Tìm về những vết chân xưa *


Mấy tháng nay, cuộc sống mình bị xáo trộn từ khi nhận được điện thư của Nhất Anh, kèm theo điện thư của Phi Nga. Từ cô nàng mình liên lạc lại được với Hùng Con Cua rồi từ ông thần này lại đưa mình về với nhóm học thời tiểu học và trung học ở Yersin. Mấy tháng nay cứ hết họp mặt với các bạn học xưa thăm viếng miền Nam Cali lại đến hội ngộ San Jose làm mình quên thời gian qua mau. Thật ra mình chỉ nhớ vài người còn lại coi như bạn mới khám phá ra.

 Mình không biết tâm trạng của ông Marcel Proust khi xưa ra sao khi viết những tập "à la recherche du temps perdu", mình cứ lần mò mấy tháng nay đi thăm lại thời gian xưa bằng hình ảnh mà mình tưởng đã chôn vùi từ khi rời Đà Lạt năm nào. Mình dò dẫm từng bước, xem từng bức ảnh, đọc từng email, nghe bạn học cũ kể về thời niên thiếu, thời học chung trước hay sau 75 để tìm lại chút dư âm ngày nào. Có người email hỏi có nhớ cô này, tên nọ thì những lớp bụi thời gian từ từ xoá bay đi, lộ ra bức tranh xưa, được vá chấp bằng những kỷ niệm của ai đó hay của chính mình.

Càng đọc thì bên tai lại nghe những âm vang của quá khứ từ đâu bay về. Chkhác là các nhạc phẩm được tải lên trên mạng khác với những nhạc phẩm mà thế hệ mình đã ưa chuộng, nghe trong "một thời để yêu và một thời để nhớ". 
Ảnh chụp của Bill Robie, từng tham chiến tại Đà Lạt 

Có lẻ các nhạc phẩm khi xưa không nói lên tâm trạng của chúng ta sau 40 năm bươn chải với nghịch cảnh, thân phận làm người Việt nên đã được thay thế bằng những bài hát buồn cho những cuộc tình lở, những ước mơ đã bị chôn vùi bởi thời gian. PMC khi xưa học chung với mình năm lớp 11 B, hay nói về ông Hoàng Đức Nhã trả lời tiếng Anh như gió với các phóng viên ngoại quốc, khen ông TT Thiệu đọc diễn văn bằng Anh ngữ khi công du ở Mỹ. Ngô Văn Thuỷ hay rủ đi thăm mấy ông thầy để mượn sách, nói về các loại hoa....

Nhưng không hiểu sao thấy hình mấy người bạn xưa, các thầy nhưng không dám liên lạc như sợ đánh vỡ tấm tranh xưa? Hỏi thăm vài câu rồi ai ai lại về với không gian, vị trí hiện tại của mình và tấm tranh xưa có lẻ sẽ vĩnh viễn xa rời trong tâm khảm của mình. Video clip My Rose được làm để quảng cáo cho hảng xổ số mà Nhất Anh gửi là bằng chứng của ước mong càng nhiều thì càng thất vọng bao nhiêu như bài thơ Hoang Vu của cô Vi Khuê

Mình nhớ khi xưa chị hàng xóm cho mượn cuốn truyện Dr. Zhivago của ông Boris Pasternak mà mình đọc suốt đêm để trả lại sáng hôm sau và được xem phim của đạo diễn David Lean ở rạp Hoà Bình vào những năm đệ tam. Cuốn phim này mình đã coi đi, coi lại không biết bao nhiêu lần trong suốt 40 mùa thu lá bay qua, bằng tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức rồi tiếng Anh. Mỗi lần đài truyền hình địa phương chiếu là mình phải coi dù ngày mai phải dậy sớm để lao động quang vinh. 

Mình rất mê phim của David Lean nhưng thích nhất vẫn là phim Dr. Zhivago vì phim này nói lên phần nào những gì gia đình và quê hương đã trải qua trong suốt 40 năm qua. Mình thích nhất cảnh Omar Sharif chùi bụi bặm đã đọng lại trên gương soi, chợp giật mình thấy mình già tương tự hôm nay khi mình cố gắng nhớ lại dĩ vảng của thời niên thiếu. Ông này như một người ngoại cuộc, ở xứ Ural, vùng chỉ có chó sói hú trong đêm đông dài, làm thơ không biết gì về tình hình vợ con, người yêu, xã hội đang trải qua các cuộc cách mạng, thanh trừng của đất nước.
Có tấm ảnh này, khiến mình thắc mắc đứa bé này còn sống tại Đà Lạt hay không. Hình chụp ngay góc Lê đại HÀnh và Thành Thái

Trong 40 năm qua, mình như một kẻ ngoại cuộc, đứng bên lề của những thăng trầm của quê hương xưa. Có lần một anh bạn hỏi một du học sinh lớn tuổi từ VN, quê hương là gì? ông này trả lời Quê Hương là nơi nào mình cảm thấy yên vui, không phải là chùm khế ngọt. Mình nhớ lần đầu tiên về thăm quê nội có sông Đà núi Tản, chùa Thầy mà mình thường được nghe nhắc đến trong sách. Đi qua những con đê để vào làng thì mình cám ơn ông cụ đã rời quê năm lên 17 tuổi vào Nam vì nếu không thì có lẻ ngày nay cuộc đời mình đã khác. 

Sống chung quanh các đống phân với đàn ruồi nhặng bay vờn như ma trơi. Căn nhà thờ tự không có cửa sổ từ mấy chục năm nay, không phòng tắm. Mình đem con về Đà Lạt thăm nhưng có lẻ trong thâm tâm, chúng đã thầm cám ơn Bố đã có ý tưởng rời Đà Lạt ra đi để chúng có một cuộc sống tươm tất hơn gia đình của các cô chú ở VN. Mình còn may mắn vì có cơ hội thăm hỏi, đưa ông bà cụ đi chơi bên Tây, bên Mỹ còn nói chuyện được. 

Mình có anh bạn gốc Quang Nam, sống trong làng trong thời chiến tranh, sáng thì quốc gia bảo vót tranh làm hàng rào ấp chiến lược, tối đến các ông kẹ về bảo nhổ đi, kêu làm tay sai mỹ nguỵ như chị Lệ Lý Hayslip kể và hát những bài sáng quốc gia, chiều cộng sản khi dự đám cưới của mình. Anh bạn mình có giấc mơ làm bác sĩ nên trốn vào Saigon ở trong viện mồ côi, làng Hoà Bình của Tây Đức thì có một ông Mỹ mến và bảo lãnh đem về Mỹ nuôi. 

Sau này ra trường y khoa, anh có về lại quê nhưng anh ấy đau buồn vì không nói chuyện, bắt nhịp cầu được với mẹ vì bà ta sống lên trong một môi trường khác đối với anh ta như một con thú được nuôi trong chuồng nên các thói quen, suy nghĩ khó có thể xoá bỏ. Anh về thăm nhưng không thể kể hay giải thích về cuộc sống của anh vì đối với người mẹ rất là trừu tượng. Mỗi ngày chỉ lo đi lượm củi để nấu cơm trong khi anh ta xây nhà, mua bếp ga, máy giặt,...cho gia đình ở VN nhưng bà mẹ vẫn sống theo thói quen từ xưa, chấp nhận một lối sống xưa, không thay đổi theo thời gian, không rời làng quê, nơi chôn nhau cắt rún.
Đường Phan Đình Phùng nhìn từ nhà thờ Tin Lành trên đường Hàm Nghi

Mình xa Đà Lạt 48 năm nhưng gia đình vẫn còn ở đó nên trở về thăm. Người xưa còn đó nhưng cảnh cũ đã thay đổi quá nhiều. Lần đầu mình về thì Đổi Mới bắt đầu nên cảnh cũ còn đó nhưng rất thê lương so với thời trước 75. Những lần sau này thì thành phố như một cô gái già kẻ môi tô son, trùng tu lại nhan sắc đã quá mùa xuân và giải phẩu thẩm mỹ rất thô kệch tạo cho mình một cảm giác khó chịu.

Mình chẳng bao giờ viết lách ngoại trừ thư từ cho bạn bè, người thân vào dịp cuối năm qua các thiệp chúc Tết nhưng mấy tháng nay bổng có nhu cầu, cần viết ra những gì lùng bùng trong đầu nhưng càng viết thì cơn lốc càng xoáy mạnh đưa mình về quá khứ với một tốc độ chóng mặt. Mình cứ viết rồi xoá rồi viết rồi xoá nhiều khi quên lưu trữ trong máy nên khi nhớ đến thì lại phải viết lại. Mình có nhu cầu viết để giải toả những hình ảnh chập chờn của quá khứ. Sau buổi họp mặt tại nhà mình với nhóm bạn thời Văn Học, mình có viết về hai chị em họ Trần, Ma soeur và những nhân vật khác trên cái IPad cũ rồi tự nhiên nó biến mất,...lục tìm trong iCloud cũng không thấy vì nó không cập nhất hoá được phần mềm.
Ga xe lửa Đà Lạt, thời mình đi tây là trụ sở hàng không Việt Nam 

Ngày xưa, mỗi lần nhận được thư nhà, mình hay nằm mộng bay về VN, bị công an lùng kiếm chẳng hiểu tại sao các Ác mộng trở về. Lo lắng không biết làm sao trở về mỹ. Khi thức giấc thì mừng hú vía, chỉ là ác mộng. Tại sao khi mơ về quê hương bỏ lại, lại toàn là ác mộng. Ôi quê xưa, biết bao giờ trở lại, Đà Lạt ơi thôi hết những ngày mưa. Hỏi bạn bè thì họ cũng có những giấc mơ ác nghiệt kia. Cô giáo dạy việt văn mình kể, có lần nằm ngủ, thấy bay về Sàigòn, đi xích lô để đi tây nhưng ông xích lô đạp rất chậm nên cô sợ Việt Cộng không cho đi nên nhảy xuống xe để chạy ra phi trường cho kịp. Tỉnh dậy mới biết bị té xuống giường, gãy xương. Chán Mớ Đời 

Mình thèm tô phở Phi Thuyền gần ga xe lửa, tô miến gà ở đường Trương Vĩnh Ký hay tô mì vịt tìm của bà người Tàu, cỏng con bán mì trả nợ cho ông chồng mê đánh bài, cạnh tiệm Luồng Điện của gia đình Trần Trọng Ân,...nhưng sau khi về thăm Đà Lạt lần đầu thì hết còn khắc khoải, những kỷ niệm của Đà Lạt từ từ được trả về miền quá khứ. Nay mình có hai hình ảnh Đà Lạt, một của thời học trò và một của những ngày vội vã trở về thăm gia đình, vội vã ra đi như sợ hải, trốn lánh Đà Lạt ngày nay như 1 đứa bé trốn lánh người kế mẫu, không thích con chồng.
Mình vội vã trở về Đà Lạt để hoà vào không gian của gia đình, vội vã ra đi

Cách đây vài năm bổng nhiên hai tên bạn thân nhất; một tên thời ở VN và một tên từ ngày sang sinh sống tại Mỹ không hẹn lại rũ nhau đi Tây phương cực lạc khiến mình tự hỏi về cuộc đời, chặng đường gần 48 năm xa đàlạt và tương lai đi về đâu nên tự dạo đó không thiết làm ăn, khác với những toan tính ngũ niên, thập niên, từng năm, từng tháng, từng giờ như lúc trước thì mình cảm thấy an tâm tự tại. Hàng ngày chở con đi học, xem con bơi, mình cảm thấy thoải mái hơn hay đi bộ với vợ sau cơm chiều. Lúc trước thấy chán vì phải nghe đồng chí gái giáo huấn nhưng nay thì mình vui vẽ nắm tay vợ đi như thời mới quen nhau. Có lẻ đó là những vết chân xưa mà thời gian đã làm mình bỏ quên hay vô tình không để ý đến. 

Sơn đen