Bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng tư duy

Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Chức Năng Tư Duy *

Ngoài những sách mà thầy cô bảo đọc, để viết tiểu luận thì ít thấy mấy đứa con đọc sách khác. Mình mua sách, tặng chúng nhân ngày sinh nhật hay giáng sinh nhưng không biết chúng có đọc hay không. Thật ra, chúng học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm, bài tập liên miên, ngân sách giáo dục thiếu hụt nên thầy, cô giáo phải dạy nhanh cho kịp chương trình vì nghỉ hè sớm hơn 3 tuần. Lại thêm những sinh hoạt ngoại khóa, thể thao, hướng đạo,... chả bù lại khi xưa, mình học tà tà, đâu có bị stress như mấy đứa con ngày nay.


Ngày xưa, có tiền là mình qua đường Phan Đình Phùng, mướn sách của tiệm sách Minh Thu, để đọc nhưng phần nhiều họ cho thuê truyện kiếm hiệp, hay tiểu thuyết,... Tiệm này cũng ma đầu, một tập truyện, họ chia làm hai, làm 3 để cho mướn thêm tiền. Một bộ 12 cuốn thì họ chia thành 24, 36 tập nên kiếm tiền bạo. Dạo đó, có cái gì đọc cái đó, mượn sách của hàng xóm để đọc, nhiều khi phải năn nỉ, xin xỏ như ăn mày để đọc sách báo. Nhiều khi, mua đồ, người ta gói bằng giấy báo thì cũng giữ lại tờ báo cũ để đọc. Khi đói thì có gì ăn nấy, còn đói sách, đói thông tin thì vớ được cuốn gì là đọc cuốn đó, không có chọn lựa. Gần đây, mình có liên lạc được với 2 chị em hàng xóm, khi xưa hay cho mình mượn truyện để đọc. Xin cảm ơn hai bác đã chia sẻ sách cho em.

Sang Tây thì sách vở quá thừa thãi, mượn chả tốn đồng nào. Thư viện thì đủ loại; thành phố, khu mình cư ngụ, trong đại học, thư viện quốc gia, thư viện Đông Dương, nhiều khi còn thấy xe buýt thư viện, đậu cuối phố để những người lớn tuổi, ở xa thư viện, ngại đi bộ, lúc đó mới hiểu xứ người, chính phủ quan tâm nhiều về mặt tri thức của người dân, lo bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng tư duy cho nhân dân họ.... Thời gian này, hết đói sách như thời ở Đà Lạt, nên khi đọc thì chọn lựa kỷ càng chớ không hùm bà lằng, bú xua la mua như thời ở Đà Lạt. 

Sách về lịch sử nghệ thuật, kiến trúc thì phải đọc và đọc rất nhiều, mới khám phá ra người xây dựng các cung điện trong Tử Cấm Thành là người gốc VN, được triều đình VN, cống nạp hàng năm các nghệ nhân giỏi, tiền bạc và cung nữ cho nhà Minh. Mình mang mặc cảm với đám Tây đầm học chung vì sự hiểu biết của chúng quá nhiều; về hội hoạ, Triết học, Văn chương,... còn mình ngay cả Văn hoá VN, mình cũng i tờ mặc dù ở VN, so với đám bạn học chung thì mình đọc nhiều hơn chúng. Mình đọc như điên như dại, đọc đủ loại như chạy đua với thời gian. Đi Métro, đi xe lửa cũng đọc, đứng cũng đọc, ngồi cũng đọc, nằm cũng đọc như Lenin đã từng tuyên bố: "học , học nữa, học mãi".

Mang tiếng học trường Tây chớ mình cũng chả biết gì về Văn hoá, nghệ thuật của Tây. Học Triết năm cuối trung học thì nghe đến Socrates, Plato,... Nhưng có bao giờ đọc hay hiểu gì đâu nên khi qua Tây, phải mượn sách về môn này để đọc. Về Văn chương thì tìm đọc toàn bộ của Balzac, Emile Zola, Marcel Pagnol, Corneille, Molière, Racine, Jean Jacques Rousseau,... Mình là Phật tử nên không biết gì về Thiên Chúa Giáo nên phải đọc Kinh Cựu Ước, Tân Ước rồi luôn tiện Coran, Tora,... để có thể hiểu nền văn hoá "Do Thái- Thiên Chúa Giáo", khi xem một bức tranh hay hiểu ý của một ai khi nói chuyện hay đọc sách. 

Khi đứng trước bức hoạ The Judgement Day của Michelangelo trong nhà thờ Sixtine của Vatican, nếu không biết về Cựu Ước thì chỉ biết gục gà gục gấc như một du khách, làm bộ chiêm ngưỡng. Cứ nghe thằng tây hay con đầm nào nói về một cuốn sách hay tác giả nào đó là bò vô thư viện mượn. Tụi Tây có cái hay là tặng sách, cho bạn bè, con cháu vào lễ Giáng Sinh hay sinh nhật. Bên Mỹ, tặng sách thì chúng nhìn mình như bò đội nón. Nói chung dân chúng Mỹ ít đọc sách nhưng coi Tivi nhiều, lâu lâu gặp một tên đọc sách thì như đứng trước một bộ máy tri thức. Có lẻ vì vậy mà André Gluckman, một triết gia pháp tuyên bố; tất cả những nhà trí thức đều mơ ngủ với Susan Sontag.

Hồi ở VN, nghe nói đến Picasso và trường phái Lập Thể nhưng chưa bao giờ thấy một tấm hình của một tấm tranh của hoạ sĩ này trong khi con mình lên năm, trong lớp vườn trẻ, đã thấy cô giáo cho xem tranh của Cezanne,  Braque,...Thời sinh viên, đi viếng viện bảo tàng miễn phí nên cuối tuần là mình đi viếng mấy chỗ này mệt nghỉ, nhất là vào mùa Đông vì trong phòng không có lò sưởi. Lần đầu tiên xem được La Joconde, thấy nức nở nhưng có lẻ mình thích nhất bức hoạ Venus Des Isles của Sandro Boticelli. Mỗi lần, đi coi triễn lãm thì hay rũ một con đầm đi chung cho có bạn, để nó giải thích cho mình thêm vì mình i tờ về Văn hoá Tây phương.

Tuổi thơ mình lớn lên trong môi trường văn hoá khá hạn hẹp. Ông cụ mình học chữ Hán hồi nhỏ ở quê. Sau giải ngũ, có học thêm lớp ban đêm, chương trình chữ quốc ngữ nhưng chưa xong cấp tiểu học còn bà cụ thì chưa bao giờ đến trường, cho nên trong nhà tuyệt nhiên không có một cuốn sách, ngoại trừ báo chí. Thời đó, mình đói sách, đói thông tin nên khi mượn được cuốn sách là đọc ngấu nghiến, năn nỉ bọn hàng xóm để mượn báo Tuổi Hoa,... để đọc. Mình có mướn đọc hết các bộ kiếm hiệp của Kim Dung, Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sỡ Tranh Hùng,...còn tiếng tây thì mấy bộ Lucky Luke, Tintin,.... mượn của tụi bạn, không được bồi dưỡng bao nhiêu về mặt tri thức so với con mình ngày nay.

Sau khi ra trường thì chỉ đọc những gì mình thích, không còn chạy đua như xưa. Tìm đọc những tác phẩm lớn của các nền văn chương lớn, Ý, Đức, Nga, Tiệp Khắc, Hoa Kỳ... Mình rất mê lịch sử từ bé nên thích đọc về sách lịch sử rồi so sánh những tác phẩm được viết trong thời đại của lịch sử. Lúc đó mới tìm tòi đọc lại Illiad, Ulyssus,...mới hiểu Andromaque, Hector, Achilles,...mà ngày xưa mình có học ở chương trình tây. Nhờ vậy khi đi du lịch khắp nơi mới hiểu nguồn gốc, văn hoá của nơi viếng thăm,...

Con mình tuy ít đọc sách nhưng lại đọc sách có chất lượng, để tư duy đột phá. Ở cấp 2, thằng con mình đã đọc "người già và biển cả" của Ernest  Hemingway, để viết tiểu luận. Hôm trước, mình thấy cô con gái viết tiểu luận về MacBeth. Cô giáo bắt phải viết một kết luận khác với Shakespeare hay viết một kết luận "happy ending" cho King Lear,... Ngoài ra, cô giáo còn cho cả lớp coi cuốn phim "Ran" của đạo diễn Akira Kurosawa, đã mượn ý " King Lear"  để thực hiện cuốn phim này, nói về 3 người con trai của một lãnh chúa Nhật, có một kết cục khác. Lúc tiểu học, chúng đã học và đóng kịch "a midsummer night's dream"... Ở trường, thầy cô khuyến khích học sinh có những tư duy sáng tạo trong khi ở VN, thì phải nghe thầy cô. Những gì thầy cô nói là chân lý, không được phê bình, phán xét. Một cô giáo kể; có lần đánh vần sai, bị cô con gái mình nhắc thì cô ta cám ơn, khuyến khích học sinh. Ở VN thì chắc cô giáo cho ăn zero hay lấy thước khẻ trên đầu mấy ngón tay.

Sang Mỹ, quen Chị Chấn, quản thủ thư viện VN của đại học Harvard nên mượn đọc sách Việt thì thấy các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn đoàn không có gì đặc sắc so với các tác phẩm ngoại quốc. Mình chỉ nhớ có một cuộc hẹn hò ở nhà quê rất lãng mạn; không nhớ tên truyện, hình như do Khái Hưng viết; có cô gái đang ngồi quay tơ trong nhà, anh bồ đi ngang nhà, quăn một đóa Hoa Thiên Lý qua cửa sổ. Cô gái ngửi mùi hoa thì biết người yêu đang đợi, nên rời nhà ra chỗ hẹn. Mình có tìm đọc lại mấy bộ Kim Dung, Tam Quốc chí nhưng không đọc nỗi vì cách hành văn hơi quái quái nên không hiểu lí do ngày xưa mình mê đọc mấy feuilleton này. Vào tuổi con mình học về Shakespeare, thì mình học Đoạn Tuyệt của Nhất Linh thì bổng thương cho mình, cho bạn bè. 

Khi con mình được cô giáo khuyến khích viết đoạn kết khác cho những tác phẩm của Shakespeare, giúp học trò có tự tin một ngày nào, có thể trở thành một nhà văn, một khoa học gia,..sáng chế, đóng góp cho nhân loại, trong khi mình và bạn bè, chỉ ngồi nghe thầy giảng về hình thức. Tuy học Đoạn Tuyệt nhưng mình không có dịp đọc tác phẩm này, chỉ nghe thầy giảng về tác phẩm này. Không ai bình luận hay hiểu lí do tại sao Dũng lại thoát ly, không đáp lại tình yêu của Loan. Đến ngày nay, mình cũng không hiểu tại sao nhân vật Dũng lại không muốn lấy người mình yêu dù Thiên thời, địa lợi, nhân hoà có đủ, phải thoát ly đi đâu? Đi làm cách mạng?

Mình có tên bạn học khi xưa ở Văn Học, có lần kể về kinh nghiệm làm luận án tiến sĩ ở MIT. Hắn kể bị ảnh hưởng Văn hoá VN, "tôn sư trọng đạo" khiến hắn mất thì giờ khi làm luận án. Hắn cứ đợi ông thầy hướng dẫn cho phép hay chỉ thị làm cái gì cho đề án đến khi giáo sư hướng dẫn, bực mình, bảo là trong môi trường nghiên cứu, anh và tôi đều ngang nhau. Tôi chỉ hơn anh là người đi trước, còn trong lĩnh vực mà anh chọn làm luận án thì tôi cũng không rành. Hắn nói người VN mình hay Á Đông, sống theo tự cảm hay suy đoán theo giác quan nên viết các bài nghiên cứu theo giác quan thì bị thầy la. 


Trong khoa học, không thể chứng mình bằng giác quan thứ 6, phải viết, chứng minh 1+ 1= 2,... trước khi chứng minh một phương trình bậc 2 tương tự khi xưa học hình học Euclid thì phải đưa ra định đề là không gian hai chiều, nên mới có thể chứng minh hai đường thẳng, không song song thì sẽ gặp nhau tại một điểm. Vì trong không gian 3 chiều thì 2 đường thẳng, không song song nhưng nếu không nằm trên cùng một mặt phẳng thì sẽ không bao giờ gặp nhau, đó là chưa kể khi ta xét trên không gian 4 chiều, n chiều,...

Dạo công ty Intel xây dựng một nhà máy lớn ở VN, để sản xuất các chip thì họ có phỏng vấn các kỹ sư VN nhưng chỉ nhận được đâu 25 người, có khả năng để theo lớp đào tạo của công ty còn ngoài ra họ phải mướn các kỹ sư Ấn độ. Nghe nói VN ngày nay có 20,000 tiến sĩ nhưng hàng năm không có những công trình nghiên cứu nào để đóng góp cho nhân loại, thua xa cả Thái Lan, Kampuchia,... 

Dạo mấy đứa con còn nhỏ, mình hay kể chuyện cho chúng nghe vào buổi tối trước khi đi ngủ. Sau khi hết chuyện Tây, chuyện Mỹ thì kể mấy chuyện kiếm hiệp, Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc chí,.... mà khi xưa mình từng đọc cho ông bà ngoại mỗi tối. Thêm bớt, chế biến. Sau này khi chúng lớn, mình có mua Tam Quốc Chí, Tây Du Ký,.... dịch bằng tiếng Anh cho chúng đọc. Thằng con hỏi tại sao trong cuốn Thuỷ Hữ, các anh hùng hảo hớn, cứ gặp nhau là chửi đổng rồi vát gươm đâm chém người ta, một cách vô lối khiến mình suy nghĩ về các truyện cổ tích được kể cho tuổi thơ của mình. Khi lớn lên, mình được nuôi nấng trong vòng tay của xã hội, trong nền văn hoá, đề cao tinh thần anh em bốn biển, phải là anh hùng háo hán như trong Thuỷ Hữ cho nên ngày nay, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các cuộc nhậu, hò hét dzô dzô dzô, uống rượu như các hảo hán hay Lệnh Hồ Xung, rồi vỗ ngực bảo "Nam vô tửu như kỳ vô phong" trong khi vợ con đợi cơm. Ra đường gặp thằng nào không ưa là hỏi "mày kên tao?" rồi xúm nhau đánh hội đồng như trong truyện Thủy Hữ...

VN có truyện cổ tích cho trẻ em như Tấm Cám, tương tự bên Mỹ truyện Cinderella. Mình hỏi mấy đứa con, học được bài học gì về câu truyện này thì chúng bảo;" Be On Time." luôn luôn phải đúng giờ nếu không sẽ gặp nhiều điều không hay. Cô Bé lọ lem hứa là phải về trước 12 giờ khuya nhưng vì mãi mê nhảy với hoàng tử nên trể giờ. Tụi nó nói phải đối xử tốt với súc vật, chim thú hay người khác vì họ sẽ giúp mình khi cần. Làm việc phải có hệ thống, mới làm nhanh được,.. Cô bé lọ lem có sự chọn lựa, dù bị bạt đãi bởi người kế mẫu nhưng cô ta vẫn vui vẽ, không hận thù, trả thù,... Con nít học đừng lo sợ cái bề ngoài xấu xa qua Belle trong truyện Beauty and the Beast, vì sau bộ mặt xấu xí có thể có một tâm hồn cao thượng đầy nhân ái.

Mình nói cô con gái là các câu chuyện cổ tích đều có một đáp án cho phụ nữ; muốn giàu sang là phải lấy một Hoàng tử, coi thường vai trò người phụ nữ trong xã hội. Con có thể giàu sang mà không cần phải lấy Hoàng tử, chỉ cần chịu khó học hành, chăm chỉ làm ăn thì sẽ đạt. Sau này lấy chồng vì yêu người đó chớ không phải vì người đó mang lại một cuộc sống giàu sang. Trong xã hội canh nông, người ta trọng đến sức lực để làm việc đồng án, thêm người thêm của. Sinh thêm con trai thì sẽ có thêm người cày cấy, lao động để sản xuất trong khi phụ nữ không có sức mạnh nên vai trò của họ bị giới hạn trong nhà bếp. Thân phận của họ khi sinh ra đã an bài, lấy chồng sinh con, làm vợ nông dân nên giấc mơ của các cô gái ngày xưa là lấy được Hoàng tử để thoát cảnh nghèo nàn.

Qua truyện Tấm Cám, tuổi thơ mình học được căm thù, rồi trả thù vì người quân tử đợi 10 năm để trả thù cũng chưa muộn. Tấm và Cám là chị em cùng cha khác mẹ nhưng vẫn hãm hại, giết nhau thêm phần làm mắm, gửi cho mẹ kế ở quê ăn. Mình đoán là chuyện Tấm Cám, được dịch từ chuyện Cinderella, khi Tây đô hộ xứ mình nhưng tác giả thêm bớt, xào mắm thêm cho đúng khẩu vị người Việt. Tuổi thơ mình được nuôi nấng, hận thù đế quốc, căm thù phong kiến dù chả biết đế quốc là ai, phong kiến là gì? Nhưng phải học tập căm thù trước rồi sẽ tìm kẻ thù sau. Mình học phải biến đau thương thành một hành động cách mạng nhưng cách mạng là gì, không ai biết. Có lẻ vì vậy mà sau 75, cùng là người Việt, thay vì chung sức xây dựng đất nước sau mấy chục năm chiến tranh thì lại bỏ tù, hành hạ cả triệu quân dân, cán chính miền Nam. 

Tuổi Thơ mình học cách hại người vì quyền lợi cá nhân, khi nghe báo chí, ca tụng Tào Tháo, tàn sát cả một gia đình đã cưu mang mình, vì lầm tưởng họ kêu quân lính đến bắt mình, rồi tuyên bố: "thà phụ người còn hơn để người phụ mình". Cho nên mới có những trường hợp như bà Nguyễn Thị Năm, đem tiền bạc giúp Kháng Chiến, sau đó cán bộ đã từng ăn ở nhà bà này, lôi đầu người đã cưu mang mình ra bắn vì bà ta là cường hào ác bá, bóc lột tá điền, kẻ thù của nhân dân. Tác giả bài Thơ "Đồi Tím Hoa Sim", không thể phản lại người đã giúp ông ấy trong thời gian kháng chiến thì bị vùi dập mấy chục năm, sống bên lề cuộc đời. Ông ta lấy cô gái của gia đình đã cưu mang ông ta trong thời kháng chiến, cha mẹ bị đấu tố chết nay bị xã hội ruồng bỏ. Mình thấy ông ta không thờ Phật, thờ Thánh hay Thượng Đế, chỉ thấy chữ "Tâm" trên bàn thờ của gia đình.

Có những câu chuyện mà mình không dám kể cho con như Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. Không biết anh chàng này có bà con chi với Chử Nhị Anh? Anh chàng này nghèo rớt mồng tơi, có cái khố, bận cho cha khi liệm nên khi thấy có người thì anh ta nằm dưới cát để trốn, ai ngời khi công chúa ở Trần tắm thì lòi ra tên không khố. Thế là công chúa phải lấy Anh chàng nghèo cùng đinh vì anh ta đã thấy thân thể của cô nàng. Nghe kể có chuyện, cô nào đi qua suối, nhờ ông nào cõng nên phải lấy làm chồng vì Nam nữ thụ thụ bất thân. Cái này còn ác nghiệt hơn dân đạo Hồi.

Người ta đề cao tình bạn của Lưu Bình, Dương Lễ, bắt vợ mình làm ô sin, đi buôn đi bán để nuôi tên bạn nối khố của mình ăn học vô hình trung khuyến khích xã hội xem thường vai trò phụ nữ. Vợ mình chỉ là một ô sin để phục vụ cho mình, rồi cứ vỗ ngực bảo trai tài năm thể 7 thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng. Tài gì thì không biết, cứ chiều chiều là nhậu chết bỏ. Có thể khi nhà Thanh lên ngôi thì họ ra chính sách; khuyến khích người Hán uống rượu, để được gọi là một người Hán tốt, (Hảo Hán). Khi say thì còn mơ gì đến phục Minh, phản Thanh tương tự thực dân Tây cứ bán thuốc phiện và rượu cho dân An Nam để dễ dàng cai trị. Nghe kể ông Nguyễn Hải Thần ở bên Tàu, nằm gai nếm mật để đánh Tây bên cái bàn đèn của nàng phù dung mà hồi nhỏ mình được dạy ông ta là một nhà ái quốc, phải noi gương.

Người xưa hay nói; bệnh vào từ miệng, tương tự những gì mình cho vào đầu sẽ khiến ta trở nên lương thiện hay độc ác nên phải cẩn thận khi chọn lựa sách báo để đọc. Ngày xưa, học truyện Kiều, kể về cuộc đời một cô gái đến tuổi trăng tròn, mới phát hiện ra mối tình đầu sau khi đi chạp mộ về. Rồi vì chữ hiếu phải lấy chồng giàu để chuộc cha. Chắc ông cha của cô nàng, đánh bài thua cháy túi nên kêu Mã Giám Sinh gã để trả nợ. Không ngờ tên này là ma cô, bán lại cho Tú Bà, khiến Thuý Kiều phải mất 15 năm bán trôn để trả hết món nợ cho cha. Khi đã trả hết nợ, hiếu đã trả thì chỉ biết tự vận trên sông Tiền Đường.

Câu chuyện đó đã nhập tâm vào đầu óc của các thiếu nữ VN, nung nấu sự hi sinh cá nhân cho gia đình. Ngày nay, hình ảnh các cô gái lấy chồng Đài Loan, các cô dâu xứ Hàn, cởi quần, cởi áo cho người ngoại quốc xem. Họ là hiện thân của Thuý Kiều của xã hội ngày nay, lấy chồng ngoại dù xấu xí, tật nguyền nhưng bù lại có thể giúp đỡ gia đình có được một cuộc sống tương đối khá hơn về mặt tài chánh, trong khi các Nam tử, vỗ ngực trai tài năm thể 7 thiếp , biến mất trong các cuộc nhậu. Có người kể; một cô gái chỉ đám đàn ông đang ngồi nhậu bên lề đường, mồm nói thà lấy thằng ngu Đài Loan còn hơn lấy đám ăn hại này.

 Mình có cô em họ, ngoài quê. Chạy chọt đi lao động quốc tế ở Liên Sô nhưng lạnh quá, phải trở về kêu thằng em sang thế. Hai chị em đi làm, dành tiền gửi về cho ông chú họ xây nhà. Ông chú họ than, nếu chính quyền không ra chính sách hạn chế sinh đẻ thì ngày nay giàu to, cứ cho 10 đứa con sang lao động bên Liên Sô, gửi tiền về sống thỏi mái con gà tre. Sau này cô em họ xin ông bà cụ mình, cho ở nhà từ đường của ông bà nội, để chăm sóc nhà cửa, vườn tược vì ông chú họ bắt cô ấy lấy một ông già đáng tuổi bố nên không muốn ở với ông chú họ mình nữa.

Dạo mấy đứa con còn bé thì mỗi tuần mấy cha con dẫn nhau vào tiệm sách để đọc, vô thư viện mượn sách để đọc. Cứ mỗi lần đọc xong 10 cuốn thì được phát cho cái phiếu được một cái hamburger của tiệm In and Out, hay đến tiệm sách Barnes & Noble nhận một cuốn sách mới. Có dạo thành phố hết ngân sách cho chương trình đọc sách mùa hè nên mình có gửi ngân phiếu ủng hộ để nhớ ơn họ ngày xưa đã giúp con mình. Sau này, mấy đứa con tình nguyện làm hè trong thư viện của thành phố như để cám ơn những người đi trước đã từng giúp chúng. Khi làm đồ án của Eagle Scout thì thằng con làm cái quầy sách mới cho bà quản thủ thư viện và các kệ sách, lâu năm bị xệ xuống.

Có câu nói; "tất cả khởi đầu bằng tư tưởng, tiếp theo là hành động, hành động sẽ trở thành tập quán, tập quán sẽ thay đổi định mệnh của mình".


Sơn đen