, sẽ biến con cháu thành những lũ cướp, sa đoạ trong nghiện ngập,...
Mình có đọc một cuốn sách, giải thích người Mỹ giàu có, họ thành lập các Foundation để khỏi đóng thuế, chỉ trích ra một ít lợi tức hàng năm để làm từ thiện cho đúng theo chương trình mà chính phủ cho phép. Điển hình hai vợ chồng tổng thống Clinton, làm Foundation rồi ai cho tiền cứ chuyển vào quỹ này, không phải đóng thuế. Nay lên đến 2, 3 tỷ đôla.
Hai vợ chồng ông Bill Gates, ly dị nhưng vẫn hoạt động với Gates Foundation vì đó là tiền chung của họ, không thể cưa đôi. Tương tự ông chủ Amazon hay ông chủ Tesla,…
5 bà vợ lấy ông ta giàu có nhưng không hạnh phúc, cô đơn khi chồng phải bay đi xa, lo công ăn việc làm rồi bị mấy cô khác bám theo trong khi ông Getty không phải là Phật nên bị cám dỗ. Tương tự ứng cử viên Trump cũng trải qua mấy đời vợ, bao nhiêu người tình hờ. Mình có đọc một cuốn sách do một người làm cho ông ta khi xưa viết, kể ông ta ngủ với cô vận động viên quần vợt Gabriela Sabatini, người Á Can Đình lúc đó còn vị thành niên. Lạ chưa thấy nhóm bà Clinton khui ra. Dạo này, toà đang xét vụ bà Tú Bà cao cáp, cung cấp gái cho tỷ phú hay hoàng tử Andrew,.. ông Tú ông đã được khách hàng cũ giúp tự tử trong tù.
Dạo mình sang Cali, suýt nữa, đi làm cho công ty kiến trúc Richard Meier, đang thiết kế bảo tàng viện Getty ở Los Angeles nhưng trả lương rẻ như bèo nên mình không nhận. Ông Getty sưu tầm tranh ảnh, những nghệ phẩm của những nghệ nhân nổi tiếng trên thế giới và nay được trưng bày ở viện bảo tàng này với khu vườn rất đẹp, cho du khách viếng thăm miễn phí. Lâu lâu trời đẹp, mình hay chở vợ con lên đây chơi rồi ăn cơm giữa phong cảnh, không gian tuyệt vời.
Cuộc đời theo luật bù trừ; được cái này mất cái kia, không thể có được hết. Ông Getty giàu có, nhưng tâm trí lo làm giàu nên thất bại về mặt gia đạo nhưng thành công về mặt tiền bạc, thương trường.
Trong cuộc nghiên cứu của trường đại học Harvard trên 76 năm nay. Họ chọn 247 sinh viên năm thứ 2 và một số dân cư nghèo của vùng Boston đồng tuổi, trong số đó sau này có người trở thành tổng thống của Hoa Kỳ,... Ngày nay chỉ còn đâu 60 người sống sót, Harvard vẫn tiếp tục nghiên cứu đến con cháu của những người này để xem cái gên, giáo dục gia đình có ảnh hưởng đến những thế hệ sau hay không.
Khi khởi đầu cuộc nghiên cứu thì họ hỏi những người tình nguyện tham gia cuộc thăm dò, thế nào là hạnh phúc và định nghĩa của sự thành công thì mọi người đều nói là được nhiều tiền, danh vọng. Ngày nay, họ hỏi lại câu đó thì số người còn sống đều cho biết đối với họ, hạnh phúc là liên hệ giữa vợ chồng, người thân, bạn bè, tuyệt đối không ai nhắc đến tiền bạc.
Hạnh phúc đối với họ ngày nay là sự tương kính giữa vợ chồng, gặp lại bạn bè hay con cháu sống vui vẻ với nhau thay vì danh vọng tiền bạc như 76 năm về trước. Về Việt Nam, gặp mấy người em dù khi xưa chúng không có kỷ niệm nhiều với mình vì đi tây đến gần 20 năm mới trở lại nhưng vẫn thấy mấy cô em yêu mến mình, có cô chồng con đầy đàn mà vẫn ngồi trên chân mình, nhõng nhẻo như khi xưa còn bé,... Có em sinh sau khi mình đi du học nhưng vẫn thân mật, chọc ghẹo nhau, vẫn đậm đà tình anh em với giọt máu đào dù bao nhiêu năm xa cách. Mình chợt nhận ra đó là hạnh phúc của gia đình.

Hạnh phúc rất đơn sơ, trong tầm tay của mình, không cần tìm kiếm đâu xa. Đi đâu xa, vẫn được những bạn học xưa đón tiếp niềm nở, bỏ thì giờ nấu ăn cho hai vợ chồng. Có người mình không có học chung nhưng cũng vồn vả, thức khuya dậy sớm nấu bún thang, bánh căn, mì cao lầu, bún bò, phở,.. Cho mình thưởng thức. Về Việt Nam, gặp lại thầy xưa và bạn cũ, vẫn được họ đón tiếp niềm nở, thân ái hơn cả ngày xưa thì mình cảm thấy hạnh phúc thân hữu tràn đầy.
Ở vùng này thì có quen vài cặp, lâu lâu thay phiên nhau tổ chức ăn uống thư giãn, không kệ nệ Vênh váo cũng đủ vui cuộc đời. Mấy người này thân nhờ qua hướng đạo, có con đi chung đoàn nên tinh thần khá thoáng không lộn xộn, xét giai cấp, nhân thân 3 đời ngang dọc. Lâu lâu có bạn, bà con ở xa ghé chơi là đủ vui cuộc đời. Tuần này có con cháu với 2 đứa bạn từ Boston qua chơi.
Mình đang chuẩn bị đi âu châu thì mấy người bạn xưa bên Ý, bên Tây đã lên chương trình để gặp lại mình. Bạn học cũ của đồng chí gái có hẹn đưa mụ vợ đi chơi nên chắc mình dù đi thăm vài tên bạn phản động một thời. Ở Paris, có anh chàng rể của Yersin, i meo mời mình dùng cơm với gia đình anh ta rồi sau đó lại nghe nhóm Yersin cũ đang chuẩn bị đón tiếp mình dù số đông không ai nhớ hay biết mình.
Có lẻ hạnh phúc cuộc đời là sau bao nhiêu thăng trầm của đất nước, chia cách vì hoàn cảnh, nhìn lại quảng đời đã đi qua, chúng ta vẫn còn có nhau trong cuộc đời.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 
Nhs