Ai giàu ba họ, ai khó ba đời

Dạo mình học lớp 11B có môn lịch sử Hoa Kỳ, nói đến dòng họ Van Der Bilt, giàu có nhất một thời ở Hoa Kỳ nhờ vào đầu tư ngành vận tải hàng hải và khuếch trương hệ thống xe lửa xuyên bang. Như người ta hay an ủi kêu ai giàu 3 họ ai khó 3 đời. Đến đời cháu của ông ta thì không còn gì cả, bao nhiêu tài sản của ông ta để lại đều bay hết vì con cháu, đóng thuế tài sản, chia chác rồi tiêu hết trong khi dòng họ Rockerfeller, cùng thời, tuy giàu ít hơn dòng họ Vanderbilt thì ngày nay gia tài kết xù của ông ta để lại, đến nay là đời thứ 6 lại gia tăng gấp mấy lần lúc ông ta qua đời.

Tại sao hai dòng họ nói trên, có kết cục khác nhau: một gia đình sau 3 đời thì sạch hết tiền và một gia đình thì sau 6 đời lại tiếp tục giàu hơn? Lý do là Hoa Kỳ có luật thừa kế mà chính phủ đánh thuế 55% hay nhiều hơn. Trong vòng 9 tháng, hậu duệ phải kiếm tiền để trả cho sở thuế. Điển hình con của ông Fullerton và bà Inge, phải bán tháo nhà trong thời gain nhà đang xuống để có tiền đóng thuế.

Khi không có tiền mặt trên 55% trị giá tài sản thì phải bán nhà cửa, và tài sản công ty làm ăn để đóng thuế trong vòng 9 tháng sau khi người ấy qua đời. Đó là chưa kể con cháu tranh dành tài sản, kiện tụng làm bay hết. Do đó người giàu ở Mỹ phải mua bảo hiểm nhân thọ, để khi họ nằm xuống thì con cháu có thể lấy tiền bảo hiểm để đóng thuế, tránh trường hợp, con cháu phải bán nhà cửa, công ty để trả thuế thừa kế.

Đó là thời trước khi ông Bush con lên làm tổng thống. Dạo ấy, chính phủ chỉ cho khấu trừ tài sản của cha mẹ để lại là 1 triệu đô. Tài sản nhà cửa kiêm luôn cơ sở làm ăn mà trên 1 triệu đồng thì sẽ bị đánh thuế. Thí dụ: ông bà A qua đời để lại một căn nhà trị giá $300,000 và một tiệm sửa xe, có hai người con làm để nối nghiệp. Ông A tính là sau khi chết thì hai đứa con được lãnh mỗi người 50% của cái tiệm, còn con gái thì được căn nhà. Họ đã làm di chúc hết.

Vấn đề là cửa tiệm được đánh giá 1.5 triệu, xem như họ để lại tài sản 1.8 triệu. Dạo ấy, chính phủ miễn 1 triệu, họ phải đóng thuế 55% trên số tiền còn lại 800,000 (1.800,000 -1,000,000). Xem ra họ phải đóng 55% x 800,000 = $440,000. Vấn đề là con họ không có tiền nên phải bán. Nếu bán căn nhà thì còn thiếu $140,000 mà bán căn tiệm sửa xe thì sẽ mất cơ sở làm ăn của hai người con trai. Do đó ai có cơ sở làm ăn, phải cẩn thận. Tốt nhất là mượn tiền trên cửa tiệm và căn nhà để khi chết thì họ trừ tiền nợ vào tài sản, sẽ làm tài sản giảm và con cháu không đóng thuế.

Trước ông Bush lên làm tổng thống, ai chết để lại gia tài trên 1 triệu đô sẽ bị đóng thuế vì luật thừa kế có hiệu lực từ lâu, mà chính phủ quên lạm phát vì 1 triệu đô năm 1900, có giá trị nhiều gấp mấy lần năm 2000. Ông ta có ký một đạo luật cho phép năm 2023, người Mỹ được khấu trừ 11.2 triệu đô cho mỗi người, hai vợ chồng được 22.5 triệu. Ai có dưới 11.2 triệu thì không lo.

Vấn đề là vào năm 2025, thì luật nào bị loại bỏ và chính phủ đang cần tiền vì đã in quá nhiều trong vụ covid nên chắc chắn sẽ đánh thuế nhất là đảng Dân Chủ thắng vừa tổng thống, vừa quốc hội vào năm tới. Người giàu thì sẽ không đóng thuế vì họ có chiêu cua họ, được luật phấp do chính họ thành lập. Chỉ có người Mỹ bình thường là cong lưng ra đóng.

Thí dụ: một cặp vợ chồng có một công ty nhỏ, khi qua đời, con họ sẽ hưởng nhưng nếu người appraiser về thương mại và địa ốc đến tính giá trị của gia tài họ để lại có trị giá hơn 1 triệu thì phải đóng thuế thừa kế. Trong vòng 9 tháng, con cháu phải vay mượn tiền để trả, gấp gáp nhiều khi không mượn được thì phải bán tháo công ty mà nhiều khi mấy người con làm ở đó, bổng nhiên mất việc. Nếu bán thì lại bán rẻ vì cần tiền gấp. Do đó người nào khôn thì họ mua tiền bảo hiểm để khi họ qua đời thì con cháu lãnh tiền nhận của bảo hiểm, không bị đánh thuế, để trả, công ty vẫn được con cháu tiếp tục. Vấn đề là khi về già tiền đóng bảo hiểm lên rất cao. Tố nhất là bố mẹ mượn tiền ngân hàng trước để tránh cho thuế lên cao.

Khi ông Bush con lên thì cho phép lên đến 5 triệu, nay ông Trump thì cho đến 11.2 triệu, vợ chồng thì được 22.5 triệu. Hy vọng là đến năm 2025, quốc hội sẽ tiếp tục đạo luật này vì luật này trên nguyên tắc sẽ bị huỷ bỏ vào cuối năm ấy. Hoa Kỳ nợ ngập đầu nên lúc đó mà kinh tế èo uột thì chính phủ đánh thuế chết.

Xứ mỹ này lạ lắm, đi làm thì bị đóng thuế, nên người ta nói thôi để dành, tiết kiệm thì cũng bị đánh thuế, vì chính phủ muốn người dân tiêu dùng để kinh tế mới chạy được, tức quá họ đi mua sắm như đồng chí gái thì cũng bị đánh thuế tiêu xài, vì mua sắm, ăn uống. Tức quá chết cũng bị đánh thuế.

Ai có gia sản trên 22.5 triệu thì mới sợ bị đánh thuế nhưng người giàu có, đại phú thì họ đều làm theo kiểu dòng họ Rockerfeller mà ông Nelson rockerfeller có tuyên bố một câu: "The secret to success is to own nothing, but control everything."

Các tay nhà giàu tại Hoa Kỳ đều dùng Foundation để tránh thuế thừa kế. Gần đây ông Zuckenberg của Facebook chuyễn hết gia tài kết xù vào Foundation của dòng họ ông ta, để tránh gia tài kết xù bị tiêu tùng trong trường hợp vợ chồng ông ta qua đời mặc dù còn trẻ, để khỏi phải đóng thuế nhiều. Ta thấy gia đình Bill Gates cũng tương tự thành lập Foundation, thông thường thì phải phân phát 10% mỗi năm lợi nhuận của Foundation của họ cho các công việc từ thiện, bù lại thì họ tránh đóng thuế cao.

Với luật mới thì họ đóng thuế đâu 37%, thêm nhiều trò khác tuỳ theo lợi tức thì bị đóng thêm do đó họ bắt chước ông Rockerfeller, chỉ muốn kiểm soát nhưng không sở hữu nên cho vào Foundation từ thiện của họ, khỏi đóng thuế 37%, chỉ đóng 10% cho các hoạt động từ thiện, tương tự như hai vợ chồng Clinton, có foundation của họ trên 2 tỷ mà không đóng thuế bao nhiêu.
Lâu rồi mình có đọc một bài viết của ai, kêu người giàu ở Hoa Kỳ và ở Việt Nam khác nhau. Cho rằng người Mỹ nhân văn hơn người Việt giàu có tại Việt Nam. Đơn cử mấy ông đại xì thẩu mỹ, đem tiền giúp xã hội trong khi người giàu ở Việt Nam, cứ đem tiền ra nổ, để người đời nể phục,…. Người viết bài không hiểu rõ về thuế vụ của Hoa Kỳ nên ca tụng, nhưng cũng nhờ vậy mà Hoa Kỳ giàu mạnh.

Các tay nhà giàu cho tiền các đại học, xây các hí viện, thư viện,.. Như Andrew Carnegie, MacCarthur, Ford, Rockerfeller,..để lại tên tuổi cho hậu thế thêm con cháu vẫn tiếp tục thừa hưởng gia tài của họ để lại. Tuần rồi mình đi xem Opera, vở tuồng “Quán Âm Thị Kính” bằng anh ngữ, mỹ mít hát opera ở đại học Chapman, thấy toàn là tên người giàu của thành phố đóng góp xây cái hí viện rất đẹp. Con cháu làm trong foundation, được cấp nhà ở, con cháu học trường tư,… rồi lấy đám con cháu có môn đăng hộ đối, cùng giai cấp thì cứ như giới quý tộc khi xưa.

Mình có hỏi luật sư về vụ bán cái vườn thì sẽ tặng cho foundation, làm từ thiện để khỏi đóng thuế, dùng tiền đó làm thư viện thuyền nhân,… khi nào gần bán thì sẽ thực hiện. Như ông Rockerfeller tuyên bố sau một vụ làm ăn, ông ta bị đóng thuế 90% (dạo ấy khi chính phủ mỹ cần tiền để đánh trận ở Âu châu) nên từ đó ông ta chỉ muốn kiểm soát hơn là làm chủ.

Việt Nam có câu “ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời”, người Mỹ tương tự cũng nói: “Shirtsleeves to shirtsleeves in three generations.”. Ở Tô Cách Lan, người ta nói ” người cha mua đất, con xây nhà, cháu nội bán và chắt ăn mày”.

Ơ Hoa Kỳ, người ta nhận thấy trong số 483 tỷ phú thì 2/3 là thế hệ thứ nhất, 20% là thế hệ thứ 2, dưới 8% là thế hệ thứ 3, 13 gia đình đến thế hệ thứ 4, 7 gia đình đến đời thứ 5 và chỉ có 2 gia đình là củng cố được gia tài đến thế hệ thứ 6.

Thật ra những người mỹ giàu, để lại gia tài cho con cháu, chỉ mong con cháu muốn làm gì thì làm, yêu nghề thay vì cơm áo, không sợ phải lo trả tiền mướn nhà hay lo sợ thiếu thốn tiền bạc,… Hỏi thiên hạ thì đa số, đi làm, kiếm tiền để trả tiền nhà, ăn uống, tiêu xài,… chớ số đi làm vì yêu thích nghề thì rất ít. Mình có gặp bên tây, bố cô bạn đánh đàn rất hay, ước mơ ông ta là đàn cho Conservatoire của Tây nhưng vì tiền bạc, đành bỏ chuyện đánh đàn, làm kỹ sư giàu có.

Lấy trường hợp ông Vanderbilt, khi qua đời, đóng thuế xong, gia tài của ông được chia ra cho con cháu. Việc đầu tiên con cháu ông ta xây các dinh thự nguy nga tráng lệ, không lo làm ăn, cứ ăn chơi trác táng đến đời cháu của ông ta thì đói cả lủ.

Điển hình là người chủ cái vườn bơ của mình, ông ta giàu có, sở hữu cả ngàn căn hộ, ông ta trồng bơ cho vui, không vì lợi nhuận nên không rào, làm cổng, để cho người mướn nhà của ông có nơi, dẫn chó đi bộ. Khi ông ta qua đời, mấy đứa con của ông dành nhau gia tài, kêu luật sư tùm lum thưa kiện. Cuối cùng người con trai ở Cali, biết rõ về nhà cửa, vườn tược bị cô con gái, ở New York, thưa luật sư kiện tụng ra sao (xem tin tức trên mạng), không được làm trustee nữa. Cô con gái thấy tiền nước tưới bơ đắt quá mà lợi nhuận không nhiều nên bán cho tên làm vườn với giá $60,000. Tên này, kêu người hái bơ, bán trả tiền cho cô con gái rồi xoay qua bán lại cho mình lời được 200 ngàn, không biết là giá trị của miếng đất này, được phép xây cất nhà cửa, có giá trị khủng. Nếu anh em trong nhà không chém giết nhau thì tài sản của gia đình vẫn còn và giá trị, nội miếng đất không là mấy chục lần số tiền $60,000.

17 năm về trước, mình đọc cuốn sách của một luật sư chuyên việc thừa kế cho người giàu. Ông ta kể người giàu họ tìm cách để lại gia tài cho đời sau như dòng họ Rothschild. Họ thành lập một hiến pháp của gia đình như một quốc gia nhỏ rồi có hội đồng,… mỗi năm họ tụ tập để họ hàng con cháu biết nhau thêm họ bàn đến tương lai.

Có dạo đọc bài phỏng vấn của ông Rockerfeller, cháu của ông đầu tiên, cho rằng gia đình họ may mắn là không làm thương mại, dù rằng khởi đầu gia tài của họ đến từ dầu hoả nhưng chính phủ đánh vì tội Anti-Trust, phải chia nhỏ ra nhưng nhờ đó họ đầu tư và sống đến thế hệ thứ 6, hiện hậu duệ còn sống 160 mạng.

Ông ta kể dòng họ không làm thương mại nên không có tranh chấp trong các anh em, xem ai là người có khả năng làm giám đốc,… dòng họ của họ rất gắn bó với nhau nhờ giá trị của gia đình, làm việc thiện. Mỗi cá nhân có thể lo về vấn đề gì họ thích nên tạo lập khá nhiều Foundation trong dòng họ. Hàng năm họ tụ họp 2 lần, ai trên 21 tuổi đều được tham dự vào các buổi họp để bàn về hành chánh, tài chánh của dòng họ.

Họ gìn giữ rất kỷ các căn nhà của tiền nhân để con cháu có thể trở lại để biết nơi ông bà đã sinh sống vì nếu bán đi thì sẽ xoá ký ức của dòng họ, do đó bằng mọi cách dòng họ vẫn giữ những căn nhà của tổ tiên.

Trong đám con cháu đứa nào giỏi thì họ giúp cho học lên cao, đứa nào dốt thì lo chuyện khác. Tên trưởng nam dốt thì để cho đứa em nào thông minh lãnh trách nhiệm, chớ để cho thằng dốt thì sớm muộn cả gia tài của dòng họ tiêu bay hết. Dòng họ Kennedy dự định từ lâu, ông bố của tổng thống Kennedy,..đã tính trước sẽ có con làm tổng thống,..

Đọc về dòng họ Rothschild thì được biết những người quản lý tài sản của dòng họ rất khôn. Dòng họ Bush cũng tương tự, làm chính trị, làm kinh tế nên con cháu họ không vất vả, đến đời thứ 4 rồi mà vẫn sống thoải mái.

Luật thừa kế của Hoa Kỳ sử dụng luật thừa kế của Anh quốc. Khởi đầu một gia đình có đất để trồng trọt, khi ông bố qua đời thì gia tài để lại cho trưởng nam, và các người con trai khác vẫn tiếp tục làm nông cho gia đình và được phân chia thóc, lợi tức sau mùa gặt. Lý do là nếu chia 5 xẻ 7 đất đai thì đến 2 , 3 đời sau, bị chia nên diện tích của ruộng quá nhỏ không đủ trồng trọt nuôi cả đại gia đình, phải bán đi thì gia sản của dòng họ sẽ mất. Con cháu sẽ làm tá điền cho các địa chủ khác và cả đời sẽ không ngóc đầu lên được.

Con gái lấy chồng lấy họ nhà chồng nên không được hưởng gia tài. Lý do đó mà khi tài phiệt Andrew Carnegie qua đời, chỉ có một cô con gái nên ông ta để lại cho con gái một tài sản đủ nuôi cô ta mãn đời, còn bao nhiêu thì ông ta đem làm việc thiện, xây trên 3 ngàn cái thư viện và hí viện. Nếu ông ta dùng mánh của Rockerfeller thì có lẻ ngày nay gia tài vẫn còn tồn tại và có thể xây nhiều thư viện và rạp hát hơn trên thế giới như nguyện vọng của ông ta.

Anh em thì như 5 ngón tay, ngón ngắn ngón dài, đứa khôn đứa ngu. Cuộc đời, người ngu lâu dốt sớm như mình thì không biết mình ngu, cứ tưởng là thông minh xuất chúng, kiểu lãnh đạo Hà Nội, cứ cho mình là trí tuệ đỉnh cao. Nếu ông bà cụ mình có gia tài để lại, trưởng nam thì mình lãnh hết theo kiểu truyền thống, ngu ngu, mình đi đánh bài, chơi bời bay hết tiền, con cái chả được cái gì, em út cũng vậy. Bù trớt. Chưa kể trưởng nam mà ly dị, bán nhà chia với vợ cũ thì mấy người em ngọng. Cho thấy luật lệ nhà đất cần được cập nhật hoá với thời đại hiện tại.

Đó là trường hợp Ông cố ngoại mình, nhà ở quê có ruộng nhiều nhất làng, tá điền mướn làm, trả lúa hàng năm. Gia đình sống sung túc mấy đời. Ông cố ngoại mình thừa hưởng gia tài bao nhiêu ruộng nương, đi hát ả đào, đánh bài thua bán ruộng hết, bán mệ ngoại mình cho một ông lái buôn người Xiêm như người ta bán con gái làm dâu xứ Hàn, ngày nay. Sang bên đó mệ ngoại khám phá ra ông chồng người xiêm đã có vợ con, nên trở về Việt Nam. Anh em của mệ cũng đi tứ xứ làm ăn. Cho thấy cái nguy hiểm của truyền thống, đưa đến vấn đề ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời. Gặp con trai đầu ngu lâu dốt sớm như mình là cha mẹ, em út không nhờ. Có thể làm tran gia bại sản hết.

Năm ngoái mình đột xuất về quê nội, nhìn cái ao, căn nhà nơi ông cụ mình lớn lên, gặp họ hàng thì mình muốn xây lại căn nhà ấy, xem như nhà thờ tổ cho dòng họ mình. Mấy người em mình kêu bà cụ bán đi chia cho mấy em, được vài ngàn rồi ăn cũng hết. Mình quyết định sẽ xây lại căn nhà ấy, để dòng họ ở quê hay con cháu ở phương xa, có nơi để tìm về. Họ có nơi để hàng năm, giỗ chạp, họ hàng có nơi để tụ họp. Con cháu sau này, ở xa sẽ có dịp trở lại quê để tìm ký ức của dòng họ. Nhà Lý bị Trần Thủ Độ tiêu diệt nên có người hoàng tộc lên thuyền làm Boat People, chạy đến Đài Loan và Triều Tiên. Mấy đời sau, hậu duệ của dòng họ này trở lại Việt Nam để viếng làng của tổ tiên họ.

Con mình đã về quê nội nhưng con của chúng sẽ không có cơ hội tìm lại ký ức nếu mấy anh em bán căn nhà còn lại của ông bà ở quê. Nếu xây được lại căn nhà của ông bà, nơi ông cụ mình đã lớn lên thì xem như mình sẽ hoàn thành ước nguyện của ông cụ khi xưa có nói với mình. Làm vậy thì sau này, con cháu của mình mới hiểu và tiếp tục truyền thống.

Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn