Không thầy đố mày làm nên

Hôm trước, trong một buổi họp mặt với bạn học cũ, bổng nhiên một chị kêu câu "không thầy đố mày làm nên" là không đúng. Chị cho rằng sách vở ngày nay đầy, tìm đọc, chị ta tự học nhiều hơn chớ mấy người thầy khi xưa nói bú xua la mua.
Câu châm ngôn khiến mình nhớ đến cái tát nẩy lửa của thầy dạy việt văn. Một hôm, ông thầy dạy việt văn hỏi cả lớp, ai giải thích "không thầy đố mày làm nên" thì có một tên, mình không dám nêu tên vì tên hắn có trong danh sách nhận email. Tên này có biệt tài nói lái rồi đổi thứ tự. Hắn nói nhỏ với cả đám ngồi phía sau "Làm thầy mày không nên đố" thế là cả bọn cười khúc khích, mình thì thuộc dạng cơ bản ngu lâu dốt sớm nên hỏi thằng bên cạnh, cái gì cái gì thì tên này mới nói lại thì mình cười khói chí, ai ngờ bị ông thầy kêu lên. Hỏi cái gì cười thì mình đã ngu nên lập lại câu nói nên bị cái bốp nhớ đời, kêu "au piquet". Khi xưa mình hay bị thầy cô đánh nhưng nhớ nhất chuyện này.
Ngày nay bên mỹ thì họ xuất bản quá nhiều sách dù chung một đề tài theo kiểu 100 hoa đua nở, 100 nhà đua tiếng nên nhiều khi độc giả phân vân không biết theo ai, tương tự khi đi bầu, nhiều người ứng cử quá không biết chọn ai, ngược với Việt Nam, chỉ có một ứng cử viên do đảng chỉ định.
Khi xưa ở nhà quê, nhà ai thấy có thằng con hơi thông minh một tí thì đặt hy vọng vào tương lai, đổi đời, thằng con sẽ làm rạng danh tông đường, nhất là mấy ông thầy đồ hay đi vòng vòng mấy nhà có của ăn của để, rồi bốc thơm mấy người con trai, xem chỉ tay và chấm tử vi bựa, để cha mẹ tôn làm sư, hàng năm có chút quà cáp theo tin thần Tôn Sư Trọng Đạo. Nếu mấy ông giỏi chấm tử vi thì đã biết trước không đỗ tú tài, khỏi phải tốn tiền đi thi hay học, làm ruộng.
Mình có đọc một tài liệu nói về sự mất mát kinh tế khi xưa khi cho con đi học. Hình như của tiến sĩ NGuyễn Xuân Diện ở Hà Nội dịch. Thi rớt hoài, ruộng vườn thì không phụ giúp, để móng tay dài như quan. Có nhà bán heo, vay nợ để trả tiền cho con đi thi ở xa, tốn biết bao nhiêu tiền như thể ngày nay học đại học 4-5 năm ra trường không có việc làm, nợ chồng chất.
Kiểu Lục Vân Tiên đi thi, phải có tiểu đồng đi theo, lo ăn uống, chõng lều đủ trò. Cũng phải trả tiền cho tiểu đồng. Khi xưa đâu có xe bò, phải đi bộ hay xe ngựa hay gì đó mới đến Hà Nội hay Huế. Ông Nguyễn Bính ra Huế là đã thấy xa ngàn dậm.
Mình mà sinh ở nhà quê thì chắc chắn không được đi học, đeo lý lịch 3 đời dọc ngang gốc nông dân mình đi học cho cố, học bên tây học bên ta, lấy đủ thứ bằng bên tây bên Mỹ, rốt cuộc vẫn trở lại cái nghề làm vườn của gia môn. Chán mớ đời.
Đọc tài liệu thì được biết, các người khi xưa đi học thầy trong làng sau đó đi thi, nếu đỗ thì được bổ ra làm quan tuỳ theo kỳ thi. Nếu rớt thì về quê làm thầy lang, chấm tử vi bốc phét về Kinh Dịch hay theo nghề Khổng tử làm ông đồ dạy đám trẻ, sống qua ngày. Sách vở thì mình đoán là không có nên thầy dạy được chữ nào thì hay chữ ấy nên mới có câu "nhất tự vi sư, bán tự vi sư".
Mình tập võ thì ông thầy chỉ thế nào thì học thế đó tương tự học trò khi xưa học chữ "nhân chi sơ tính bẩm ngu". Ngày nay thì có sách, có youtube thì muốn học là cứ mở ào ào ra xem rồi tập. Không chết thằng tây nào. Thầy võ phải kêu "nhất thế vi sư, bán thế vi sư". Nhớ dạo mình mới học võ lại, ông thầy đi làm ăn ở Việt Nam nên lâu lâu về thăm bà cô, thì võ đường ùn ùn đầy nghẹt người được 2 tuần.
Thông thường thì lèo tèo độ hai chục người nhưng nghe tin thầy về thì cha con hú nhau tới để được thầy chỉ giáo thêm. Người ta tò mò học thêm nhiều thế nhưng không tập thì làm sao tiến bộ hay khoẻ được. Mình nghe bạn bè nói tập cái này tập cái kia nhưng hỏi ra thì chỉ ghi tên đi học được vài hôm rồi chán, ở nhà chớ chả có tập luyện chi mô.
Có dạo báo chí nói đến một ông tây nào đi qua Tây Tạng học cách làm trẻ mãi, gọi là "Suối nguồn Tuổi Trẻ" thì ông thầy về, kêu trong tuần này ráng đi tập để thầy dạy Suối nguồn Tuổi Trẻ thế là cha con kéo nhau kéo đến đầy võ đường, không có chỗ đứng ngoài hiên. Mình hỏi ông thầy hình như thế này thầy đã dạy rồi thì ông thầy nói ờ, nhưng thầy chia ra để tập cho dễ.
Mình đoán ông thầy chế ra để câu học trò, đừng có nản chí bỏ học nếu không có tiền đóng tiền thuê nhà nên bắt đầu hết thích học ở đây và tìm chỗ khác. Mình đoán ông thầy lâu lâu gặp bạn võ lâm, kiểu tháng trước có 3 anh chàng bên Texas qua chơi thì mình gặp rồi chia sẻ với nhau cách tập luyện. Ông thầy chỉ cho người ta một thế rồi họ chỉ lại một thế, đem về dạy lại học trò cho vui, giúp học trò đừng nản chí.
Mình thuộc loại thích đơn giản, tối giản hoá cuộc đời mà đi học ông thầy chế một thế thành 4 thế để tập thì chán mớ đời. Lấy vợ rồi mới phải mua giường, khi xưa chỉ cần cái túi ngủ là xong om. Bàn ghế đủ trò. Khi xưa chỉ lấy tờ báo trải dưới đất kiểu Việt Nam, rồi ăn xong, vo tờ báo bỏ thùng rác. Xong om.
Khi xưa học thì chỉ có 9 cuốn sách "Tứ thư ngũ kinh" để học tới học lui, thầy nhiều khi không có sách, chép vớ va vớ vẫn hay nghe thầy giảng kiểu KhổngTử khi xưa, sau này học trò mới khắc lại trên mấy cây trúc do đó người ta mới ví người quân tử với cây trúc. Ở Việt Nam thì chắc không có sách, giấy má chắc ít có và đắt nên thầy nhớ chữ nào thì dậy chữ ấy nên mới có câu "nhất tự vi sư, bán tự vi sư".
Nhớ dạo học trường Tây thì học sinh mỗi năm phải trả tiền mướn sách còn lúc sang Văn Học thì chả thấy mua sách gì cả. Vào lớp ông thầy giảng sơ sơ rồi đọc cho học sinh ghi lại bài vở. Lâu lâu khảo bài thì chỉ học như vẹt chép lại đúng như ông thầy đọc cho chép dù chả hiểu mô tê cũng được điểm cao. Học sinh có vài tên có cuốn sách thì truyền cho nhau để đọc hay giải toán ở nhà thêm cho bớt ngu ngu.
Cái khó nhất trong cuộc đời là dám nói mình không biết khi mình không biết. Thật ra chúng ta đều là những người lập lại (repeater). Mình nghe cha mẹ, thầy giáo nói cái gì thì lập lại như bài hát năm xưa có câu " về nhà mẹ dạy câu ca đem ra cho nhau nghe nhé…." Thầy mình đã nghe từ thầy giáo của thầy hay bố mẹ mình nghe từ ông bà nội ngoại rồi lập lại khi nuôi mình. Có thể trong khi nói thì người ta có thêm chút đỉnh cho hợp với tâm trạng hay thời đó tương tự khi mình viết hay nói việc gì thì cũng là hành động lập lại theo tư duy của mình chớ cũng không sáng chế cái gì mới cả.
Khi xưa, ít người biết đọc biết viết nên người ta chỉ trông cậy vào ông thầy đồ để mở mang trí tuệ, dạy cho vài câu của Thánh Hiền nhưng muốn đậu thì phải chép, nói y chang sách mà thầy đã dạy, viết thêm chút tư duy thì sẽ bị đánh rớt vì kỵ huý hay giám khảo cũng không có tư duy, dám nhìn khác với sách thánh hiền đã dạy vì sông có cạn núi có mòn song chân lý không bao giờ thay đổi, bất di bất dịch.
Cô bạn kêu "không thầy đố mày làm nên" mà làm nên cái gì. Ai cũng học chung một thầy hay cô giáo nhưng ngày nay người làm bác sĩ, người làm y tá, nha sĩ, chạy xe ôm, làm vườn,…. Có tên bạn Phi luật Tân kể, hắn học đại học được một buổi rồi ngưng, bỏ học và đó là cái quyết định khôn nhất của hắn. Ngày đầu tiên đi học đại học, ông thầy kêu mấy anh chị phải chịu khó, ôn bài làm bài tập thì mới được điểm cao, ra trường có job ngon như thầy. Hắn điên điên hỏi chơi là muốn làm lương một triệu đồng thì phải học bao nhiêu, ít hơn hay nhiều hơn thầy thì bị ông thầy chửi nên hắn bỏ học khi biết lương ông thầy, học chăm chỉ 6-7 năm trời đại học để đi làm không tới $100,000.00.
Ngày nay chúng ta có sách, thông tin đầy chỉ không biết cái nào thật cái nào giả để tham khảo, hiểu biết thêm về vấn đề mà mình muốn tìm. Đi học thầy dặn coi chương nào để lần sau thầy cô giảng thì học sinh, sinh viên về nhà đọc trước, có gì không hiểu thì hỏi. Do đó câu châm ngôn "không thầy đố mày làm nên" không còn giá trị tuyệt đối trong đời sống ngày nay nhưng cái tát để đời vẫn hiệu nghiệm với mình là không nên chọc vợ hay người nào có quyền hơn mình.
Chúng ta vẫn cần một người hướng dẫn, giúp mình nghiên cứu, đột phá tìm những câu trả lời cho những câu hỏi mình đặt ra. Ở trung học phổ thông, học sinh da vàng thường được tiếng là học giỏi vì gạo bài nhưng lên đến đại học thì chưa chắc vì lối học ở đại học rất khác lối học ở trung học phổ thông. Với văn hoá á đông, nhiều sinh viên bị lừng khừng khi học lên cao.
Có một anh bạn làm luận án tiến sĩ, kể cho mình về kinh nghiệm của anh ta. Lúc làm luận án thì anh ta theo văn hoá á đông, cứ đợi ông thầy, ông thầy nói cái gì thì làm cái đó nên luận án dậm chân tại chỗ. Cuối cùng ông thầy nhận ra cái khúc mắc nên mới giải thích. Ông thầy nói tôi chỉ là người hướng dẫn, người đã từng làm nghiên cứu. Trong khoa học, nghiên cứu về một đề tài thì tôi và anh đều ngang nhau vì không biết rõ vấn đề. Anh phải tư duy tìm cách để nghiên cứu. Tôi có kinh nghiệm nghiên cứu nên truyền lại những kinh nghiệm của tôi còn phần nghiên cứu đề tài mà anh chọn thì mù tịt.
Anh bạn còn kể thêm là người Việt mình thì rất nhạy cảm, dùng linh tính nhiều. Nghĩ hiện tượng này là do A + B = C nhưng ông thầy kêu phải giải thích tường tận, từ A đến Z để thuyết phục các khoa học gia khác vì khoa học thực dụng khác với khoa học nhân văn. Người Việt mình khi bí là kêu "thiên cơ bất khả lậu" vì không thể chứng minh được, còn không thì cứ cố cãi bướng với Kinh Dịch khiến mình cười vì anh chàng này viết chương trình chấm tử vi để chim gái.
Người tây phương đưa ra kết luận là trong vài năm tới sẽ có khủng hoảng kinh tế, họ đưa ra những chứng cớ lịch sử, khi hội đủ những điều kiện a, b, c,…, thì sẽ đưa đến B, C, D,… lý do đó mà Việt Nam có trên 20,000 tiến sĩ mà không chế được cái bù lon. Người nào không đồng ý thì đưa ra nhận xét khác theo tinh thần biện chứng luận do đó người Việt mình hay cãi lộn vì không giải thích được rõ ràng cái tư duy của mình.
Khi xem hai ứng cử viên của 2 đảng tranh luận. Người thứ 1 kêu chương trình tôi sẽ giúp thành phố như vậy như kia và đưa ra những con số ước lượng. Người đối lập bẻ vặn chương trình của đối thủ sẽ làm tiêu hao ngân sách của thành phố như sau rồi đưa những con số để giúp khán giả, đọc giả theo dõi và quyết định đầu phiếu cho ai. Trong cộng đồng người Việt thì nghe mấy người ra ứng cử, nói sẽ làm như thế này như thế kia nhưng không có một chương trình cụ thể nào hay nhân lực để thực hiện rồi cãi nhau ỏm cù tỏi. Xong om.

Nguyễn Hoàng Sơn