Mực tím sơn đen

Mực tím Sơn đen

Cách đây đâu một tháng, anh chàng CNA bổng thay đổi vài trang của Mái Ấm Văn Học, nhất là trang về NHS. Là tiến sỹ khoa học nên hắn xếp theo thứ tự, phân loại về đủ môn, chi tiết rồi còn cho điểm từ A+ đến C, may quá không có F. 

Thật ra là các bài có tư tưởng đồi truỵ, phản động, có nợ máu với nhân dân thì đã được bà Sơ, uỷ viên chính trị về tư tưởng, đạo đức phê duyệt trước khi được cho lên mạng. Bài nào mà tố chất hay thì được ban trung ương chính huấn, hỏi mình rồi sửa hay cắt phéng. Mình thì chả để ý, cái đầu nó lùng bùng nên cần viết ra để thư giãn cái đầu, ai có ý kiến thì nghe, ai chửi thì dạ. Như tây đầm nói: "c' est la vie!"

Mình cả đời rất dốt về luận văn. Học trường tây không đọc sách pháp ngữ nên ngữ vựng Gaulois rất eo hẹp, lại không rành tiếng việt nên khi qua Văn Học, theo ban B, học toán chớ không dám theo ban C như đa số học sinh trường tây chuyễn qua. Viết thư cho nhà thì bị mấy đứa em la vì lỗi chính tả nhưng phải viết thăm hỏi gia đình.

Có lần đồng chí gái hỏi mình, không có bạn học xưa hay sao. Mình chỉ biết trả lời là có hai tên rất thân khi xưa, đã theo tây phương cực lạc. Nay còn một tên ở Quận Cam nhưng ít khi gặp vì hắn hay làm ăn ở Việt Nam thêm một cô học chung khi xưa thì bặt tin sau khi đi hỏi vợ cho mình. Có vài người như chị em họ Chử nhưng khi xưa không thân lắm, cuối năm chỉ gửi thiệp chúc Tết để tỏ lòng cố hương.

Cách đây gần 3 năm, bổng nhiên nhận imeo của Chị Cả, báo tin mới được tin của Fi Liên Xô, một nữ sinh ban C, có thời hay đi chơi chung với nhóm tụi mình, lại được biết cô em, sinh sống tại Việt Nam, sắp sang Cali, thăm ông bố. Qua hai chị em này, mình liên lạc được với Hùng Con Cua, Khương Đại Vệ của lớp 12B 73-74. Từ tên này lại tìm lại đám học chung ở Yersin khi xưa, khiến bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu, từ từ hiện về.

Từ mấy năm nay, mình bổng thèm biết về tông tích lai lịch của mình nhưng ông bà cụ ở xa nên không tiện hỏi. Những gì mình biết về ông bà cụ đều do người quen hay trong họ kể lại. Mình đoán con cháu sau này sẽ lâm vào tình trạng của mình nên bắt đầu viết nhật ký bằng anh ngữ đến khi mình viết imeo cho Chị Cả kể về những kỷ niệm khi xưa ở Văn Học thì cô nàng kêu mình nhớ nhiều hè, rồi khuyến khích viết tiếp, không ngờ viết khá nhiều trong suốt 50 tháng qua.

Hôm kia, anh chàng CNA, imeo hỏi vài tấm hình khi xưa rồi hắn gửi bản nháp pdf "Mực Tím Sơn Đen", gồm một số bài mà hắn nghĩ là quan trọng đối với hắn, tiêu biểu cho một số ký ức, nhận định về quảng đời vừa đi qua. Hắn sẽ gửi lên Amazon để in rồi gửi vài cuốn tặng thầy cô và bạn học khi xưa.

Thật ra thì cuộc đời của hắn, xét lại thì có khá nhiều mẫu số chung với mình. Bố hắn người Bắc như ông cụ mình, mẹ hắn cũng nói tiếng Huế rặc như bà cụ mình. Gia đình mình quen với gia đình hắn từ xưa, lúc mới vào Đà Lạt lập nghiệp. Ông cụ mình học lớp đêm, sau khi giải ngủ ở trường Thăng Long, Hiếu Học, ở đường Hai Bà Trưng do bố hắn làm hiệu trưởng.

Mình học chung với hắn năm cuối lớp 12 B ở Văn Học nhưng không thân lắm. Mình có nghị định được đi du học cùng ngày với chị em hắn và Hùng con cua, nên hắn và mình thuộc thành phần, không mục thị những ngày cuối cùng của VNCH rồi dòng đời đưa đẩy mình sang Hoa Kỳ, sinh sống, nhận làm quê hương thứ 3 sau nước Pháp, mình vẫn còn sổ thông hành của Pháp, Cộng Đồng Âu Châu dù đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ.

Gặp lại nhiều người bạn học xưa ở hải ngoại nhưng sự ra đi của họ khác với hoàn cảnh của mình, do đó những khắc khoải hơi khác nhau. Người đi khi di tản, người vượt biển, người đi đoàn tụ cho nên mỗi cá nhân đều mang theo những ký ức, trãi nghiệm về cuộc sống, suy nghĩ về quê hương khác nhau.

Những cái khắc khoải, suy nghĩ của thế hệ đi du học trước khi mất nước đều được hắn và mình chia xẻ. Có lẻ vì vậy, hắn bỏ thì giờ, sửa lỗi chính tả, gọt bớt những cái gì có thể gây hiểu lầm.

Tên này cũng có máu vác ngà voi. Sau 75, định cư ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, mấy chị em hắn phụ một số phụ huynh, mở trường dạy việt ngữ vào mùa hè cho con em gốc việt. Hắn viết sách dạy tiếng Việt, nay có làm hai cái app dạy tiếng việt cho điện thoại thông minh.

Như nhà văn Đức, gốc Lỗ Ma Ni Hertha Mueller, đoạt giải văn chương Nobel, từng nói: "quê hương là thứ người ta không chịu đựng nổi mà cũng không dứt bỏ nổi". Mình xa Đà Lạt, Việt Nam khi mới 18 tuổi đến nay gần 42 năm. Sau khi sống tại 6 quốc gia, 15 thành phố trên thế giới, mình tưởng đã bỏ lại Việt Nam trong quá khứ nhưng qua các cuộc hội ngộ với bạn học cũ, những ký ức thủa xưa bổng hiện về như hôm qua.

Hồi nhỏ, bị ông tây bà đầm bắt học Le Petit Prince của đại văn hoà Antoine de Saint-Exupery nhưng chả hiểu gì cả khi đọc đến "On ne voit bien qu'avec le cœur. L'essentiel est invisible pour les yeux." Khi mình viết, kể lại những gì mình đã kinh qua từ ngày rời quê Mẹ, cho con cháu sau này, nếu chúng đọc thì sẽ thấy trái tim của mình, không màu mè, đánh bóng quá khứ của mình vì "l' essentiel est invisible pour les yeux". 

Cám ơn Chị Cả, Anh Hai, Huyền Ma Soeur và các bạn khác đã khuyến khích và chỉ trích mình trong suốt 50 tháng qua trong cuộc hành trình tìm về vùng ký ức của quê hương và tuổi thanh xuân.

Ai muốn mua thì vào Amazon.com theo link 
https://www.amazon.com/Forty-Years-Van-Hoc-Dalat/dp/1522843841/ref=sr_1_1?keywords=Mục+tim+son+đen&qid=1575252520&sr=8-1

Ai muốn đọc cuốn “Mực Tím Sơn đen” thì theo cái đường dẫn này.


Nhs