Chuyện tình máu lửa

Nhớ dạo ở Luân Đôn, tình cờ có người rũ đi nghe nhà văn Duyên Anh từ Ba Lê sang nói chuyện, nhưng vào giờ chót nhà văn mà mình ái mộ nhất thời còn bé không qua được khiến mọi người buồn nản kéo nhau ra về ngoại trừ vài người nên mình nán lại nghe họ đàm đạo.
Trong đám đa số là người đi từ miền bắc, có vài người thuộc loại văn sĩ gốc hoa, bị vc đuổi về tầu rồi họ trốn qua hongkong và bà Thatcher nhận cho quy chế tỵ nạn qua Anh quốc sinh sống. Mình ngồi nghe mấy người này nói chuyện, được xem là lần đầu tiên nghe người đi từ miền bắc nói chuyện về văn hoá miền bắc cũng là lần đầu tiên mình nghe những từ khắc phục, tranh thủ, nhất trí,..., khiến mình như bò đội nón, tự hỏi mình đã mất gốc hay sao mà không hiểu người Việt nói chuyện.
Trong số người này có một anh, không biết tên và nay cũng không nhớ. Sau vài chai bia, anh ta kể về cuộc tình máu lửa của anh ta rất cảm động rồi đọc cho bài thơ của anh ta làm, thương nhớ về người tình đã xa, sau đó mình qua New York làm việc nên cũng quên tuốc.
Một hôm có nhóm bạn rũ mình làm báo xuân bán để gây quỹ giúp các người Việt tỵ nạn đang còn lây lất ở các trại tỵ nạn ở Á châu. Đám bạn kêu mình viết cái gì đó để đăng nhưng mình thì không rành tiếng việt nên không rặn được một chữ.

Tới ngày làm báo, cả đám réo nhau ghé đại học Princeton, có anh bạn tên M làm trong đại học, coi về hệ thống điện toán của trường nên anh ta dành cho cả đám vài cái máy điện toán dành cho sinh viên, được cài đặt phần mềm đánh tiếng việt.
Viết không được nên mình xung phong đánh máy rồi có một anh hay chị khác lo phần lay out,... Trong đám có một cô tiếng việt không rành mà lại đánh tiếng Việt nhanh như gió chớp. Mình đánh chưa xong một trang trong khi cô ta đánh cả 20 trang, nghe nói nay ở Texas.
Cuối cùng mọi người nói cần thêm truyện tình gì để giúp tờ báo bớt chán vì toàn tin tức tỵ nạn. Mình liều viết kể lại chuyện tình của anh chàng văn nghệ sĩ người Việt gốc hoa, gặp một lần ở Luân Đôn rồi đưa cho người lo lay-out rồi cũng quên mất tiêu. Ai ngờ!
Mấy tháng sau mình nhận được một lá thư từ trại tỵ nạn của một chị nào đang ở trại Whiteheads (Bạch Thủ), bảo là người đàn bà trong chuyện là chị và hỏi anh bạn ngày xưa mình đã gặp ở đâu, còn sống hay chết. Có cô bạn học đại học Yale, được học bổng Fullbright, tình nguyện qua Hongkong, thông dịch cho người tỵ nạn nên có đem báo tụi này vào trại tỵ nạn. Cô này sau này được ông obama bổ nhiệm chức vụ gì về á châu.
Mình kể anh văn nghệ sĩ gốc Hoa gặp cô bạn gái từ chiến hào, trong bóng tối, ánh sáng hoả châu lấp ló khiến khuôn mặt chị ấy ló lấp rung rung trong làn đàn địch như Bo Derek trong phim Ten dập diều trong điệu nhạc Bolero của nhạc sĩ người Pháp Maurice Ravel. Ánh lửa bập bùng trên gương mặt cô gái đỏ như mặt trời cách mạng, từ từ tiến lên giao thông hào như ngọn đuốc cách mạng Lê văn 8...
Chị ta bảo không phải tôi gặp anh ấy ở ao làng trong trăng đêm như Trần Tiến kể trong bài "sao em vội lấy chồng". Anh ta đến chọc chị nhưng chị ấy không thích nhưng tối hôm sau, anh ta đem đàn Mandolin ra ao làng ngồi đánh đàn và hát tới khuya. Chị mê tiếng mandolin từ khi xem phim Doctor Zhivago đánh đàn cho Geraldine Chaplin nghe trong đêm trăng.
Chị kể cả hai là thầy giáo trong huyện, được đề cử đi học khoá chính trị bổ túc rồi khi đi về, anh ấy chở chị ta trên chiếc xe đạp, gặp trời mưa nên hai người trú mưa tại một cái chòi rồi lửa gần rơm nên hai người đã trao cho nhau. Rồi anh ta lên đường vào C, chị ở lại với sự nguyền rũa của gia đình và làng xóm vì có mang đứa bé trong lần gần gủi ấy. Đứa bé ấy chết khi cùng chị lên đường vượt biên sang Hongkong và bị người ta quăn xuống biển.
Mình hồi âm, nói là đang ở Hoa Kỳ nên không biết đâu mà tìm giúp chị về tin tức anh chàng đánh đàn ngày xưa. Thư sau, chị ta hỏi mình có biết quen ai ở Luân Đôn để chị ta viết thư nhờ xem. Mình chỉ nhớ có lần đi ăn Đỉm Sấm ở phố tàu Luân Đôn, có gặp chị đẩy đồ ăn, người Việt gốc Hoa tên Hương. Chị có mời về nhà ăn cơm với ông chồng hay bồ chi đó nên gửi địa chỉ của chị Hương cho người trong trại Whiteheads rồi quên tuốc.
Ai ngờ mấy năm sau thì nhận được thư từ Luân Đôn có tấm hình của anh chàng đánh mandolin mà mình có gặp mặt một lần khi đi xem hụt nhà văn Duyên Anh. Tấm hình anh chàng này chụp chung với một bà nào thêm lá thư của chị ở trại tỵ nạn Whiteheads năm nào. Chị ta cám ơn đã mai mối khiến chị gặp lại được người tình đánh mandolin ở Luân đôn.
Cuộc đời lạ, chị Hương là em họ của anh chàng đánh mandolin nên khi nhận thư của chị ở Whiteheads thì người làng với nhau nên chị ta xin đi Anh Quốc dù đã được chính phủ Hoa Kỳ xét đơn. Mình nhớ có ghi chép lại bài thơ và có trích trong bài đặc san tết, để hôm nào lục mấy cuốn sổ tay một thời để xem lại. Cách đây vài năm, mình tình cờ có đọc lại bài thơ thấy vẫn hay như độ nào ở Luân Đôn.
Nhs