Những Mảnh Tình Thơ Dại *

Những Mảnh Tình Thơ Dại *

"Ngày xưa tui mê bà chết bỏ luôn". Võ Hoàng Đa chỉ mặt Mai Thanh và nói lên những tâm tư thầm kín đã ôm ấp, cất giữ từ 40 năm qua. Đa chỉ mình và Hùng con cua nói: "hai thằng mày sướng chết bà đi du học, còn tụi tao ở lại khổ chết mẹ. Chắc là tại cái số! Sướng thì chết bà, khổ cũng chết mẹ." 

Mình sống ở hải ngoại gần 50 năm, sống ở nhiều quốc gia nhưng không thấy người ngoại quốc than là trời đã định đoạt số phận của họ trong khi người mình trong đau khổ, loạn lạc, chiến tranh đều nói "chắc tại cái số mình vậy" để rồi tự an ủi chấp nhận như bài giải của một phương trình có nhiều ẩn số. Nhị Anh có lần viết email nói học cùng thầy, cùng trường, cùng thời gian nhưng mỗi học sinh trong lớp đều có một cuộc đời khác nhau. Tên nào khá thì cái ẩn số (x) của phương trình được gán là có Phước Đức của ông bà để lại còn tên nào lận đận thì ẩn số ấy là kiếp trước vụng tu nên cái nghiệp nay còn nặng. 

Dạo về VN lần đầu nghe gia đình kể lại những gì xẩy ra sau ngày đi Tây. Thấy mọi người đều khổ, Sơn không muốn tìm gặp ai. Nước mắt Sơn đã tuôn " như hạt mưa sa trên ngọn cờ đỏ" của Trần Dần ngày nào, khi thấy mấy người em gái dù học giỏi nhưng "học tài thi lý lịch" không được học thêm, phải ở nhà đan len. Bây giờ khi nghe bạn Trần Ngọc Hiệp tâm tình, vì gia cảnh phải nghỉ học, thích hát nhạc thời học trò của Thanh Sơn như Nỗi Buồn Hoa Phượng đã khiến mình xúc động. Những thăng trầm, vất vả mà Sơn đã trải qua ở đất người để lấy được một mảnh bằng đại học thật không thấm gì với những hệ lụy mà bố mẹ và mấy đứa em phải sống qua trong thời ngăn sông cấm chợ, đánh tư sản, đổi tiền, bao cấp. Em út có đứa còn bị đày lên kinh tế mới để trải nghiệm thực tế, thăm nuôi ông cụ mình suốt 15 năm ! 

Có sống qua những kinh nghiệm, những thống khổ thì mới hiểu được những đớn đau. Mình cảm thấy xấu hổ khi gia đình gặp khó khăn lại không có mặt bên cạnh để lo cho em út. Nhưng nghĩ lại nếu không có Sơn tiếp tế từ bên Tây về chắc còn khổ hơn nữa. Mình như một "kẻ ngoại cuộc" đứng ngoài nhìn gia đình, bạn bè; những "kẻ thua cuộc", cắn răng chịu sự hành hạ của "kẻ thắng cuộc" như đoàn lữ thứ vô vọng đi trong đêm sa mạc. Trước 75, ban nhạc Phượng Hoàng có bài "mặt trời đen" như một đìềm xấu báo hiệu trước cho giới trẻ một cuộc sống trong tăm tối. 

Nhà văn Albert Camus từng nói về cuộc chiến tranh dành độc lập của Algerie, xứ sở của ông ta:" khi một số đông nhân danh công lý để tranh đấu thì vô hình trung tạo nên một sự bất công khác." Không lẽ lại lấy oán báo oán! Những mảnh đời đói rách như Hoàng Cầm, Hữu Loan hay Phùng Quán,.. Tôi thấy có lần trên bàn thờ của tác giả "những đồi hoa sim" có thờ chữ "Tâm" mà khi xưa ông Nguyễn Du đã từng nói " chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" gợi lên ánh sáng một con đường không hận thù, không muốn gây thêm một sự bất công nào dù là đối với kẻ đã hãm hại gia đình ta. Những lần về sau này, Sơn có đến thăm những gia đình CM30, họ là những người đã từng tố cáo gia đình Sơn, viết thư nặc danh để mong mỏi chiếm được căn nhà của gia đình. Họ là những người đã cướp hết tài sản của gia đình Sơn khi di tản. 

Sau này hết được trọng dụng, đến ngửa tay xin tiền thì gia đình Sơn vẫn giúp đỡ. Hai đứa con Sơn mỗi ngày sau khi đi bơi hai tiếng, đi lượm lon để đổi lấy tiền gửi tặng học bổng cho sinh viên nghèo ở bên nhà. Vào lễ Giáng Sinh, các cháu tham gia chương trình phát quà cho trẻ em nghèo bên Mỹ. Đúng vậy, bên này cũng có nhiều gia đình nghèo. Chính phủ cũng như những nhà mạnh thường quân có những kế hoạch giúp các em đi lên, hướng thiện và không gây hận thù, đưa các em thoát ra cảnh tăm tối của mặt trời đen. 

 Những ngày về lại Đà Lạt, mình có cảm tưởng như mọi người lên án mình, nên không muốn tìm gặp lại bạn bè xưa. Ngoài ra cũng vì sợ làm họ đau khổ thêm khi gặp lại một tên bạn Việt Kiều ở tây ở mỹ về. Có anh bạn học tên Đào Văn Quý ở Tăng Bạt Hổ, cạnh nhà Xí Rổ, một du đảng nổi tiếng một thời chém Đại Ca Thay ở Vũ trường La Tulipe, sau phải nhờ hai anh em Lai, Thái xin lỗi khi Đại Ca Thay đem đàn em từ Saigon lên lùng khắp nơi. Ngày xưa có dạo Sơn chơi rất thân với Quý, tên này học rất giỏi lại chăm chỉ, có ghé lại nhà thăm khi nghe tin Sơn về. Ngày nay chạy xe ôm, sau khi đi chăn bò lâm nghiệp một thời gian. 

Lần đó, trước ngày đi về lại Mỹ, Sơn chạy vội xuống Hồ Than Thở tìm Nguyễn Đình Tài vì sợ mất một cơhội nhưng không gặp nên chạy qua hẻm Ngọc Hiệp, kiếm Nguyễn Hùng vì biết tìm được tên này thì ra Tài. 

Nhưng không gặp ai cả, lại gặp ông thần Lê Hùng Sơn. Có chạy ra ấp Hà Đông tìm Ngô Văn Thủy nhưng cũng không gặp nên sau này về lại Đà Lạt mình cũng không tìm kiếm ai nữa. Có dạo tình cờ gặp lại Dương Quang Trí, kể về vài người bạn học chung xưa còn ở Đà Lạt nhưng Trí không vồn vã lắm nên Sơn cũng không liên lạc khi về những lần sau này. Khi gặp lại bạn cũ ở bên mỹ, Sơn đều nói cứ chặt 3 khúc, lấy khúc đầu (thời đi học chung) bỏ khúc giữa (thời sau 75) và giữ khúc đuôi từ nay về sau. Nếu không, bạn bè cũ gặp lại nhau sẽ không tránh khỏi sự so sánh về thời điểm 30/4 đến nay. 

Đa kể chuyện, nói chắc là cái số, dạo đang chuẩn bị vượt biển thì ngoài gia đình Đa ra vẫn còn có 3 chỗtrống. Một chỗ dành cho Nguyễn Trung Thiện còn một chỗ dành cho Mai Thanh. Anh chàng Đa chạy lên Đà Lạt để hỏi ý cô nàng dạo đó đang làm cho khách sạn Du Parc đối diện bưu điện, cạnh nhà thờ con gà. 

Hôm đó, Mai Thanh bận công việc nên không tiếp chuyện được. Đa bèn đi chơi với một anh bạn nhà bán mì ở Cẩm Đô. Anh này rủ thêm Liên, hàng xóm Ngọc Hiền và một cô bạn đi chùa Trúc Lâm. Anh chàng bán mì mê Liên nên đèo cô này còn Đa tiếp thu cô bạn. Đến chùa lạy Phật xin xăm, ông thầy phán cái xăm của Đa và Liên sau này lấy nhau sống đến bạc đầu. Anh chàng Đa đổi... đối tượng rồi bàn bạc với Liên chuyện vượt biển của mình và hỏi có muốn đi tìm Tạ Tốn với Đồ Long Đao chung không? Sau này khi tàu bè được bố trí hết thì Thiện lên Đà Lạt làm giấy tờ giả để đem Liên xuống Rạch Giá và lấy nhau đến bây giờ. Sau này khi Đa về VN làm ăn, tình cờ gặp lại Mai Thanh ở Vũng Tàu. Đa muốn khóc khi thấy cô nàng ở trong một cái nhà do nhà nước cấp nhưng ván đã đóng thuyền. Đa còn kể một thời đi dọn hàng cho H. 

Lúc sau khi về Saigon thì mỗi chiều đều đến thăm cô nàng, lâu lâu được người đẹp cho một chút xăng vì cô nàng dạo ấy bán xăng lẻ. Tương lai nhìn trước nhìn sau mịt mù nên đành gạt lệ đưa sáo sang sông. Kể xong thì anh chàng chỉ Phi Nga và Hùng Con Cua nói: "hai ông bà này ngày xưa nắm tay nắm cẳng hoài, thằng Ngô Văn Thủy nó căm thù mày!" rồi chỉ ma soeur MT nói về Nguyễn đình Tài.

Lúc đó mình mới nhớ lại cặp mắt của Nguyễn đình Tài như kẻ tội đồ, van lơn tên bạo chúa tha cho ma soeur khi mình hay Đa (bạo chúa) chọc Minh Trang. Tên này kín thật ! Mai Thanh lại nhắc những lần được ma soeur lái xe cho quá giang về vì nhà các nàng ở gần nhau. Sơn thì nhớ chuyện có lần đi thăm Minh Trang lần đầu ở hải ngoại với một đối tượng. Khi ra về em bảo: "bạn học của anh sao em thấy như bạn của má em vậy?" vì dạo ấy cô nàng đẫy đà như bà Phán trong Xuân tóc đỏ. 

Đến lúc mình nhờ MT đi hỏi vợ cho mình thì cô nàng bảo: "được, nhưng đừng có giới thiệu tôi là mẹ ông.:)))" Dạo này lên chức bà ngoại, đi hát hò, ốm bớt 17 kí lô nên đẹp lão ra. Minh Trang vẫn hay gây sự với thiên hạ nếu họ không làm vừa lòng mình, nghe cô nàng kể chuyện gây gỗ làm mọi người cười nắc nẻ. Đa quay qua MT và nói: bà này ngày xưa thường được gọi là "T sexy". T hỏi làm sao ông biết tui sexy? nghe bà con nói là đàn bà có lông tay thì sexy chớ có biết con mẹ gì đâu!. Đa tính khơi chuyện của Sơn nhưng Phi Nga nói không được, để dịp khác, vì có đồng chí vợ của Sơn ở nhà. Sơn vẫn còn cuốn Album hình của các đối tượng ngày xưa nên lâu lâu đồng chí gái mà giận thì cứ lôi cuốn Album ra kêu mấy bà đó sao ngày xưa khôn thế không rước của nợ đi để bà ấy lãnh. Nếu ai có bị hắc xì thì xin chắp tay cầu nguyện cho Sơn qua cơn hoạn nạn.:)))) 

Phi Nga kể về Tết 74, cả đám lấy xe Dodge Batman của ba Dương Quang Trí chở nhau xuống biển Ninh Chữ, Phan Rang. Dạo đó đi xa phải chở theo bình xăng để sau xe, vì ít có cây xăng ở dọc đường. Đến nơi thì bánh mì thịt đem theo bị bình xăng đóng nắp không kỹ đổ ướt hết nên không ăn được, làm cả đám đói meo râu. Sau đó thì xe lại bị lún trên cát, 4 thằng nhảy xuống đẩy xe ra bãi cát rồi chạy về Song Pha ghé cái quán bên đường giải lao. Mình nhớ băng trước có Trí lái xe, bên cạnh là Nga "chè Mây Hồng" rồi đến Bích Thủy và mình. Phía sau thì có Hùng Con Cua làm Kim Trọng ngồi giữa hai chị em Thuý Kiều (Phi Nga), Mai Thanh (Thúy Vân), Đa và Tài... Lâu quá rồi không nhớ hết, mình chỉ nhớ diễn viên chính thôi với mái tóc Beatles và cái bớt đỏ, hề hề. 

Đến phiên Sơn lái xe thì ông thần Trí rút tờ giấy chôm đâu một bài thơ đọc cho cả đám nghe, tuy hơi cải lương một tí nhưng rất phê. Phi Nga nói nhạc của Christophe hay đệm thêm lời tiếng Anh. Trong xe, mọi người ngồi bên cạnh "người yêu dấu", đều thả hồn theo mấy cuốn băng cassette nhạc trẻ, thổn thức khi nghe Christophe réo gọi những nỗi đau của những cuộc tình chớm nở qua bản "Mal" Mal, au fond du cœur, oui j'ai mal....đớn đau khi thấy mấy thằng "khốn nạn" có gan hơn mình nói chuyện với người mình "kết" hay không dám mơ tưởng vì nàng quá đẹp "elle était si jolie" của Alain Barrière, " elle était si jolie que je n’osais pas l'aimer,.... Những bản nhạc diễn tả đúng tâm trạng của les amourettes như Mai Thanh nhắc tới, hay Françoise Hardy vời vợi tous les garçons et les filles de mon âge se promènent dans les rues... Sau này mình vẫn nghe lại những bản nhạc này lại nhưng không bao giờ thấy xúc động như ngày ấy. 

Hùng con cua như một người trong coma 40 năm mới thức tỉnh nên chả nhớ gì cả. Sơn đã từng bị như vậy 

Biến cố 30/4 cùng với những hệ lụy của cuộc đời đã đi qua. Xin giữ những không gian và thời gian ấy làm kỷ niệm, kỷ niệm của một thời để yêu và một thời để nhớ. Không hiểu sao trong đầu Sơn vẫn nhớ bài thơ "Bastos Luxe" mà Dương Quang Trí đọc cho cả đám nghe 40 năm về trước. Xin ghi xuống để nhớ lại tình bạn và những mảnh tình năm xưa. 

Buồn những lúc cô đơn gối chiếc 
Ánh lửa tù đốt cháy cả tương lai 
Song cửa sắt ngăn đôi đời du đãng 
Tiếc làm gì khi mối tình ta tan v
Ôi dĩ vãng tương lai và hiện tại 
Sống làm gì với kiếp lang thang 
Lời hẹn ước năm xưa em còn nh
U sầu buồn hỡi cố nhân 
Xe hoa đón rước người em gái 
Em đã sang ngang lỗi hẹn thề

Nguyễn Hoàng Sơn 12 B