Nhận thức #2

Tuần rồi, có một chị đồng hương Đàlạt ghé vườn mình lấy mật ong do người bạn nhờ mua dùm. Mình dẫn hai mẹ con đi viếng vườn một tị, thấy chị này mang giày cao gót nên chỉ dẫn đi một khoảng sợ gãy chân hay gãy giày lại khổ mình. Thấy chị ta ngạc nhiên khi vào vườn vì xung quanh là nhà và nhà nhưng bổng nhiên vào được một thiên đường bơ 20 mẫu, cây thả oxygen khiến tinh thần rất dễ chịu.

Chị ta không quen biết gì mình cả từ xưa đến nay nhưng vẫn đem quà giáng sinh đến tặng. Đúng là đồng hương số 1 của Đàlạt. Lần đầu tiên có người tới vườn mình lại đem tặng quà vì thông thường họ đến để hái bơ và quít nhãn hiệu Lá Bồ Đề. :)

Quên hỏi là ở xóm chị ta khi xưa, ở đường Hai Bà Trưng, khúc trường Đa Nghĩa, có một cô bé học trường Văn Học buổi chiều rất xinh. Đám con trai tụi mình cứ ngắm cô bé tuổi 13 như bài hát của ông Ngô Thuỵ Miên, phổ nhạc Nguyên Sa.

Mình mua cái vườn này với mục đích biến thành những căn hộ cho mướn hay bán nhưng không hiểu sao lại cảm thấy mến cái vườn nên thôi cứ giữ nó, có chút tiền còm mỗi năm lại giúp mình tìm lại đồng quê, thiên nhiên đúng hơn là tuổi thơ ngày xưa.

Ngày xưa, ở Đàlạt, gia đình mình có cái vườn mấy mẫu ở trong ấp Sòng Sơn, Suối Tía, trồng lê-guim, khoai ngô,… dạo ấy cuối tuần mình phải bò vào đem gạo cho thợ làm vườn nấu cơm. Nhớ lại mà thấy cực vì lội bộ từ Chợ Mới vào Dốc Nhà Bò rồi vào Suối Tía, chiều bò về nhà là oải, chỉ muốn ngủ. Tưởng mình đi tây thoát kiếp làm nông dân ai ngờ, cuối đời khi không lại mua cái vườn bơ để trở lại cuộc đời nông dân.

Cuộc đời làm nông rất cô đơn, khi xưa đi bộ vào vườn, từ đồn Quân Cụ, có cái bảng đề Ấp Sòng Sơn vào tới vườn mình cũng độ hai cây số. Một mình đi trên con đường đất bụi hay xình lầy tuỳ mùa khô hay mưa, có mấy cái am thờ người chết khiến nổi da gà. Vừa đi vừa khấn Phật nhưng con đường sao dài lê thê. Vào mùa lạnh như tháng 12, gió thổi mấy cây thông rào rào vi vu như tiếng hú của ai gọi hồn người chết càng khiến mình điên người. Kinh

Nay mình lên vườn cũng một mình, làm bạn với chim sóc, rắn chuông và cáo, chưa kể mèo rừng ngồi bất động canh mồi khiến mình xón đái. Thiên hạ hỏi sao mình chụp hình được mèo rừng và cáo. Chúng có sợ mình đâu, đứng kên mình như thách thức. Nay thì hơi sợ một tí nên có đem theo khẩu súng lục và GPS để lỡ có chuyện gì thì còn gọi cấp cứu.

Mình đi tây rồi bổng nhiên lao đầu học như điên, đi làm tứ xứ rồi lập gia đình, lo kiếm tiền mua sữa cho con. Mua nhà rồi đổi nhà, mua xe rồi đổi xe,… chúng ta lao đầu vào cuộc tranh đua với bè bạn, hàng xóm, đồng nghiệp để chứng tỏ cái tôi của mình và tự đặt cho đấy là thành công, đạt được mục đích của cuộc đời.

Chúng ta bị tha hoá, không còn bám rễ vào thiên nhiên đất trời nên lao đầu như những con thiêu thân vào các cuộc chạy đua đường trường đầy stress và ảo vọng. 

Bạn bè nhiều người cũng chạy đua như mình rồi một ngày đẹp trời thấy họ bỏ nhau dù khi xưa yêu thương thắm thiết, con cái lêu bêu, nay ở nhà bố mai ở nhà mẹ rồi nghe mẹ nói xấu “thằng bố mày” hay bố kêu “con mẹ mày”,… đưa đến khủng hoảng về bản thể.

Có lần anh bạn linh mục ghé nhà chơi, kể có con chiên điện thoại mời lên nhà, để cầu nguyện cho người anh bị ung thư. Bệnh nhân kêu con cảm ơn chúa đã cho con bệnh ung thư. Nhờ đó mà con có thì giờ nhìn lại cuộc đời, chạy theo đồng tiền. Con của con đó nhưng không biết nó nghĩ gì, con cứ đưa tiền cho nó xài như để mua tình thương của chúng.

Trong cuốn “ the 7 habits of highly effective people” mà mình được công ty gửi đi học, có nói đến câu chuyện dũa cái lưỡi cưa (sharpen the saw ). Hai người tiều phu dùng cái cưa để cưa gỗ. Một người thì cứ cưa từ đầu sáng đến chiều còn một người thì cứ lâu lâu, ngưng lại để mài dũa cái lưỡi cưa. Cuối ngày thì người mài dũa cái lưỡi cưa, đốn ngã nhiều cây hơn người cứ cưa hoài không nghỉ. Lý do là khi mài dũa lưỡi cưa thì sẽ bén hơn và cưa cây rất nhanh còn người kia không chịu mài dũa nên lưỡi cưa bị đùn nên năng suất thất hơn.

Lâu lâu chúng ta cũng nên ngưng như ông tiều phu, dũa mài lại, nhìn lại cuộc đời của mình để xem có đi đúng hướng hay không. Điển hình là chiếc máy bay, cất cánh từ Los Angeles đi New York. Trên tuyến đường bay thì sẽ gặp gió mưa hay bão tố, chiếc máy bay sẽ bị gió thổi tạt qua phải hay trái, dần dần sẽ bị trệch hướng New York. Do đó phi công cần có cái la bàn, máy định vị để điều chỉnh lại tuyến đường bay.

Tương tự chúng ta cũng cần có một cái la bàn để điều chỉnh lại công việc, bản thân, tạm gọi là tỉnh thức về cuộc đời thay vì hát “Khúc Thuỵ Du”.


Mình nhớ có dạo có ai kêu bán cho 5 mẫu đất, xây được 40 căn nhà. Xây xong thì mỗi căn có thể lời $100,000. Mình tính mua rồi xây nhưng nghĩ lại nếu xây thì phải chạy lên đó ở cả tuần, không thấy vợ con trong vòng 3, 4 năm. Sau 4 năm, có mấy triệu nhưng con không nhận ra mình hay mụ vợ lại chạy theo thằng khác nên bàn với vợ không thực hiện dự án này, có cơm ăn cơm, có hamburger ăn hamburger, không cần tôm hùm. Nay nhìn lại thì thấy đã quyết định đúng.

Có lẻ ông trời thương mình nên xui khiến ông mỹ réo gọi mình để mua cái vườn bơ, giúp mình có thời gian nhìn lại, xem rằng chúng ta không phải là Thiên Nhân (homo deus)  . Với khoa học, cuộc sống vội vã, chúng ta đã chạy đua để rồi quên sự liên kết của chúng ta với đất trời như khi xưa được học ở lớp việt văn “thiên đại nhân”, hay nghe ông Quản Trọng kêu “Thụ Nhân” phải mất 100 năm để trồng.

Có lẻ trong tương lai, mình sẽ xây vài cái chòi nhỏ để ai muốn trở về thiên nhiên, học tập khí công hay thiền, sẽ có cơ hội đến vườn mình học tập. Có lớp chỉ họ thiền và tập khí công. Trong tuần mình hướng dẫn ở Bôn Sa, cuối tuần lên đây hướng dẫn họ. Bác nào có biết những chỗ như thế này thì cho em biết để đi viếng, tạo cảm hứng để thiết kế Làng Bơ ma ze Sơn Đen.

Bạn bè hay người quen lên vườn mình chơi thì đa số chỉ nghĩ đến hái bơ hay quít hiệu Lá Bồ Đề, không một ai nghĩ đến thiên nhiên xung quanh, không khí trong lành do hơn một ngàn cây bơ tạo ra.

Hy vọng làm được cái Làng Bơ này sẽ giúp họ nhận thức ra thiên nhiên, liên đới với cuộc sống thường nhật của họ.

Em lên vườn sớm hôm nay vì có người mua 500 trái bơ và 30 bình mật ong. Hôm nay sẽ lao động mệt thở.

Nhs