Casablanca, một thời để nhớ

Đi Maroc *

Hè năm sau mình quyết định đi Maroc, Phi Châu nên sau niên học là chuẩn bị ba lô lên đường. Hồi nhỏ có coi phim L' homme de Marrakech ở rạp Ngọc Lan, sau này qua Tây có coi phim Casablanca nên cứ khắc khoải đi viếng xứ này cho thỏa chí.

Từ Paris mình đi xe lửa xuống miền nam đến Avignon, mùa hè thành phố này có festival về kịch nghệ nhất là để xem cái cầu mà hồi nhỏ mấy bà thầy dạy hát Sur le pont d'Avignon, on y danse,... Cái cầu này ngày xưa có 22 nhịp nhưng nay còn lại có 4 nhịp. Mình có ngồi bên bờ sông Rhône để vẽ thành phố cổ này mà thời Trung cổ là nơi các Đức giáo Hoàng cư ngụ sau này vì tranh dành quyền hành, chống đối Nội Bộ, bầu bán hai đức giáo hoàng một sống tại đây và một sống bên Ý ở Vatican. Dần dần nhóm ở bên Tây mất ảnh hưởng nên công giáo Tây Âu ngày nay chỉ còn một người đứng đầu của giáo hội nên các Đức giáo Hoàng sau này cư ngụ tại Vatican đến ngày nay.
````````````````````````

Thánh đường hồi giáo đẹp nhất Ma-rốc do một kiến trúc sư người Việt thiết kế. Mình có kể rồi

Dạo ông Hoàng đế Constantin của Đế Quốc La Mã dời đô về thành phố mang tên ông ở Thổ Nhỉ Kỳ mà sau này người hồi giáo đổi tên lại Istanbul rồi đến thế kỷ 11 thì Thiên Chúa Giáo bị chia ra hai phái; nhóm bị ảnh hưởng Văn Minh La Mã ở phía Tây Âu sau này du nhập vào VN. Phái kia bị ảnh hưởng của Văn Minh byzantine thuộc Đông Âu và Hy Lạp mà sau này mình có dịp thăm viếng để tìm hiểu thêm vì kiến trúc của âu châu bị ảnh hưởng sâu đậm bởi thiên chúa giáo cho nên kiến trúc Đông Tây khá khác biệt thêm bị chiến tranh lạnh chia đôi. Cuối cùng thì mình đã viếng vùng Đông âu, mấy năm trước.

Phong cảnh của vùng Vaucluse rất đẹp khiến mình ở lại thêm mấy ngày để vẽ và tối đi coi kịch ngoài trời hay nghe hoà nhạc. Mùa hè có festival nên giá cả rất đắt nên ngụ ở youth hostel. Tại đây mình lại làm quen được một anh chàng người Maroc ở Casablanca nên xin địa chỉ và hỏi tin tức du lịch bên Maroc và hứa sẽ ghé lại thăm gia đình hắn rồi đến thành phố Nîmes mà sau này mình có vẽ một đồ án Carré d'art ở đây khi làm cho hảng của KTS Norman Foster ở Luân Đôn. 
Ông Crabe tambour chở mình ra đây vẽ Aqua Đức này, đã trên 2,000 năm.

Mình ngụ lại nhà ông "crabe tambour" vì có một phim nói về cuộc đời ông này với tựa Le Crabe Tambour do đạo diễn Pierre Schoendoerffer thực hiện. Mình quen ông này qua hội cựu chiến binh Pháp mà lần đầu tiên gặp, ông khuyên mình lánh xa nhóm VN quen. Lý do là nếu tụ tập thì những người mất nước sẽ than vãn về quê hương xưa, gây ảnh hưởng đến sự học hành. Mình nghe lời ông ta nên tránh gặp mấy tên bạn quen từ Đà Lạt và sau này gặp lại thì mấy người bạn này đa số bỏ học đi làm. Ông này không có vợ con lại sống theo lối Á Đông, ông ta để móng tay dài như các quan VN xưa mà mình có xem trong các tài liệu của Pháp. Ông nằm ngủ trên cái phảng, cái gối gổ như cục gạch lỏm. 
Vào mấy cái souk (chợ) của dân địa phương rất đẹp

Nghe ông ta kể về các chuyến viễn du khi thời trai trẻ rất là vui, rồi dẫn đi viếng Pont du Gard để vẽ sau đó ông ta cho địa chỉ người cháu ở Marrakech để liên lạc khi tới nơi. Ông ta kể thời gia nhập OAS tìm cách ám sát tổng thống De Gaulle đã bỏ các thuộc địa nhưng không may ông De Gaulle không chết nên có cuộc thanh trừng của quân đội pháp dạo ấy rất lớn.  Sau này, ông qua đời nhưng mình biết tin trễ gần cả năm sau nhưng bạn bè quân ngủ rất kính nể vì ông ta sống theo lý tưởng bảo vệ quốc gia như các người lính không am tường về thời cuộc chính trị, không hiểu được là Pháp sau đệ nhị thế chiến, rất yếu về kinh tế nên tổng thống Charles De Gaulle phải bỏ các thuộc địa để xây dựng lại nước Pháp, bị tàn phá trong chiến tranh.

Hội cựu chiến binh cho mình học bổng nên hàng tháng mình đến nhận tiền nên thường được mời ăn cơm trưa ở câu lạc bộ nên hay gặp mấy người mà VN gọi là có nợ máu với nhân dân như tướng Raoul Salan mà lịch sử VN có thể khác nếu ông ta không bị thay thế ở chiến trường Đông Dương. Tướng Marcel Bigeard, người đầu hàng ở Điện Biên Phủ, giãi ngủ làm dân biểu cho vùng Moselle nên khi nào về Paris họp thì ông ghé lại ăn cơm ở câu lạc bộ cựu chiến binh. Bác sĩ Grovin cũng có mặt tại ĐBP, ông này mỗi ngày bơi một tiếng đồng hồ nên sau này mình bắt chước ông ta bơi mỗi ngày 1 tiếng. Mình có gặp ông Bob Denard, thường được gọi là đại tá, người lính đánh thuê khét tiếng, soldier of Fortune, nổi tiếng giúp các giới chính trị đảo chánh ở Phi Châu,... 

Nay ngồi nhớ lại mình cũng làm lạ là mình gặp những thành phần rất quái ở đời. Trong nhóm này mình phục nhất là ông Yves Gignac, tổng thư ký của hội, người viết cuốn sách Le Dragon d' Annam. Mỗi tuần ông này đều gặp ông Vĩnh Thụy để phỏng vấn, để viết dùm hồi ký của vị Hoàng Đế cuối cùng của VN. 

Cũng buồn ông này xài không biết bao nhiêu tiền của người dân VN, để ông ta sang Tây ăn học mà không biết ông vua này có đậu trung học hay tú tài không. Về già ông ta sống với bà đầm tên Monique thì phải. Ông ta nói tôi là vua nên không thể nào đi làm nên bà Monique đi làm nuôi ông ta. Nay về già mình cũng bắt chước ông này để vợ lao động Vinh Quang, nuôi mình.

Mình thấy ông vua Hassan II cũng du học bên Pháp cùng thời với ông Bảo Đại nhưng biết lo cho đất nước ông ta. Mặc dầu đất nước bị chiến tranh với quân Politsario nhưng xứ Maroc tương đối khá phát triển. Ông vua Hasan II kêu đại sứ Pháp đến gặp để than phiền các giáo sư Pháp, được cử sang dạy ở xứ ông, viết tiếng Pháp sai văn phạm,.. Ông Gignac không học hết Trung học, sau đi lính qua Đông Dương nhưng sự hiểu biết của ông ta về văn chương, lịch sử rất cao, ông ta đọc sách rất nhiều. Hà Nội không cấp chiếu khán du lịch cho ông này dù ông ta muốn sang thăm lại VN và mới qua đời năm ngoái.

 Dạo đó, dân Pháp còn hậm hực thù hận nhau vì trong thời Đức quốc xã chiếm đóng thì có người theo thống chế Pétain, đầu hàng và hợp tác với Hitler, có người thì theo đại tá De Gaulle kháng chiến chống lại Nazi tương tự VN mình sau 75 người ta ghét dân CM30. Nhờ đó mà VN có thể thắng trận điện biên phủ và dành độc lập vì quân đội Pháp ở Đông Dương rất yếu, họ nhờ Mỹ giúp đỡ nhưng Hoa Kỳ có mưu đồ khác. Có một điều lạ là nước Algerie và VN đánh bại quân đội Pháp để dành lại độc lập thì rất te tua sau bao nhiêu năm dành độc lập. Trong khi các thuộc địa cũ của Pháp được trao trả độc lập không tốn một viên đạn lại khá hơn. Dạo đó dân chúng vùng Magreb tôn sùng ông Khadhafi vì ông này dùng dầu hoả để cải tổ đất nước nhưng sau này bị thế giới cô lập hoá, chỉ có nhóm cận thần dốt kém cai trị mà ta thấy kết cuộc bị kéo lê lết từ ống cống.

Chúng ta bị truyền thông tây phương tuyên truyền nên nghĩ ông này là man rợ, trên thực tế, ông ta tuy là độc tài nhưng người dân yêu mến ông ta. Tình trạng hiện nay đã chứng tỏ ông ấy tốt, lo chăm sóc người dân của xứ Libya.

Rời Nîmes, mình đến Arles, quê hương thứ hai của hoạ sĩ Van Gogh rồi ghé Aix en Provence rồi Riez thăm một người bạn rồi thẳng đường xuống Sète để lên tàu thuỷ qua Maroc. Muốn đi  từ Pháp thì có hai cảng là Marseille và Sète nhưng vì ở lại chơi thêm với người quen nên mình trễ một tuần theo dự định của chuyến du hành nên mua vé tàu đi từ Sète thay vì ghé Marseille như dự định. Dạo còn bé mình mê đọc truyện của ông Marcel Pagnol nhất là cuốn Marius nên muốn ghé lại Marseille để xem hải cảng danh tiếng mà phim French Connection được quay tại đây nhưng đành khất lại lần khác.

Trước ngày đi mình ra đứng ở bến tàu để xem những con tàu ra khơi để hiểu tâm trạng của nhân vật Marius của ông Marcel Pagnol. Mình rất hồ hởi khi lên tàu để ra khơi lần đầu trong đời nhưng thực tế không như mình tưởng vì mới bước lên boong tàu là mình phải chạy đi nhà vệ sinh để ói. Hơi mùi dầu máy tàu làm mình nôn tới mật xanh. Mua vé rẻ nhất nên ngồi nơi ghế nhựa, vật vờn theo con tàu lênh đênh trên biển. Không dám đứng dậy vì sợ ói rồi ngũ vùi qua đêm khi món Bouillabaise ăn trước khi lên tàu đã được ói ra hết. 
Phim này xem ở rạp Ngọc lan, Đà Lạt. Mê cô đào này đến khi qua tây, thấy già kinh khủng . Chán Mớ Đời 

Sáng hôm sau thì lùng bùng, lềnh bềnh nói chuyện với một tên Tây ngồi bên cạnh. Tên này mới ra trường đi cooperant hai năm bên Maroc để dạy toán tương tự mấy ông thầy Tây trẻ ngày xưa sang VN dạy thay vì đi quân dịch. Bên Tây dạo đó, đàn ông phải đi quân dịch một năm còn ai có bằng cấp đại học trở lên thì có thể xin đi cooperant ở các nước có liên hệ ngoại giao, đa số là các thuộc địa cũ của Pháp. 

Mình có mấy tên bạn học xin đi dạy đại học kiến trúc ở Dakar, Senegal nên lúc đi trình diện quân dịch để khám sức khoẻ thì có ghi muốn đi cooperant nhưng khi được bác sĩ phỏng vấn thì muốn cho chắc ăn nên mình nói sinh sống trong chiến tranh VN nên ớn quân đội để ông bác sĩ cho mình đi cooperant thay vì đi tập quân sự, ai ngờ ông ta cho mình miễn dịch luôn nên đở mất hai năm.

Tên Tây cooperant nói có đem xe sang Maroc, rũ mình đi chung xuống Rabat, thủ đô của Maroc để bớt bở ngở nên mình vui vẻ nhận lời ngay. Tàu cập bến Tangier, hải cảng nổi tiếng nhất Bắc Phi thì đã thấy mấy tên á rập chạy theo lôi kéo ba lô của mấy cô gái Đức đi du lịch bụi như mình nên kêu lại đi chung với mình ra khỏi cảng rồi lên xe của tên Tây đi Rabat. 

Tới toà đại sứ thì có một con đầm thảy cho cái chìa khoá phòng của một chung cư nào của Pháp nên hai thằng bò về tắm gội. Cũng thảm lắm không có gì sang trọng, tên Tây ở tạm trong khi kiếm nhà thuê cho hai năm dạy học tới. Mình ở ké với tên Tây vài ngày vì căn nhà có thêm mấy phòng ngủ, dân cooperant chỉ sang khi gần tới nhập học. Hai thằng rũ nhau đi chơi, ăn uống. Tên này cũng mừng nơi xứ lạ quê người có một thằng mít nói chuyện cũng đỡ buồn. Qua hắn, mình cũng học thêm về Văn hoá Bắc Phi vì hắn phải theo học khoá tu nghiệp văn hoá bổ túc của xứ Ma-rốc, trước khi sang Maroc.
Nơi họ nhuộm màu da. Thối không thể tả.

Sau đó, mình đi thành phố Casablanca mà Humprey Bogard đã làm cho thành phố này nổi tiếng qua cuốn phim cùng tên. Mình nhớ trong phim Annie, khi cô bé Hemingway hỏi thì ông Woody Allen trả lời là chôm câu nói đó trong phim Casablanca. “Maybe not today, maybe not tomorrow, but soon and for the rest of your life.” Nói cho ngay, mình chưa bao giờ gặp lại mấy bà đì mình ngày xưa nên chưa có dịp xổ câu này như trong phom Casablanca. Chán Mớ Đời 

Tại đây thì mình liên lạc được với tên người Maroc gặp ở Avignon nên gia đình ăn mời lại nhà ăn cơm rất ngon. Họ làm mấy món rất lạ và rất ngon. Tên này nói ở đây có một kiến trúc sư người VN nên mình tò mò kiếm số điện thoại trong niên giám. 

Tên VN đều được dịch ra tiếng Á rập nên mình chịu thua, phải bò vào bưu điện hỏi niên giám bằng tiếng Tây cho người ngoại quốc đọc thì mới tra ra tên tuổi VN. Ông này mời tới công ty của ông ta chơi, mới khám phá ra ông ta là bạn học khi xưa với Hoàng tử Hassan ở Pháp sau này lên ngôi vua, rủ ông ta qua Maroc ở. Ông này người Nam, học ở Tây rồi chiến tranh VN nên không dám về nên qua Maroc làm được ông vua Hassan II giao cho xây Lăng của vua cha rồi vận động trường, tóm lại là các công trình quan trọng của thời đại vua Hassan II là do ông này thiết kế tương tự như Nguyễn An xây Cấm Tử Thành ở TQ. Ông này có kêu mình ở lại làm việc cho ông ta nhưng thấy trả lương rẻ quá nên cám ơn hẹn khi khác.

Sau đó mình lấy xe đò đi Marrakech. Xe đò thì tương tự như ở VN nên mình cũng quen, có dê, gà,.. trong xe nên khá hôi nhưng mình cũng không để ý lắm xem phong cảnh. Có vài người dân quê tò mò hỏi thì mình tếu bảo "ana magrebin lakin tekelem arabia" đại khái là tôi là người magreb nhưng không biết nói tiếng á rập. 

Vùng bắc phi châu gồm ba nước ; Maroc, Algerie và Tunisie thường được gọi là vùng của dân Magreb, giống dân này khác với dân vùng trung đông tuy có chung tôn giáo. Số người còn nói thổ ngữ berber thì cũng có một phần ở Lybia và Mauritanie. Thành phố Marrakech rất lạ, màu đỏ như trong phim L' homme de Marrakech, kiến trúc cũng khác lạ, dùng đất đỏ để xây tường làm mình nhớ đến nhà ông Chiếu, làm ở ty công chánh Đà lạt. Ông này người Huế, làm công nhân cho ty công chánh, chuyên đào đường cuốc đất, có lần mình ghé lại Nhà ông ta ở trên số 6, vách Nhà làm bằng đất đỏ còn mái thì lợp bằng rơm. Đất rất tốt về cách nhiệt nên xứ Maroc này dùng rất nhiều để giúp nhà mát vào mùa hè mà ấm vào mùa đông. 

Marrakech là thành phố lớn thứ 3 của Maroc, gần núi Atlas và sa mạc. Dạo đó quân kháng chiến Polisario còn hoạt động trong sa mạc Sahara nên du khách không dám đi. Mình hy vọng sau này sẽ đi thăm vùng này lại để viếng sa mạc Sahara. Vùng này của giống dân Berber là dân địa phương tương tự người thượng du của mình, họ sống rãi rác, chăn cừu, dê,... 

Xuống bến xe thì mình đang ngơ ngác sau mấy tiếng ngồi xe với dê, gà thì có một tên hỏi mình kiếm nhà nghỉ thì mình gật đầu. Hắn là cò nhà nghỉ nói lên xe gắn máy hắn chở tới nhà nghỉ rồi hắn đổi ý hỏi muốn về nhà hắn ở thì mình đồng ý. Nhà hắn ở khu lao động nên vách đất tương tự các khu gần cầu Trương Minh Giản. 

Hắn giới thiệu với gia đình rồi hỏi có thể cho mình ở lại thì bố hắn đồng ý. Họ quý mình nên sai thằng con nhỏ chạy đi ra quán mua chai Coca Cola mà mình thì không dám uống với đá nên chỉ xin uống nước trà. Tiếng của họ là "chai" chắc từ chà của tầu nhưng họ uống với đường và pha lá húng. Khi ăn thì đàn bà ngồi trong bếp còn đàn ông thì ngoài phòng khách, họ ăn bằng tay không có thìa. Ở Costa Mesa có một tiệm ăn maroc có tên là Marrakech được thiết kế như bên trong một cái lều, hàng đêm có Vũ nữ múa bụng cũng vui lắm nhưng vợ mình không thích đồ ăn của xứ này nên ít khi tới. 

Sáng hôm sau đâu 4-5 giờ sáng thì mình nghe phòng bên cạnh la réo rồi ngoài đường trên cái minaret, đài cao của nhà thờ Mosque hồi giáo. Ngày xưa thì có một tên có giọng khoẻ leo lên đó réo cả làng đi cầu nguyện nhưng ngày nay thì có loa nên họ chỉ mở máy kêu gọi giáo dân đi cầu nguyện. Nói tới cầu nguyện thì lúc đi xe buýt, tới giờ cầu nguyện thì tài xế đậu xe lại rồi trải chiếu bên đường để cầu nguyện. Hành khách cũng xuống cầu nguyện ngoại trừ mình và mấy con dê và gà. Mình đang thiu thiu ngủ vì trời nóng thì nghe phòng bên cạnh người ta la hét nên hoảng chạy ra thì thấy cả gia đình đang cầu nguyện.

Trong ngày tên chở mình về nhà dẫn mình đi xem các thùng nhuộm da đủ màu, đi vào Medina, khu phố cổ rồi đi tẩm quất kiểu Maroc trong hamam, nhà tắm của họ. Món đấm bóp này thú nhất vì người tẩm quất bẻ tay, bẻ chân nghe răn rắc. Vô trong mấy cái souk, chợ đầy nhiều mầu sắc nhưng kinh nhất là ruồi bu đen nghẹt các đùi dê cừu treo lủng lẳng như chợ Đà Lạt. Tại đây mình ăn món Tagine ngon nhất đời. Dân magreb có món ăn chính món couscous tương tự như kê của VN mình nhưng món này mình ăn ngon nhất là ở một tiệm ở Nanterre, ngoại ô Paris nhưng món Tagine rất đặc biệt của vùng này nấu công phu trong một cái lò đất sét hình ống. 

Mình ăn ngoài chợ, kéo cái đòn như ở chợ Đà Lạt, quét chấm với loại bánh mì của thổ dân. Mình liên lạc được với cháu của ông Le Crabe Tambour nên hắn mời về nhà ăn cơm. Tên này dạy học ở trung học theo diện cooperant, lấy vợ người bản xứ. Cô này than là ra đường đi với chồng, bị dân địa phương xem cô ta như gái Nhà thổ, kêu chửi như ở VN, người ta khinh các me Tây hay gái bán bar thời trước 75.

 Thật ra xứ này nghèo lại có tôn giáo rất khắc nghiệt với con gái nên người ngoại quốc sang đây thì mấy cô có học đều muốn chài, làm đám cưới để được thoát khỏi xã hội này. Họ khuyên mình là cẩn thận với đàn bà con gái ở đây vì nhiều cô khá đẹp. Ông vua Hassan II học bên Pháp về nên cởi mở, đàn bà con gái không bị bắt buộc đeo chatdor như các xứ ở Trung Đông. Ngồi vẽ thấy mấy cô đi qua lượn lại, nhìn mình nhưng không dám hỏi như gái ở Âu Châu, ngại ngùng tương tự như gái VN.

Mình lấy xe đò đi tiếp Fez. Thành phố này nổi tiếng về nhuộm vãi, da thú,.. Mình không biết ông Dante Alighieri khi viết Inferno trong cuốn La Comedia có tâm trạng gì nhưng đối với mình đi tham quan phố cổ của thành phố này để lại cho mình một ác mộng. Có lẻ hôm đó trời rất nóng vì mùa hè, đi trong chợ thì các màu sắc của gia vị xanh đỏ tím vàng rất là đẹp, ruồi bu đầy các miếng thịt treo trong chợ lại dốc nữa nên vác ba lô quá mệt, đầu óc mình quay cuồng với tiếng động, âm thanh khác lạ, tiếng nói của dân địa phương như cãi nhau khiến mắt mình mờ luôn nên bò về nhà nghỉ rồi hôm sau quyết định rút ngắn thời gian ở Maroc để về Tây ban Nha chơi.

Mình về lại Casablanca đúng ngày em của tên bạn mới quen ở Avignon làm đám cưới nên gia đình mời mình đến tham dự. Họ ăn bận cổ truyền, uống trà múa nhảy, đàn hát tương tự Flamenco nhưng không thấy ăn uống gì cả. Đến gần khuya thì nghe tiếng vổ tay, đám bồi ở đâu đem mấy cái khay lớn bằng đồng ra để trên bàn. 

Đồ ăn bốc khói thơm lừng lựng thì không ai bảo ai mọi người ùa tới chen nhau để lấy đồ ăn. Mình nhảy vào bốc một cái đùi gà thì thả ngay lại liền vì nóng quá, tự nhủ đợi một tí rồi ăn nên chỉ kiếm mấy cái củ cà rốt ăn tạm. Ai ngờ mới quay đi quay lại thì mấy mâm cơm sạch bách. Dân địa phương họ ăn quen bằng tay nên không sợ bị bỏng khiến mình đành ra chợ ăn couscous về đêm cũng thú.

Mình lấy xe đò đi cảng Tangier rồi qua Gilbratar rồi về lại Pháp bằng xe lửa. Nếu có dịp mình sẽ trở lại Maroc để đi viếng núi Atlas và sa mạc Sahara để hưởng cái thú nghe tiếng gió gầm thét như trong phim Lawrence of Arabia của David Lean. Sau này mình có sang viếng các xứ Trung Đông như Lebanon, Saudi Arabia để vẽ các ngân hàng và thắng một giải quốc tế thiết kế bộ xã hội của Saudi Arabia nhưng mình vẫn mê Marrakech vì cái màu đất đỏ và các màu sắc của thành phố.

Nguyễn Hoàng Sơn