Người nghèo không thể đợi

Đầu năm, mình nhận tin nhắn của một anh bạn, chúc mừng năm mới rồi kèm theo, bảo mình kiểm lại imeo. Hoá ra anh ta và một số đông thân hữu đang chuẩn bị tổ chức một chương trình gây quỹ cho Bút Nhóm Lửa Việt mà mình có dịp tham gia vào những năm còn đi làm tại Nữu Ước.
Mình quen và sinh hoạt với anh bạn, linh mục Nguyễn Hoài Chương trên 32 năm, con chim đầu đàn của Bút Nhóm Lửa Việt khi còn làm việc tại Nữu Ước. Bút Nhóm Lửa Việt là một nhóm thành lập bởi các thanh niên thiếu nữ, mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, tổ chức các trại hè cho giới trẻ, làm báo, gây quỹ giúp các người tỵ nạn ở Đông Nam Á. Sau này, khi các thuyền nhân không còn được các quốc gia tây phương nhận cho định cư thì nhóm này chuyển sang các chương trình y tế, học bổng cho sinh viên nghèo,…tại Việt Nam.
Nhớ dạo ấy, cuối tuần mình hay được anh bạn linh mục chở đi vòng vòng thăm các con chiên. Có bà hỏi mình là thầy hay cha để tiện xưng hô khiến anh bạn kêu, tao mà hô mày là thầy thì hết đường kiếm vợ vùng này. Nếu mày lấy vợ công giáo thì tao làm phép cho, khỏi cần học giáo lý, hạnh phúc hôn nhân cho mất công… Chán Mớ Đời
Hôm qua đang làm vườn, chuẩn bị cho cơn mưa sắp đến tại miền nam Cali thì anh bạn gọi hỏi tối nay, rảnh thì ghé lại bàn về tổ chức buổi gây quỹ cho BNLV. Mình nhắn tin đồng chí gái thì cô nàng đồng ý tham dự. Đồng chí gái dạo này hay theo mấy người bạn họp mặt đan mũ len cho mấy người già trong viện dưỡng lão hay hát cho họ nghe cho đỡ buồn trong cảnh hoàng hôn đời người.

Chương trình lấy tên “Người Nghèo Không Thể Đợi”, lấy từ câu nói của đức giáo hoàng Phan Xi Cô “The Poor Can’t Wait”. Chương trình này đã được thực hiện cách đây hai năm tại thành phố Westminster, có sự đóng góp văn nghệ của các linh mục khác được gọi là Linh Ca, rất thành công.
Trong cuộc họp thì mình mới gặp mặt lần đầu vợ chồng nha sĩ B, chủ xướng chương trình “Phan Xi Cô Răng Sún” mà mình có nghe cha Chương nói đến từ 12 năm nay. Ngồi nghe những người đã đi Việt Nam theo các phái đoàn y tế, giúp đồng bào nghèo khó ở các vùng xa xôi khiến mình cảm phục lòng nhân ái của họ.
Các đây 2 năm, mình có cho thằng con đi theo phái đoàn về Việt Nam, giúp nó hiểu thêm lý do mẹ nó phải lên thuyền, vượt biển đi tìm tự do. Nó kể là trước khi về Việt Nam, phải đóng $50 tiền chi phí cho Hà Nội, để được làm thiện nguyện viên, các bác sĩ, nha sĩ nghe đâu phải đóng $250 nhưng khi đến Sàigòn thì chính quyền sở tại không cho họ làm việc theo chương trình đã trình trước khi về Việt Nam.
Cuối cùng phái đoàn tìm được một đại học ở Vĩnh Long, có liên hệ với đại học ở Hoa Kỳ, cho phép họ sử dụng khuôn viên đại học để chữa bệnh cho người nghèo. Sáng phải dậy sớm, đi xe buýt về Vĩnh Long để khám bệnh rồi chiều tối về, ăn uống xong xuôi, phải chuẩn bị cho ngày mai. Nó kể có cán bộ đem gia đình đến chữa bệnh nhưng phải chìu vì sợ bị làm khó dễ nữa.
Tại sao các phái đoàn y tế thiện nguyện quốc tế hay bị làm khó dễ tại Việt Nam? Thậm chí ngay các đoàn thiện nguyện viên tại Việt Nam vẫn bị làm khó dễ. Có một số cơ quan từ thiện vô chính phủ (NGO), được thành lập bởi các tổ chức để giúp chống đối lại chính quyền sở tại.
Điển hình, ông tỷ phú George Soros, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình, có nói rằng ông ta thành lập một NGO ở Ukraine, để giúp thay đổi chính trị của xứ này tương tự các NGO khác tại Hoa Kỳ, để nhằm giúp Hillary Clinton, Trump đắc cử…. Dạo này hàng ngày mình nhận imeo của nhóm đòi truất phế ông Trump, kêu gọi đóng tiền giúp họ rồi nhận imeo kêu gọi đóng tiền để loại bỏ bà Nancy Pelosi,.. Chán Mớ Đời
Thứ hai là nếu NGO chỉ làm việc thuần tuý nhân đạo thì người dân sẽ chửi cán bộ nhà nước, ăn hại không lo cho dân, sẽ mất lòng tin vào đảng và nhà nước. Do đó cán bộ rất sợ các NGO hay các nhóm thiện nguyện. Mình đọc báo có tin ông Tuấn nào ở Việt Nam, xin tiền để giúp cho các em ở miền cao ăn cơm với thịt nhưng bị cán bộ làm khó dễ. Có dạo ông ra ứng cử đại biểu quốc hội thì không được đề cử.
Mình về Việt Nam, có đi thăm vài nơi mà BNLV bảo trợ như tặng xe đạp cho các em người Chu Ru ở Lâm Đồng. Mình về mùa hè thì thấy các em học hè với các cha. Các em ở xa thành phố nên đi học thì phải cuốc bộ 5-6 cây số nên được mượn xe đạp để đi học. Cuối năm trả lại cho các cha để sửa chửa, bảo trì. Lý do là cho mượn vì nếu cho luôn thì bố mẹ các em cần tiền thì có thể bán xe đạp, lại cuốc bộ.
Nghe kể là ông cha được ai bên Hoa Kỳ tặng một tấn gạo. Cha kêu các thanh niên thánh thể đến nhà thờ rồi bỏ gạo bao nylon, để chở lên các buôn tặng đồng bào nghèo. Xe vừa ra cổng nhà thờ thì bị công an và cán bộ Mặt Trận Tổ Quốc chận lại, kêu đó là bổn phận của họ lo cho dân, nên lập biên bản. Ngồi nói chuyện, ông cha hỏi nếu để MTTQ lo phân phối gạo cho đồng bào thì chi phí bao nhiêu. Họ làm tính như đong gạo vào bao nylon, chuyên chở đến các buôn thì mất độ nữa tấn gạo. Cuối cùng các thanh niên thánh thể, đèo nhau đi xe Honda lên các buôn để tặng người nghèo vì “người nghèo không thể chờ đợi”.
Mình có viếng một trung tâm mồ côi và người già neo đơn ở Sông Pha, Ninh Thuận. Gặp vợ chồng anh đứng đầu trung tâm thì anh ta than là Chúa phạt anh ta hay sao mà cứ phải chăm sóc con người ta quăn hay bố mẹ người khác không lo. Đa số các trẻ em bị tàn tật, cha mẹ đem lại bỏ trước cổng trung tâm mồ côi hay những người già không có ai chăm sóc được đem đến bỏ trước cổng.
Có lần ai tặng trung tâm 5,000 đô, anh ta đem ra công an và MTTQ, kêu anh ta giao lại 5,000 đô và trung tâm để nhà nước quản lý nhưng công an không chịu nhận, khuyên anh ta tiếp tục con đường của kẻ thừa sai, dưới tình thương của Chúa.
Ngồi nghe mấy người đi làm thiện nguyện ở Việt Nam, bị công an hay cán bộ đì thấy thương họ.
Có người kể là một ông bác sĩ hỏi sau khi khám bệnh cho người trong làng, đàn bà vùng này có hút thuốc không vì bị nám phổi. Hỏi ra thì không ai hút thuốc cả. Cuối cùng ông ta mới ghé nhà xem nơi ăn chốn ở của người dân. Ông ta khám phá ra là vì nhà bếp nằm ở trong nên khói lên mái tranh, không thoát ra ngoài nên phụ nữ ở trong nhà cứ hít hói vào phổi.
Ông bác sĩ này khám bệnh thì không hiểu sao phụ nữ Việt Nam bị áp huyết cao, dù tạng người khó bị áp huyết cao. Ông ta hỏi vòng vòng nhưng không có sự trả lời đến khi ông ta quan sát là nơi khám bệnh, người ta có để nước uống cho bệnh nhân hay người nhà. Ông ta thấy phụ nữ lấy nước cho chồng hay con nhưng tuyệt nhiên không thấy họ uống. Lúc đó ông ta mới giác ngộ cách mạng là vì thiếu nhà vệ sinh, phụ nữ Việt Nam ít dám uống nước khi đi ra ngoài đưa đến tình trạng bị cao áp huyết.
Có một người bị ung thư, xin tiền để làm xạ trị, đâu $30 mỗi lần, xin được 6 lần $180. Ông ta nói thay vì xạ trị, cho ông ta $200 để làm lại cái chái của nhà ông ta. Mấy tuần lễ sau thì ông ta qua đời, phái đoàn đến xem nhà ông ta thì với $200, ông ta có thể làm một phần cái nhà, mở một cửa sổ, thêm để bà vợ bày quán bán nuôi gia đình.
Có một anh thương phế binh VNCH, đi xe lăn đến thì cán bộ không cho vào nhưng họ nói có đơn của anh ta nên cán bộ phải hiện diện trong lúc khám bệnh. Tay anh ta có xâm TQLC, và một vết thẹo dài ở dưới (Sát Cộng), phải xoá sau 1975. Khi cho toa thuốc, họ lén nhét tờ $100 theo cái toa thuốc để giúp đỡ anh ta. Không dám đưa trước mặt cán bộ.
Có lần, cán bộ đến xin 6 chiếc xe lăn cho người tàn tật, phái đoàn đi mua đến ngày cuối cùng thì cán bộ đưa hoá đơn là 26 triệu đồng một chiếc trong khi phái đoàn đi mua chỉ tốn có 19 triệu. Cán bộ nghĩ là phái đoàn đưa tiền cho họ để họ mua trong khi phái đoàn thì tưởng cán bộ xin cho xã của họ nên đi dò hỏi mua để đưa cho cán bộ. Chán Mớ Đời
Có lần, cán bộ đến nói với phái đoàn là sau khi xong chương trình thì bao nhiêu thuốc men, dụng cụ y khoa, trang thiết bị đều phải để lại cho ông ta quản lý. Người trưởng nhóm quay lại, nói anh ngữ với các đoàn viên là ông này muốn kiếm chuyện nên phải chuẩn bị rời khu này gấp. Quay lại nói với cán bộ là chúng tôi đang liệt kê hết làm hai bảng, một đưa cho ông và một để đưa lên trên nên ông cán bộ, kêu khó khăn nhỉ thôi khỏi cần để lại dụng cụ y khoa.
BNLV còn có chương trình giúp các em nghèo mỗ tim, mỗi trường hợp là $2,500. BNLV có người làm toàn thời gian tại Việt Nam. Ai xin mỗ tim cho con mình thì người đại diện sẽ đến nhà xem xét rồi thong báo cho BNLV ở Hoa Kỳ để xin tiền cho mỗi em.
Mình thì thích bảo trợ chương trình học bổng cho sinh viên hơn. Họ kể dạo đi Nha Trang, cán bộ không cho phép khám bệnh, phải đợi 2 ngày 2 đêm, cuối cùng họ phải khám bệnh chui. Bác sĩ mỹ hay gốc Việt, vào khách sạn khám, dân tình có hồ sơ, được thông báo nhẹ nhàng đến khách sạn để được chữa bệnh. Họ kể về làng Cam Lâm nào đó, cạnh Cam Ranh, thấy nghèo không thể tả.
Có 3 gia đình đèo 3 đứa con đến. Họ thất kinh vì bụng mấy đứa bé to như cái trống chầu, mặt xanh như đít nhái, thiếu hồng huyết cầu. Bị bệnh sốt rét. Họ gọi điện về Cam Ranh hỏi mua máu thì được biết máy lạnh chứa máu bị hư nên mấy tuần nay không có máu. Cuối cùng họ thử máu mấy đứa bé rồi hỏi ai có loại máu O thì xin hiến máu thế là có 7 người trong phái đoàn, tình nguyện cho máu. Họ truyền máu trực tiếp cho mấy đứa bé, cứu chúng sống. Sau này đem ra nhà thương ở tỉnh để điều trị.
Chương trình Phan Xi Cô Răng Sún (Francis Dental Team) mà mình nghe đến từ 12 năm nay do nha sĩ B đảm trách. Nếu mình không lầm là lấy tên của linh mục Phan Xi Cô Nguyễn Văn Thuận, nhân chứng của tình yêu của Thiên Chúa. Hàng năm hai vợ chồng đi Việt Nam 2 tuần, mướn nha sĩ để thay họ lo cho bệnh nhân ở Hoa Kỳ. Bỏ tiền túi để bay về Việt Nam, tự trả tiền khách sạn, chi phí,… được BNLV hổ trợ tài chánh để chữa bệnh sức môi, hở hàm ếch. Năm nay thì họ dự định chữa cho 2,000 trẻ em bị sứt môi.
Được biết người mẹ Việt Nam thiếu dinh dưỡng nên sinh con hay bị sứt môi, hở hàm ếch. Hồi nhỏ mình có tên bạn học cùng lớp bị sứt môi, bị bạn học chế diểu hoài nên thương nó. Ngoài ra khi ăn uống nếu không cẩn thận, thức ăn có thể bị đưa lên mũi,… trong suốt 12 năm qua chương trình này đã giải phẩu trên 15 ,000 trẻ em bị sứt môi - hở hàm ếch. Trung bình chữa trị cho mỗi em là tốn độ $10. Bớt hút thuốc lá một bao là có thể bảo trợ một em bé tìm lại nụ cười trên đôi môi hay 2 ly cà phê Starbuck, vài chai bia…
Phái đoàn thường có 8 nha sĩ từ Hoa Kỳ và 3 nha sĩ tại Việt Nam. Nha sĩ từ Hoa Kỳ thì có cả người Mỹ cộng tác với nha sĩ tại Việt Nam. Nghe kể nha sĩ hay bác sĩ người Việt tại Việt Nam còn cực hơn người hải ngoại, họ ngủ bờ ngủ bụi nhưng cũng ráng giúp đồng bào, luôn tiện học hỏi kinh nghiệm cua nha sĩ ở Hoa Kỳ. Sau công tác, đa số xin các dụng cụ thiết bị của nha sĩ ở Hoa Kỳ để hành nghề ở Việt Nam, cho thấy các khó khăn của họ.
Nghe kể thật ra các nha sĩ, y sĩ người Mỹ bỏ thì giờ, tiền bạc, rất tận tuỵ cho bệnh nhân không cùng huyết thống. Mình có quen cặp vợ chồng mỹ, chuyễn giải phẩu tim mạch, mỗi năm đều đi Việt Nam 1 tháng.
Có người hỏi họ lý do, bị cán bộ, công an làm khó dễ nhưng họ vẫn tiến bước theo bước chân của cha Phan Xi Cô Nguyễn Văn Thuận. Họ cho biết là họ may mắn nên được cha mẹ tìm cách đưa sang Hoa Kỳ khi xưa. Nếu không thì họ cũng lâm vào trường hợp của các bệnh nhân, nghèo, không ai chăm sóc để ý đến. Ở Hoa Kỳ, nghèo thì có chính phủ giúp đỡ còn ở Việt Nam thì chỉ biết cầu nguyện.
Về Việt Nam thì công an tình nghi là diễn biến hoà bình, có mưu đồ gì khác còn về lại Hoa Kỳ thì bị người Việt chống cộng chửi là giúp Việt Cộng. Chán Mớ Đời
Chương trình gây quỹ năm nay sẽ được gây quỹ tại hai nơi:
Quận Cam (California)
Ngày giờ: Thứ sáu 22 tháng 3 năm 2019
Thời gian: 6:30 chiều
Địa điểm: nhà hàng Golden Sea, 9802 Katella Avenue, Anaheim, CA 92840
và Tampa (tiểu bang Florida) vào tháng 5 năm 2019.
Nếu ai muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc về boscoviet@gmail.com