Mùa xuân vắng mẹ

Tết này là tết thứ 49, mình đón xuân vắng mẹ. Tự hứa sang năm đúng 50 năm rồi về ăn Tết với gia đình. Mình nhớ mãi cái Tết đầu tiên xa nhà, một mình trong căn phòng ô sin, lạnh giá ở Paris. Lúc đầu mình tính ăn Tết xong rồi đi tây, vì đã trễ niên học nhưng ông cụ mình bảo đi ngay vì tình hình chiến sự, Việt Nam Cộng Hoà vừa mất tỉnh Phước Long, sợ đôn quân, cấm không được xuất ngoại. Hỏi ra mình là tên đầu tiên của niên khoá 73-74 rời Việt Nam, mấy ngày sau là HCC . Coi như ăn Tết cuối cùng ở Việt Nam là năm 1973, rất nhiều kỷ-niệm.

Mình đến Tây mấy tuần trước Tết 75, nếu không lầm là năm Con Mèo. Ma mới nên không quen ai người Việt cả nên đêm giao thừa, chỉ biết thu mình trong căn phòng nhỏ, thì thầm bài hát khi xưa, mỗi lần Tết về là nghe đài radio, phát thanh “Xuân này con không về” của Trịnh Lâm Ngân, bài ruột của ca sĩ Duy Khánh: "con biết bây giờ mẹ chờ em trông, khi thấy hoa đào..." mình không thấy hoa đào chỉ thấy bông tuyết rơi như nước mắt của người con xa xứ lần đầu.


Mẹ mình tại Kyoto, Nhật Bản năm 2019
Khi xưa hàng năm cứ đến Tết, ông cụ mua băng nhạc Trường Sơn của ông Duy Khánh, nghe rỉ rả trước và mấy ngày Tết. Những bài hát như Đêm Đông, Chiều Mưa Biên Giới nhất là Xuân Này Con Không Về, mình có nghe như nước đổ đầu vịt, không để ý nhưng trong đêm Giao Thừa xa xứ đầu tiên thì lòng mình bồi hồi, những lời của những bài hát này bổng như dòng sông ký ức cuộn chảy từ tâm khảm kéo về. Lúc đó mới hiểu tâm sự của ông cụ, xa quê vắng mẹ nên cứ nghe Duy Khánh hát đi hát lại. Ông cụ, dạo ấy xa vắng mẹ đã trên 25 năm, từ ngày du kích bao vây nhà để giết người không theo họ. Trốn thoát đêm đó, vào nam. Thêm sau 75 đi tù 15 năm, tổng cộng là 40 năm xa quê, mới có cơ hội gặp lại bà nội vài tháng trước khi bà qua đời.

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển mêng mông không đong đầy tình mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không (mình thấy bài thơ này trên tường của một tiệm ăn Việt Nam tại Budapest nên chép lại)

Bổng nhiên mình thèm được nhìn lại một giây phút thôi, một tít tắt được chìm đắm, lặn ngụp trong dung dịch không gian của mái ấm gia đình mà trước đây vài tuần, mình không để ý. Khao khát được nghe các em tranh dành, gây gổ dọa về mét anh Sơn....

Nhưng có lẻ mình thèm nhất được gặp lại mẹ dù trong giây phút. Mình tiếc sao cả đời mình chưa từng ôm mẹ, để nói con thương mẹ như bài thơ "Bông Hồng Cài Áo" của ông Thích Nhất Hạnh. Khi rời Đà Lạt, mình không nhớ có ôm mẹ hay không. Hay như bạn của ông Đổ Trung Quân, the thẻ ngày xưa, chào mẹ ta đi, mẹ ta thì khóc ta đi thì cười,… 

Mình, như bao thằng con trai mới lớn, muốn làm macho để rồi đây trong căn phòng lạnh lẻo tại Paris, chỉ biết tiếc, thèm thuồng, ước gì gặp lại mẹ, sẽ không muốn làm đàn ông, chỉ muốn ôm mẹ như ngày còn bé, đợi mẹ đi chợ về, mua quà, bánh kẹo cho. Hay khóc một dòng sông nhớ cha nhớ mẹ, nhớ em,…


Mẹ và hoa Anh-đào tại Đông Kinh 2019
Ngày xưa, cứ Tết đến, lính hay công chức, sinh viên xa nhà cũng đều nói về quê ăn Tết nhưng có lẻ họ vội vã về quê, để gặp lại mẹ hơn là ăn tết. Hồi nhỏ hay nghe mấy anh lính kêu hoặc xâm trên tay câu: "xa quê hương nhớ mẹ hiền" thì không hiểu nhưng ngày đầu tiên đặt chân xuống Paris thì mình mới ngộ câu này.

Khi nghe đến cụm từ "quê cha đất tổ", con người thấy cái gì cao xa vời vợi nhưng khi nghe đến cụm từ "quê mẹ", lòng người bổng trầm ấm lại, đầy cảm xúc như vòng tay êm ấm ngày nào được mẹ bế trên tay với giòng sữa từ khi lọt lòng mẹ, vẫn theo ta mãi đến cuối cuộc đời.

Hôm mồng một, chở vợ ra thăm mộ ông bà ngoại, thấy fong cảnh nghĩa địa tưng bừng, bao nhiêu chậu hoa, cây đào với fong bì lì xì được cắm bên các mộ phần, có người đem pháo ra đốt cho người thân. Mình cắm hương cho ông bà ngoại rồi cắm cho các mộ xung quanh, không có thân nhân ra thăm mộ trong khi vợ, ngồi thẩn thờ trước mộ song thân. Thương vợ mồ côi khi xuân đã về nhưng lòng vợ trơ trọi vì vắng mẹ cha. Mình chỉ biết lặng yên bên cạnh trong khi vợ đang chơi vơi lội ngược về giòng sông của ký ức.

Sau đó ra biển, hai vợ chồng đi một vòng rồi ghé lại Phước Lộc Thọ, chúc tết mấy người quen bán hàng. Xem thiên hạ đốt pháo, múa lân khiến mình nhớ đến tết Mậu Thân, năm cuối cùng được ngửi mùi pháo vì sau đó bị cấm. Ghé chùa thắp hương cho mấy người dì của vợ và ông bà ngoại. Thấy thiên hạ xì xụp lạy, bái xin xăm. Nếu được cái xăm xấu thì vái nữa, xin tiếp cho đến khi được quẻ tốt. Do đó ở Mỹ, cái gì cũng tốt, xấu thì bỏ đi làm lại. Một văn hoá đầy ắp tư duy tích cực, nhờ vậy họ mới tiến xa, không sợ hãi trước tương lai mù mờ. Từ từ chùa chỉ in các quẻ xâm tốt để câu like các Phật tử, được xem là chùa này linh lắm, xin gì được nấy.

Đi ăn sinh nhật cô em. Có chị bạn kêu sẽ lên thăm bà cụ trước khi đi Mỹ thăm cháu nội. Đời vui khi có bạn học cũ đến thăm mẹ mình, mỗi khi lên Đà Lạt.

Có lẻ trời phật, thượng đế đã ban tặng cho con người một người mẹ như một mùa xuân bí ẩn, khi không còn, sự côi quạnh và tiếc nuối sẽ đeo dai đẳng đến tận cuối đời như nhắc lại những khắc khoải của giấc mơ trong đêm thâu của loài người. Khi còn bà ngoại, mỗi lần Tết đến vợ mình như trẻ lại, như con nít, tung tăng, đưa mẹ đi chợ tết, đi chùa. Nay mất mẹ rồi, Tết đến nhưng vợ mình cảm thấy lạc loài, thẩn thờ trong 3 ngày tết.

Hôm qua, gọi bà cụ chúc Tết, tiền Tết thì đã gửi cho bà cụ trước rồi để bà cụ lo Tết, ngoài quê, trong nhà, nội ngoại, chạp mộ,... Mình chỉ nhớ khi xưa, bà cụ trước Tết là gửi tiền cho ôn mệ ngoại, ngoài làng để họ hàng chạp mộ rồi tại Đà Lạt, người cùng làng, họp nhau đi tảo mộ trước Tết trên mả thánh, sau đó kéo nhau về ăn bún bò ở nhà chú Thành, lái xe Lambretta trên Số 4.

Ngày nay mình ở xa nên chỉ biết gửi tiền cho bà cụ lo cho tròn bổn phận. Thằng con đi học xa, cũng tranh thủ về nhà 24 tiếng đồng hồ để cúng tổ tiên, gọi điện thoại chúc Tết ông bà nội ở Việt Nam. Hy vọng hai đứa con vẫn tiếp tục giữ truyền thống này lâu dài.

Hôm nay, cúng ông bà, đốt nén hương với lòng trầm ngâm, nhìn tấm ảnh của ông cụ, nói lên sự gian khổ của một đời người, bị đày đoạ 15 năm trong lao tù cộng sản. Với những ai còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là mùa xuân, đẹp nhất nơi quê người vì mẹ là mùa xuân, nắng ấm theo chúng ta đến cuối con đường đời.

Có khi nào em thật lòng mong ước
Phép nhiệm màu cho sống lại thời xưa
Rồi nhè nhẹ êm êm em khẻ bước
Giữa quê hương thương biết mấy cho vừa
Có khi nào em mong mùa nắng cháy
Giữa Paris em nhớ đến Đà Lạt
Những lúc ngắm dòng sông Seine cuộn chảy
Có khi nào em nhớ hồ Xuân Hương ( văn đoàn Lam Sơn)

Tết năm nay, mình vẫn ăn Tết xa nhà. Ăn Tết với mấy đứa cháu và con xong thì bay qua Florida, đi tứ xứ đầu năm. Khi có con có gia đình bé nhỏ thì phải chịu. Hy vọng sang năm về quê rồi ăn tết ở Đà Lạt sau 50 năm vắng bóng.


Nguyễn Hoàng Sơn