Glenn Canyon

Hôm sau trực chỉ Glenn Canyon, nằm phía đông bắc của Grand Canyon. Vùng này có cái đập Glenn, được xây theo kiểu đập Hoover cạnh Las Vegas. Khởi đầu năm 1956 và hoàn thành năm 1966 và tạo dựng cái hồ nhân tạo Powell, lớn thứ hai tại Hoa Kỳ.
Mình chạy vô công viên quốc gia Đại Vực rồi chạy về hướng đông, để xem cái đài quan sát rừng cháy. Trong rừng thường người ta có những cái đài để quan sát để phát hiện rừng cháy. Khi xưa mình có thiết kế một cái. Cái đài quan sát rừng cháy này khá độc đáo. Được xây bằng đá, hình ống tròn, có mấy thang cấp leo lên cao. Mình đoán cái đài mà Đắc Kỷ leo lên đứng thấy quân từ biên ải quay về rồi cười như ho gà, chắc cũng tương tự.
Ngạc nhiên là họ dùng gương chiếu màu đen để quan sát. Mùa hè thì ánh sáng gắt nên khó quan sát vì ánh sáng phản chiếu, mà khi xưa học Quang Điện, có nói đến vấn đề này, khi xe chạy trên đường thì ánh sáng phản chiếu khiến người ta tưởng trên mặt đường có nước. Họ dùng loại gương phản chiếu này để xem có chỗ nào bị cháy.
Bên âu châu, khi xưa chưa phát minh ra kính mát thì hoạ sĩ vẽ tranh ngoại cảnh đều dùng cái gương này để vẽ vì ánh sáng rỏ ràng hơn. Do đó xem tranh cỗ thường thấy phong cảnh lộn. Không ngờ họ cũng dùng gương này để quan sát rừng.
Chạy trên đường thì thấy họ đốt cỏ dưới đất để tránh hoả hoạn vào mùa hè nên có ngửi mùi khét khét gỗ cháy. Dừng lại cho đồng chí vợ và đồng chí con gái chụp hình và tiểu tiết trước khi chạy đường xa.

Tương tự Las Vegas được thành lập và phát triển trong quá trình xây dựng đập Hoover. Nhân công khắp nơi kéo về làm việc rồi cuối tuần, cần giải trí và sinh lý giúp thành phố Las Vegas phát triển. Tại đây thì thành phố Page, ngay bên cạnh cái đập, được chính phủ cho xây cất trường học, chợ phố xá để tránh biến thành phố thành ổ điếm và ăn chơi như Las Vegas.
Sau khi đập xây xong thì thành phố không phát triển như dự trù vì địa lý, nhân công và gia đình bỏ đi nơi khác kiếm ăn, chỉ còn một nơi cho du khách đến chơi, viếng cái hồ nhân tạo Powell, lấy tên theo nhà thám hiểm độc thủ John Wesley Powell. Hồ này là hồ chứa nước của dòng sông Colorado. 6 tiểu bang phải ký kết về số lượng nước của hồ này trong đó có California, Arizona, Colorado, Utah, Wyoming,...
Khu này thuộc về vùng của người da đỏ tự trị và họ cho thuê đất nên đa số các cuộc viếng thăm cho du khách đều được người thổ dân làm ngoại trừ trên cái hồ Powell. Hồ này tương tự hồ Meads của đập Hoover, cạnh Las Vegas, được sử dụng cho du khách chơi nên có bến tàu.
Mình mướn cái tàu nhỏ chở được 10 người rồi chạy vòng vòng trên hồ chơi, chạy qua mấy cái khe đá vì mùa đông thì không viếng được vì nước rút, rất đẹp rồi nhảy xuống tắm. Cứ tưởng tượng nhiệt độ là 115 độ F, nhảy xuống nước mát do tuyết tan từ các dãy núi ở Colorado chảy về. Sướng rêm mé đìu hiu. Nước hồ xuống thấp độ 4-5 mét vì hạn hán nhất là hồ này gồm toàn sỏi cát nên thất thoát nước khá nhiều.
Đậu xe ở bãi đậu xe phía trên đồi, có những người làm việc cho khu vực này dùng ATV, chở xuống bờ hồ, để lấy tàu, có chỗ bán xăng dầu cho tàu. Có nhiều người có tàu neo ở dưới, chở đồ ăn thức uống cho cả tuần hay tháng. Hồ dài trên 115 dậm trước từ cái đập, nên ai có tiền thì mua tàu, chạy trên sông chơi, hứng thì ngừng lại. Mình mướn tàu và trả tiền xăng nhớt. Họ có cho mướn mấy thứ khác như cayak, paddle board, jetski,...
Nhất là cho mướn tàu dài 75 bộ anh, có 6 phòng ngủ, có thể ở trên 15 người. Mướn tàu này xong thì chạy dọc dòng sông Colorado, cắm cọc rồi chơi trên sông như jetski, câu cá, nấu ăn,..., kiểu mướn tàu ở vịnh Hạ Long, chỉ khác là mình tự lái, muốn ngừng ở đâu thì ngừng, không có du khách khác ngoài người thân và bạn bè. Đi mùa xuân hay mùa thu thì khí hậu ít nóng hơn nhưng nước lại lạnh, không tắm được. Chán mớ đời.
Chiều về, ghé vùng gọi là "Horse shoe", cách cái đập Glenn 10 dậm, dòng sông chảy cuộn quanh một núi đá có hình móng ngựa. Thiên hạ chen nhau chụp hình và xem hoàng hôn sau đỉnh núi. Khá đẹp. Thấy có vài chiếc tàu của ai ở dưới đáy vực, đang đốt lửa trại, ngủ qua đêm.
Họ có nhiều chương trình cho du khách. Đi tàu cả tuần trên dòng sông Colorado, rồi tối tấp lại bờ, cắm trại cả tuần. Có những đoàn xe thổ mộ mà các người di dân khi xưa, đi về miền viễn tây, cũng vừa đi vừa cắm trại. Tối tối chắc cũng có trò kéo vĩ cầm nhảy điệu nhạc Ái Nhỉ Lan. Mình có dự một lần, một ngày thôi, họ cho ăn ba cái đồ ăn của mỹ cũng ngán lắm nhưng vui, nhảy nhót kiểu cao bồi, có mọi da đỏ tấn công, bắn cung tên rượt đuổi, vui ra phết. Về già ai muốn đi cái này thì báo cho mình biết, sẽ tổ chức đi chung cho vui.
Giờ ăn đến rồi, vợ kêu xơi.
Nhs