Nhận thức #1


Hôm trước, có chị bạn email chửi mình xài tiếng Việt không đúng. Mình dùng cụm từ ”khủng hoảng căn cước” thì chị ta kêu sai, mình nói dùng “bản thể”, chị ấy kêu từ Việt Cộng. Rồi chị bồi cho một nhát cuối cùng là dùng từ “nhân cách” khiến mình ngọng, hết muốn học tiếng Việt với chị ta.

Tây hay gọi “Crise d’ identité » còn người Mỹ gọi « identity crisis » tương tự tây gọi « carte d’ identité » mà người Việt gọi là “thẻ căn cước” còn Việt Cộng gọi là “chứng minh thư nhân dân”. Hôm nào mình chế ra “khủng hoảng chứng minh thư nhân dân” cho có vẻ biện chứng xã hội học. Hình như Hà Nội đang cho thay đổi chứng minh thư nhân dân thành thẻ căn cước như Việt Nam Cộng Hoà xưa. Phải mất 50 năm để giác ngộ căn cước là căn cước. Còn “Nhân cách” thì tây gọi “personnalité ». Mình chế đại là khủng hoảng căn cước, còn một anh bạn học cũ thì gọi là khủng hoảng bản sắc.


Người Việt mình ra hải ngoại hay vướng phải vấn đề khủng hoảng căn cước hay bản thể. Những người lớn tuổi cảm thấy nếu theo dòng văn hoá của nước mình cư ngụ thì sợ phản bội lại văn hoá cha ông. Họ cứ đứng lừng khừng ở gạch nối Franco-Vietnamien hay Vietnamese-American kiểu tiến thoái lưỡng nan.

Ở Việt Nam, chúng ta chỉ có một cửa sổ văn hoá Việt để nhìn mọi vật xung quanh. Sau 75 thì kính của cửa sổ ấy bị dán lên một lớp màu đỏ được gọi xã hội chủ nghĩa. Mình về Việt Nam hay tiếp xúc người Việt có thời sống với Việt Cộng sau 75 thì lối nhìn của họ hay từ ngữ họ sử dụng qua màn kính được dán xã hội chủ nghĩa. Nói chuyện với mẹ mình thì bà cụ cứ kêu lúc ”Giải Phóng” trong khi người Việt ở hải ngoại, dân di tản thì kêu ngày “mất nước” hay “quốc hận”.

Lúc mình sang tây, thì căn phòng “cái tôi” của mình bổng nhiên có thêm một cửa sổ khác, tạm gọi là cửa sổ văn hoá “tây”. Trong thời gian đầu tiên sống tại pháp, mình bị khủng hoảng căn cước vì không biết nhìn sự vật, thế giới bằng cửa sổ nào, cửa sổ văn hoá Việt hay cửa sổ văn hoá tây. Nói cho ngay lúc ấy văn hoá Việt mình cũng không biết rành vì học trường tây từ bé, ngoại trừ hai năm cuối trung học. Còn văn hoá tây thì mình i tờ, phải bình dân học vụ từ từ.

Điển hình ở Việt Nam, mình được dạy là ăn phải cho hết, không được bỏ mứa, mang tội. Khi sang tây, đến nhà tây đầm mời ăn, mình cứ ăn hết phần dù đã no, chủ nhà lại tưởng mình còn đói nên múc thêm đồ ăn. Mình lại phải tiếp tục vét hết cái đĩa thức ăn. 
Thác Prenn ngày xưa

Dần dần, mình quen lối sống của Tây, nhìn ra cửa sổ văn hoá tây, xổ tiếng tây bú xua la mua, đến khi mấy người em vượt biển sang, thì mình không biết đối xử ra sao, kiểu Việt Nam như xưa còn ở nhà hay kiểu tây. Tương tự với người Việt tại pháp, không biết nói tiếng Việt hay tiếng tây với họ. Xổ tiếng Tây thì bị kêu là chảnh còn xổ tiếng việt thì bị kêu là mất gốc, nói tiếng Việt không rành. 

Sau đó đi làm việc ở Ý Đại Lợi thì trong căn phòng cái tôi của mình lại được trang bị thêm một cửa sổ mới tạm gọi là văn hoá Ý. Tuy là tây phương nhưng hơi khác với tây đầm. Quen với lối sống của người ý, mình trở lại Paris thì ngạc nhiên khi tiếp xúc đám bạn tây đầm. Bọn tây đầm gặp nhau là cứ bàn chuyện ăn uống rồi nói chuyện về sinh lý (histoire de cul).

Sau khi ra trường, mình đi dạy, làm phụ tá giáo sư ở đại học bách khoa Lausanne, Thuỵ Sĩ lại chới với với văn hoá của người thuỵ sĩ. Tuy họ nói tiếng pháp nhưng chậm hơn, mình quen cách dân Paris ăn nói nhanh và tiếng lóng. Sau đó mình đi làm ở vùng đức ngữ của Thuỵ Sĩ lại càng lộn xộn vì họ nói thổ ngữ của họ thay vì đức ngữ mà mỗi vùng lại nói khác nhau. Ở Basel khác mà lên Zurich lại khác. Sang Freiburg, cạnh biên giới đức, Thụy sĩ lại khác. Vùng này lại nằm cạnh vùng Alsace và Lorraine của Pháp, qua biên giới người pháp nói thổ ngữ của họ lại càng khiến mình ngọng thêm.

Sau này mình qua Luân Đôn làm việc, thì lại có một cửa sổ khác trong căn phòng cái tôi của mình. Một ngôn ngữ khác, 1 văn hoá khác nhưng nhờ mình đã sống tại nhiều nước nên dễ hòa nhập vào đời sống của người anh. Thật ra ở Luân Đôn, có rất nhiều người ngoại quốc sinh sống như người Ái Nhỉ Lan, Tô Cách Lan, người Tàu, Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, nói chung là dân các cựu thuộc địa của Anh Quốc nên tương đối dễ thở hơn. Nói chung ngoài cơm tàu ra thì mình ăn cơm Ấn Độ khá nhiều trong thời gian sinh sống tại xứ Anh Quốc này.

Sau này mình qua New York làm việc thì lại có thêm một cửa sổ trong căn phòng cái tôi của mình. Lại phải tìm cách hoà đồng theo lối sống của đời sống Hoa Kỳ. Sau này qua Cali thì lại khác nữa. Hoa Kỳ rộng lớn nên mỗi tiểu bang có lối sống đặc thù. Miền Đông và miền Tây Hoa Kỳ như hai nước khác nhau vì lối sống rất khác.

Có lần thằng con kêu bố không giống như bố của bạn con dù là người Việt khiến mình ngọng.

Trong cuộc sống, chúng ta sử dụng một cửa sổ để nhìn vấn đề hay giải quyết sự việc nên hay bị bế tắc. Nếu chúng ta cứ tìm cho mình nhiều cửa sổ khác sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề nhanh chóng, ít bị mệt mỏi về tinh thần.

Điển hình hôm qua, Khoa kêu mình giao thủ với Cường. Chúng ta có khuynh hướng là khi gặp một lực đẩy đến là tự nhiên, với phản xạ chúng ta bị động, tìm mọi cách chống lại cái lực ấy nhưng nếu chúng ta cứ từ từ nhận xét cái lực ấy ra sao rồi sẽ tìm được cách đánh tạt cái lực của đối phương từ một góc độ, một cửa sổ khác. 

Khi xưa, ai chửi mình là mình phang lại nhưng ngày nay, họ chửi thì mình từ từ nhận xét xem họ chửi đúng hay không đúng, rồi viết bài khác để nói lại sự kiện, không gây lộn xộn cho ai cả. Người chửi mình cũng bắt đầu nguôi như nước chảy qua cầu. Sau này mình chả để ý vì không có thì giờ, lo cái vườn đã hết thời gian trong ngày. Lại bị kêu chảnh (Lemon Question).

Khi mình giao thủ với Cường, anh chàng tìm mọi cách phản công lại ngay khi tiếp nhận được lực của mình thì cái lực anh ta bị gãy ngay vai, cùi chỏ còn nếu anh ta bình tỉnh thì thả người thấp xuống như cái bình nước lắng lực xuống, tạo dựng một cái đế rồi tạo lực để phản công từ góc độ khác thì sẽ đánh bật cái lực của mình rất dễ dàng. Cái tâm của mình không bị lay động nhất là hơi thở không bị đứt quảng.

Sáng nay mình tập Thái Cực Quyền thì Khoa chỉ cho mình thấy hơi thở hay bị đứt quảng khi tay của Khoa chận lại, phải thở đều dù tay đối phương chận thì mới kiểm soát được lực của mình khi giao đấu cũng như đi bộ hay làm gì sẽ không bị phân tâm.

Dạo này Khoa bắt mình tập đi Thái Cực Quyền với xu hướng này, rất oải nhưng nếu cố gắng tập sẽ giúp mình mài được hơi thở dài hơn và sẽ giúp nội lực mình bộ tiến mạnh hơn.

Trở lại vụ chị bạn kêu mình dùng từ ngữ sai. Cấm mình không được sử dụng từ ngữ Việt Cộng,… khi mẹ mình dùng cụm từ “giải phóng” là nói đến sau 4/75, xem như cột mốc trong đời mẹ mình như sau 45,… đâu có nghĩa mẹ mình là Việt Cộng nhưng vì sống trong căn phòng với tấm kính cửa sổ bị dán lên màu xã hội chủ nghĩa nên quen miệng nên dùng từ đó. Gặp cán bộ hay công an kêu ngày mất nước thì chúng cho đi tù. Lâu ngày thì thành thói quen.

Có anh bạn học cũ ở Đàlạt, rên với mình là mấy ông anh đi H.O., kêu anh ta sao lại treo cờ Việt Cộng. Anh ta kể đến ngày lễ thì công an, dân phố đi rao từng nhà, bảo treo cờ, không treo là có ý chống phá cách mạng? Ở hải ngoại, chúng ta có cái xa xỉ là có thể chửi bới đủ trò, chụp mũ thiên hạ, kêu người Việt tại Việt Nam là theo Việt Cộng,…nhưng nếu sinh sống ở Việt Nam, với công an khu vực và hàng xóm làm điềm chỉ thì sẽ thay đổi tư duy. 
Về Đàlạt, nói chuyện với em út, mình nói đi viếng Hung Gia Lợi, Tân gia Ba thì em mình, cháu mình nhìn mình như bò đội nón vì không hiểu xứ nào khi giải thích là Hungary và Singapore thì họ mới hiểu. Họ gọi Tân Gia Ba là Sing hay Hun-ga-ri là Hung Gia Lợi. Mình về quê thăm họ hàng rồi xin phép ra “phi trường” khiến ai nấy nhìn mình như ngỗng ị, may có cô em giải thích là “sân bay” thì mọi người mới kêu à lên.

Từ đó mình phải đọc sách báo Hà Nội để học thêm từ ngữ của họ, để có thể hiểu và nói chuyện với người Việt tại Việt Nam.

Dù muốn dù không, các từ tiếng Việt trước 75 sẽ dần dần bị quên lãng như một tử-ngữ, như tiếng La-tinh hay Hy-lạp cổ xưa. Ngày nay không ai sử dụng, ngoại trừ vài người nghiên cứu về văn chương hay sử học.

Mình thấy thiên hạ hay hội đồng mấy ông nào ở Việt Nam thậm chí ở Hoa Kỳ, tìm cách sửa đổi chữ viết tiếng Việt. Một ngôn ngữ cần phải được cập nhật hoá do đó người ta gọi là sinh-ngữ (langue vivante) khác với tử-ngữ (langue morte).

Mình nhớ lần đầu tiên sang Gia NÃ Đại chơi, vùng pháp ngữ, nghe người sở tại nói tiếng tây là mình ngọng vì họ dùng những từ rất cổ mà ngay tây đầm chính cống cũng lắc đầu, kiểu người Việt đi du lịch sang Hoa Kỳ chơi, ra Bôn Sa nghe người Việt di tản nói tiếng Việt trước 75 thì chắc họ cũng ngọng.
Có anh bạn kể là ông chú ruột từ bắc vào nam thăm gia đình anh ấy. Trong ngày thì ông chú kêu cách mạng đủ trò nhưng đêm về thì nói anh ta tìm đường vượt biển, vì khó sống, ông chú đã sống với chế độ từ 1954. Họ phải sống trong sự giả dối để sống. Cậu ruột của vợ, khi xưa đi theo Việt Cộng, tuỳ viên của Võ Đại Tướng. Câu nói đầu tiên với mấy người chị trong Nam là đi đi.

Về pháp hay Ý Đại Lợi, mình nói chuyện với bạn cũ, chúng kêu mày sử dụng từ ngữ cổ lổ sĩ của thời 30, 40 năm về trước. Mày nói thì tụi tao hiểu chớ con cháu tụi tao thì cứ như bò đội nón. Pháp-ngữ hay ý-ngữ là những ngôn ngữ sống đã thay đổi từng giờ từng ngày theo thời gian nhưng vốn liếng của mình về mấy ngôn ngữ này không tiến theo mà lại thụt lùi vì ít khi sử dụng nên quên cũng nhiều. Mỗi tuần lái xe, nghe đài France Inter hay France Culture hay xem phim cho đỡ nhớ. Mình nghĩ tiếng Việt cũng tương tự, đã thay đổi từ 45 năm qua trong khi tiếng Việt của người Việt hải ngoại không thay đổi, lại còn bị chụp mũ, cấm đủ thứ.

Khi nói chuyện hay truyền đạt, chúng ta cần làm sao cho người đối thoại hiểu. Gặp người trong nước hay sinh ra sau 75 thì làm sao bắt họ dùng từ-ngữ Việt Nam Cộng Hoà, mà ai sử dụng từ ngữ hậu 75 thì không thể đánh giá họ là Việt Cộng.

Chúng ta nên có thêm nhiều cửa sổ để nhìn người khác dưới các góc độ khác nhau để thông cảm và hiểu nhau hơn.

Binh sĩ mỹ sau khi trở về từ chiến trường thường hay bị bệnh “Post-traumatic Stress Disorder “. Một người được nuôi dưỡng bình thường trong một xã hội được xem là văn minh, nay phải ra trận, mục kích những cảnh giết nhau thậm chí họ cũng tự tay giết người. Bị ám ảnh cả đời.
Khiva, Uzbekistan 

Mình nhớ mua cây súng để bắn mấy con thỏ, nhảy rào vào vườn phía sau nhà mình, ăn hết cỏ khiến mình nổi khùng. Nhưng khi cầm cái súng nhắm con thỏ, thấy con thỏ nhìn mình ngơ ngác như hỏi sao mày bắn tao nên đành bỏ súng xuống. Một người Mỹ hay một ai bình thường trên thế giới không khỏi sót xa khi bị bắt buộc đánh đập hay giết người.

Trong vườn mình, mấy con sóc ăn bơ nhưng vì là sóc mỹ nên chúng chỉ ăn chút xíu rồi bỏ mứa, đi tìm trái khác ăn nên có dạo mình mua mấy cái bẩy chúng thì khám phá ra khi lọt vào bẩy thì đang đêm hay trong ngày mấy con cáo bò lại ăn thịt chúng. Nhiều khi thấy chỉ còn cái đầu hay da bị lột thấy tội lắm nên mình ngưng bẩy luôn. Kệ cho chúng ăn cho rồi, rắn hay coyote sẽ làm thịt chúng theo luật thiên nhiên.

Chỉ có những ai đã được quỷ dị (demonized) mới thản nhiên, đánh đập hay tra tấn hoặc bắn giết đồng loại mà không ray rứt lương tâm. Chán Mớ Đời

Nhs