Nô lệ da vàng thế kỷ 21

Cuối tuần qua, đọc một lèo bộ 3 tác phẩm của Kevin Kwan, kể những nổi khổ, đời sống của người Tàu giàu có ở Tân Gia Ba, Hương Cảng và Trung Cộng thì cảm thấy an ủi vì được biết người giàu cũng có nổi khổ của họ, còn nghèo như mình thì không lo lắng gì cả, để đồng chí gái lo. Họ sung sướng về vật chất nhưng cũng có những đói khát về tinh thần. Càng giàu càng khổ, càng nghèo càng khổ hay giàu vừa vừa thì khổ vừa vừa, nghèo vừa vừa cũng khổ vừa vừa rốt cuộc là “giàu mà sung sướng còn hơn là nghèo mà khổ”.
Tác giả kể đời sống của những người Tàu giàu có tại Á Châu, mình cảm thấy người Á châu đang bắt kịp kinh tế người Tây Phương nhưng tư duy của họ vẫn còn bị nô lệ, hậu quả của những thế kỷ bị thực dân Tây Phương đô hộ, chưa gột bỏ, xoá mờ được do đó bình minh văn hoá của người Á Châu vẫn còn xa xôi. Tác giả cho thấy đa số người giàu ở Tân Gia Ba đều theo đạo Tin Lành, sinh hoạt như ở xứ Tây Phương.
Nhớ dạo đi học ở Paris, lâu lâu có người nhờ mình đem sổ thông hành, ra tiệm Hermes để mua đồ cho du khách Nhật vì họ bị giới hạn mỗi người chỉ được mua một cái nên họ đưa tiền cho mình mua rồi trả huê hồng tiền, đâu 100 quan. Mất 5 phút mà được 100 quan tương tự làm bồi 5-6 tiếng trong tiệm ăn Việt Nam. Mấy xe buýt chở du khách Nhật, đậu xuống để họ tủa ra như đoàn kiến, chạy vào các tiệm thời trang ở quận 8. Ngày nay các du khách Nhật được thay thế bởi các đoàn quân tàu cộng mà báo chí tây phương có lên tiếng chê bai, thậm chí khinh bỉ.
Dạo ấy, các nhà thiết kế thời trang đều là người Pháp, Ý như Yves Saint Laurent, Versace,… được ưa chuộng khắp thế giới nhưng ngày nay có những nhà thiết kế gốc Á Châu như Jimmy Choo, Vera Wang,….được thế giới ái mộ nhưng trong 3 cuốn sách của Kevin Kwan, không thấy đề cập giai cấp giàu có Á Châu mua sắm thời trang do họ thiết kế, chỉ nghe kể đến các nhà thiết kế thời trang của Pháp, Ý, Anh quốc,…
Tác giả kể là những người giàu có này bay sang Paris, London, Milano,…để mua sắm áo quần thời trang của các nhà thiết kế danh tiếng tây phương, tuyệt nhiên không ai mua thời trang được thiết kế bởi các tác giả thời trang gốc á đông. Tương tự một người Mỹ gốc Á đông sang á châu dạy Anh ngữ, được trả rẻ hơn một người Mỹ da trắng cho dù người gốc Á châu có bằng cấp cao hơn, nói tiếng anh như người Mỹ.
Có lẻ người á đông bị người tây phương đô hộ từ mấy thế kỷ trước, người thuộc địa với tinh thần nô lệ như đã ăn vào DNA của họ. Họ mơ tưởng, ao ước được sống hình ảnh giai cấp thực dân da trắng đô hộ mình và chỉ muốn đạt được cuộc đời của những người cai trị, chủ nhân của mình trên xứ sở của mình. Hay là ảnh hưởng Nho Giáo từ ngàn xưa đã để lại tinh thần thờ phụng người đã đô hộ mình, như các quan triều đình từ mấy thế kỷ qua.
Có lẻ vì vậy mà người á đông xem người tây phương là tuyệt đỉnh, là nơi họ phải đạt như nhuộm tóc vàng, đeo contact lenses cho mắt mình trở thành màu xanh, sửa mũi cho cao, chỉ tội là chân vẫn thấp.
Muốn cai trị các thuộc địa của mình, người thực dân da trắng cần có một lực lượng người sở tại để giúp họ cai trị và giai cấp người bản địa thường được gọi là thầy thông ngôn, thầy ký. Giai cấp này thèm thuồng mơ ước cuộc sống của người thực dân nên họ bắt chước nhảy đầm, ăn bận áo quần thời trang của chủ nhân mình, tự phong mình là giai cấp thượng lưu và xem thường người cùng chũng tộc là tầm thường, thiếu văn minh.
Ngày xưa, các người tự nhận là có học thức, kẻ sĩ, tôn thờ chữ Hán, thơ Đường còn tiếng Nôm thì khinh miệt “Nôm na là cha mách qué”. Sau này đến thời Tây thuộc thì họ lại ca tụng ngôn ngữ Phú Lăng Xa, cứ xổ Lamartine, Beaudelaire bú xua la mua… Có một người bạn kể khi cô ta đến Đài Loan, leo lên Taxi thì nghe bản nhạc “Nắng Chiều” của Lưu Trọng Nguyễn bằng tiếng Quan Thoại. Người Nhật mê nhạc Trịnh Công Sơn nhưng tại sao người Việt lại cứ thích nghêu ngao, làm nhạc theo người Kim Chi, hay tàu…
Có lần một tên gốc Việt Nam, lên thành phố kiếm số điện thoại và gọi hỏi có phải mình vẽ và xây căn nhà ở Fountain Valley, đường J… mình nói phải. Hắn kêu không ngờ có một người Việt Nam vẽ nhà đẹp như vậy. Hắn ở mỹ từ lâu mà đầu óc vẫn khinh thường người Việt, vô hình trung cũng tự xem thường hắn. Hắn kêu là muốn mua căn nhà đó nhưng đã có người khác mua nên muốn nhờ mình vẽ y chang lại căn nhà đó thì mình đồng ý, chỉ cần copy lại rồi lấy tiền, khỏi tốn công nhưng sau đó không xây vì người Việt chỉ thích rẻ nên chạy trước.
Mình nhớ có dạo một tên Mít ở Bolsa quen, muốn về Việt Nam đầu tư 25 năm về trước, hắn kêu một tên mỹ, làm thợ sửa ống nước, làm công cho hắn. Bận đồ veste vào, hắn in cho cái danh thiếp Chủ tịch công ty địa ốc ở Bolsa rồi 2 thầy trò về Việt Nam. Tên Mỹ, thợ sửa ông nước cứ ngồi ăn uống bia trong khi tên Mít bàn chuyện. Lý do là người Việt chỉ tin và nể người tây phương còn người Việt thì họ chê. Nhớ dạo công ty của mình làm, có đám Tân Gia Ba mướn vẽ một công trình ở Đàlạt ở Suối Vàng. Mình là người thiết kế chính nhưng khi gặp đám Việt Nam ở Đàlạt thì họ cứ nghĩ mình là thợ cho tụi mỹ và cứ xì lô xì la với mấy tên phụ tá của mình còn mình thì họ không đếm xỉa. Rút kinh nghiệm sau này về Việt Nam chơi, ở khách sạn hay tiệm ăn,..phi trường là mình xổ tiếng ngoại quốc tuỳ hứng khi thì chơi tiếng tây khi tiếng Đức vì nếu mình nói tiếng Việt là họ không tiếp mình, làm ngơ.
Ngày xưa, bạn học mình đều kêu mình thuộc dạng ngu lâu dốt sớm, 50 năm sau gặp lại họ vẫn nói cái mặt mày sao ngu ngu thế. Có lẻ vì vậy mà mình có bạn ngoại quốc nhiều hơn người Việt. Mỗi lần không hiểu mình hỏi đám bạn ngoại quốc thì họ đều bình tỉnh, giải thích lại chậm chậm cho mình còn đám người Việt thì nêu hỏi thì họ nhăn mặt, kêu sao ngu vậy.
Dạo mình học cao học về phát triển đệ tam thế giới, mình có làm luận án ra trường về phát triển Nhật Bản dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng. Họ chỉ cho người lớn tuổi có gia đình, kinh nghiệm làm việc đi du học, ngoài ra thì họ mời giáo sư, kỹ sư sang Nhật Bản dạy mà tài tử Chamberlain đóng trong phim bộ Shogun. Lý do là cho du học sinh trẻ tuổi đi thì tuổi đời chưa chính chắn, học xong về nước là chỉ áp dụng phương cách của tây phương thay vì sử dụng những gì đã có tại Nhật để phát triển đất nước nhờ đó mà Nhật Bản đã tiến lên hàng cường quốc trên thế giới.
Lấy thí dụ; nếu sau khi tốt nghiệp, VNCH không bị VC chiếm thì mình trở lại Việt Nam làm việc. Mình chả có thực nghiệm gì về Việt Nam, tiếng Việt cũng lọng cọng. Những hiểu biết của mình về kiến trúc là những gì đã học tại Pháp, sẽ vẽ những chương trình kiểu Tây nhưng chưa chắc đã áp dụng được tại Việt Nam vì phong thổ địa lý khác nhau. Dạo sinh viên, mình có nghiên cứu về những cách xây dựng của phi châu, các xứ nóng ở vùng nhiệt đới như Nam Dương, Thái Lan …
Năm ngoái mình về Việt Nam, ở nhà chị bạn, vùng Sàigòn Pearl gì đó. Nghe nói căn nhà hơn 1.5 triệu đô (vâng đô la) nhưng vào nhà là oải vì nóng. Kiến trúc thì cứ như tây nhưng không áp dụng cách xây dựng vật liệu cho hợp phong thổ ở Việt Nam. Nóng mà dùng máy lạnh thì cũng chỉ trong phòng, đi ra ngoài cầu thang là xem như vào lò lửa. Việt Nam chỉ copy lại nhưng không hiểu lý do vì sao người Tây phương xây như vậy.
Họ xây mái nhà hình chữ A vì có tuyết đọng trên mái nhà nên nếu để mái thấp sẽ nặng khi tuyết phủ, làm xụp mái nhà. Người việt mình lại bắt chước làm mái nhà kiểu tây, gặp mùa mưa thì nước chảy mệt thở. Vào nhà ở Việt Nam, là thấy bị ẩm ước vì cách xây dựng theo kiểu Tây nhằm chống lạnh vào mùa đông lại đem áp dụng ở Việt Nam là xứ nóng mệt thở. Đáng lẻ họ phải làm kiểu nhà sàn. Nhà sàn với cái mái phía trên có lỗ thông hơi được gió thông qua, phía dưới cũng có gió thông qua, giúp cái sàn và cái trần nhà thì sẽ giúp căn nhà mát liền, không cần quạt máy hay máy điều hoà không khí.
Cái nguy hiểm khi còn giữ tinh thần nô lệ da vàng, chúng ta như con thú ở trong chuồng, nay được thả nhưng vẫn cứ loanh quanh cái chuồng vô hình, sẽ cản trở chúng ta nhận thức ra cái tinh thần tự do, tự nhận mình cũng bình đẳng không thua gì với người da trắng. Ngày xưa đi học, mình thấy Tây đâu có hơn mình, thậm chí mình còn khá hơn chúng.
Người da trắng hiểu điều đó nên vẫn quảng bá, sử dụng tinh thần thực dân để bán hàng của họ. Họ thiết kế nhưng rồi kêu người da vàng làm, may vá để rồi bán lại cho người da vàng, kiếm tiền, thậm chí nhiều khi chính những nhân viên của họ, gốc da vàng vẽ. Các công ty thời trang tây phương giàu có lên là nhờ khách hàng á đông. Mình nhớ tiệm Louis Vuiton mà mình đi mua đồ dùm cho du khách nhật khi xưa bé xíu ở quận 8, nay nằm ngay đại lộ Champs Elysees, to đùng. Kỹ nghệ thời trang của Pháp hàng năm lên đến 150 tỷ Euro, và họ xuất cảng lên đến 33 tỷ Ẻuro trong khi thời trang của nước Ý đại lợi đã chiếm 17% GDP của xứ này.
Công ty Ralph Lauren với nhãn hiệu Polo, bán áo Polo quá phổ thông sau đó họ nghĩ thêm cách làm tiền nên chế thêm công ty Chaps, cũng quần áo đó nhưng chỉ bỏ cái hiệu Chaps vào là bán lời gấp đôi. Rồi khi giới Á Đông giàu lên họ cho ra đời công ty Club Monaco, bán giá trên trời nhưng người giàu có lại đâm vào mua, làm giàu cho người Tây Phương. Nhớ dạo ở Hong Kong, mình mua đồ về làm quà, thấy áo Lacoste bán ngoài đường, thấy rẻ đâu $1/ 1 cái, lấy lên thì hoá ra họ đưa mình cái áo và con cá sấu riêng vì sợ gắn vào thì bị bắt. Hôm trước đồng chí gái xem phim gì trên youtube, thấy người Việt ở Việt Nam, bận áo có cái logo to đùng như sợ người ta không biết áo Polo. Chán Mớ Đời
Vào những thập niên 60, Nhật Bản bắt đầu sản xuất xe hơi rẻ tiền, thiên hạ chê lên chê xuống nhưng họ vẫn tiếp tục, ngày nay xe của họ được xem là bền nhất thế giới. Thời trang Nhật Bản có những nhà thiết kế rất đẹp như Katsura, Tsumori, Kotsino,… người tây phương rất ưa chuộng nhưng người á đông thì chê.
Đạo diễn Akira Kurosawa của Nhật, người làm phim 7 hiệp sĩ đạo, được người tây phương ưa chuộng, phong là phim hay nhất của điện ảnh của thế kỷ 20 nhưng người nhật vẫn chê ông này.
Người á đông mà muốn thoát khỏi cái vòng Kim Cô, với định nghĩa cái gì của người tây phương là nhất, là tốt, là bền thì họ luôn luôn vẫn là kẻ nô lệ cho người da trắng dù họ đã trả lại cho chúng ta nền độc lập từ hơn nữa thế kỷ. Ngày nào mà người á đông tìm kiếm mua áo quần, đồ đạt do chính người á châu thiết kế thì lúc đó chúng ta mới có thể nói đến người á châu thật sự được tự do và độc lập.
Chán mớ đời.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn