Andrew Carnegie

Mình cứ lộn với hai ông cùng họ Carnegie nhưng khác tên. Một là Andrew Carnegie, tài phiệt, được xem là người giàu có nhất Hoa Kỳ một thời và một ông trên Dale Carnegie, người viết cuốn Đắc Nhân Tâm.
Hồi học Văn Học bổng nhiên có ông xây dựng nông thôn, ở bên cạnh nhà kêu mình vào nhà rồi cho mượn mấy cuốn sách học làm người của Hoàng Xuân Việt và cuốn Đắc Nhân Tâm. Nghe nói ông Hoàng Xuân Việt, được xem là Dale Carnegie của Việt Nam, lo dạy người ta học làm người bị vợ bỏ nên cuộc đời về hậu vận cũng te tua. Cuộc đời ông này cũng lạ, sắp được thụ phong linh mục thì bị ngưng, nghe nói lý do sách ông ta xuất bản mà chưa đưa tổng giám mục duyệt trước. Chán mớ đời!
Dạo ấy đói sách nên sách nào cũng đọc, đọc đi đọc lại riết bị nhập tâm, không ngờ mấy cuốn sách của ông này cho mượn đọc rất hữu dụng sau này trong cuộc đời lưu vong. Nghe nói ông hàng xóm này, ngày nay rất thành công. Mình có gọi điện thoại nhưng không ai bắt điện thoại. Hy vọng lần sau về Đà Lạt sẽ có duyên.
Sau này mình đọc cuốn "Think and Grow rich" của ông Napoleon Hill thì khám phá ra ông này được ông Andrew Carnegie, trả lương trong suốt mấy chục năm, giới thiệu cho những tài phiệt khác để phỏng vấn, đúc kết thành cuốn sách, trở thành kinh thánh của những ai muốn làm giàu. Andrew Carnegie, người giàu nhất nước mỹ một thời nhưng cuối đời thì cho hết tài sản để làm từ thiện mà ngày nay người ta thấy có trên hai ngàn thư viện do ông ta tặng, nhạc viện, đại học,....

Mình ngạc nhiên vì theo quan niệm Việt Nam thì gia tài để lại cho con cháu còn ông này lại để cho từ thiện, chỉ để lại một số tiền cho vợ sống thoải mái lo cho đứa con gái. Ông ta tuyên bố:"The man dies thus rich dies disgraced.", nên tò mò tìm đọc tài liệu về ông ta thì khám phá ra ông ta hâm mộ triết gia Herbert Spencer, chuyên gia về thuyết tiến hoá của loài người nên những suy nghĩ, suy tính của ông ta dựa trên những tư tưởng của vị triết gia này.
Ông ta sinh ra tại Tô Cách Lan, nhà nghèo nên di cư sang Hoa Kỳ từ bé. Ông đến Hoa Kỳ trong thời gian nền công nghệ của nước này đang khởi đầu và ông ta làm giàu nhờ cuộc nội chiến đẩm máu. Hoa Kỳ cần thép để canh tân và xây đường sắt cho xe lửa thông thương về miền viễn tây. Cuối cùng ông ta bán sản nghiệp cho John Piermont Morgan và trở nên người giàu nhất đương thời rồi ông tặng tất cả gia tài cho các sự việc từ thiện.
Ông ta chỉ có một cô con gái, mình có nghe cuộc phỏng vấn cháu ngoại hay cháu gọi ông ta là cố ngoại. Ông này không tiếc nuối là ông cố không để lại gia tài kết xù cho bà ngoại của ông ta. Không biết nếu ông ta có con trai thì ra sao? Dạo ấy con gái, chưa được tham gia vào những sinh hoạt xã hội như ngày nay.
Sau này đọc những gì của ông quan thời nhà Thanh, Lâm Tắc Từ viết thì mới giác ngộ cách mạng: “Con cái nếu giỏi hơn ta thì cần tiền để làm gì? Người hiền đức mà giàu có thì tự nhiên sẽ suy hao chí khí. Nếu con cháu không bằng được ta thì cũng chẳng lưu cấp tiền bạc để làm gì, người ngu muội mà giàu có thì càng trở nên ngu muội”.
Ông Carnegie bị ảnh hưởng chủ nghĩa tiến hoá cá nhân nên ông ta không thích chính phủ xía vào chuyện cá nhân, như giúp đỡ người nghèo vì theo ông sẽ diệt đi tính tự lập, khả năng sống còn của con người. Tương tự ông nghĩ trả lương cao cho nhân công sẽ giảm quá trình tiến hoá của cá nhân. Con gái mình nói không thích đảng dân chủ vì nó thấy vài người thân trong gia đình, sang Hoa Kỳ, ăn welfare từ ngày đầu tiên đặt chân đến xứ tư bản giẫy chết đến 25 năm nay, ăn thì có food stamps, nhà thì được chính phủ trợ cấp nay về già thì ăn tiền già, thoải mái con gà Hưng.
Nhân công trong các nhà máy nấu thép của ông thì không có cùng tư tưởng, nhất trí với ông ta, họ đòi được tăng lương và đình công đến 145 ngày khiến hai bên đều bị thảm bại trong cuộc đấu tranh giữa công đoàn thợ thuyền và chủ nhân. Ông giả bộ đi về thăm quê nội ở Tô Cách Lan, để ông trợ tá ở lại, đàn áp nhân công một cách dã man khiến thiên hạ đàm tếu về đạo đức của ông.
Sau này tài sản của ông ta tặng để làm những việc từ thiện như xây dựng trên 3,000 thư viện khắp thế giới, trường đại học, viện âm nhạc, quỹ hưu trí cho nhân công của ông ta, và các giáo sư đại học,... Ông ta có viết một tiểu luận "Wealth" được đăng trong North America Review, trong đó ông cho sự phân biệt về lương bổng là giá phải trả cho sự tiến hoá của nhân loại và xã hội.
Thí dụ nhân công không học, chịu khó làm được trả $70,000/ năm và người chủ tốn bao nhiêu năm đại học, mượn tiền để gầy dựng công ty, được trả $85,000/ năm thì không ai chịu hy sinh thời gian, tiền bạc cho mình, gia đình để tâm trí vào công việc cho hãng xưởng, kiểu cha chung không ai khóc nhưng nếu nhân công làm $10/ giờ mà người chủ có thể được lương bổng đến cả triệu thì mọi người sẽ gắng sức để đi lên. Theo bản năng con người thì "làm theo năng suất, hưởng theo nhu cầu" như cộng sản thường rêu rao sau 70 năm bị xụp đỗ vì cá nhân ích kỷ, họ không muốn làm cho người khác hưởng ngoài trừ chính bản thân họ.
Theo ông Carnegie thì cuộc đời mỗi cá nhân phải theo 3 giai đoạn: giai đoạn đầu thì học hành, tìm hiểu nghiên cứu cho nhiều, phần thứ 2 là làm tiền cho nhiều và giai đoạn 3 là dùng tiền ấy để làm việc thiện.
Ông cho rằng sự khác biệt lợi tức, nhà cửa của một thiểu số phải đẹp, to lớn, có những bức tranh, tác phẩm nghệ thuật siêu đẳng,.., sẽ giúp cho sự tiến hoá của nhân loại. Mình sắp đi Ý Đại Lợi, sẽ đưa đồng chí gái đi thăm Firenze để xem thời Phục Hưng, đại diện bởi một thiểu số gia đình như Medici, Borghese,... Nhờ họ nhân loại ngày nay mới có những tác phẩm tuyệt vời của Michelangelo, Boticelli, Leonardo Da Vinci,... Nếu không có những nhà tư bản này thì có lẻ xã hội âu châu vẫn dậm chân tại chỗ như thời trung cỗ.
Nếu xét về nghệ thuật cùng thời ở Trung Quốc thì chỉ có những bức hoạ thuỷ mạc, nói chung thì nghệ thuật vẽ của những nghệ nhân ở Trung Quốc rất cao tay về tô màu nhưng tư tưởng truyền đạt, tư duy sáng tạo thì hơi kém, chỉ loanh quanh mấy ngọn núi với mây phủ, không thể so sánh với âu châu. Có thể nói những hoạ sĩ Trung Quốc là những thợ vẽ hơn là những hoạ sĩ thời Phục Hưng.
Gần đây mình có xem vài bức tranh thuỷ mạc cận đại của Trung Quốc, có nét tư duy mới mẻ hơn nhưng vẫn còn thô sơ vì muốn vượt khỏi cái ách của mấy ngàn năm hội hoạ của Trung Quốc rất khó. Người tàu chưa đổi mới tư duy để cảm nhận. Tranh Đông Hồ Việt Nam thì từ bao năm nay, vẫn quẹt quẹt lại những con gà con trâu tương tự tranh tàu.
Nhớ dạo mới rời Việt Nam, lâu lâu đến nhà người Việt thì thấy họ treo tranh cẩm sa cừ khiến mình cảm động. Những bức tranh này như cái nối kết giữa mình và quê hương bỏ lại mà dạo ấy thì không biết bao trở lại. Sau này thiên hạ cho mình, nhà có hai bộ 4 mùa nhưng đồng chí gái không treo, bỏ trong nhà xe.
Ông Carnegie quan niệm rằng "tranh đua" giúp loài người tiến hoá, nhiều khi rất khó cho mỗi cá nhân nhưng sẽ gạn lọc những phần tử giỏi, thông minh nhất của mọi tầng lớp. Chúng ta phải chấp nhận sự việc ấy, kinh tế, công nghệ,.., sẽ được tập trung trong tay của một thiểu số và sự tranh đua giữa nhóm người này sẽ giúp cho sự tiến hoá của nhân loại trong tương lai. Không có cách nào khác. Thuyết cộng sản đã được thử nghiệm và đã thất bại. Tư bản, nguyên lý gom góp tài sản và định luật tranh đua là đáp án hay nhất qua những kinh nghiệm của loài người.
Mặc dù tư tưởng rất cấp tiến nhưng ông ta không tin vào: để lại gia tài cho con cháu người thân vì sẽ làm hỏng tinh thần, đạo đức làm việc, lao động của con cháu. Người con sẽ không phấn đấu tạo dựng cuộc sống riêng nếu biết sẽ được thừa hưởng căn nhà, tài sản của cha mẹ để lại. Như con chim lớn lên, thay vì bay xa để làm tổ thì lại quanh quẩn bên cạnh tổ chim do cha mẹ làm sẵn, chỉ mong cha mẹ chết để ngày ấy mình làm chủ cái tổ ấy.
Trong cuốn "the richest man in Babylon", ông cha giàu nhất thành Babylon cho con đi xa để lập nghiệp, sau này người con trở về, dù đã trải qua nhiều thất bại, thăng trầm và trở nên giàu có hơn cha mình. Ông cha chỉ muốn cho người con đi xa làm ăn, phấn đấu, học hỏi kinh nghiệm để sau này gánh vác sự nghiệp của mình. Ai ngờ người con tài giỏi hơn trở thành người giàu có, thành công hơn cha mình. Nếu người con cứ lởn vởn bên cạnh cha để mong thừa hưởng gia tài thì anh ta đã mất cơ hội để làm giàu thành công, hiểu được khả năng của chính mình.
Ông ta lại cổ võ cho việc làm từ thiện, theo ông ta đó là cách đền bù, bù trừ cho sự chênh lệch lương bổng, giữa giàu và nghèo. Tài sản được thu gom trong tay một thiểu số bổng trở thành tài sản của mọi người vì cộng đồng, quốc gia đều được hưởng như 3000 thư viện, nhạc viện, đại học,...
Ông Bill Gates theo bước chân ông Carnegie, về hưu sớm rồi dùng tiền bạc của ông ta để giúp nhân loại trong cuộc đời còn lại, người Mỹ, người phi châu, á châu như Việt Nam,... Ông ta có nói:"If you are born poor it's not your mistake, but if you die poor it's your mistake". Người Việt chúng ta thì bị ảnh hưởng Nho giáo nên cứ tin vào Kinh Dịch, bói toán, tử vi rồi đổ lỗi cho số phận, tử vi của mình, duyên nợ, tự giam hãm trong một vòng định mệnh do chính tự mình đặt ra, chối bỏ định luật tranh đấu, tranh đua, an phận, sống qua ngày, rồi triết lý một câu “đời là vô thường”. Chán mớ đời!
Nhs