Tương lai về đâu

Mình nhớ dạo tiểu học, mình có coi cuốn phim "ngày tàn của đế quốc La Mã" ở rạp Hoà Bình, có Sophia Loren đóng. 40 năm sau, Hồ Ly Vọng cho làm lại cuốn phim này với tựa đề "gladiator" do Russel Crowe đóng vai chính. Cuốn phim xem ở rạp Hoà Bình đã làm mình đam mê, chơi đánh kiếm với bọn con nít trong xóm, thích làm Spartacus. Sau này sang Tây thì mình học và nghiên cứu về lịch sử của đế chế La Mã và sự lụi tàn của đế quốc này, mấy trăm năm sau Chúa Giáng sinh.
Trình độ kỹ thuật của các công trình sư thời La Mã rất cao, tương tự các amphitheater của Hy lạp, không có micro phone mà diễn viên nói trên sân khấu vang tiếng khắp núi rừng. Những công trình dẫn thuỷ nhập điền của nền văn minh La Mã được xem là số 1 vào thời gian đó.
Mình hay thắc mắc, nghiên cứu về các nền Văn minh trên thế giới bị tàn lụi nhanh chóng nên đọc các nghiên cứu của Arnold Toybeen để giúp mình có khái niệm về lịch sử của nhân loại. Vào thế kỷ 19, 10 nước nhỏ bé của Âu châu, có độ 19% dân số của thế giới lại chiếm đến đến 60% tài sản, của cải của thế giới. Vào thế kỷ 16 thì lợi tức trung bình của người tầu cao hơn người Mỹ (da đỏ) nhưng ngày nay thì lợi tức mỗi đầu người Mỹ cao hơn 20 lần dân trung quốc.
Ảnh đấu trường ở La Mã
Mình cứ thắc mắc, tìm hiểu lí do tại sao có sự khác biệt vì thấy người da trắng đâu có thông minh gì hơn người da vàng. Sau này đọc cuốn " Rational basis for the Politics of Nations (1731)" của Ibrahim Muteferrika, một nhà ngoại giao của đế quốc Ottoman, Thổ Nhỉ Kỳ. Ông này cũng đặt câu hỏi: "tại sao các quốc gia theo Thiên chúa giáo, rất yếu kém trong quá khứ nếu so sánh với các nước theo Hồi Giáo, bắt đầu thống trị, đô hộ nhiều nước ngày nay và đánh bại đội quân của Ottoman oai hùng một thời?".... và ông ta đã giải thích "Bởi vì họ có luật lệ sáng lập bởi lí trí". Đế quốc Ottoman trãi dài khắp Âu Châu và trung đông trong thế kỷ 19, ông Muteferrika, gốc Hung Gia Lợi và Lỗ Ma ni, dạo đó thuộc về đế quốc Ottoman mà trong phim Lawrence Of Arabia của đạo diễn David Lean, có nói về quân đội Anh giúp dân Ả Rập, đánh phá đòan quân Thổ Nhỉ Kỳ để dành lại độc lập.
Giáo sư Niall Ferguson, đại học Harvard, đưa ra 6 nguyên do đã đưa các nước Âu Châu và Hoa Kỳ, lên hàng cường quốc, thống lĩnh hoàn cầu từ hai thế kỷ vừa qua. 6 yếu tố đã giúp các nước Âu Châu có diện tích 5% đất đai của địa cầu vào năm 1500, đến năm 1913, trước đệ nhất thế chiến, làm chủ cai quản đến 58% đất đai của thế giới.
1/ Sự Cạnh Tranh: đã giúp con người tìm mọi cách, vận dụng trí não để cải tiến kỹ thuật, cách tổ chức,... Điển hình là sản phẩm của Đông Đức, chế tạo ra cái xe Trabant và Tây Đức chế tạo chiếc xe Mercedes Benz. Cùng một giống dân, cách nhau có một bức tường Bá Linh nhưng chạy theo một duy thức khác nhau hay gần hơn ở Á Châu, xem Nam Hàn và Bắc Hàn. Trung Quốc đã tìm ra thuốc nổ nhưng chỉ dùng làm pháo bông cho vua chúa xem. Người Trung Quốc, chịu khó học để đậu rồi sau đó chỉ ăn chơi , hưởng nhàn trong khi người mỹ vẫn tiếp tục đi học thêm sau khi tốt nghiệp qua các chương trình giáo dục thường xuyên, bổ túc, cập nhật hoá các phát minh, luật lệ, nghề nghiệp mới.
2/ Cách mạng khoa học: ngày nay, người dân Ấn độ, không ai đề cao thuyết của ông Gandhi, cả dân tộc tiếc nuối một cơ hội phát triển kinh tế của đất nước này. Cả nước đã nghe theo lời ông luật sư đấu tranh dành độc lập, bằng quay tơ bằng tay như thời cha ông để lại thay vì đột phá tư duy xử dụng các kỹ thuật tân tiến để đưa đất nước ra khỏi sự nghèo đói. Tương tự chúng ta tiếc những đề xuất cải cách của Nguyễn trường Tộ với nhà Nguyễn.
3/ Quyền về tư hữu: triết gia John Locke có ảnh hưởng sâu đậm cho nền dân chủ đầu tiên của thế giới mà các nhà cách mạng Hoa Kỳ, đã dựa theo để hô hào về quyền tư hữu. Người dân mượn tiền mua nhà, mua đất và chịu khó làm việc, trả nợ thì 15-30 năm sau sẽ sở hữu được cái nhà, xưởng hãng , đất đai của mình khác với các nông dân Tầu, bị cưỡng chế đất đai của họ đang trồng trọt, để các đại gia xây dựng các thương xá, binh đinh ma, không ai ở mà nếu bị động đất thì sẽ xụp đổ như các lâu đài bằng cát. Ông Ai Wei Wei đã đi tìm sự thật thì bị bỏ tù và căn nhà của ông ta bị dập xập.
Xin nhắc lại, các người di dân đầu tiên, làm công cho chủ theo giao kèo, sau một thời gian sẽ được chia đất để làm chủ, canh tác. Do đó người Mỹ, chủ đến trước, phải chiếm thêm đất của người da đỏ để chia cho nhân công đến khi họ nghĩ ra cách; bắt dân phi châu, đem sang làm nô lệ thì không còn phải chia đất nữa.
4/ Y khoa hiện đại: Nước Senegal, Phi Châu có tỉ lệ thương vong, trẻ em chết non cao gấp đôi khi dành lại độc lập từ nước Pháp. Chứng tỏ thực dân pháp đã đem lại nền y tế khá hơn dân bản địa. Mình nhớ đi đường Đèo Ngoạn Mục về Ninh Chữ thì con đường của thực dân Pháp làm khi xưa còn chắc chắn, còn khúc đường do chính phủ hiện thời làm thì bỏ dở dang, mau hư. Hôm qua thấy trên Facebook, mấy cột đèn mới xây đã bị ngã trong khi mấy cột đèn ở đường Hai Bà Trưng, Đà Lạt, được xây dựng từ thời Tây vẫn còn đứng vững. Các tuyến đường xe lửa ở Việt Nam, đều do người Pháp thành lập hay quốc lộ,..
5/ Xã hội tiêu dùng: mình bị choáng ngợp khi đến Hoa Kỳ lần đầu tiên, coi đài truyền hình, bị xen kẽ bởi các chương trình quảng cáo khác với Âu Châu, ngoại trừ đài Canal + mới được thành lập. Có tiêu dùng thì mới đẫy mạnh kinh tế, mới phát triển. Sự đòi hỏi tiêu thụ, đã khiến dân Mỹ làm việc như điên, ít khi lấy hè như dân Âu Châu. Đời sống tiện nghi, ăn uống rẻ so với Âu Châu hay ngay cả Việt Nam bây giờ.
6/ Đạo Đức làm việc: ngày nay người ta tổng kê lại là người dân Nam Hàn làm việc hơn người dân Đức cả 1,000 tiếng đồng hồ mỗi năm dù người Đức, nổi tiếng làm việc nhiều nhất Âu Châu, do đó người ta lo ngại trong tương lai, các nước Âu Châu hay Hoa Kỳ sẽ bị các nước khác ở Á Châu, qua mặt và bỏ họ lại xa. Trong cuốn phim Zeitgeist, có phỏng vấn một người Áo, đầu tư ở Ấn độ. Ông này kể là ở quê hương của ông ta, giới trẻ học để làm thầy giáo cho nhàn trong khi sinh viên Ấn độ, cố tâm học các ngành kỹ sư. 20 năm sau sẽ thấy sự khác biệt.
Có một giáo sư Ấn độ kể là khi xưa, khi nói đến Ấn độ là người ta nghĩ đến các Fakir, ngồi thổi kèn cho rắn múa, nằm trên các giường đinh,.., ngày nay ông ta hay bị các sinh viên trong đại học, chận lại nhờ sửa cái laptop cho họ. Số người làm việc trong các tiệm ăn Ấn Độ ở Anh Quốc, đông hơn các thợ thuyền trong các hầm mõ hay hãng đóng tàu Anh quốc vì the Empire strikes back.
Ông William Casey, cựu giám đốc cơ quan tình báo có trả lời các câu hỏi cho một bài đăng trên New York Times về ngày tàn của đế Quốc Mỹ. Mình đọc bài đó khi mới sang Mỹ nên cũng hơi lo, không biết có nên định cư ở Hoa Kỳ hay làm việc một thời gian rồi khăn gói đi làm việc ở Á Châu vì theo lịch sử nhân loại thì những năm trước công nguyên, cái nôi của nền văn minh La Hy được tập trung xung quanh biển Địa Trung Hải, như Babylon, Hy Lạp, Etrusque, La Mã,… sau khi Kha Luân Bố khám phá ra châu Mỹ thì các cuộc di dân từ Âu Châu sang Hoa Kỳ, khiến Đại Tây dương trở thành cái nôi của các nền văn minh của thế kỷ 19-20. Ngày nay các nước như Nhật bản, Trung Quốc, Nam Hàn, Tân Gia Ba, miền Đông Hoa Kỳ, Nga, Úc Đại Lợi,..tạo nên cái nôi của của văn minh Thái Bình Dương của thế kỷ 21 . Cuối cùng thì gặp đồng chí gái nên ở lại, xin nhận nơi này làm quê hương .
Cái hại của xã hội tiêu dùng là con người làm ra đồng nào, xài đồng nấy. Hết tiền thì mượn Ngân hàng, trả không được thì khai phá sản. Vì lẻ đó mà trước khi ngành tài chánh Hoa Kỳ bị khủng hoảng vào những năm 2008, các Ngân hàng đã lobby Quốc hội, một đạo luật về phá sản khiến người ta không dễ đang khai phá sản như xưa và nếu được thì vẫn phải trả sau này. Mình nhớ có một bà Mễ, đi làm nhà hàng được $18,000/ năm mà vẫn được đám bán nhà dụ mua cho được một căn nhà $500,000, với tiền lời năm đầu trả đâu có $1,500/ tháng. Bà này kêu Tạ ơn chúa, con đã thực hiện giấc mơ Hoa Kỳ. Bà ta cho thuê 3 phòng ngủ, mỗi căn $500.00/ tháng vị chi được $1,500/ tháng, coi như ở không tốn một xu. Đến năm thứ 2 thì tiền nhà lên $3,800/ tháng thì ôm đầu máu , bỏ của chạy lấy người.
Ngày nay Hoa Kỳ nợ như chúa chổm; nghe nói nợ Tầu trên 4,000 tỷ, nợ Nhật trên 2,000 tỷ,...cho nên một ngày nào đó phải trả. Tổng thống Obama muốn cứu nguy nền kinh tế nên cho in tiền để bơm vào thị trường chứng khoán, cứu các ngân hàng vì cho mượn nợ xấu,.... Thật ra con cháu của thế hệ mình sẽ trả cho nên trong tương lai sẽ có những cuộc khủng hoảng về tài chánh mà khó ai định lượng được tầm mức của chúng.
Có thể, 1,000 năm sau học sinh sẽ học về lịch sử, năm 2015 chúng ta đang sống trong sự khởi đầu của sự suy vong của đế quốc Mỹ mà ông Casey, cựu giám đốc tình báo CIA đã cảnh báo mấy năm trước khi qua đời tương tự khi xưa các tướng của đế chế La Mã,chỉ lo hưởng thụ thay vì ra trận, đi chiếm đóng các nước xa lạ.
Nhs