Amsterdam = cái nôi tư bản

Năm lớp 11, học lịch sử Hoa Kỳ thì mình nghe đến cái tên Peter Stuyvesant, người Hoà Lan, làm tổng trấn thành phố Manhatta, thuộc Neu Amsterdam mà ngày nay người ta gọi là Manhattan nhưng không rõ cội nguồn. Thầy nói sao thì chép vậy chớ không giải thích. Chắc thầy đọc sách rồi đọc cho học trò chép. Lại thấy thuốc lá mỹ có loại tên Stuyvesant, Salem,… đến khi làm việc ở New York thì mới lờ mờ hiểu quá khứ về ông này nhất là sự thành lập chủ nghĩa tư bản.
Mình lớn lên, nghe nói chiến tranh lạnh là sự xung đột giữa giới tư bản và cộng sản, 2 ý thức hệ cổ võ cho một nền chính trị và kinh tế, chủ trương đem lại hạnh phúc, ấm no cho loài người. Mình cứ tưởng là chủ nghĩa tư bản xuất hiện tại Hoa Kỳ nhưng sau này ở Âu châu và mỹ châu, đọc tài liệu lịch sử mới khám phá ra Chủ nghĩa tư bản được thành hình từ Amsterdam của xứ Hoà Lan nhỏ bé. Như người ta nói thiên thời địa lợi đã khiến thành phố nhỏ bé này làm nên lịch sử và đã thay đổi đời sống con người trên thế gian.
Dạo ấy, Anvers là hải cảng lớn nhất, tấp nập nhất âu châu. Các tàu buôn đều ghé lại đây. Cái khổ là vùng này thuộc Thiên Chúa Giáo. Dạo ấy có cuộc chiến kéo dài trên 25 năm giữa William The Silent, theo đạo Tin Lành, và Philip Đệ Nhị của Tây Ban Nha, theo Thiên Chúa Giáo. Cuối cùng Hoà Lan dành được độc lập còn Anvers và vùng Flanders thuộc về người Thiên Chúa Giáo mà ngày nay thuộc Bỉ Quốc, vùng nói tiếng Flamand, tương tự tiếng Hoà Lan.

Các tay cai trị hải cảng giàu có Anvers, cho thời hạn 3 năm những người theo đạo Tin Lành,…phải trở về đạo hay dọn đi nơi khác. Tương tự ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, vua chúa ra lệnh các người sinh sống ở miền nam hai xứ này như vùng Andalusia, trù phú phải trở về đạo hay dọn đi nơi khác dù mấy trăm năm qua, các người theo tôn giáo khác nhau, hồi giáo, công giáo, Do Thái giáo đều chung sống hoà bình dứoi thời cai trị của người Maure, hồi giáo. Cuộc đuổi người kiểu này đã biến vùng trù phú Andalusia, từ thời đế chế Là Mã trở thành vùng nghèo nhất vùng Iberia ngày nay.
Hải cảng Anvers, dạo ấy dưới quyền kiểm soát của người Bồ Đào Nha. Người Hoà Lan dành được độc lập từ người Tây Ban Nha mà mình đã kể nên khỏi nhắc lại đây. Vào thời ấy, hai xứ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha làm chủ trên biển cả, các chuyến đi buôn, chiếm đóng rất nhiều thuộc địa trên thế giới. Có lẻ đầu óc thủ cựu, dựa vào Thiên Chúa giáo, vô hình trung không thay đổi kịp trào lưu của thế giới về khoa học nên đã bị các nước bé nhỏ như Hoà Lan, qua mặt bỏ lại sau lưng. Ngày nay, hai nước này được xem là nghèo nhất trong Liên Hiệp Âu châu, cho thấy người lãnh đạo mà không có viễn kiến thì sẽ đưa dân tộc đến chỗ nghèo đói. Dạo mình còn ở âu châu, dân của hai xứ này, bỏ nước sang Pháp, Bỉ,…làm việc, gửi tiền về quê nhà tương tự người Việt ngày nay phải đi lao động ở âu châu, Nam Hàn, Đài Loan,…để gửi tiền về nuôi gia đình.
Những người theo đạo Tin lành, được gọi Huguenot của Pháp, Calvinist của Thuỵ Sĩ mà khi xưa, mấy ông tây bà đầm làm mình điên đầu khi học về lịch sử Tây, chả biết ai là ai. Phân nữa dân số Anvers là người theo đạo Tin Lành hay các giáo phái khác, phải bán nhà cửa dọn đi Luân Đôn, Đức quốc và số đông dọn đến thành phố Ámsterdam, một ngôi làng nhỏ có dưới 30 ngàn dân cư để lập nghiệp, cách Anvers độ 200 cây số, vẫn nói tiếng hoà lan, thay vì đức ngữ hay anh ngữ.
Năm 1594, 10 người giàu có, tỵ nạn từ Anvers, quy tụ gồm ông Martin Spill, Dick Van Os,.. thành lập một công ty có tên là Dutch East and West India Companies (VOC and WIC). Buổi họp hôm ấy cho rằng, họ có thể gửi các thuyền đi về Á châu để mua tiêu và gia vị của vùng này để bán cho thị trường âu châu, thay vì để hạm đội của Tây Ban Nha và Bồ Đồ Nha, làm chúa tể trên biển, vớt hết các vụ buôn bán này.
Các chuyến tàu đi xa, thám hiểm tìm đất mới để buôn bán rất tốn tiền nên các tay nhà giàu dạo ấy, tụ nhau để hùn vốn cho mỗi chuyến đi, giảm thiểu sự tổn thất tài chánh. Đi học đầu tư, người ta khuyên chỉ đầu tư tối đa 20% tài sản của mình vào một thương vụ, đừng bao giờ chơi banco hết tiền của mình vì dễ mất hết. Khi tàu về lại thì họ bán lấy lời rồi chia nhau theo cổ phần. Họ cử một ông quên tên, sang Bồ Đào Nha, với 300,000 Guilder, khi một căn nhà trị giá có 5,000 guilder, sinh sống để học hỏi rồi thành lập một chuyến đi về Á châu, tìm cách tránh các cảng có tàu chiến của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, dạo ấy làm mưa làm gió trên biển.
Chuyến đi đầu tiên đến Nam Dương nhưng thuỷ thủ đoàn bị bắt, sau trốn được, trở về thì không bán buôn được gì nhiều nhưng ít ra họ đã thành công và tiếp tục. Một tư duy mới là họ thành lập công ty và nói tiền vốn bỏ vào, sẽ được công ty giữ trong vòng 10 năm thay vì cứ mỗi chuyến đi và họ cho phép người dân bình thường mua cổ phiếu của công ty với vốn ít giúp công ty có tiền vốn nhiều để tổ chức các chuyến đi, khỏi mất công tìm kiếm người đầu tư cho mỗi thương vụ. Khởi đầu chủ nghĩa tư bản mà chúng ta biết ngày nay khi mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán .
Ông Dirch Van Os, mở cửa nhà ông ta để bán cổ phiếu cho người dân, ai muốn mua đều được cả với điều kiện là phải để ít nhất 10 năm. Có đến 1146 người đến mua, và công ty gom 3,600,000 guilders. Đó là khởi đầu cho chủ nghĩa tư bản tự do, ai cũng có thể tham dự, làm giàu, không phân biệt giai cấp. Ngày xưa, nếu mấy ông tây bà đầm giải thích cho mình mấy điểm này thì có lẻ cuộc đời mình đã thay đổi nhiều, ngày nay có lẻ giàu thay vì ăn bám vợ. Nhớ dạo làm việc ở Thuỵ Sĩ, tên bạn Hoà Lan, mỗi tháng, hắn lấy tiền lương bỏ mua cổ phiếu thị trường chứng khoán trong khi mình lại bỏ vào trương mục tiết kiệm. 10 năm sau, trước khi lấy vợ, mình chỉ có $25,000 trong trương mục tiết kiệm để mua căn nhà lá ở Bôn Sa. Mình tính ra nếu dùng tiền ấy mua cổ phiếu thì số tiền tiết kiệm có thể lên tới $100,000.00. Phải chi dạo ấy mình hỏi hắn thì có lẻ ngày nay giàu rồi. Rút kinh nghiệm ấy, sau này, cứ thấy tụi mỹ làm gì là mình hỏi rồi làm theo, thay vì mắc cở sợ chúng kêu ngu lâu dốt sớm. Chán Mớ Đời
Nếu người mua cổ phiếu muốn bán cổ phiếu của họ trước thời gian hạn định 10 năm thì họ đến một chỗ công cộng để bán và người mua chỉ cần đem lại công ty để đóng dấu, thị thực. Thị trường chứng khoán được thành lập từ thời ấy dù chỉ có một công ty. Ngoài ra có những công ty khác được thành lập để cạnh tranh
Dạo ấy có một nhà thám hiểm Anh tên Henry Hudson, được xem là có đầu óc khác thường như Steve Jobs, Bill Gates hay Elon Musk ngày nay. Các tay nhà giàu hay nghe ông này nói chuyện để đầu tư. Ông ta được một công ty Anh Quốc mướn để thám hiểm đi về Á châu bằng phía bắc, qua ngã Nga Sô nhưng mấy lần thất bại vì ngay ở mùa hè băng đá vẫn không tan nên không thể đi ngõ này được nên ông ta bị sa thải. Ông ta đề nghị là đi qua Đại Tây Dương, đến mỹ châu nhưng công ty Muscovy không nghe và sa thải ông này.
Sứ thần của Hoà Lan ở Anh Quốc, nghe tin ông này bị đuổi việc nên thông báo cho Amsterdam biết, và mời ông Hudson này đến Amsterdam để nói chuyện với các đại gia của thành phố này. Khi đến đây, ông Hudson rất ngạc nhiên vì dân ở đây gồm đủ loại người, tôn giáo, nói đủ thứ tiếng,… kiểu Hoa Kỳ ngày nay, văn hoá rất sinh động. 1/3 dân số theo Thiên Chúa Giáo. Lần đầu tiên, sang Hoa Kỳ chơi, mình có cảm giác tương tự ở Nữu Ước. Người Mỹ hỏi mình đến từ tiểu bang nào thay vì hỏi mình người Việt như người âu châu hay hỏi mình nên mình thích sang Mỹ làm việc từ đó.
Xin phép mở ngoặc. Mình hay đi chơi ở Hoà Lan vì có tên bạn rất thân, người Hoà Lan thì thấy người dân xứ này rất thoáng. Nhà của họ ở mặt đường nhưng không có màn, phía ngoài nhìn vào thấy cha con đang làm gì, không có vụ kéo màn, che như ở pháp, Ý Đại Lợi,…. Việc này ảnh hưởng từ thời phát triển xứ này, nhà dưới thường làm văn phòng buôn bán do đó không có màn che.
Có lẻ vì vậy khi người ta đến phố đèn đỏ, thì thấy mấy cô gái ăn bận cực nóng, ngồi nơi ghế salon, phơi bày thương hiệu của họ. Tên bạn hoà lan nói, nếu hắn sinh ra ở bên kia đường thì có thể gia đình hắn theo đạo Tin Lành, thay vì Thiên Chúa Giáo. Tinh thần của họ rất cởi mở, chấp nhận sự khác biệt.
Ông Hudson này được công ty Hoà Lan mướn để thám hiểm đi về Á Châu qua ngã Nga Sô, có lẻ họ sợ đụng phải tàu chiến của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chiếm đóng tại các cảng ở Phi châu và Ấn Độ dương. Ông ta nói ra sao cũng bị người hoà lan bắt nên đành phải đi. Cuối cùng ông ta chạy lên vùng phía bắc Thuỵ Điển rồi quay ngược chạy về hướng Tây, đến mỹ châu.
Ông ta lò mò thấy con sông, nên chạy vào xem mà ngày nay, người ta gọi con sông Hudson, mang tên của ông. Ông ta chiếm vùng Manhatta, có nghĩa hòn đảo với nhiều đồi, nay gọi là Manhattan, rồi đặt tên vùng mới chiếm đóng này là New Netherland, thuộc về người Hoà Lan. Nhờ chạy vào con sông Hudson mà ông ta thấy có nhiều con Beaver, hải ly mà lông của chúng rất đắt tiền ở âu châu, khiến công ty hoà lan cho người sang định cư ở vùng này, đặt tên Hoà Lan như Neu Amsterdam, State Island, Brooklyn,…đều biến thành anh ngữ sau này. Cứ bắt thú lột lông đem về âu châu để bán kiếm tiền.
Khi ông ta trở về thì công ty hoà lan mới gửi người sang định cư ở vùng mới chiếm đóng ở Hoa Kỳ như New York ngày nay, đặt tên là New Netherland. Dân tận cùng bần số, đa số là người vùng Flandres, Bỉ quốc ngày nay, nói tiếng Pháp xin đi, vừa trai vừa gái kiểu người Việt mình sau 75, đói khổ quá, vượt biển để tìm sự sống.
Dạo ấy, người ta cưa cây để làm gỗ bằng tay nên rất lâu, đến khi ông Cornelis Corneliszoon, làm chủ nhiều quạt gió, phát minh ra cách dùng cái quạt gió để cưa cây nhanh hơn 30 lần, giúp thợ thuyền đóng các tàu lớn hơn trước, đúng lúc người Hoà Lan lại đổ xô đóng tàu đi buôn khắp nơi trên thế giới, giúp họ từ một nước bé tí, trở thành giàu có nhất thế giới qua chủ nghĩa tự do mậu dịch.
Kỹ nghệ đóng tàu ở Hoà Lan được thăng tiến, đóng tàu cho các cuộc thám hiểm, buôn bán khắp thế giới giúp thành phố Ámsterdam phát triển, được nới rộng to lớn ngoài các tường thành của thành phố. Dạo ấy người ta dùng thuyền nhiều nên khi xây dựng thêm thành phố này, họ đã cho xây các con kênh để thuyền bè có thể di chuyển dễ dàng. Xây cất nhà cửa thì họ dùng các cọc bằng thân cây, đem từ Thuỵ Điển về để đóng xuống đất làm móng cho chắc vì gần biển.
Có đến 75 chiếc tàu được gửi đến Á Châu để buôn bán, đem về gia vị bán cho người âu châu ưa chuộng. Khởi sự thời vàng son của xứ Hoà Lan. Các tay buôn giàu có nên giúp các nghệ nhân như giai cấp giàu có ở Ý Đại Lợi. Thông thường, nghệ thuật khi xưa, chỉ dành cho nhà thờ hay giới quý tộc nhưng dạo ấy, người bình thường vẫn có thể mua tranh của nghệ nhân, vẽ những cảnh bình thường,…
250 năm trước khi thành phố Amsterdam, trở thành cái nôi của chủ nghĩa tư bản tự do, Anh Quốc bị nạn dịch, tiêu diệt hết 50% dân số của họ. Trước đây, đất dùng để trồng trọt, nuôi người Anh Quốc nhưng sau nạn dịch thì đất đai thừa thải khiến nông dân sử dụng đất đai để nuôi cừu làm len, tơ sợi,… giúp ngành dệt vãi của Anh Quốc trở nên quan trọng. Cùng lúc đó, các người Pháp theo đạo Tin Lành, bị Nhà thờ Thiên Chúa Giáo áp bức mà ông tây bà đầm dạy mình gọi Huguenot, trốn chạy qua Anh Quốc, định cư phía đông của thành phố Luân Đôn mà ngày nay dân vùng này, thường được gọi East End, nói giọng Cockney. Đa số là những người làm nghề dệt vãi ở Pháp nên ngành dệt của Anh Quốc bùng lên.
Huguenot nói chung là người pháp theo đạo Tin Lành, có thời là 10% dân số Pháp quốc, sau bị bạc đải, bị giết nhiều mà học lịch sử pháp khiến mình điên về La guerre des religions, chiến tranh tôn giáo, chả hiểu thằng tây con đầm nào cả. Sau này họ bị tàn sát và đến thời vua Louis 15, coi như không còn ai ở trên nước pháp. Đa số bỏ chạy trốn sang Anh Quốc, Hoà Lan, Thuỵ Sĩ và Mỹ châu.
Người dân của nền Cộng hoà Hoà Lan buôn bán với tất cả mọi người ngay cả kẻ thù của họ, nói lên tư duy của người theo chủ nghĩa tư bản. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ bán lúa gạo cho Liên Xô, dù họ tiếp tế đạn dược cho Hà Nội để bắn giết lính mỹ.
Năm 1664, thành phố New Amsterdam trở thành New York. Anh Quốc đem tàu chiến đến bao vây New Amsterdam, Peter Stuyvesant, tổng trấn của vùng đất Hoà Lan ở Bắc Mỹ, mời người Anh Quốc đến để bàn giao thành phố để tránh đổ máu và tàn phá của thành phố, giúp thành phố này trở thành trung tâm tài chánh của thế giới ngày nay. Cuộc chiếm đóng Nữu Ước, nói lên sự tàn lụi của Hoà Lan và Anh Quốc đang trên đường trở thành đế quốc rộng nhất lịch sử loài người.
Tình cờ một ông y sĩ người anh, khám phá ra sinh tố C, cần thiết cho các thuỷ thủ nên giúp Anh Quốc bá chủ các đường biển thời đó, hải quân của Anh Quốc mạnh nhất thế giới. Tài liệu cho thấy trong thời gian các tàu xuất phát từ âu châu đi tìm các thuộc địa mới, đã mất trên 2 triệu người trên tàu vì thiếu sinh tố C. Lý do ăn toàn lương khô nên thiếu sinh tố C, gây bệnh tật, chết nên sau này các thuỷ thủ đoàn Anh Quốc đều được bồi dưỡng rau cải rất nhiêu, ăn chanh và cam khi tàu cập bến tịa một cảng nào.
Dạo mình ở New York thì cứ tưởng là Hoa Kỳ tương tự như thành phố này nhưng khi hãng gửi đi công tác ở các tiểu bang khác thì khác xa hoàn toàn. New york theo mình là thành phố độc nhất vô nhị, khi còn trẻ nên sống ở đây một thời gian, cả phí tuổi thanh xuân. Mình sống ở Paris được 8 năm, 2 năm ở Luân Đôn và 5 năm tại Nữu Ước, 2 năm ở Thuỵ Sĩ, 1 năm ở Ý Đại Lợi.
Năm 1665, Luân Đôn bị nạn dịch, giết trên 100,000 người dân và năm sau thì thành phố bị lửa cháy tàn phá gần hết trung tâm thành phố. Thành phố này được thành lập bởi đế chế Là Mã để làm tiền nên họ xây dựng lại rất nhanh.
Họ cho phép người Do Thái bị trục xuất khi xưa, trở lại làm ăn vì cần tiền của họ. Đa số người Do Thái đến từ vùng Lombardie của Ý Đại Lợi. Mấy người Do Thái này, đa số là tài phiệt, cho mượn tiền nên họ dành một con đường được gọi là Lombard Street, để nhớ lại cùng Lombardie của Ý Đại Lợi.
Khi vua Henry 8, muốn ly dị để lấy vợ khác nhưng Đức giáo hoàng không chịu nên ông ta bỏ thiên chúa giáo và thành lập nhà thờ Anh Giáo. Luôn tiện ông ta trục xuất các dòng tu của Thiên chúa giáo và tịch thu đất đai của nhà thờ và cho người theo ông ta.
Khi hỏa hoạn xẩy ra tại Luân Đôn, giới có đất đai khám phá một cách làm giàu mà họ gọi Landlord. Họ cho mướn đất của họ để người ta xây nhà cửa trong vòng 50 năm. Họ chỉ được trả tiền thuê đất và càng ngày càng giàu vì con cháu cứ tiếp tục cho thuê đất tạo dựng một giai cấp giàu có nhiều thế hệ từ mấy trăm năm nay mà mình thấy tương tự ở Ý Đại Lợi.
Ở Paris, mình có quen một gia đình, khi xưa rất giàu có, có nhiều chung cư nay thế hệ cháu của họ thừa hưởng, chia 5 xẻ 7 nên tài sản bị chia ra rồi con cháu đem bán nên chả còn gì. Mình quen họ năm 1978 mà lần về Paris, cách đây 3 năm đã thấy hiện trạng này thì thêm một đời, coi như chả còn gì. Ở Ý Đại Lợi, mình có quen một tên ý, gốc Do Thái. Dạo mình ở Ý Đại Lợi, hay ghé thăm bà nội hắn, giàu mới được bà ta giải thích, các chung cư của bà ta cho mướn, không được bán từ nhiều đời qua. Nay thằng bạn cứ ăn không ngồi rồi đi chơi, người mướn nhà trả tiền nhà hàng tháng.
William of Orange, còn được gọi Willem đệ nhị, nhiếp chính của cộng hoà hoà lan, cháu ngoại của vua Charles 1 của Anh Quốc bị chém đầu khi thua cuộc nội chiến, con rễ của vua James. Ông ta theo đạo Tin Lành, được người Anh theo đạo Tin Lành hổ trợ, đem 500 chiến thuyền đến Anh Quốc và lên ngôi vua của vương quốc Anh vì ông ta là người Anh. Ông bố vợ bỏ ngôi vua, chạy trốn. Ông vua William II này làm xứ Hoà Lan mắc nợ nhiều, giúp xứ Anh Quốc trở thành một nền chính trị như ở Hoà Lan, đưa đến sự suy vong của xứ Hoà Lan này vào thế kỷ 18, giúp Anh Quốc trở thành một đế quốc rộng lớn mà người Anh Quốc, kêu mặt trời không bao giờ lặn ở xứ Anh Quốc.
Nếu không có ông vua theo đạo Tin Lành này thì có lẻ, Anh Quốc không trở thành một đế quốc rộng lớn một thời. Cho thấy tư duy, ý thức hệ rất quan trọng cho sự thành công của một cá nhân, hay một quốc gia. Mình hay nghe người Việt kể chuyện, chép miệng khi nói về một sự thất bại trong đời “cái số mình như vậy thì chịu”. Người tây phương thì khi thất bại, họ kiểm điểm lại để xem xét nguyên do bị thất bại để rồi thay đổi cách làm việc còn người Việt chúng ta cứ tại cái số như vậy hay đất nước mình như thế.
Người Hoà Lan cứ tìm hiểu lý do họ đánh mất thiên đường Amsterdam. Ngày nay thành phố này như mọi thành phố bình thường ở Âu châu cho thấy có thịnh thì có suy. Nếu người lãnh đạo không có viễn kiến nhìn xa thì đất nước sẽ không bao giờ tiến bộ tương tự một công ty mà không đột phá tư duy mới, cập nhật hoá sẽ bị phá sản như Sears, GE vào những ngày sắp đến. Công ty Apple sắp bị xụp tiệm, kêu ông Steve Jobs về. Ông này nghĩ ra cái iPod rồi iphone,….
Hôm nào rảnh sẽ kể về Luân Đôn và New York, nơi mình đã từng ở và đi làm nhiều năm. Hai trung tâm tài chánh quan trọng nhất của Tây phương.
Xong om