Các sử gia cho rằng tôn giáo là một phương tiện nhằm bảo vệ trật tự xã hội, giúp tổ chức, cộng tác giữa những người xa lạ trên thế giới, có cùng những nguyện vọng hướng thượng về tâm linh. Càng ngày khoảng cách giữa tôn giáo và khoa học được thu hẹp thì cái hố ngăn cách niềm tin và tâm linh tính càng được nới rộng. Tôn giáo là sự thỏa thuận giao dịch trong khi tâm linh tính là một hành trình về mặt tri thức.
Tôn giáo giải thích rõ ràng sự hoàn thành của thế giới, cho chúng ta những đồng thuận được định nghĩa khá rõ ràng. Thượng đế hiện hữu. Thượng đế bảo chúng ta phải hành xử, cư xử theo những quy luật nhất định. Nếu chúng ta vâng lời thượng đế thì sẽ được lên thiên đàng. Nếu chúng ta không vâng lời thì sẽ bị thiêu đốt dưới địa ngục. Sự giải thích các điều luật một cách minh bạch giúp xã hội tạo dựng dựa trên những căn bản và giá trị chung để giúp chỉnh đốn hành vi và đạo đức con người.
Trong phim 10 điều răn, khi ông Moise đem đám dân Do Thái về miền đất hứa, thoát đời nô lệ. Sau khi tránh được quân đội của Pharaon đuổi rượt theo thì các người nô lệ bắt đầu vui chơi, thác loạn không nghe lời ông moise khiến ông ta phải lên núi. Mất mấy ngày để đẻo khắc 10 điều răn, đem xuống núi, kêu do chúa ban khiến đám nô lệ sợ, phải phục tòng, và theo các luật lệ của Chúa răn dạy.
Có một nhân vật mà hồi nhỏ mấy ông tây bà đầm hay kể là Jeanne D’Arc, được xem là thánh của tây đầm. Nghe kể cô này được thiên chúa hiện ra, bảo đi tòng quân giúp vua, đánh quân Anh Quốc rồi bị bắt, đưa lên dàn hoả nên mình cảm thấy ngu ngu ngớ ngớ. Sau này qua Tây, mình có xem hai phim nói về cuộc đời của bà thánh này.
Dạo mình đi làm ở Anh Quốc, nói chuyện với tụi bạn về Jeanne d’Arc thì bọn chúng kêu, tụi tao cho lên dàn barbecue rồi cười hố hố. Mấy ông tây dạy là thiên chúa toàn năng, sao lại không cứu bà Jeanne d’Arc, người đã nghe lời Thiên Chúa. Câu hỏi mình đặt ra từ 50 năm qua đến nay vẫn chưa tìm được câu trả lời.
Những hành trình tâm linh thì khác hẳn với tôn giáo vì chúng có thể đưa con người đến những nơi vô định. Cuộc thám hiểm thường được khởi đầu bằng một câu hỏi, như Tôi là ai? Cuộc đời có ý nghĩa gì? Thế nào là thiện? Thế nào là ác? Những câu trả lời mà đa số người ta chấp nhận, không thoả mản sự tò mò của những người tìm kiếm về lãnh vực tâm linh. Do đó người ta sẵn sàng đeo đuổi con đường tìm về tâm linh, đưa họ về những nơi xa lạ.
Khi xưa, con người sống trong làng mạc nên sinh hoạt hay suy nghĩ chỉ lanh quanh trong phạm vi của ngôi làng nhưng cũng có người tự hỏi ngoài ngôi làng có những gì, tò mò ra khỏi làng để đi xa tương tự như nhân vật Marius trong cuốn truyện cùng tên do nhà văn Marcel Pagnol kể. Anh chàng này sống ở bến tàu Marseille, hàng ngày thấy những chiếc tàu nhổ neo ra khơi. Anh ta đứng trên bờ nhìn theo những cánh buồm rời cảng rồi một ngày, không chịu được sự thôi thúc của sự tò mò, anh ta đã xuống tàu ra khơi, đi tìm đáp số cho câu hỏi của mình, bỏ mặc cha già, cô bạn gái đang có mang….
Khi ông Phật, một thái tử, ra ngoài thành, thấy người ta đau khổ rồi chết, khiến ông ta đặt vấn đề về cuộc đời,…khởi hình cho chuyến hành trình tâm linh của ông ta đến khi giác ngộ. Sau này, rất nhiều người từ đông sang Tây, bắt chước đi tìm câu trả lời, nhất là khi gần đến tuổi già. Những hành trình của những người khác, chưa chắc đã đem lại cùng đáp án của ông Phật. Có lẻ vì vậy mà chúng ta nghe nói đến nhiều Phật, vào chùa thấy thờ phượng rất nhiều La Hán,… người ta cho hay ai cũng có thể thành phật nếu bước theo con đường dẫn đến hành trình tâm linh.
Hôm trước, có mấy người bạn ghé nhà ăn cơm thì được biết một cặp vợ chồng mình quen khi xưa, có con đi chung đoàn hướng đạo với con mình. Sau này, con cái lớn khôn, hai vợ chồng năng đi chùa, đi làm việc thiện, gây quỹ giúp chùa,..đi học đạo với các thầy. Nay nghe hai vợ chồng đang ly dị, bà vợ sợ ông chồng đã về hưu ăn hết tiền lương của bà. Có lẻ cuộc hành trình tâm linh của họ đưa đến những đáp án khác nhau. Chán Mớ Đời
Dạo con mình học trung học, thầy giáo bắt chúng đọc sách của Hernan Hess khiến mình thất kinh vì khi xưa, bằng tuổi con, mình chỉ học văn tế Nguyễn Văn Thành. Đọc sách của ông này rồi viết tiểu luận, giúp chúng bắt đầu tự hỏi về cuộc đời là gì? Đạo Đức là gì? Cái Thiện hay cái ác? Chúng được dạy về khổng giao, thiên chúa giáo, phật giáo, hồi giáo,…nói chung tất cả đạo nổi tiếng trên thế giới.
Đại học tây phương là nơi người ta đến học để tìm hiểu về bản thân, mục đích cho cuộc sống, kiến thức tổng quát nên được giảng dạy về toán học, triết học,.. Đến khi hệ thống giáo dục của Weimar được tạo dựng để huấn luyện, đào tạo con người thành những dụng cụ sản xuất, giúp phát triển cuộc cách mạng kỹ nghệ. Sinh viên được giảng dạy chuyên về ngành sản xuất nên ít có thời gian để định nghĩa về cuộc đời thay vì lăn xả vào kiếm tiền theo chủ nghãi tiêu dùng của ngày nay.
Người ta gọi hành trình tâm linh, ảnh hưởng của di sản của tôn giáo nhị nguyên, luôn luôn có cái thiện và cái ác đi chung tương tự ở á đông, người Tàu hay dùng thuyết âm dương dịch lý.
Chủ nghĩa nhị nguyên giúp con người thoát khỏi xiềng xích về vật chất, giúp chúng ta trở về thế giới tâm linh, xa lạ. Cuộc hành trình này khác với tôn giáo vì các tôn giáo luôn luôn muốn định nghĩa những thứ tự, trật tự trên thế giới, để các tín đồ tuân theo trong khi hành trình tâm linh muốn tránh xa, thoát khỏi các ràng buộc này.
Mình bị thiên hạ chụp mũ khá nhiều, cho mình là vô thần, thậm chí có người còn muốn gán cho mình là duy vật biện chứng. Người Việt có cái màn là ai không đồng ý, hay có tư tưởng không giống mình là chụp mũ cộng sản hay phản động. Tiện lợi, dễ dàng khỏi cần suy nghĩ, tìm hiểu người đối thoại.
Đối với các tôn giáo, tâm linh tính là mối đe doạ rất nguy hiểm. Các tôn giáo luôn luôn tìm cách kềm giữ các tò mò về tâm linh của người theo đạo của họ. Do đó họ có những tục lệ như sám hối, xưng tội để triệt tiêu các mầm mống phản động. Trong quá khứ và ngày nay đã có nhiều người muốn thoát khỏi cái ách của nhà thờ thiên chúa giáo như trường hợp ông Martin Luther mà mình có kể rồi. Giáo hội phải có một đội binh mà người ta thường gọi Inquisition, giúp chỉnh đốn các tín đồ có tư tưởng phản động mà mình có kể về hoạ sĩ Goya của Tây Ban Nha.
Ông Luther này là một linh mục, muốn những câu trả lời về cuộc đời, từ chối với những nghi thức, dạy dỗ của Vatican, tạo dựng một phong trào chống đối giáo hội La Mã, bùng nổ. Đúng lúc ấy Guttenberg chế tạo ra máy in, giúp những bài viết của ông ta được phát tán trong các giới trí thức khắp âu châu, đưa đến sự thành lập đạo Tin Lành mà người tây phương hay gọi là Protestant. Sự phiên dịch từ Protestant qua việt ngữ không được chuẩn, không giúp các tín đồ hiểu về lịch sử của tôn giáo mình.
Theo tài liệu thì vào thời ông Luther sinh sống thì nhà thờ Thiên Chúa Giáo, hứa với các tín đồ với những thoả thuận. Nếu ai gây nên tội lỗi và lo sợ bị trừng phạt sau khi qua đời, chỉ cần mở két sắt, mua sự khoan hồng, sẽ được về đất chúa. Vào thế kỷ 16, nhà thờ dùng các tay chuyên nghiệp, đi vòng vòng qua các làng mạc, thành phố khắp âu châu để bán sự khoan hồng của thiên chúa. Nếu ai muốn nhận chiếu khán vào đất chúa. 10 lượng vàng. Nếu muốn bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ cùng về đất chúa thì thêm 40 lượng vàng. Trong phim Michelangelo, có đoạn chiếu ông đức giáo hoàng, đem quân đi đánh tứ xứ để lấy tiền bảo kê các vương quốc bé nhỏ. Gia đình nào muốn có con làm hồng y thì cúng dường nhà thờ theo giá của Vatican nêu ra. Gia đình Medici có mấy người được làm giáo hoàng nhờ cúng dường.
Ông Luther suy nghĩ về những thoả thuận hay mua bán được nhà thờ đưa ra và đưa đến kết luận là đức giáo hoàng không có quyền tha thứ những ai phạm tội. Không ai có quyền mua sự khoan hồng để được vào thiên đàng. Ngày 31 tháng 10 năm 1517, ông ta đem một xấp giấy ghi đủ 95 điều khoản chống lại các hoạt động của nhà thờ Thiên Chúa giáo, đóng xấp giấy trên cánh cửa của nhà thờ ở Wittenberg, khởi đầu cuộc cải cách phản kháng (Protestant Reformation).
Trớ trêu thay là ngày nay các giáo phái Tin Lành ở Hoa Kỳ đều khuyến khích tín đồ đóng 10% lợi tức của mình hàng tháng cho nhà thờ, khiến các tín đồ phải đi kêu gọi, rao giảng người khác trở về đạo. Gần nhà mình có mục sư nổi tiếng xây dựng được nhà thờ kính, do kiến trúc sư Philip Johnson thiết kế, khi ông ta qua đời, con ông ta thay thế tự trả tiền lương 2 hay 3 triệu đô la một năm, thư ký của ông ta được trả lương nữa triệu. Tín đồ chán đời, đi theo giáo phái khác, bị phá sản, bán nhà thờ lại cho giáo hội công giáo người Việt. Nay ôm vô, tiền bảo trì nhà thờ kính rất đắt vì phải cho chạy máy điều hoà không khí 24 trên 24.
Các cuộc hành trình tâm linh đều bi thảm và cô đơn. Với nguyên lý nhị nguyên, những ai đi theo các hành trình tâm linh, dần dần biến thành tôn giáo. Ông Martin Luther, sau khi kháng cự lại các luật lệ, lễ nghi của nhà thờ thiên chúa giáo, khiến ông ta phải viết những sách về luật lệ, tạo dựng các nghi lễ mới vô hình trung tạo dựng một tôn giáo mới.
Sự kiện này cũng xẩy đến cho ông Phật, ông Giê Su. Trong quá trình mưu tìm sự thật về cuộc đời, tâm linh chống lại các luật lệ, giáo điều của Ấn Độ giáo và Do Thái giáo nhưng rồi sau đó có nhiều luật lệ, răn cấm nhân danh của họ được ra đời.
Những suy nghĩ tìm kiếm về nhân sinh quan của ông Phật, ông Giê Su, ông Luther,..lúc đầu chỉ là mục đích cá nhân nhưng khi suy nghĩ của họ được đám đông ủng hộ thì phải viết những luật lệ, chia trách nhiệm cho cộng đồng người chấp nhận những tư tưởng của họ vô hình trung tạo thêm một những tôn giáo khác. Đám đông sinh hoạt với nhau, cần có những luật lệ để mọi người noi theo, thời gian học hỏi về các tư tưởng,…như ông Moise khi xưa, khi đem các nô lệ Do Thái thoát khỏi xứ Ai cập, về miền đất hứa, đã phải loay hoay làm 10 điều răn để người ta noi theo.
Khi mình còn độc thân vui tính, đi đâu thì đi, làm sao cũng được nhưng khi có vợ thì đồng chí gái tạo ra những luật bất thành văn rồi khi con ra đời lại có thêm những điều luật khác như ăn cơm thì không xem tivi, đọc sách, nghe nhạc,…
Ngày nay, mụ vợ cứ ôm cái iphone khi ăn còn thằng chồng lặng lẻ ngồi ăn dưới tiếng chuông nhà thờ.
Chán Mớ Đời