Vì đó là ai


Cách đây đâu 6, 7 năm, mình nhận được email của một cô bạn học cũ Văn Học, nói có bắt được liên lạc với một người bạn khác rồi mình nhận được email của cô này. Nói chuyện với nhau rồi như chưa đã nên mình email kể vài chuyện khi xưa khi còn đi học chung trường. Mấy cô này hỏi còn nhớ gì nữa không thì mình kể tiếp. Ai ngờ cứ tiếp tục kể đến ngày nay.

Kể về Đàlạt khi xưa rồi họ hỏi mình khi ở tây rồi Ý Đại Lợi rồi Thuỵ SĨ, Anh Quốc rồi Hoa Kỳ,… một hôm mình nhận email của anh bạn học cũ, hỏi có cái hình nào ngày xưa, gửi cho anh chàng rồi mình lại thấy cuốn “Mực Tím Sơn Đen” ra đời. Anh ta lựa 100 bài tiêu biểu, chia ra phần Đàlạt, phần dế mèn phiêu lưu ký,…lại bỏ lên Amazon bán. Thật ra chả có lợi nhuận, nhà in lấy tiền cước và tiền in thôi. Đến nay chỉ có một cô bạn còm trên amazon về cuốn sách ấy.

Mình viết là để luyện tập trí nhớ của mình như “Defragment” bộ não của mình lại, do đó mình hay viết từ lâu trong nhật ký của mình nhưng bằng anh ngữ để con cháu, sau này có rảnh đọc như mình ngày nay thèm được nghe ông bà cụ mình kể chuyện thời xưa.

Bạn học cũ được tin nhau thì mừng, hỏi han lung tung về ngày xưa rồi sau khi thoả mãn ký ức thì Châu về hiệp phố, ai nấy quay lại cuộc đời thường nhật của mình, ít giao lưu thêm. Email cũng thưa dần.

Ngược lại mình lại nhận email của ai đã từng sống tại Đàlạt, kêu mình bỏ email của họ vào danh sách để khi nào mình có kể về Đàlạt thì gửi cho họ. Mình khám phá ra là có người đọc email của mình rồi chia sẻ với bạn của họ, dân cư Đàlạt ngày xưa. Có anh bạn kêu: “email của mày, tao đều gửi hết cho mấy thằng bạn quen dân Trần Hưng Đạo xưa”.

Cuối cùng mình bắt đầu bỏ lên mạng facebook để dân cư Đàlạt xưa và nay đọc. Mình khám phá ra là có nhiều người nhắn tin kêu là nhân vật mình kể dù viết tắt là ông nội, ông ngoại của họ và hỏi tiếp. Hoá ra thế hệ con cháu của mình cũng thích nghe kể về Đàlạt ngày xưa. Có người tìm tài liệu dùm cho mình.

Thông thường, mình hay viết tắt tên của nhân vật mình kể để giữ đời tư của họ. Lại có người còm trên facebook tên của bố mẹ của họ nên mình cập nhật hoá mấy bài viết, với những tin tức của họ. Lại có người khi nghe mình nhắc đến tên ai đó thì nhắn tin xin số điện thoại để liên lạc người thân hay bạn của họ ngày xưa, vô hình trung mình trở thành trung tâm tìm trẻ lạc của dân Đà Lạt xưa. Do đó mình viết tên rõ của ai mình nhớ để có người muốn tìm họ thì liên lạc trên facebook của mình.

Tuần rồi có cô nàng email hỏi có biết tên một cô khi xưa học chung với mình ở Yersin và Văn Học, nay định cư ở Toronto. Cái tên quen thì nhớ lại có một cô bạn học chung khi xưa, có nhờ mình tìm cho cô nàng hai người bạn cũ. Mình đã tìm được cho cô nàng một người hiện ở Sàigòn, hai người có liên lạc với nhau rồi. Nay tìm ra tin tức cô này thì email để cô bạn liên lạc mà hỏi.

Ngay chính mình, qua facebook cũng tìm ra được 5 chị hàng xóm cũ rồi chị của bạn học của mình khi xưa, khi họ đọc thấy tên của em của họ. Nếu không bỏ lên facebook thì chắc chắn sẽ không tìm lại được những người hàng xóm xưa. Tìm lại chú hàng xóm khi xưa hay dẫn mình đi ăn miến gà ở đường Trương Vĩnh Ký….   

Mình chỉ kể lại những gì thiên hạ kể hay mình đã mục kích nhưng sau 45 năm thì có thể sai sót khá nhiều nên cần có người hiểu rõ vấn đề nói lên để tạo nên một ký ức cộng đồng Đàlạt khi xưa. Sau này, có ai đọc về Đàlạt trước 75, có một cái nhìn rộng hơn.

Điển hình có anh nào đọc bài của mình kể về đại đội trinh sát 302 của tiểu đoàn Địa Phương 279 của tỉnh Tuyên Đức khi xưa. Dạo ấy, thế hệ mình con trai hay đập  lộn rồi đánh không lại thì hay kêu người quen là lính 302 như con cậu Liễu, bà con với bà cụ mình. Đại đội này nổi tiếng đánh Việt Cộng ở Núi Voi, bảo vệ an ninh cho Đàlạt, nên tỉnh trưởng Tuyên Đức thương lính của thiếu tá Phong. Ở rừng về, sống chết với Việt Cộng, để bảo vệ tự do, vào thành phố thấy thanh niên thế hệ mình để tóc dài, ăn chơi nên mấy người lính 302 đánh cho bỏ ghét. Ngày nay với cái nhìn của kẻ U70, thì mình có cái nhìn rõ ràng hơn nhưng dạo đó chỉ sợ lính 302 đánh.

Trong lớp 12 A, có một tên mê một cô rồi thấy một tên khác đứng nói chuyện với đối tượng của mình nên ghét, kêu đánh. Có tên bạn, nhảy ra can thì tên này kêu lính 302 đánh anh bạn khiến anh ta ra đường phải thủ trái lựu đạn. Mình chỉ nghe anh này kể lại vì khác lớp nhưng tụi này tập võ với nhau buổi sáng ở hãng cưa ông Xu Huệ.

Bạn học khi xưa thì có người nhớ, có người không. Về Đàlạt, gặp lại bạn học cũ, có người mình nhớ có người mình không vì khi xưa ít nói chuyện hay đi lại với nhau. Do đó có người nói nhớ mình nhưng mình thì lại không nên họ kêu mình là “chảnh”. Hôm trước có anh bạn gọi hỏi, có thằng Hoàng mới ăn ở tiệm tao xong, nói có quen biết mày nhưng mình thì ngọng, không nhớ. Có lẻ khi xưa, học chung trường nhưng phải hỏi thêm là tên gì họ gì, con ai thì hoạ may mới nhớ lại được. Lemon Question?

Có người học chung với mình khi xưa 2 năm 3ème và Seconde nhưng khẳng định là không quen biết mình. Mình thì nhớ hắn vì khi xưa trong lớp, hắn đối xử không tốt với mình, hay kêu mình ngu lâu dốt sớm. Trong lớp dạo ấy có hai tên học cực giỏi tên Nguyễn Trọng Việt và Đào VĂn Quý.

Mình có quen một tên ở gần xóm, ngay cái hẻm chỗ trường NỮ Công Gia Chánh, đường Hai BÀ Trưng. Khi xưa, hay đá banh với nhau mỗi ngày, mình có kể về hắn đề tên là Huỳnh Kim Sang đến khi gặp lại anh bạn ở Đàlạt khi xưa hay chơi với tên này thì mới khám phá ra mình nhớ lộn họ. Tên hắn là Huỳnh Kim Sang, nghe nói ở Texas. Mình có gọi điện thoại nhưng số đã bỏ. Hôm trước, có ai còm trên Facebook mình với tên Sang Huynh, khiến mình tưởng anh chàng này nhưng xem lại thì không phải. Cùng có người nhớ mình vì khi xưa hay đánh bóng bàn mỗi ngày với nhau, nhưng không muốn gặp nhau lại. Chỉ email hay nói chuyện điện thoại còn rũ đi ăn cơm trưa thì than bận. Cuối cùng thì mình cũng đã tìm lại Huỳnh KIm Sang, nay ở Houston.

Có người nhắn tin cho biết là em gái của một người bạn học cũ mà mình tưởng đã qua đời. Hoá ra anh ta chưa mất mà là người em út, em mình lại tưởng người em là bạn học với mình. Dạo em mình còn ở Đàlạt thì anh chàng hay gặp em mình và gửi lời thăm hỏi mình. Nghe tin anh ta chưa chết khiến mình mừng vì khi xưa, hai đứa khá thân vì bà cụ mình quen với bà cụ anh ta.

Đùng một cái có hai ông thần không quen biết, một ông ở hải ngoại, một ông ở Việt Nam, kêu là bỏ lên Facebook khó tìm lại những bài cũ của mình viết. Họ đề nghị với mình là để họ làm một bờ lốc mang tên “Mực tím sơn đen”, rồi họ cứ tuần tự bỏ lên bờ lốc nay đâu trên 800 bài, mình còn một số bài viết nhưng chưa gửi cho thiên hạ. 

Vụ này như anh bạn học cũ khi xưa, các sử gia hay nhà xã hội học cho rằng chúng ta ở thời đại “hậu tư bản”, người ta bỏ công làm việc không nhất thiết vì lợi nhuận mà vì sở thích hay có thể đóng góp vào cộng đồng. Biết bao nhiêu người trên thế giới bỏ công làm Wikipedia không công vì nếu tính về tiền bạc thì giá trị của Wikipedia là trên 3, 4 tỷ đô la, chưa kể nếu được quảng cáo như facebook,... hay lên YouTube, thiên hạ tải lên cách sử dụng nấu nướng, sửa chữa đủ trò, không công,...

Qua năm 2020, mình sẽ ngưng email cho thiên hạ vì phải lựa bài, lựa email để gởi nên hơi mệt. Ai thích thì cứ lên bờ lốc mực tím sơn đen hay facebook của mình. Phải đơn giãn hoá cuộc đời. 

Mình tính dùng RSS để khi nào mình tải bài lên bơ lốc thì tự động chạy lên trương mục Facebook của mình nhưng khám phá ra là email của bờ lốc và Facebook khác nhau nên không kết nối với nhau được nên phải làm thêm một lần để tải lên facebook. Ai thích thì họ theo dõi facebook hay subscribe bờ lốc.

Hôm qua, có một chị cựu nữ sinh trường Bùi Thị Xuân Đàlạt, hay đọc facebook của mình, có lên vườn mình để lấy mật ong cho cô bạn. Mình có gặp một lần, ai ngờ cô ta đem quà giáng sinh tặng mình chai rượu, và hộp sô cô la của See’s. Mình rất cảm động, bao nhiêu năm gặp lại đồng hương rất tử tế. Nói lên người Đàlạt rất hiền và tử tế với nhau. Chỉ có điều mình không uống rượu và không ăn ngọt. Chán Mớ Đời 

Nhs