Brushing

Có hiện tượng lạ là người Mỹ hay nhận được nhiều hàng hoá gửi từ Trung Quốc mà họ không bao giờ gửi mua như trường hợp mình, đồng chí gái và cô Celina Salas. Cô ta kể là cách đây 3 năm, cô ta nhận được một bưu kiện, mở ra thì thấy một cái đồng hồ rẻ tiền bằng nhựa, được sơn màu vàng và không hoạt động được, madze in China. Cô ta tưởng bà mẹ mình gửi để chọc ghẹo cô ta, tặng cái đồng hồ để giúp cô ta thức dậy sớm.
Tuần trước mình cũng có nhận một gói hàng từ bên tàu gửi mà chưa bao giờ đặt hàng, chắc họ lấy địa chỉ của mình khi mụ vợ mua đồ chi trên mạng. Mở ra thấy cái đồ treo chìa khoá nên quăn thùng rác ngay. Chán Mớ Đời
Cô ta gọi bà mẹ thì được biết không phải bà mẹ gửi nên càng phân vân hơn vì sau đó cô ta càng nhận được những món hàng rẻ tiền, vô bổ, không sử dụng được từ Trung Quốc gửi sang vì địa chỉ người gửi viết bằng tiếng tàu.
Cô Salas cũng như bao nhiêu người đã từng mua hàng qua Alibaba, một công ty bán hàng của Trung Quốc tương tự Amazon của Hoa Kỳ, nhận hàng vớ vẫn này đều đều. Người ta gọi những món hàng ma như Tshirt giả của Nike, đèn pin,…nói chung là những món hàng rẻ tiền sản xuất từ Trung Quốc như những đồ chơi con nít được nhận từ các tiệm ăn MacDonalds…

Người ta ngạc nhiên và tìm hiểu vì đâu, lý do nào mà những người này nhận các bưu kiện, những món hàng mà họ không bao giờ đặt mua. Người ta khám phá ra sự thật về những món hàng này cũng như những “review”, viết giới thiệu, khen các món hàng hay công ty trên mạng như của công ty Alibaba, Âmazon,…
Năm 2014, công ty Alibaba ra IPO, bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York, được xem là công ty bán trên mạng lớn nhất Trung Quốc. Khi bán trên thị trường chứng khoán thì SÉC của Hoa Kỳ, bắt buộc các công ty phải đưa Prospectus, giới thiệu về công ty của mình, tiền bạc, ngân sách, đầu tư ra sao, chủ tịch, hội đồng quản trị,… đại khái là khai báo những cái hay và cái dỡ của công ty để công chúng tìm hiểu trước khi đầu tư, mua cổ phiếu của công ty này.
Prospectus này được nộp cho SEC, cơ quan kiểm soát về mua bán cổ phiếu ở Hoa Kỳ. Trong prospectus, có kê khai nào là có trên mấy tỷ triệu đô la hàng hoá đã được bán qua mạng này thì người ta nhận thấy có hàng chữ như sau: "sellers may engage in fictitious or phantom transactions with themselves or collaborators in order to artificially inflate their search results rankings." Phantom transactions! Các cuộc buôn bán “ma”?
Theo ông Natkin, làm cho công ty Marbridge Consulting ở Hương Cảng, và đã theo dõi công ty Alibaba ngay từ đầu, cho hay khi Alibaba được bán cổ phiếu cho công chúng thì phải công bố những dữ kiện này cho người đầu tư. Alibaba có trên 250 tỷ đô la hàng buôn bán trên mạng của họ nhưng có nhiều cuộc buôn bán được gọi là buôn bán ma. Bao nhiêu vụ thì người ta không biết, hiện tượng này xẩy ra trên mạng internet được gọi là “brushing”, một cách chơi của hệ thống của Internet.
Khi mình mua hàng trên mạng, thông thường, sau khi nhận hàng thì mình nhận email của công ty vừa bán hàng cho mình, yêu cầu mình xếp hạng thứ, mấy sao cho hàng tiêu dùng mà mình mới gửi mua, nhận được mau chóng,… tương tự cái App “Yelp” khi người ta vào tiệm ăn, rồi phê bình, khen chê ngay cả bác sĩ, nha sĩ,….ngày nay trên mạng.
Thông thường mình thấy bên cạnh mấy cái “review”, có đề “verified purchaser”, thật sự đã mua hàng vì họ sợ công ty cho người giả vờ là khách tiêu dùng lên viết, ca ngợi để quảng cáo cho chính mình. Vấn đề là các công ty như Amazon, Alibaba,…đều dùng những lời khen tặng, chê bai này để xếp hạng trong danh sách những người bán hàng trên mạng của họ. Nếu anh bán hàng mà đứng ở thứ 1,000 thi khó mà có thể bán được hàng vì khách hàng thông thường, xem đến người thứ 3, 5 là oải rồi, và đặt mua ở những công ty được xếp hạng cao hàng đầu.
Tương tự người ta quảng cáo trên Google để được xếp trong những hàng đầu, nếu không thì ít ai xem đến trang thứ 2. Mỗi lần người tìm kiếm click là Google có vài xu. Đồng chí gái có mấy thằng cháu, bán hàng trên mạng, trả tiền quảng cáo mỗi ngày đâu mấy ngàn đô, để bán cái máy Wii. Thiên hạ gửi mua nhiều mệt thở, tiền vô như nước, cuối năm mời cả dòng họ đi ăn, mơ thành triệu phú. Qua Noel, thiên hạ gửi mua để làm quà cho con, xong trả lại khiến hai thằng cháu ngọng, tiền trả cho anh em bạn bè đến phụ gói đồ gửi bưu điện nay mất toi, phải hoàn tiền lại cho người mua. Phải mượn tiền bố mẹ trả nợ tiền quảng cáo trên Google… Sợ quá hết mơ làm giàu.
Để tránh công ty của mình được xếp hạng quá thấp, các công ty này tìm ra cách mà người ta gọi là “Brushing”, tạo những cuộc buôn bán giả tạo để giúp công ty được xếp hạng cao. Họ tìm kiếm những người làm mấy vụ này cho công ty, được gọi là “Brusher”. Tiếng tàu gọi là Shaw-don, đánh bóng tên tuổi. Đa số những người tàu làm chuyện này để kiếm thêm tiền phụ trội, nhất là sinh viên.
Mấy tay Brusher này lên chat group, ai đó cần làm những vụ Brushing, như làm một vụ buôn bán giả, thường là do chính người bán hàng hay đại diện, nhờ mua một món hàng nào đó của họ trên mạng như áo quần và giày dép rồi viết lời phê bình, rất chiến, hoành tráng trên mạng rồi được trả huê hồng. Thay vì gửi đồ đặt hàng, họ gửi cho người mua (được trả tiền để brushing) những món hàng lẩm cẩm, không có giá trị nhiều, chỉ tốn tiền cước để giúp được xếp hạng cao.
Nhiều khi mấy Brusher này cần phải click vòng vòng trên trang nhà của công ty, email, gọi hỏi thêm về món hàng nào, giả bộ tìm kiếm đồ mình ưa thích, làm như họ tìm kiếm thật sự… nhưng muốn được ghi nhận trên mạng là “Verified purchaser” thì món hàng phải được gửi đi, có bằng chứng của bưu điện. Click mua rồi sẽ được công ty hoàn tiền và trả tiền công. Công ty gửi ba đồ lẩm cẩm như giấy lau tay, vớ,…
Lâu rồi mình có gửi mua trà Pủ-Yi trên mạng thì khám phá là của người Tàu bán nên đồ được gửi từ Trung Quốc sang nên khá lâu. Có lần mình nhận được một cái vòng chìa khoá, không biết từ đâu, hỏi vợ con có đặt hàng hay không vì hay dùng trương mục Amazon của mình để mua.
Có lẻ công ty mà mình đặt mua, bán địa chỉ của mình cho mấy công ty khác để họ brushing. Tò mò tìm kiếm lòng vòng, lòi ra vụ Brushing nên ngày nay mình hết dám đọc mấy cái review trên mạng. Nhiều tên viết rất dài, ai có thì giờ mà ngồi đó viết kể lể cá 1000 chữ.
Mình mới khám phá ra là bưu kiện gửi từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ rẻ như bèo trong khi gửi từ Hoa Kỳ đi Trung Quốc thì rất đắt; lý do là có thương hiệp với Trung Quốc khi xưa nên tiền cước phí bưu điện gửi từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ rất rẻ. Nay chính phủ TRump đang tìm cách bỏ vụ này thì có lẻ giá hàng mua từ Trung Quốc gửi sang sẽ đắt hơn và có thể hết vụ Brushing.
Chán mớ đời.
Hôm nay xem thư thì thấy ông thần tàu nào gửi cho bìa thư kiểu Brushing. Lý do là bưu kiện của tàu gửi sang Hoa Kỳ rất rẻ trong khi từ Hoa Kỳ gửi đi rất đắt. Hình như chính phủ Trump đang tìm cách hoàn chỉnh lại.