Chú Tư Gà

Đà Lạt có 2 nhân vật tuy mình không quen nhưng đã gây ấn tượng nhiều đó là ông 5 Ngựa và chú Tư Gà. Ông 5 ngựa hay bận đồ đen làm trọng tài đá banh, hay cởi ngựa lang thang trên đường Thi Sách, nghe kể là sau 75 vẫn làm trọng tài nhưng bán độ nên hay bị bà con thua độ đánh mệt thở. Ông tên 5 Ngựa chắc vì ông ta nuôi ngựa.
Chú Tư Gà thì chuyên nuôi, đá gà độ, không biết làm nghề gì, nhà ở xóm trên đường Thi Sách. Chú Tư GÀ người nam, nghe nói quê ở Bà Rịa rồi lang bạc kỳ hồ sao lọt lên Đà Lạt, lấy vợ. Có người nói chú thua độ nên bỏ quê đi trốn con nợ. Chú chuyên nuôi gà chọi để đá rồi bán kiếm tiền sống cũng khá vì bán gà đá giỏi với giá một con 2 lượng vàng.
Chú gửi người ở quê chú mua gà gửi lên Đà Lạt bằng xe đò Minh Trung rồi nuôi gây giống. Gà nòi nở ra độ 2 tháng trở lên là chú nuôi riêng trong mấy cái chuồng, không cho đạp mái để nó sung. Mình hay tò mò ghé nhà chú thấy chú nói lẩm bẩm trong miệng với mấy con gà. Chú cho gà ăn thóc. Chú ngâm thóc độ nữa tiếng rồi mới cho ăn, sau này lớn lên mới hiểu lý do. Gà được 2,3 tháng thì bắt đầu tập gáy, lúc đầu chúng gáy còn lựng khựng kêu oéc oéc sau độ 2 tuần thì bắt đầu quạt cánh như thể bơm hơi để gáy o ó o, nghe phê lắm.
Gá gáy là lúc chú lựa con nào bán, con nào giữ vì theo chú gà chiến hay Chiến Kê là qua tiếng gáy. Chú nói Thần Kê gáy từ 7,8 tiếng trở đi vì gà thường của nhà mình chỉ gáy ò ó o o trong khi gà nòi ở nhà chú gáy Ò ó o o o o o, tiếng nho nhỏ là tiếng giật như ca sĩ ngân. Gà mà gáy 5 tiếng Ò Ó O O O là gà có tài còn gà gáy 3 tiếng là gà cà chớn, vợ chú đem ra chợ bán ngay.
Chú có con gà chọi không cao lắm nhưng đá đâu là thắng đó, sau này có người từ Sàigòn lên mua khá đắt. Chú bảo là gà này gáy đúng giờ, có đòn độc, chú kêu là Quý tướng. Chú kêu là nó gáy mà có tiếng rít ngắn song phụ, tam phụ sau đó là thuộc loại Linh Kê.
Cái giống gà lạ lắm, một con gáy vừa xong là con khác cũng quạt cánh vỗ ào ào rồi gáy nên mình hay chơi khăm, đi ngang nhà nào nuôi gà là cứ giả bộ gà gáy thế là cả xóm vang tiếng gà. Cứ thấy chú Tư Gà ngóng nghe gà gáy rồi kêu con này được con kia bể tiếng,… mình không hiểu tại sao gà lại phải quạt quạt vỗ cánh trước khi gáy, bác nào biết lý do thì cho em biết nguyên do. Nó làm như bơm, lấy hơi vô phổi để gáy cho dài. Mình nghe thiên hạ hay nói "gà ghét nhau tiếng gáy" nhưng có lẻ qua tiếng gáy gà biết con nào hơn cựa mình nên im, còn con gà nào mà chiến đấu thường gáy lại để chấm dứt cuộc thi gáy.
Gà độ 4 tháng trở lên thì chú bắt đầu bắt ếch cho gà ăn, tẩm bổ có chất đạm vì thịt bò dạo ấy đắt nên sau trời mưa là thấy chú đi vòng vòng với cái vợt để bắt cóc nhái cho gà ăn, tẩm bổ trước khi cho đá dợt nghề. Đặc biệt là chú nhốt riêng trong chuồng, không cho gà mái tới gần. Trước khi đá độ thì cho ăn cơm vì thóc thì lâu tiêu, khó đá. Nghe nói chú hay ôm gà đi đá ở Dốc Nhà Bò, có trường đá gà nhưng chưa bao giờ bò đến. Hình như dạo ấy chính quyền cấm đá gà hay sao nên chỉ có những tay quen mới biết chỗ trường gà.
Chú nói là chủ trường gà ăn 5 phân còn tên tắm gà thì ăn 10 phân khi thắng, chú lãnh 85%. Nghe kể là tên tắm gà như hai anh chàng ở khán đài khi võ sĩ Minh Cảnh lên đài đấu ở Thao trường, lấy khăn quạt quạt cho mát, lấy cái ly nốc nước rồi phun vào mặt võ sĩ, một tên thì bóp tay bóp cẳng, massage. Tên tắm gà này phải có tay nghề, tắm gà ra sao để nó lâm trận, đá hăn nên tên nào giỏi là lấy tiền nhiều.
Gà đá độ xong thì kiệt sức, chú phải lót rơm cho gà nằm dưỡng thương, cho ăn cơm ấm uống nước để lấy lại sức nếu không là gà bị thương, bị ỉa chảy rồi chết. Nhiều con đá về thấy tội lắm, máu me đầy người. Mình nhớ có dạo tụi trong xóm, bắt gà mình đá với gà thằng Độ, gà thằng Độ là gà chọi cao còn gà mình thì loại gà thường. Đá xong con gà mình cù rủ vài ngày sau là chết.
Khi gà đá được vài độ cũng được tắm cho mát rồi con nào đá chiến nhất thì chú bán 2 lượng còn số khác thì bắt đầu cho đạp mái. Dạo ấy còn nhỏ nên mình cũng không hiểu lắm chỉ nhớ là con gà trống mỗ đầu con gà mái rồi bay lên lưng, sau đó thì nhảy xuống đi vòng vòng, vỗ cánh o ó o. Nhiều khi thấy nó nằm bên cạnh con gà mái rất tình tứ. Lâu lâu thì thấy hai con gà mái đá nhau, chắc ghen tuông sao đó.
Mình nhớ nhất là gà mái khi đẻ trứng, chạy vòng vòng chuồng gà rồi khum khum, mặt mày phùng man trợ mắt rặn cho ra cái trứng. Cái lỗ đít gà nhỏ mà sao lại lòi ra được cái trứng to, sau này lấy vợ mới hiểu khi đưa vợ vượt cạn. Đẻ xong thì gà mái nhìn cái trứng rồi chạy vòng vòng kêu tục tác như khoe với bầy gà hay hãnh diện, thoải mái sau khi rặn trong khi mình thì đi nhặt cái trứng còn mềm mềm nóng hổi.
Lúc gà mái đang thời kỳ đẻ trứng thì mập mạp, ăn uống no nê nhưng khi nó ấp trứng thì ốm o, không ăn không uống, sợ trứng không được đủ ấm hư, khi nào oải lắm thì mới nhảy xuống chuồng ăn tí xíu, uống nước rồi nhảy lên chuồng ấp trứng tiếp. Sau này có vợ mới hiểu khi có bầu thì phải ăn mệt thở vì phải nuôi cái bào thai trong bụng, gà thì nuôi cái bọc trứng gà. Đẻ xong thì bơ phờ vì phải cho con bú nên ốm o lại. Luật thiên nhiên hay thật.
Mình nhớ mỗi lần gà ở nhà ấp là có mấy con mạc, đông như quân Nguyên, cắn mấy anh em nên khi gà ấp trứng là cấm mấy đứa em vào chuồng gà nhưng chúng cũng tò mò, mò ra xem nên bị cắn mệt thở. 19 ngày là trứng nở, sinh ra một bầy gà thì lúc đó con gà mái mẹ rất là dữ, lúc nào cũng canh con, đi đâu thì đàn con lúc nhúc đi theo sau, mỗ giun hay ăn thóc. Độ chừng 2 tuần sau thì gà con lớn tự lo như con mình nay lên đại học thì gà mái mới hết dẫn con đi ăn.
Sau 75 thì gia đình chú Tư Gà bị đuổi đi kinh tế mới rồi chịu khổ không nổi nên cả gia đình chú chạy về quê sinh sống.
Nhs